Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 3 & 4

HẠNH PHÚC IX

Vinayo ca susikkhito
Học thông được luật

Muốn học thông luật cần phải phân tách 3 điểm trong luật:

– Trạng thái của luật.

– Sự quan trọng của luật.

– Luật là nguyên tắc rất đẹp để người hành theo.

Ai ai cũng biết rằng luật là những điều cấm không cho người vi phạm, do nơi nhiều vị trí thức đồng lập ra, để mọi người trong một xã hội thực hành theo, để đem an vui lại cho xã hội, không phải do một người có toàn quyền sinh sát trong nhóm hay xã hội độc tài ra lệnh cấm đoán.

Ai ai cũng biết rằng chúng ta mỗi người chúng ta đều có 2 lối đi là đường đời và đường đạo, vì mỗi người chúng ta có hai thành phần quan trọng là thân và tâm. Thân này sanh ra trong đời và sống trong đời, trưởng thành trong đời và sống trong đời. Tâm của chúng ta cũng vậy. Nhưng tâm phải sống trong khuôn khổ của đạo đức tức là luật của đạo, cũng như thân phải tùy thuộc kỷ luật, tức là luật của đời.

Tất cả nhân loại sanh ra trong cõi Ta bà này đều phải ở dưới nhiều định luật. Nếu là người tại gia cư sĩ, thì phải ở dưới định luật của chính phủ, ngoài ra còn tuân theo luật của Đức Phật, là ngũ giới hay bát quan trai giới. Nếu người nào chỉ biết giữ theo luật của chính phủ, nhưng không biết luật của tôn giáo, hay nói riêng là của Đạo Phật, thì người ấy chỉ tránh được cho mình những điều phiền lụy về thể xác, nhưng tinh thần không được hạnh phúc thanh cao trong kiếp này và luôn cả kiếp vị lai.

Vì vậy nên có câu Phật dạy rằng:

No ce assa buddhi

Vinayo vā susikkhito.

Vane andhamahīsova

Careyya bāhuko naro.

Nghĩa là sự hành động của nhân loại mà không có luật bắt buộc họ phải thực hành theo, thì không khác nào bầy bò đui mù đi trong rừng rậm.

Nơi đây tôi xin đề cập riêng về luật của đạo. Theo Tam Tạng của Đức Thế Tôn đã giáo truyền thì luật ấy chia ra làm 2 bộ:

– Agāriyavinaya: luật của người tại gia.

– Anāgariyavinaya: luật của người xuất gia.

*

LUẬT CỦA NGƯỜI TẠI GIA

Người tại gia là người còn trong gia đình, chưa có thể hay là không thể bỏ gia đình để dành theo hạnh của các bậc xuất gia, nên Đức Phật có ấn định giới luật cho hàng cư sĩ. Luật ấy gồm 10 điều chế ngự thân, khẩu, ý. Mười điều luật ấy có khi gọi là thập thiện đối với thập ác. Thập ác là mười điều ác chia ra làm 3 loại là:

– 3 điều ác do thân tạo ra là: sát sanh, trộm cướp, tà dâm.

– 4 điều ác do khẩu tạo ra là: nói dối, nói đâm thọc, nói ác, nói vô ích.

– 3 điều ác do ý (tâm) tạo ra là: tham lam thái quá, oán thù, tà kiến.

Mười điều ác ấy xin lần lượt giảng giải thứ tự sau đây:

1. Sát sanh (Panatipata): là cố ý giết hay là xúi kẻ khác giết người hoặc một động vật có sự sống.

Nếu giết thú nhỏ thì tội ít, còn thú càng lớn thì tội càng nặng; nếu giết người thì tội càng nặng hơn. Nếu người sát sanh có đủ năm chỉ sau đây mới gọi là sát sanh:

– Pāno: chúng sanh có thức tánh.

– Pāṇsannītā: biết rằng chúng sanh ấy có thức tánh.

– Vadhakacittaṃ: cố ý giết.

– Upakkāmo: cố gắng tìm cách giết chúng sanh ấy.

– Tena maranam: giết chúng sanh ấy được là nhờ sự cố gắng ấy.

Nếu thiếu một chỉ nào, thì người giết hại không gọi là phạm tội sát sanh, nhưng giới hạnh của người ấy không được trong sạch.

