I- DẪN : Là Phật tử, trong nhà chúng ta nhất thiết phải có Bàn Thờ Phật hay gọi là Bàn Phật, để giúp cho chúng ta hàng ngày, hàng giờ tưởng nhớ đến Đức Phật, những lời Đức Phật dạy để tinh-tiến tu hành.
II – CÁCH TRANG THIẾT : Để tỏ lòng tôn kính bậc Đại Giác Ngộ, đáng cho chúng ta tôn thờ, bàn Phật trước nhất chúng ta phải đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, nếu nhà chúng ta không có một phòng đặc biệt dành riêng để thờ cúng, Bàn Phật chúng ta nên đặt ở giữa phòng khách.
Ngay giữa bàn Phật chúng ta tôn vị tượng Phật hay ảnh Đức Bổn Sư Thích Ca, người vẫn còn hộ trì cho thế giới chúng ta ngày nay. Ai tu theo Pháp môn tịnh độ, nơi mà Đức Phật A-Di-Đà là giáo chủ thì chúng ta thờ Đức A-Di-Đà. Chúng ta cũng có thể thờ vị Phật quá khứ : Đức Phật A-Di-Đà, vị Phật hiện tại : Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và Phật vị lai : Đức Phật Di-Lặc, thờ cả 3 vị như vậy, gọi là Tam Thế Phật. Trong trường hợp này, tượng Phật nên thỉnh lớn hay nhỏ cho đều nhau, nếu ảnh thì cũng vậy, khuôn kiếng lớn nhỏ và treo cao thấp phải bằng ngang nhau. Chúng ta cũng có thể chỉ thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nếu ai nghĩ rằng cần đến sự gia hộ của Ngài như trong Kinh Phổ Môn, Đức Phật đã dạy Ngài hiện ra khắp nơi để cứu giúp mọi người.
Trên bàn Phật, thông thường có lư hương, đèn, bình hoa, đĩa trái cây, chuông mõ và nước cúng Phật. Lư hương luôn luôn để ngay chính giữa phía trước, sau đó là 3 ly nước, nếu có một đôi đèn, đôi đèn để ngang hàng cùng lư hương. Về bình hoa và đĩa quả, người ta thường hay nói câu thiệu :” Đông bình, Tây quả”, hướng nào là Đông, hướng nào là Tây ? Theo câu thiệu này, mặt trước của nhà xây về bất cứ hướng nào, người ta cũng xem như là hướng Nam, vậy hướng Đông là bên tay trái của tượng Phật, đặt bình hoa, hướng Tây là bên tay phải của tượng Phật đặt đĩa trái cây. Chuông cũng đặt cùng phía với bình hoa và mõ đặt cùng phía với đĩa trái cây.
Cố tránh đặt thêm những gì không phải là vật thờ cúng lên trên bàn Phật. Hàng ngày phải thay nước cúng Phật, trái cây phải thay mới luôn, phải lau chùi và giữ gìn cho Bàn Phật luôn luôn được sạch sẽ. Lư hương nên chăm sóc lấy bỏ bớt chân nhang, đừng để quá nhiều. Nên tránh dùng hoa giả.
Phật là đấng cao cả, trong phòng thờ Phật, có thể lập bàn thờ Cữu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ nhưng bàn thờ này phải đặt ở một bên, nhỏ hơn và thấp hơn bàn Phật. Trong phòng nầy chớ nên treo ảnh nào cao hơn tượng Phật, không nên treo ảnh càng tốt.
Ai đả từng đến thiền viện Vạn-Hạnh, nơi Hòa Thượng Minh-Châu là Viện Chủ, ở chánh điện thờ phượng hết sức đơn giản, chỉ tôn vị Đức Bổn Sư Thích Ca đang ngồi thiền định trên một cái bệ cao chừng 3 tấc, trước tượng chỉ có một bình hoa, không có nhang đèn gì cả, đứng nơi đây chúng ta mới cảm thấy là nơi thờ phượng trang nghiêm vô cùng. Tôi có một người bạn đạo ở Saigon, nhà anh ta có dành một phòng riêng để tu tập, hàng ngày vợ chồng anh ta ngồi thiền, thỉnh thoảng người vợ hoặc người chồng hay bạn hữu đến đó để nhập thất. Ngay giữa phòng này, anh ta đặt một cái bàn kê sát tường ngang 5 tấc, dài 1 thước, chân chỉ cao 2 tấc, một ảnh Phật lộng kiếng ngang độ 8 tấc, cao chừng 1 thước 2 tấc, treo vào tường, ngay giữa bàn chỉ có một bát nhang, trên bát nhang mỡi lần chỉ cắm 3 cây nhang. Bàn Phật này cũng hết sức giản đơn, khi ngồi thiền, tượng Phật hơi cao hơn người ngồi một chút, cũng là một bàn Phật trang nghiêm.
Ảnh hay tượng Phật, kinh điển và tăng ni được gọi là Tam Bảo, là ba ngôi cao quý nhất của người Phật tử, để noi theo đó chúng ta tu học hầu giải thoát khỏi những kiếp trầm luân nầy. Do vậy mà khi chúng ta đốt hương, chúng ta đốt 3 cây hương, nước ba ly (hay 3 chung), đó là nghĩa chúng ta cúngdâng lên Phật, Pháp, Tăng.
