Vì hạnh phúc muôn loài

Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian này nhằm mục đích đem lại hạnh phúc an lạc cho muôn loại sinh linh, nhưng trước hết là cho nhân loại.

Mỗi năm hoa Vô Ưu lại nở một lần, những người con Phật sống dưới bất cứ phương trời nào, dù ngôn ngữ bất đồng, nhưng muôn triệu con tim cùng hòa chung một nhịp đập, hân hoan kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Từ Phụ. Hình ảnh của đức Thế Tôn là một bài ca bất tuyệt, giáo pháp của Ngài là ánh hải đăng chiếu sáng nghìn thu. Những pháp âm tại vườn Lộc Uyển, núi Linh Thứu thuở nào dường như còn vang vọng đâu đây. Pháp âm ấy tỏa khắp muôn phương, thấm sâu vào tâm hồn của những chúng sinh đang khát khao hạnh phúc và chân lý.

Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian này nhằm mục đích đem lại hạnh phúc an lạc cho muôn loại sinh linh, nhưng trước hết là cho nhân loại. Ngài đã từ bỏ quốc thành, thê tử, xuất gia tìm đạo là vì nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết của loài người, và những vô minh điên đảo của nhân thế. Mà một trong những mê chấp sai lầm gây ra biết bao thống khổ đối với dân tộc Ấn Độ lúc bấy giờ chính là chủ trương phân chia giai cấp một cách phi lý của chủng tộc Bà-la-môn. Do đó, sau khi thành đạo, đức Phật đã thuyết pháp chỉ rõ tính chất bình đẳng giữa các giai cấp. Những người Bà-la-môn chủ trương chỉ có Bà-la-môn là chủng tộc tối thượng, các chủng tộc khác là thấp hèn; chỉ có Bà-la-môn là giống da trắng, các chủng tộc khác là giống da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tộc khác là ô uế. Các Bà-la-môn là con chính thống của Phạm thiên, sinh ra từ miệng Phạm thiên, là người thừa tự đích thực của Phạm thiên. Đức Phật đã dùng nhiều ví dụ chứng minh, bác bỏ chủ trương ấy. Ngài nói: “Nếu người Bà-la-môn làm những việc phi pháp như ăn trộm hoặc giết người thì kẻ đó được gọi là tên trộm cướp, quân sát nhân, và danh xưng Bà-la-môn trước kia của y nay đã biến mất. Trái lại, nếu một người Thủ-đà học rộng, có phẩm chất đạo đức thì thiên hạ sẽ gọi người đó là vị học giả, nhà đạo đức, và danh xưng Thủ-đà trước kia của anh ta nay không còn nữa.”

Đức Phật không những chủ trương xóa bỏ giai cấp mà Ngài cũng không chấp nhận chiến tranh. Ngài không cho rằng dùng chiến tranh có thể giải quyết được những mối tranh chấp. Ngài nói: “Kẻ chiến thắng nuôi hận thù, kẻ bại trận nhận lấy đau khổ”. Thế nên: “Dùng hận thù thì không thể dập tắt được hận thù, chỉ có dùng tình thương mới dập tắt được hận thù”. Bởi vì, bạo động sẽ tạo ra bạo động, đó là quy luật nhân quả tất yếu. Để cảnh tỉnh thái độ tự phụ, tự đắc của một vị tướng lĩnh vừa thắng trận trở về, đức Phật nói: “Một người có thể cướp đoạt của cải của người khác…, nhưng khi bị cướp, người kia sẽ tìm cách đoạt lại những gì mình đã mất, và cứ như thế, cướp bóc, chiếm đoạt sẽ tái đi tái lại không bao giờ chấm dứt. Ngày nào quả xấu chưa đủ nhân duyên chín muồi thì kẻ ngông cuồng sẽ nghĩ rằng: “Đây là một dịp may, thời cơ đã đến với ta.” Nhưng đến khi ác quả đã chín thì kẻ ấy sẽ chịu khổ đau: Người sát nhân sẽ bị trừng phạt, kẻ vô lễ sẽ bị nhục mạ, người thích làm phiền sẽ bị phiền nhiễu, kẻ cướp sẽ bị cướp đoạt, đúng theo quy luật nhân quả trả vay.”