2. Trộm cướp (Adinnādānā): có tác ý trộm cướp khi biết rằng món đồ cướp lấy có chủ, chủ không bằng lòng cho mà vẫn cố ý trộm cướp hay cướp lấy về cho mình. Tội trộm cướp nặng hay nhẹ là tùy theo của ít hay nhiều, giá cao hay thấp, và cũng tùy theo người bị cướp ấy là người lương thiện và có giới hạnh hay không.

Người hoàn toàn phạm tội trộm cướp là khi nào người phạm đủ năm chi sau đây:

– Parapariggahitam: của có chủ giữ gìn.

– Parapariggahitasaññitā: biết rằng của có chủ.

– Theyyacittam: cố tâm trộm cướp lấy cho bằng được.

– Upakkamo: cố tìm mưu kế trộm cướp lấy.

– Tenaharanam: trộm cướp được đều nhờ sự cố gắng ấy.

3. Tà dâm: dịch ở tiếng Phạn là Kāma, nghĩa là sự mơ ước. Tiếng này thường được dịch là Trần nhưng nơi đây phải dịch là Dâm. Dâm có hai trường hợp, phạm tội và không phạm tội:

– Sadārasantoso: sự ăn ở với với vợ nhà là không phạm tội.

– Paradāragamana: sự ăn ở với kẻ khác là phạm tội.

Tà dâm là một điều mà các vị thiện trí thức nhất là Đức Phật hằng chê là pháp thấp hèn, làm cho chúng sanh tội lỗi và đau khổ trong luân hồi.

Phật giáo cấm phạm dâm đến 20 hạng người, gọi là Agamaniyatthāna – người bất khả xâm phạm.

– Māturakkhitā: người phụ nữ còn có mẹ giữ gìn.

– Piturakkhitā: người phụ nữ còn có cha giữ gìn.

– Mātāpiturakkhitā: người phụ nữ còn có cha mẹ giữ gìn.

– Bhāturakkhitā: người phụ nữ còn có anh giữ gìn, nghĩa là người đã mất cha mẹ, hoặc còn mà phải ở với anh, anh có phận sự gìn giữ.

– Bhaginīrakkhitā: người phụ nữ có chị hay em gái gìn giữ.

– Ñatirakkhitā: người phụ nữ có quyến thuộc gìn giữ.

– Gottarakkhitā: người phụ nữ còn có người trong họ gìn giữ.

– Dhammarakkhitā: người phụ nữ có pháp gìn giữ, nghĩa là người phụ nữ xuất gia ở trong giới luật, còn có nhiều người cùng đạo gìn giữ.

– Sārakhitā: người phụ nữ đã có chồng hay người đi hỏi rồi.

– Saparidanto: người phụ nữ phạm luật nước, nghĩa là người phụ nữ bị nhà chức trách không cho hành động theo ý muốn của mình, hoặc cho người nam đến giao tiếp.

– Dhanamakkhitā: người phụ nữ đã có người mua đổi bằng tiền của dù nhiều hay ít.

– Chandavāsini: người phụ nữ theo trai, người đàn ông bằng lòng đem về nhà làm vợ.

– Bhogavāsinī: người phụ nữ ưng làm vợ người vì tiền, nghĩa là người phụ nữ ấy ưng làm vợ của người nam vì một số tiền dù ít hay nhiều.

– Patavāsinī: người phụ nữ ưng làm vợ người vì y phục, nghĩa là chịu lãnh một số y phục để về làm vợ.

– Odapattakinī: người phụ nữ bằng lòng để cho người khác đem bàn tay mình để vào bàn tay người nam, rồi nhúng vào chậu nước mà nói rằng: hai người hãy ở với nhau như nước này, không bao giờ chia rẽ nhau. Đây là phép cưới ngày xưa của Ấn Độ.

– Obhatakumphatā: người phụ nữ đội trên đầu nhờ người nam để xuống rồi người ấy đem về làm vợ.

– Dāsī ca bhariỳa ca: người phụ nữ đã làm tớ mà cũng là vợ, nghĩa là trước kia là tớ sau lại ở với ông chủ.

– Kammakārinī ca bhariyā ca: người phụ nữ làm công mà cũng là vợ (như trên).

– Dha jāhatā: người phụ nữ bị quan quân bắt về, nghĩa là nữ tù binh.

