Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 1 & 2

Chuyện Cây Xoài

Ngày xưa đức vua Dadhavāhana ngự đi tắm dưới sông, trước khi ngài tắm, các quân lính phải giăng lưới quanh nơi ấy để phòng ngừa tai nạn. Trong khi ấy có một trái chín trôi từ rừng Tuyết Lãnh mắc vào lưới, quân hầu vớt được đem dâng cho Vua. Ngài thấy trái lạ mới cho gọi tất cả thợ rừng để hỏi là trái chi. Những người ấy bảo rằng đó là trái xoài, một thứ trái có vị ngọt và mùi thơm. Nhà vua bèn thọ thực, nhìn nhận trái xoài ấy có mùi vị ngọt ngon. Ngài mới truyền lấy hột đem về trồng nơi thượng uyển và dạy phải chăm nom kỹ lưỡng và đặc biệt tưới bằng sữa tươi. Ba năm sau, cây xoài sanh được trái, mùi vị ngon thơm tho. Đức vua muốn khoe trái quí của xứ mình với lân bang trồng được giống quí ấy, nên trước khi đem biếu, ngài dạy phải lấy dùi nhọn đâm thủng mầm non của trái xoài. Vì vậy các nhà vua lân quốc lấy hột đem trồng nhưng không mọc được.

Một vị vua liền cho lấy hột xoài lên để tìm xem duyên cớ, thì mới thấy cái mầm trong hột đã bị đâm hư rồi. Vị vua ấy hiểu được ác ý của vua Dadhavāhana, liền nghĩ ra kế độc, bèn sai một người làm vườn tin cậy đến xin vào làm vườn của vua Dadhavāhana để tìm phương hủy diệt cây xoài ấy. Người làm vườn đến tâu cùng vua Dadha-vāhana rằng: “Tâu Hoàng thượng, hạ thần là người chuyên môn về nghề trồng cây và hoa, đã từng làm nhiều nơi và phục dịch cho nhiều nhà vua rồi, các ngài hài lòng với hạ thần, nay hạ thần muốn đến hầu Hoàng thượng”. Đức vua lấy làm hài lòng thâu nhận người ấy vào làm.

Khi được vào làm, người ấy mới đem dây thần thông trồng ở nơi gốc xoài và trồng cây sầu đâu gần đó. Dây thần thông bò trên thân cây xoài, còn cây sầu đâu lớn lên giao nhành với cây xoài trở nên đắng. Thi hành xong phận sự phá hoại, người làm vườn trốn đi.

Ngày nọ vua Dadhavāhana ngự vào vườn thượng uyển, truyền quan hầu bẻ xoài cho ngài dùng. Xoài ấy trở nên đắng và không còn thơm như trước. Đức vua mới phán hỏi vị quốc sư ở gần bên rằng: “Này hiền khanh, tại sao mùa này xoài trở nên đắng, hôi, màu không đẹp như trước?”.

Vị quốc sư quan sát kỹ chung quanh thấy một sự việc mới tâu rằng: “Tâu Đại vương, cây xoài này trước kia được vun trồng chu đáo, tưới sữa tươi, hiện giờ bị dây thần thông và cây sầu đâu là loại đắng quấn nhau và giao nhành, nên làm mất mùi vị của xoài”. Vị quốc sư mới ngâm câu kệ rằng:

Vannagandhrasupeto

Amdayam ahuva puri

Tameve pujam labhamāno

Kehamb kutukapphalo

Pucinanda parivāro

Ambote dadhvāhanam

Mulam mulenasanlattham

Sākhāsākham nisevare

Asatasan nivāsene

Tenambo katukap phalo

Nghĩa là: “Cây xoài này trước có màu, mùi vị tốt ngon, trong khi được cúng dường (nhờ được săn sóc chu đáo), nhưng hiện giờ bị đắng bởi tại sao? Tâu Hoàng thượng, cây xoài của ngài bị cây sầu đâu và dây thần thông ở chung, rễ và rễ xen lẫn nhau, nhành với nhành giao nhau. Vì mọc chung chạ với dây thần thông và cây sầu đâu nên xoài của ngài không còn vị ngon ngọt, mà trở nên đắng như thế”.