Vào chùa, Kinh phải cầm trang trọng bằng hai tay, không nên kẹp vào nách, không nên để kinh vào hai tay rồi chấp lại xá quý Tăng Ni hay bạn đạo. Người Phật tử tuyệt đối không bao giờ sờ, chạm đến pháp thể tăng ni. Dù trước kia thân thiết đến đâu, nay gặp lại chỉ chấp tay cúi đầu xá, miệng chào “A Di Đà Phật” là đúng phép.
Đức Phật Thích Ca đã nhập diệt cách nay 2541 năm, hàng ngày chúng ta cúng nước, trái cây để tưởng nhớ đến Ngài, như Ngài còn tại thế. Nhớ ơn Ngài đã dây cho chúng ta biết vô minh là nguồn gốc của khổ đau và tu để đi đến giải thoát, đạt đến sự an-lạc vĩnh cửu, đó là chân lý, sự tôn kính ấy giúp cho chúng ta củng cố niềm tin, nhắc nhở chúng ta hàng ngày phải tu tập từng giờ từng phút để đạt đến kết quả cuối cùng.
III – LỄ PHẬT : Để tỏ sự tôn kính Đức Phật, hàng ngày chúng ta phải lễ Phật, hay cúng lạy Phật. Lạy Phật khác với lạy ông bà, cha mẹ. Lạy Phật tức là chúng ta lạy ngôi Tam bảo, cách thức như sau:
Trước khi lạy Phật, thân tâm ta phải trong sạch, nghĩa là chúng ta phải tắm rửa cho sạch sẽ, nếu sáng sớm dậy, chúng ta phải đánh răng, rửa mặt, tay, chân, tóc chải gọn gàng, ăn mặc sạch sẽ, nếu có áo tràng phải mặc vào rồi mới lễ Phật.
Khi lạy Phật, đứng ngay ngắn chỉnh tề trước bàn Phật, hai tay chấp ngay trước ngực, xá 3 xá rồi mới lạy. Còn nếu ta nguyện hương, đốt 3 cây hương rồi thỉnh 3 tiếng chuông, quỳ xuống lấy hương, hai tay cầm 3 cây hương đưa ngang trán để khấn nguyện, mỗi nguyện một xá, nguyện xong xá 3 xá rồi cắm hương vào lư hương.
Trước khi lạy, chúng ta đứng thẳng người, hai tay chấp ngang ngực, xá 3 xá rồi quỵ hai gối xuống đồng một lượt, sau đó để hai bàn tay xuống, lật hai lòng bàn tay ngửa lên, kéo rời ra một chút cho có khoảng trống, rồi cúi đầu xuống, trán chạm xuống nền nhà chỗ khoảng trống giữa hai bàn tay, gọi là “ngũ thể đầu địa” tức là 2 tay, 2 chân và đầu chạm đất. Hai bàn tay lật ngửa ra cũng như ngày xưa Phật còn tại thế, người ta lễ Phật là cúi người xuống, hai bàn tay nâng bàn chân Phật rồi hôn lên đó. Khi đứng lên, ngẩng đầu và nâng thân mình lên rồi lật úp hai bàn tay lại, dùng hai bàn tay chống xuống sàn nhà để nâng cả thân mình lên cùng lúc, khi đã đứng ngay thẳng rồi thì xá 1 xá, lạy thứ ba xong xá ba xá. Lạy hay xá đều phải làm từ tốn, chậm rãi để tỏ lòng cung kính. Trong khi lạy, tâm chúng ta thành kính tưởng nhớ Đức Phật , đừng nghĩ tưởng chuyện gì khác, đó là tâm ta trong sạch, trong ý nghĩa thân tâm ta trong sạch.
Trong khi lạy Phật có chuông, khi nghe tiếng chuông đánh, chúng ta lạy xuống, khi nghe tiếng chuông dập (dùi chuông đánh vào và giữ lại ở miệng chuông), chúng ta mới cất đầu và đứng lên, nhất là Lễ Phật khi tụng Kinh, chúng ta phải lạy xuống, đứng lên nhịp nhàng theo tiếng chuông, làm như vậy mới được trang nghiêm.
Lễ Phật còn có ý nghĩa chúng ta tôn kính, phục tùng Đức Phật, dẹp bỏ tánh ngã mạn, kiêu căng trong lòng chúng ta, có như vậy chúng ta mới tu học tinh tấn được.
IV- KẾT LUẬN : Hiểu biết được cách trang thiết bàn Phật, Lễ Phật và chúng ta làm theo được như vậy mới chứng tỏ mình là một Phật tử thuần thành, chẳng những thế mà hàng ngày chúng ta còn phải tụng kinh hoặc ngồi bán già hay kiết già trước bàn Phật để Niệm danh hiệu Phật, hoặc ngồi thiền hay trì chú chừng 15 phút trở lên. Việc thắp nhang, lạy Phật chỉ tỏ lòng tôn kính mà thôi, còn tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, trì chú công phu hàng ngày ấy mới là tu tập, cốt để sửa tâm tánh chúng ta ngày càng tinh tấn theo lời Phật dạy.
http://quangduc.com/coban/31cachthucthophat.html