– Mahuttikā: người phụ nữ có tình với người nam, họ gặp nhau một đôi giờ (như vợ bé thời bây giờ).

Người nam không được xâm phạm đến 20 hạng phụ nữ kể trên; còn người nữ khi biết mình thuộc về 20 hạng ấy mà còn ngoại tình cũng gọi là tà dâm.

Cũng như hai giới trên, giới tà dâm nếu phạm vào người ít đức thì tội ít, bằng phạm vào người có nhiều giới đức thì tội nhiều.

Giới tà dâm có bốn chi để cho người biết mình có phạm giới hoặc giới bị nhơ đục:

– Aga nanīyaṭṭhānaṃ: người mà ta không nên hành dâm (20 hạng phụ nữ đã kể trên).

– Tasmin sevanacittam: tâm muốn hành dâm với người không nên hành dâm.

– Sevanappayogo: cố gắng tìm cách hành dâm.

– Maggena maggappaṭipādanaṃ: đã hành dâm được do sự cố gắng ấy.

Trong ba giới sát sanh, trộm cướp, tà dâm kể trên, sát sanh và trộm cướp là hai cửa khẩu của thân và khẩu, còn tà dâm chỉ thuộc về thân mà thôi.

Phật giáo quan niệm rằng điều ác sanh lên do thân, khẩu nên luật không bắt tội về tâm, vì tâm chỉ toan tính mà điều ác chưa thi hành thì nhân vật mà tâm tính hại ấy thực tế vẫn chưa bị hại vì sự suy nghĩ ác của tâm.

4. Nói dối: theo Chú giải thì chẳng những nói dối bằng miệng mà thôi, người cũng có thể dùng thân thể ra dấu hiệu hoặc dùng thư từ mà dối gạt người khác. Hơn nữa kẽ đã làm tội, mà người khác hỏi đến, sợ chối bị phạm nói dối, bằng thú nhận thì sợ bị hành phạt, cứ nín thính, như vậy cũng phạm tội nói dối.

Nói dối nếu hại ít người thì nhẹ tội, bằng hại nhiều người thì nặng tội. Nói dối có bốn chi là:

– Atathaṃ vatthu: chuyện, sự, nhân hay là vật không thật.

– Visamvāyanacittaṃ: tâm muốn nói sai sự thật.

– Tajjovāyāmo: cố gắng nói sai sự thật theo ý muốn.

– Parassa tadatthavijānānaṃ: làm cho người khác biết rõ chuyện (mà mình nói ấy).

Có chỗ nói dối có ba chi khác hơn là:

– Abhutaṃ vacanaṃ: lời không thật.

– Visaṃ vadanacittaṃ: tâm muốn nói sai sự thật.

– Parassa tadatthvijānanaṃ: làm cho người khác biết rõ chuyện (mà mình nói) ấy.

5. Nói đâm thọc: con người bị sự tham lam, sân hận, si mê làm mờ ám; thường mưu toan làm cho những kẻ đang thương yêu quí mến nhau chia rẽ nhau, thù oán nhau cho bỏ ghét, cho đã lòng oán hận hoặc là để cầu thân với bên này đặng trả oán bên kia. Thái độ ấy gọi là Pesunāvācā, tức là nói đâm thọc.

Lời nói đâm thọc, chia rẽ được người có giới đức ít, thì ít tội; chia rẽ người có đức hạnh cao thì nhiều tội. Còn nếu nói đâm thọc mà không có kết quả chi cả thì tội ít.

Nói đâm thọc có bốn chi là:

– Bhinditatabbo paro: người có thể chia rẽ.

– Bhedapurekkhāratā  piyakamyatā: sự muốn chia rẽ, hoặc muốn cho một bên thân thiện với mình.

– Tajjo vāyamo: sự cố gắng được kết quả.

– Tadatthavijānāma: làm cho hai bên biết rằng họ ghét nhau (đã thành công trong sự mưu toan ấy).

6. Ác ngữ: là nói lời hung dữ, chửi rủa. Chú giải có dạy rằng khi ta giận hờn nguyền rủa và trù ẻo kẻ khác cho bị tai nạn, nói những điều xấu của kẻ khác làm cho người ta mất danh giá, ấy là ác ngữ.