Tích này chỉ cho ta thấy rằng sự thân cận chung lộn có ảnh hưởng như thế. Nếu ở với người lành thì được an vui, ở với kẻ ác thì phải đau khổ, như câu tục ngữ Việt Nam ta dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, và “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Cây xoài là vật vô tri vô giác mà còn bị ảnh hưởng như thế. Vậy, chúng ta nên lấy đó làm gương, và chúng ta biết thương mình thì nên xa lánh kẻ ác, dù người ấy là quyến thuộc của mình. Chúng ta thường sợ kẻ ác hơn thương mình, vì vậy thường hay xu hướng theo kẻ ác làm tội như rượu trà, cờ bạc, đàng điếm, vì là kẻ khác xúi giục, nếu không theo họ thì sợ họ buồn, hoặc sợ người ta cười là không biết xã giao v.v…

*

HẠNH PHÚC II

Paṇḍitānañca sevanā
Thân cận với bậc thiện trí thức

Thiện trí thức là người tương phản với người ác. Trí thức mà chúng ta thường hiểu có hai hạng khác nhau là:

1. Hạng trí thức theo quan niệm của người đời, hạng này khác hơn hạng trí thức trong Phật giáo. Hạng trí thức ấy là những vị học cao hiểu rộng, có bằng cấp to lớn, được tước vị cao sang như bác sĩ hay kỹ sư.

2. Hạng trí thức theo quan niệm Phật giáo, họ không luôn là người khoa bảng, hay kẻ lục thường tài, mà họ là người hoàn toàn trong sạch không làm tội lỗi do thân, khẩu, ý.

Theo Phật giáo bậc trí thức là bậc có thiện tâm, không phạm vào thập ác, mà có những thái độ như lời Phật dạy trong bộ Pháp Cú Kinh:

Ditthe dhamme ca yo attho

Yo attho samparayiko.

Atthabhisamaya dhiro

Panditoti pavuccati.

Nghĩa là: “Người hiểu lợi ích đời hiện tại, lợi ích đời vị lai và lợi ích cao quí nhất, đó là trí thức”.

Hiểu lợi ích đời hiện tại là không hành theo tà pháp, không làm trái luật của chính phủ, không làm phiền người bên mình, tức là thọ trì giới luật của Phật.

Hiểu lợi ích của vị lai là hiểu rằng đời không bền vững, của không đem theo được xuống mồ, nên không bỏn xẻn, ích kỷ, dám đem tiền của ra giúp đỡ người đời, bố thí cho nhân loại được nhờ.

Hiểu lợi ích cao quí nhất là do tu hành theo Giới-Định-Tuệ trong kiếp hiện tại này để mau giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Lời Phật dạy đó có thể giải một cách thiết thực để chúng sanh tuân hành trì cho đúng bậc thiện trí thức. Bậc thiện trí thức theo Phật ngôn đó phải:

– Phân biệt lẽ phải, lẽ trái.

– Làm phước (bố thí).

– Hiểu rõ nguyên nhân sanh lợi và nguyên nhân sanh tai hại.

Hơn nữa bậc trí thức còn thực hành theo bốn điều lợi ích khác là:

1. Utthanasampada: siêng năng làm phận sự của mình, một là siêng năng làm công việc có tiền phụng dưỡng mẹ cha, giúp đỡ vợ con và quyến thuộc, việc làm không thuộc về tà mạng và tà nghiệp, hai là siêng năng trau giồi thân, khẩu, ý cho trong sạch.