Đối với luật pháp, đức Phật chủ trương rất rõ ràng, Ngài không tán thành dùng hình phạt để diệt trừ trộm cướp. Vì bọn cướp này bị trừng trị thì bọn cướp khác lại nổi lên. Muốn cải tạo xã hội, làm cho dân chúng no ấm thì phải thay đổi chính sách kinh tế, tạo công ăn việc làm cho mọi người, xóa bỏ nạn thất nghiệp, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Đức Phật đã khuyên vua nước Ma-kiệt-đà áp dụng những chính sách rất thực tế: “Này Đại vương, những người nào trong quốc độ của Đại vương mà chuyên tâm về canh nông và mục súc, Đại vương hãy cung cấp hạt giống và súc vật để họ canh tác và chăn nuôi. Những người nào chuyên tâm về thương nghiệp, Đại vương hãy cấp vốn để họ đầu tư. Những người nào chuyên tâm về hành chánh, Đại vương hãy cấp lương bổng cho họ đầy đủ. Nhờ vậy, những người ấy sẽ chuyên tâm vào công việc của mình, và do đó, họ không làm rối loạn quốc độ của Đại vương. Bấy giờ, quân sĩ của Đại vương sẽ hùng mạnh, xã hội sẽ ổn định, dân chúng sẽ hoan ca hạnh phúc trong một đất nước thanh bình và thịnh vượng.”

Có những Du sĩ ngoại đạo thích tranh luận, dùng ba tấc lưỡi trườn uốn như con lươn, bàn về những vấn đề siêu hình viễn vọng, họ đến chất vấn đức Phật:“Thế giới là thường hay vô thường? Hữu biên hay vô biên?…” Đức Phật đáp: “Ta không trả lời những câu hỏi ấy. Vì chúng không có những giải đáp dứt khoát, không nhắm đến mục đích giải thoát, không liên hệ đến chánh pháp, không phải là căn bản cho đời sống phạm hạnh, không đưa đến xuất ly…, đạt đến thắng trí, giác ngộ. Trái lại, chúng chỉ tạo ra hý luận, đưa đến tranh chấp vô ích, gây nên phiền toái và ưu sầu.” [Trung Bộ Kinh II, tr .486]. Và sau đây là những gì đức Phật trả lời: “Dù thế giới này là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v… thì cuộc đời này vẫn có sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; mà pháp Ta thuyết giảng là nhằm mục đích chấm dứt khổ đau, giải thoát sanh tử, đạt đến an vui vĩnh viễn.”

Tìm hiểu những vấn đề không thực tế, chú tâm vào những biện thuyết suông không đi đến đâu cả. Vì kẻ này chủ trương vấn đề này thì người kia đề xuất vấn đề khác chống lại, rốt cuộc, không ai chịu ai, chỉ đưa đến phân hóa, xung đột và tiêu diệt lẫn nhau. Do đó, đức Phật nói với các đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, những Bà-la-môn, Phạm chí này thuộc về những đạo giáo khác, họ có những quan điểm khác, chủ trương khác, niềm tin khác. Họ không biết đâu là mục đích, đâu là phi mục đích, những gì là chánh pháp và những gì là phi pháp; vì vậy, họ luôn luôn tranh cãi lẫn nhau.”

Mục đích trên hết mà người Phật tử chân chính theo đuổi là diệt trừ khổ não, tháo gỡ mọi xiềng xích trói buộc do tham ái si mê tạo nên, trước cho bản thân, và sau cho người khác. Công việc này phải thực hành ngay trong hiện tại, phù hợp với trình độ và khả năng của mỗi người – Từ trong cảnh vô thường con người có thể tạo ra Niết-bàn thường tại.