Riêng về phần cha mẹ chửi rủa con, không gọi là ác ngữ, vì mặc dù ngoài miệng chửi rủa mà trong lòng thương yêu, không muốn cho con bị tai nạn theo lời rủa của mình. Như tích sau đây:

Có một gã thanh niên kia cãi lời mẹ đi chơi trong rừng, bà mẹ sợ con bị tai nạn ngăn cản không được mới rủa: “Mầy đi sẽ bị trâu rừng dữ rượt mầy”.

Người con vào rừng bị trâu rừng rượt. Nhắm không thể nào chạy khỏi, người ấy mới phát nguyện rằng: “Khi tôi ra đi, mẹ tôi có rủa tôi, nếu mẹ tôi có ác ý muốn cho tôi chết, tôi xin chịu chết; bằng mẹ tôi chỉ hăm dọa cho tôi sợ, xin cho tôi thoát nạn.” Người thanh niên vừa dứt nguyện, trâu rừng tự trở lui không hại người thanh niên ấy.

Tích này cho thấy rằng dù lời nói ác nhưng tâm không cố vào, thì không hoàn toàn là ác ngữ. Nhưng đó là tư cách của người mất dạy, làm giảm bớt giá trị con người, vậy chúng ta cũng không nên dùng tới lời ác như thế, mà nên dùng lời dịu ngọt ta sẽ thấy ở pháp Hạnh phúc sau. Ác ngữ mà chúng ta dùng với các bậc có giới đức cao thì tội càng nhiều.

Ác ngữ có ba chi là:

– Akkositabbo: có kẻ khác để ta chửi.

– Kumitacittam: tâm ta giận.

– Akkosanā: đã chửi rủa xong.

7. Lời nói vô ích: vì tác ý khiến cho thân, khẩu, theo những điều vô ích. Giới này có hai chi là:

– Muốn nói lời vô ích như chuyện vặt, chuyện tiểu thuyết.

– Đã nói những chuyện kể trên.

Khi người phạm vào hai chi trên thì là phạm vào tội nói lời vô ích. Về phần khẩu, giới nói dối có hai chi kể trên, nói chung lại là vọng ngữ.

8. Tham lam thái quá: có hai chi là:

– Parabhandam: của cải của người khác.

– Attano parināmānam: đã tìm thế đem những của cải về cho mình (dù cho mới tính quyết rằng ta sẽ đem của ấy về cho ta, thì cũng phạm vào chi này; trái lại, nếu ta muốn được của người nhưng tâm ta chưa quyết rằng ta chiếm cho kỳ được, thì chưa phạm hẳn giới này).

Về khoản này, giới cấm rất gắt, và phải gắt như thế mới có thể đưa tâm của người vào khuôn khổ được. Người tu muốn được giải thoát, cần phải có trí nhớ và công bằng để làm quan tòa xử tâm mình cho công minh, không thiên vị.

9. Oán thù: là ác tâm muốn tìm thế hại người, tìm mưu chước để làm mất lợi ích của người mà họ oán ghét. Oán thù có hai chi là:

– Parasatto: nhân vật khác.

– Tassavināsacinto: suy nghĩ để làm hại kẻ khác.

Sự oán thù sanh lên bởi lòng nóng giận. Khi nóng giận kẻ khác mà chưa có ý nghĩ hại người, thì chưa hẳn phạm tội này, chừng nào tâm đã quyết và đã lập kế hại người, mới phạm.

10. Tà kiến: sự hiểu biết sai lầm, trái với sự thật, gọi là tà kiến. Ấy là sự nhận thức trái với chân lý, ví dụ như tin tưởng rằng một khi đã phạm tội rồi, có thể yêu cầu kẻ khác rửa tội cho mình, hoặc chịu tội thế cho mình; tin rằng có kẻ khác cho ta phước, phạt ta phải chịu tội, chớ không tin rằng phước theo ta như bóng theo hình, thể hình cao thì bóng dài mà hình thấp thì bóng ngắn.

Tà kiến có hai chi là:

– Vatthuni gahitakāravipāritattā: tính cách của sự chấp điều sai với sự thật.

– Yathā ca tam banhāti tathābhāvena tassu-patthānam: chấp với tính cách hiểu lầm, những điều sai với sự thật, mà cho rằng đúng, không chịu bỏ.

Người tu tại gia cố tránh mười điều ác do thân, khẩu, ý tạo ra, đồng thời gắng hành mười điều thiện. Được như vậy, mới là đúng luật của con người tại gia.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.