Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 3 & 4

HẠNH PHÚC VIII

Sippañca
Có nghề

Đức Thế Tôn dạy rằng nghề nghiệp đem hạnh phúc đến cho ta. Vậy ta cần hiểu biết:

– Nghề nghiệp là gì?

– Nghề nghiệp đem hạnh phúc gì lại cho ta?

– Làm sao ta có nghề?

Chú giải có dạy: Sippam nama anagariyava-sena duvidham hatthakusalam.

Nghề nghiệp là công việc làm, và có hai loại: nghề của người tại gia, và nghề của hạng xuất gia.

Pháp Hạnh phúc thứ VII dạy ta cần biết rộng hiểu nhiều, nghĩa là dạy ta thâu thập cho nhiều kiến thức về giáo lý, về lý thuyết; còn pháp Hạnh phúc thứ VIII này thì dạy ta thực hành, đem kiến thức ấy mà áp dụng cho lợi lạc, vì nghề nghiệp nào cũng cần có kiến thức làm căn bản. Vậy nghề nghiệp là kiến thức đem ra thực hành, người không có kiến thức thì không làm được gì hết.

Người có nghề nghiệp đi tới nơi nào cũng được an vui, không thiếu thốn, đúng như câu cách ngôn “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Trong đời có nhiều nghề khác nhau, nghề mà người Phật tử còn tại gia cần phải lựa là nghề nào không tội lỗi, gọi là Chánh nghiệp. Đức Thế Tôn có dạy con người khi còn trẻ nên học một nghề gì cho giỏi thì nghề ấy sẽ đưa sự an vui đến cho mình, như nghề anh chuyên môn búng sạn sau đây.

Khi xưa tại kinh đô Ba La Nại (Bārānasī) có một người què, nhưng lại búng sạn rất giỏi. Những kẻ trong thành thường đẩy xe cho anh ra ngoài cửa thành, để anh dưới cội cây to, đem sạn đến và bảo anh dùng sạn búng lá cây thành hình thú này, thú nọ kia xem chơi rồi cho anh tiền.

Ngày nọ nhà vua ngự chơi vườn thượng uyển đi ngang qua chỗ ấy, những đứa trẻ kinh sợ bỏ chạy, chỉ còn mình anh què ở lại. Nhà vua trông thấy bừa bãi dưới đất những lá cây lủng lỗ có hình thú rất ngộ nghĩnh, mới phán hỏi quan cận thần. Vị ấy mới tâu tự sự.

Nhà vua gọi anh què đến hỏi: “Này gã kia, trẫm có một vị quân sư có tật ham nói, khi trẫm muốn nói điều chi thì quân sư cướp lời hết, trẫm không nói gì được. Ngươi có phương kế chi làm cho ông không nói gì nữa được chăng?”.

Anh què đáp: “Tâu Hoàng Thượng, nếu có vài cân phân dê thì hạ thần có phương thế làm được”.

Nhà vua bèn đem anh què về, để anh ngồi gần ngài sau một tấm màn có khoét lỗ, và để gần bên anh một cân phân dê khô. Rồi ngài gọi triều thần lại để bàn việc quốc gia.

Vị quân sư quen tật cướp lời nói của mọi người, vừa hả miệng toan cướp lời vua liền bị anh què búng một viên phân dê vào miệng. Ham nói quá, ông nuốt riết viên phân dê để nói. Mỗi lần ông há miệng là bị một viên phân lọt vào, mà ông cứ nói không ngưng.

Đến khi vua trông thấy anh què đã búng hết phân, ngài mới bảo vị quân sư rằng: “Này quân sư, vì tật ham nói, nên khanh nuốt hết một cân phân dê khô, mà vẫn chưa biết. Dạ dày của khanh không thể tiêu hóa hết được cân phân dê ấy, vậy khanh về uống thuốc xổ ra đi”. Vị quân sư cả thẹn ra về. Từ ấy, ông không nói nhiều nữa.

Nhờ anh què mà lỗ tai vua đỡ bực, nên ngài ban cho anh què ấy thâu thuế bốn thôn được ước độ mười muôn dân.

Có một vị đại thần thấy thế mới tâu rằng: “Tâu Đại vương, trong đời này dù người nào, nghề nào cũng cần phải học. Nghề búng sạn của anh què mà cũng được Hoàng thượng ban thưởng”.

Rồi vị quan ấy nói câu kệ:

Sādhu kho sippam nāma

Api yādisakīdisam

Passa ajappahārena

Laddhagāmā catudisā.

Nghĩa là: “Đã gọi là nghề, dù một nghề gì cũng làm cho ta được hưởng quả mỹ mãn”.

Người biết nghề đành là có phần lợi lạc, mà còn phải biết cách áp dụng và áp dụng đúng lúc thì mới kết quả an vui. Nếu áp dụng không thích nghi, thì lại đem cái khổ đến cho mình, như sự tích của người học trò của anh què búng sạn trên kia:

Có một người nọ học nghề với anh què nọ. Sau khi học rành nghề, người ấy mới định thử tài mình thầm nghĩ, nếu mình búng sạn thử vào bò, heo, dê v.v… thì lũ họ bắt mình đến và bị phạt.