Đức Phật ví mình như đóa hoa sen mọc ra từ trong nước nhưng không dính nước. Ngài nói: “Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh chấp với thế gian, chỉ có thế gian tranh chấp với Ta. Không có người nào theo chánh pháp mà lại tranh chấp với thế gian… Nhưng này các Tỷ-kheo, có những chân lý ở ngay trong thế gian đã được Như Lai thể nghiệm và chứng đạt. Sau khi chứng đạt, Như Lai công bố, giảng dạy, khai triển, phân tích làm cho sáng tỏ… Này các Tỷ-kheo, cũng như bông sen xanh, đỏ hay trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nuớc, nhưng vượt lên khỏi nước và không bị nước dính ướt. Như Lai cũng sinh ra trong thế gian, trưởng thành trong thế gian mà không bị thế gian làm cho ô nhiễm.” [Tương Ưng Bộ Kinh III, tr.138-140; Tăng Chi Bộ Kinh II, tr.33-39]

Đạo Phật tùy duyên nhưng bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên. Phật giáo bao giờ cũng xem con người là đối tượng cần được giáo hóa. Nhờ tuệ giác đã chứng được, đức Phật thấy rõ mọi nỗi khổ đau của con người cũng như các nguyên nhân đưa đến tranh chấp đều do tham, sân, chấp ngã mà ra. Vì vô minh che khuất, con người đã xem thân năm uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức như là tự ngã kiên cố. Đức Phật dùng phương pháp phân tích vấn đáp để phá ngã chấp cho đệ tử. Ngài dạy: “Này các Tỷ-kheo, bất cứ Sắc pháp nào, quá khứ, hiện tại hay vị lai, trong hay ngoài, lớn hay nhỏ, cao hay thấp, gần hay xa cần phải dùng trí tuệ như thật quán sát: Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta. Đối với Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng làm như vậy. Khi chân chính quán sát như thế, các ngươi sẽ nhàm chán đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do nhàm chán nên không tham ái; do không tham ái nên được giải thoát. Trong khi giải thoát, người ấy thấy rõ: Ta đã giải thoát. Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong, hết đời này không còn có đời sống nào khác nữa. Người này được gọi là người đã dẹp bỏ các chướng ngại; đã lấp đầy các thông hào; đã nhổ lên cột trụ, đã tháo tung các xiềng xích; là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đặt gánh nặng xuống đất, không còn gì triền phược nữa.”

Rồi đức Phật cho ví dụ: Người nào đã đoạn trừ vô minh, cắt tận gốc rễ như cây ta-la bị chặt đứt ngọn không còn khả năng nảy mầm trong tương lai, là người đã dẹp bỏ các chướng ngại. Người nào đã đoạn trừ sự sinh tử luân hồi, là người đã lấp đầy các thông hào. Người nào đã đoạn tận khát ái, là người đã nhổ lên cột trụ. Người nào đã diệt sạch năm hạ phần kiết sử, là người đã tháo tung các xiềng xích. Người nào đã đoạn trừ ngã mạn, là người đã hạ cây cờ xuống, đặt gánh nặng xuống đất, là bậc Thánh không còn gì triền phược nữa.” [Trung Bộ Kinh I, Kinh Xà Dụ, tr.130-142]

Ngã chấp vốn là căn bệnh thâm căn cố đế của các giáo phái ngoại đạo lúc bấy giờ, thế mà đức Phật lại nhắm vào yếu huyệt ấy phá trừ một cách triệt để. Cũng vì vậy mà một số Sa-môn, Bà-la-môn đã xuyên tạc Ngài một cách bất chính, họ nói: “Sa-môn Gotama chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, chủ trương tiêu diệt các loài hữu tình.” Để trả lời cho những hạng người này, đức Phật nói với các đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, Ta chỉ nói lên sự khổ và phương pháp diệt khổ, do vậy, nếu có người hủy báng, nhục mạ làm cho Như Lai tức giận, thì Như Lai không tức giận, không bất mãn. Trái lại, nếu có người cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai, thì Như Lai không hoan hỷ, hãnh diện hay thích thú. Vì Như Lai nghĩ rằng: Đây là điều xưa kia đã từng có, và đó là trách nhiệm mà Ta phải thực hiện.” [Trung Bộ Kinh I, Kinh Xà Dụ, tr.140-141]

Đức Phật là nhà giáo dục, những lời Ngài dạy không dành riêng cho một hạng người nào mà nhằm đến tất cả mọi người. Những ai nỗ lực thực hành theo những lời Ngài dạy chắc chắn sẽ thâu thái được những kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, biết chọn lựa và thực hành theo những việc tốt không phải là chuyện dễ, nên Ngài bảo rằng trên đời này có 20 việc khó :