2. Arakkhasampada: hết lòng gìn giữ của cải đã có, nghĩa là đừng dễ duôi, dễ mất và tiêu phí tiền của, như cờ bạc, rượu chè v.v.. và gắng lo trì giới hạnh của mình đã có, vì đây là của rất quí báu ta có thể đem về ngày vị lai, đây là của tinh thần.

3. Kalyānamitta: có bạn lành, nghĩa là nên thân cận với các bậc trí thức, bậc có giới đức trang nghiêm để học thêm các pháp giải thoát.

4. Sammajivita: nuôi mạng chân chính, nghĩa là không làm gì phạm với luật đời và luật đạo.

Ngoài ra bốn điều lợi ích kể trên, người gọi là trí thức còn phải có hành theo những pháp sau đây:

1. Saddhā: có đức tin, tin Nhân Quả và Nghiệp.

2. Sīla: trì giới, người trí thức nếu là người tại gia ít nhất phải có ngũ giới trong sạch, trên nữa là Bát quan trai.

3. Cāga: biết bố thí.

4. Pañña: có trí tuệ để nhận định tà, nẻo chánh và biết suy nghĩ thấy rõ ba tướng là vô thường, khổ não và vô ngã.

Trong bộ Chú giải 38 sự Hạnh phúc còn có dạy rằng: phàm người trí thức còn có mười đặc ân để chúng sanh nhận thức được là:

1. Dhīro: người có trí tuệ và trí nhớ.

2. Pañña: người có trí tuệ nhận thức rõ rệt vô thường, khổ não, vô ngã.

3. Bahusutto: người học nhiều hiểu rộng về pháp học, pháp hành và pháp thành.

4. Dhorayho: người hết lòng tinh tấn hành theo pháp hành là Chỉ quán và Minh sát tuệ.

5. Sīlava: người có giới đức trong sạch.

6. Vatavanto: bậc có đức hạnh thanh cao, nếu là bậc xuất gia thì bậc hằng giữ hạnh đầu đà, nếu là cư sĩ thì hành hạnh tri túc.

7. Ariyo: bậc xa kẻ thù, nghĩa là xa phiền não.

8. Sumedho: bậc có trí tuệ, nghĩa là người gắng lo bồi đắp thánh tuệ là tuệ giải thoát.

9. Tadiso: người không rung động, nghĩa là người tin chắc nơi Tam Bảo không có gì làm nao động, mặc dù là miếng mồi cao quí đến đâu.

10. Sappuriso: bậc có thân, khẩu, ý trọn lành.

Khi thân cận với các bậc trí thức, phải thực hành như thế này thì mới có kết quả:

1. Đến ở gần bên người.

2. Ngồi bên người để nghe lời giảng giải của người.

3. Cố nghe lời giảng giải của người.

4. Nghe pháp của người.

5. Cố nhớ pháp của người đã dạy.

6. Cố suy nghĩ về pháp đã nghe.

7. Khi suy nghĩ thấy rõ và biết rõ đó là chánh pháp thì nên hết lòng hành theo.

8. Hết lòng thực hành theo thiện pháp.

9. Cố hành theo cho 3 điều thanh tịnh phát sanh tức là: Sīlavisuddhi (giới thanh tịnh), Citta-visuddhi (tâm thanh tịnh), Paññāvisuddhi (tuệ thanh tịnh).

10. Cố hành cho mau đắc đạo quả Niết Bàn.

Sự thân cận với các bậc trí thức có những kết quả sau đây:

1. Được thông hiểu pháp học, pháp hành và pháp thành.

2. Được làm ba điều lành là: bố thí, trì giới, tham thiền.

3. Được giác ngộ sáu điều mà Đức Phật gọi là cao quí: Dassanānuttariya (thấy cao quí), Savanā-nuttariya (nghe cao quí), Lābhanuttariya (được cao quí), Sikkhanuttariya (học cao quí), Paricariyanut-tariya (hầu hạ cao quí),Anusarananuttariya (nhớ cao quí).