Một hôm gặp Đức Phật Độc Giác, anh chàng nghĩ: Nếu ta thử tài với người khác, thì sẽ bị cha mẹ, vợ con họ kiện thưa, còn người này cô độc, dù ta có thử cũng chẳng sao. Tức thì anh liền búng vào một viên sạn vào lỗ tai của Đức Phật Độc Giác, viên sạn đi xuyên từ lỗ tai bên này sang bên kia. Nếu là người thường thì chết liền tại chỗ vì viên đạn đó, nhưng Đức Phật Độc Giác dùng thiền định chế ngự được thương tích nên về đến tư thất ngài mới nhập diệt.

Anh nọ lại tìm đến tư thất của ngài, thấy tín đồ đang lo hỏa táng và than khóc, anh mới khoe: “Mấy người biết không? ngài ta chết đây là do tài búng sạn của ta”.

Tưởng khoe như vậy là người ta kính nể và khen mình, nào ngờ tín đồ nổi giận, lôi anh ta ra đánh chết. Vì tội giết Đấng Cao Cả nên sau khi chết anh sanh vào địa ngục A Tỳ.

Vậy người Phật tử nên chọn lấy một nghề gọi là chánh nghiệp mới được hạnh phúc. Nhưng làm sao cho ta có nghề? Điều rất giản dị muốn có nghề, thì phải cố học.

Về nghề xuất gia, Đức Thế Tôn có dạy trong bài kinh Sattṛakastta, đoạn Dutiyanikāya Dassaka-nipatta, rằng: Này các thầy Tỳ khưu, thầy Tỳ khưu trong Phật đạo phải siêng năng giúp nhau hành Tăng sự hay việc lớn nhỏ chi chi. Nên dùng trí tuệ quan sát mọi việc xem nên làm hay không?

Vậy các bậc xuất gia phải có nghề trong phạm vi của bậc xuất gia, mà nghề của bậc xuất gia là tăng sự, như lễ xuất gia, lễ nhập hạ, lễ dâng y, lễ ra hạ, lễ phát lồ v.v… thầy Tỳ khưu phải thông hiểu.

Hơn nữa, thầy Tỳ khưu còn nên học thông 8 điều cũng thuộc vào nghề của mình là:

1. Rakkhandriyasippam: nghề giữ lục căn thanh tịnh.

2. Sādhukasippam: nghề biết ba điều lợí ich.

3. Ñānābhāsākovidhasippam: nghề hiểu thông nhiều thứ tiếng là Bắc Phạn và Nam Phạn.

4. Dhammarattasippam: nghề biết thỏa thích có 10 pháp nương nhờ:

a) Sīla: trì giới trong sạch.

b) Bāhusacca: học nhiều hiểu rộng.

c) Kalyanimitatā: tư cách có bạn lành.

d) Sovaccassatā: tư cách con người dễ dạy.

e) Dakkhatā: tư cách người siêng năng.

f) Dhamma kāmatā: tư cách người ưa thích pháp.

g) Viriya: tư cách người có tinh tấn hành đạo.

h) Santosa: có tri túc.

i) Sati: có trí nhớ.

j) Sukkhapekkhāsippam: học biết 7 điều an lạc là:

– Manussasukhaṃ: an vui trong cõi người.

– Dibbasukhaṃ: an vui trong cõi trời.

– Jhānasukhaṃ: an vui của Thiền định.

– Vipassanāsukhaṃ: an vui của minh sát tuệ.

– Maggasukhaṃ: an vui của Đạo.

– Phalasukhaṃ: an vui của Quả.

– Nibbānasukhaṃ: an vui của Niết Bàn.

5. Nānāsippavisaradasippam: nghề hiểu rõ các chi tiết của nghề.

6. Kulasilasippam: nghề hiểu rõ phận sự của người còn ở trong gia đình.

7. Bhitasippam: nghề hiểu rõ hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi là nguyên nhân sanh giới, và ngăn đón oan trái để khỏi sanh vào ác đạo.

8. Buddhasippam: nghề hiểu rõ Pháp bảo là Tam Tạng.

Người có nghề thì được những hạnh phúc này:

1. Trở nên người lành.

2. Làm cho mình hơn người bên mình.

3. Làm cho mình giỏi hơn người khác.

4. Làm cho mình cao quí hơn người khác.

5. Làm cho mình cao thượng hơn người khác.

6. Làm cho mình cao cả hơn người khác.

7. Tự mình sinh sống được dễ dàng.

8. Làm cho mình trở nên người khôn ngoan hơn kẻ khác.

9. Làm cho mình giàu hơn người khác.

10. Làm cho mình có an vui hơn người khác.

11. Làm cho mình trở nên có giá trị hơn người khác.

12. Làm cho xã hội được tiến hóa.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.