1/ Nghèo hèn mà phát tâm bố thí là khó;

2/ Giàu sang mà học đạo là khó;

3/ Liều thân chết cho lẽ phải là khó;

4/ Thấy được kinh Phật là khó;

5/ Sinh nhằm đời có Phật là khó;

6/ Nhịn sắc, nhịn dục là khó;

7/ Thấy tốt không tham là khó;

8/ Bị nhục không tức giận là khó;

9/ Có quyền thế mà không hách dịch là khó;

10/ Gặp việc trái ý mà tâm tự tại là khó;

11/ Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó;

12/ Trừ được ngã mạn là khó;

13/ Không khinh người ít học là khó;

14/ Thực hành tâm bình đẳng là khó;

15/ Chẳng nói sự phải trái là khó;

16/ Gặp được thiện tri thức là khó;

17/ Học đạo thấy được tâm tính là khó;

18/ Tùy duyên hóa độ người là khó;

19/ Thấy cảnh không động tâm là khó;

20/ Khéo biết phương tiện là khó.

                                [Kinh Tứ Thập Nhị Chương, bài 12]

Đức Phật lưu tâm đến mọi hạng người trong xã hội, Ngài ban cho họ những lời dạy thiết thực, mong họ sống hòa thuận, an ổn và hạnh phúc. Trước giờ phút Niết-bàn, bậc Đạo sư đã dạy chúng Tăng 7 pháp bất thối:

1/ Phải giản dị ít việc, không rườm rà đa sự;

2/ Cần yên lặng, không nên nói nhiều;

3/ Bớt ngủ nghỉ, không mê muội;

4/ Không kết phe đảng, nói việc vô ích;

5/ Không được khoe khoang, cần phải khiêm tốn;

6/ Không làm bạn với những kẻ xấu;

7/ Nên ở những nơi nhàn tịnh để chiêm nghiệm đạo lý. [Kinh Đại bát Niết-bàn, bản Nam truyền].

 Nguồn gốc của mọi tệ trạng xã hội, những tấn thảm kịch, các cuộc tranh chấp bất tận đã diễn ra từ ngàn xưa và có lẽ còn diễn tiến mãi đến ngàn sau đều phát xuất từ vô minh chấp ngã của con người. Thế nên, muốn cải tạo xã hội, cải tạo cuộc đời mà không cải tạo chính bản thân con người là một việc làm có tính cách ảo tưởng. Đức Phật đã nhìn thấu triệt vấn đề, nên những lời giảng dạy của Ngài dù đứng về phương diện nào cũng lấy việc hoàn thiện con người làm trung tâm điểm. Mà muốn hoàn thiện con người hữu hiệu thì phải có phương pháp khéo léo dẫn dắt từ dễ đến khó. Ngài ví dụ người điều phục tâm mình cũng như viên quản tượng huấn luyện con voi từ rừng hoang mới đem về. Trước hết, người ấy đem cỏ và nước đến cho voi, nói những lời ngọt ngào, êm tai khiến cho voi nhận những thứ ấy. Rồi ông bảo voi làm thêm một động tác khác. Khi voi đã ngoan ngoãn vâng lời, viên quản tượng lại khuyến khích nó làm những động tác khó hơn. Ông cột cái khiên bằng gỗ vào vòi voi, một người cầm gậy ngồi trên lưng, những người khác cầm gươm giáo đứng xung quanh, viên quản tượng cầm ngọn giáo dài đứng trước mặt điều khiển voi thực hành động tác bất động: không cử động chân trước, chân sau, không cử động đầu, đuôi, ngà, vòi và đôi tai. Khi con voi chúa này đã chịu đựng được gươm giáo, cung tên; chịu đựng được tiếng chiêng trống thúc trận, bấy giờ nó xứng đáng là một chiến tượng dũng cảm để sử dụng trong khi lâm trận.” [Trung Bộ Kinh III, tr. 296]