4. Được hành theo các bậc trí thức.

5. Không sợ có tai hại và oan trái.

6. Biết rõ đường sanh về nơi an lạc là cõi trời và người biết ác đạo mà lánh xa.

7. Tự mình được an vui.

8. Được sự khen ngợi của quần chúng, nhất là của bậc có đạo hạnh thanh cao.

9. Có tên tuổi tốt đồn đãi đi mọi nơi.

10. Không bị đọa vào ác đạo.

11. Được an vui trong kiếp này, và về cõi trời kiếp sau.

Sự thân cận với các bậc trí thức thật là hữu ích, mặc dù chỉ gần các ngài trong một giờ thôi.

Các bậc trí thức ở nơi nào đều đem sự an lành đến nơi ấy. Hơn nữa, các bậc trí thức thường tùy thời cứu nguy cho kẻ khác, như tích của bà hoàng hậu Mallikā, vợ vua Ba Tư Nặc có giải trong bộ kinh Pháp Cú, quyển ba, như sau:

Đêm nọ, đức vua Ba Tư Nặc nghe bốn tiếng la thật to là: “Du, Sa, Na, So”, làm ngài lấy làm kinh sợ. Sáng ngày lâm trào, đức vua cho thỉnh các vị Bà la môn chuyên về đoán điềm lành dữ vào triều kiến và phán hỏi nguyên do.

Các thầy Bà la môn ấy mới tâu rằng: “Tâu đại vương, đây là điềm bất thường, có hại đến ngai vàng và hoàng thượng nữa, nếu ngài không tế thần lửa”.

Cách thức tế thần lửa ấy thật là dã man. Trước hết phải tìm cho đủ một trăm giống thú đực và cái và trăm đồng nhi nam và đồng nhi nữ. Rồi đào một cái hầm thật to, đốt lửa cháy thật hực xong mới giết cả thú và người lấy máu đổ vào lửa.

Đức vua nghe lời bàn tán của chư vị Bà la môn, lấy làm kinh sợ, mới truyền cho phải lập đàn tràng để tế thần lửa. Trong khi sắp làm lễ, thì đồng nhi nam, nữ kinh sợ, la khóc, những con thú bị nhốt cũng gầm thét. Những tiếng ấy làm rung chuyển cả hoàng hung, bà hoàng hậu lấy làm lạ, mới vào hầu vua và hỏi tự sự. Đức vua mới thuật chuyện ấy cho bà nghe, bà mới tâu rằng: “Thật Hoàng thượng không thông minh chút nào cả. Một khi gần bên ta có Đấng Giác Ngộ là Thiên Nhân Sư, là vị đại trí thức, mà không hỏi, lại đi hỏi và tin các thầy Bà la môn ấy”.

Đức vua tỉnh ngộ mới vào hầu Phật và hỏi về bốn tiếng lạ ấy. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Bốn tiếng Du, Sa, Na, So ấy là của bọn ngạ quỷ, vốn là quyến thuộc của ngài, chịu đói từ mấy kiếp, đến nay biết ngài sanh làm vua, muốn kêu cầu cứu với ngài, để ngài làm phước hồi hướng phước cho chúng”. Đức vua nghe qua lấy làm trong sạch, khi về đến hoàng cung, truyền thả hết người và thú sắp tế lễ. Tất cả ai ai cũng đều tán dương ân đức của hoàng hậu Mallikā.

Nhắc tích này cho thấy rằng các bậc trí thức hằng đem lợi ích cho tất cả mọi người, con người ác như các thầy Bà la môn, hằng làm cho người kinh sợ, chúng ta nên nhớ rằng không phải là người học nhiều hiểu rộng hay là người khoát ngoài một bộ áo tu mà là trí thức, chúng ta cần phải suy nghĩ và quan sát như những đoạn kinh dạy về thiện và ác để phân biệt ác và thiện.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.