Tuệ Sỹ trên ngõ về im lặng

Chao ơi ! Yêu thương nhau đã từ muôn triệu kiếp rồi, hỡi vầng trăng thanh thoát vàng hoa mộng như nàng thơ gầy yểu điệu, lặng lẽ chia phôi. Thôi buồn làm chi nữa phải không ? Thôi cứ thản nhiên để cho hồn thơ dệt phím nhạc ngàn đời những tơ đàn diệu âm trầm bổng ngát xanh huyền :

Tóc em bay trong sương chiều khói biếc
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng
Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút
Đến bây giờ mây trắng gởi tin sang
Hồn tôi đi trong rừng lang thang
Cọng lời ru từ ánh trăng tàn
Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan
Gót chân em nắng vàng xưa viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim

Trong tim hồn rộn ràng bao nhịp hát hoang sơ từ thượng cổ vọng về, nghe như điệu hát Trang Tử Tiêu dao du, bên bờ sông xa mù Dương Tử, hay như lời thơ ngâm nga của Milarepa trên tuyệt đỉnh ngàn cao Hy Mã Lạp Sơn chập chờn sương khói tỏa thiên thu hoặc như khúc hát nghêu ngao Phóng cuồng ca của Tuệ Trung Thượng Sỹ, trong cơn xuất thần nhập diệu, đại hòa điệu chơi cùng nhật nguyệt, thiên địa tuần hoàn.

Thế là, bát ngát bồng tênh trên ngõ về im lặng, tiếng thơ trầm hùng Tuệ Sỹ như ánh trăng huyền nguyên thủy, chiếu diệu xuyên qua ngút ngàn bóng tối vô minh làm bừng hiện rực ngời lên trên cung bậc ngôn ngữ thi ca đầy sáng tạo và sáng tạo tân kỳ như Tuệ Sỹ từ thuở thanh xuân đã nghe tận thần hồn : “Ngôn ngữ không còn là một hình ảnh héo hắt của Thực tại sai biệt và sai biệt. Nó không đi chơi vơi trên Thực tại mà đóng vai trò truyền thông như tiếng gọi từ trên một đỉnh trời Tuyệt đối vô tri, từ trên một đỉnh núi ngàn đời bất khả xâm phạm, luôn luôn thách đố bước tiến của con người. Nó đánh mất đi cái cụ thể nghèo nàn trong tầm mắt thường nghiệm của phàm phu để dẫn đến một chân trời rực rỡ của sáng tạo.”*****

Con đường mây trắng thênh thang sáng tạo đã vượt qua những mộng tàn năm tháng cũ, dù vẫn cỏn phảng phất chút dư hương của một thời đọa đày viễn mộng u sầu:

Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ
Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện
Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi
Trăng nằm xuống duỗi dài hai bến hẹn
Một dòng sông vồn vã động chân trời

Ơi chao ! Đã chia phôi, từ biệt cuộc ân tình nhân thế từ dạo đó, kể từ ngày như Nguyễn Du xa xưa từng chứng kiến giữa trần ai : “ Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nhà thơ Tuệ Sỹ cũng đi về theo thể điệu phiêu nhiên, quy hồi Vĩnh cửu với nụ cười sâu lắng vô nghì :

Khói ơi ! Bay thấp xuống đi
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
Ta đi trong cõi Vĩnh hằng
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa

Vĩnh hằng chẳng ở đâu xa mà ngay trong từng sát na hiện tại, ở đây và bây giờ, ngay trong tiếng ve sầu hay từng nhịp thở nhẹ nhàng giữa lòng phố bụi lao xao :

Ve mùa hạ chợt về thành phố
Khóm cây già che nắng hoang lương
Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ
Trên phím đàn lặng lẽ tan hương
Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương

Ngôn ngữ thi ca Tuệ Sỹ thường chứa nhiều ẩn dụ, tượng trưng hàm súc như vậy, chúng ta tha hồ suy diễn, lãnh hội, cảm nhận theo đủ cách điệu riêng tư của mình thôi. Đọc thơ là lang thang bước dạo chơi vào một thế giới diêu mang kỳ ảo vô vàn :

Một ngày chơi vơi đỉnh thác
Nghe bồn chồn tiếng gọi hư không
Giai điệu nhỏ dồn lên đôi mắt
Mặt hồ im ánh nước chập chờn
Mặt hồ im tảng màu man mác
Ảnh tượng mờ một chút sương trong
Quãng im lặng thời gian nặng hạt
Tôi nghe đời trong tấu khúc Thiên hoang

Tấu khúc Thiên hoang vang rền, đồng vọng trong tận đáy lòng Không tánh vô biên, khiến cho thi nhân tự mình thưởng thức diệu thường hương vị cô liêu của cuộc sống. Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì ? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thâm trầm ? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm âm thanh thánh thót, phiêu diêu, dịu dàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa ?

Trên ngõ về im lặng, nhà thơ Tuệ Sỹ uy hùng như một đỉnh núi cao, bạt ngàn mây trắng chập chùng hoa nắng trổ vô ngôn, chợt bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ : “ Một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ tát. Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữa cảm thức viễn ly và viễn mộng, vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại bi thơ mộng. Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương…

Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”

Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa diệu thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi.

Tâm Nhiên

Source http://vi.wordpress.com/tag/tue-sy
_____________

CHÚ THÍCH:

* Bùi Giáng. Đi vào cõi thơ. Nhà xuất bản Ca Dao, Sài Gòn 1969
** Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2008
*** Tuệ Sỹ. Thắng Man giảng luận. Nhà xuất bản Phương Đông, 2012
**** Tuệ Sỹ. Huyền thoại Duy Ma Cật. Nhà xuất bản Phương Đông, 2007
***** Tuệ Sỹ. Triết học về Tánh Không. Nhà xuất bản An Tiêm. Sài Gòn 1970
Thơ Tuệ Sỹ, trích trong 2 thi phẩm :
Giấc mơ Trường Sơn. Nhà xuất bản An Tiêm, Paris 2002
Những điệp khúc cho dương cầm. Nhà xuất bản Phương Đông 2009

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.