Một ngày kia, đức Phật hóa độ người đệ tử xuất sắc nhất của Ni-kiền Tử tên Upàli. Sau khi được cảm hóa, Upàli từ bỏ con đường sai lầm, trở về với chánh pháp, ông quyết định đoạn tuyệt giáo phái Ni-kiền Tử. Nhưng đức Thế Tôn khuyên ông hãy tiếp tục ủng hộ Ni-kiền Tử như trước. Cảm động trước cử chỉ cao thượng,vô tư, đầy lòng nhân từ của đức Phật, Upàli đọc kệ tán thán:

       “(Thế Tôn thực là)
Bậc trí sáng suốt,
Đoạn trừ si ám,
Chiến thắng địch quân.
Đau khổ đoạn tuyệt,
Nội tâm tịch tĩnh,
Giới đức trang nghiêm,
Trí tuệ viên mãn,
Phiền não gọt sạch,
Xa trần ly cấu.
…Siêu đẳng giải thoát,
Tham ái đoạn tận,
Điều ngự nhiếp phục,
Hý luận dứt sạch.
Con thực chính là,
Đệ tử Thế Tôn.”

                [Trung Bộ Kinh II, kinh Ưu-ba-li, tr. 385b-386a]

Qua những lời tán thán được thốt ra từ đáy lòng của Upàli, một đệ tử của phái khổ hạnh mới hướng về chánh pháp, chắc chắn đức Thế Tôn phải có thân tướng oai nghiêm, lòng từ cao cả như thế nào đó mới đủ sức cảm hóa ông ta nhanh chóng như vậy.

Thế nhưng, không phải chỉ có những nhân sĩ chân thành cầu đạo như Upàli mới ca ngợi đức Phật mà ngay cả các vị Giáo trưởng của các đạo giáo khác cũng ngợi ca Ngài bằng những lời lẽ hết sức chân thành như lời phát biểu của Bà-la-môn Sonadanda sau đây:“Thực vậy, này các hiền giả, Sa-môn Gotama đã từ bỏ đại gia đình quyến thuộc, xuất gia trong lúc tuổi thanh xuân. Sa-môn Gotama có 32 tướng của bậc Đại nhân, màu da thù thắng, dáng điệu tao nhã, cử chỉ khả ái làm vui lòng mọi người. Sa-môn Gotama có đức hạnh thanh khiết, giữ giới của bậc Thánh, là bậc Tôn sư của các hàng Tôn sư, đã diệt sạch tham dục, nội tâm tịch tĩnh, hàng nghìn thiên nhân đã đến quy y với Ngài.” [Trường Bộ Kinh II, kinh Sonadanda, tr.114]

Nhìn khái quát mấy nét đã minh họa, chúng ta có thể xem đức Phật như là nhà cải cách xã hội, vì Ngài đã cực lực phản đối chủ trương phân chia giai cấp của Giáo sĩ Bà-la-môn, và cho rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng. Đức Phật đề nghị phương thức giải quyết những mối tranh chấp bằng giải pháp hòa bình. Ngài cho biết các nhà cầm quyền muốn nước giàu dân mạnh cần hiểu rõ những yêu cầu thiết thực của dân chúng, và đáp ứng những yêu cầu bức xúc của họ. Vì thế, những lời dạy của đức Phật rất thực tế, ít bàn đến vấn đề siêu hình và không có tính giáo điều. Đức Phật đã dành cả cuộc đời để giáo hóa chúng sinh, những lời Ngài dạy vừa thâm trầm, vừa tha thiết, đôi khi dịu dàng nhưng cũng có lúc mãnh liệt, tác động sâu xa đến những kẻ hữu duyên đối với Phật pháp. Do vậy, chúng ta thấy đủ mọi hạng người tán thán Thế Tôn bằng những lời lẽ hết sức chân thành. Về phần chúng ta, để kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Từ Phụ, chúng ta phải nỗ lực thực hành những lời dạy đầy trí tuệ và bi mẫn của Đấng Giác Ngộ hầu đem lại hạnh phúc cho bản thân, an vui cho mọi loài; thiết nghĩ, đó là cách cúng dường ngày Phật Đản một cách có ý nghĩa nhất.

Thầy THÍCH PHƯỚC SƠN

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.