Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 3 & 4

LUẬT CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Anāgārikavinaya: nếu dịch đúng theo Phạn ngữ là luật của người vô gia đình, mà người vô gia đình là xuất gia. Người xuất gia không được phạm một điều nào trong 227 điều luật. 227 điều ấy, gọi là Cụ túc giới. Nếu vị Tỳ khưu phạm đến, tùy theo điều sám hối được hay không thì hoặc bị phạt cấm phòng hay bị hoàn tục, nghĩa là bị trục xuất ra khỏi hàng Tăng già.

Cụ túc giới chia ra làm 7 phần:

– Parājika: bất cộng trụ.

– Sanghādisena: tăng tàng.

– Thullaccāya: tội trọng.

– Pācittiya: ưng xã đối trị.

– Patisesaniya: ưng phát lộ.

– Dukkata: tác ác.

– Dubbhāsita: ác ngữ.

Thầy Tỳ khưu phạm Bất cộng trụ thì bị trục xuất khỏi giáo hội. Phạm Tăng tàn phải bị cấm phòng, còn phạm vào năm điều sau thì có thể xin xám hối được.

Đừng nói chi đến sự phạm Bất cộng trụ và Tăng tàn, thầy Tỳ khưu phạm vào một điều nào của năm điều sau, tuy có thể xin sám hối được, mà lại quên không xin sám hối, thì điều tội ấy dù nhỏ, cũng ngăn con đường thiên đàng và Niết Bàn, như câu Phật dạy rằng: Sāpattissa bhikkhave niriyam vadāmi tiriccha nayonnyam, nghĩa là: Này thầy Tỳ khưu, Như Lai nói rằng địa ngục hay là súc sanh là cảnh giới dành để cho các thầy Tỳ khưu phạm giới.

Đây tôi xin nhắc sơ lược sự tích của một thầy Tỳ khưu, chỉ phạm một giới rất nhỏ mà quên sám hối, rồi phải bị đọa vào súc sanh.

Trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa (Ca Diếp) có một thầy Tỳ khưu hành đạo trong rừng tám muôn năm, giới hạnh của thầy rất trang nghiêm. Ngày nọ, đi ghe theo sông Gangā (sông Hằng), tới chỗ nước chãy mạnh, ghe đi rất đổi mau, ông kinh sợ, níu một bụi tranh, mọc nơi bờ, rủi đứt bụi tranh; khi trở về tịnh thất, ông quên sám hối, tưởng đó là một tội nhỏ thôi. Khi sắp lâm chung, ông có cảm tưởng như có lá trành đến quào vào cổ ông. Chừng ấy ông muốn sám hối, nhưng rủi thay, trong lúc ấy không có một vị Tỳ khưu nào ở đó, để ông sám hối, nên ông rất ân hận rằng giới hạnh của mình của mình không được trong sạch. Rồi ông tắt hơi, sanh làm vị Long Vương tên Eraka-patti. Từ đời Đức Phật Ca Diếp đến thời Đức Thế Tôn hiện tại của chúng ta, ngài mới được thuyết pháp cho chúng sanh nghe, song ngài chỉ thọ tam quy và ngũ giới thôi vì còn mang xác thân súc sanh không thể đắc đạo quả được.

Vì lẽ ấy nên các thầy Tỳ khưu, vì dễ duôi hay vì không cố ý mà lỡ phạm vào một điều nào dù thật nhỏ, cũng nên sám hối liền, bằng không dù đạo hạnh cao và tinh tấn đến đâu, dù sắp được đắc quả, cũng bị trở ngại.

Bài kinh Akkhikhadhopamasutta có dạy rằng: Một lúc nọ Đức Thế Tôn có đi ngang qua xứ Kosala, trông thấy ở lề đường có một cây cổ thụ có hoa, và trong hoa, lửa đang cháy, xem thật ghê gớm và rất nguy hiểm cho thân cây. Đức Thế Tôn đem cây cổ thọ và lửa đang đốt nó làm ví dụ để thuyết một bài pháp thật dài, dạy các thầy Tỳ khưu về lửa phiền não bằng đốt thân tâm con người.

Trong khi nghe Đức Phật thuyết pháp, có 60 vị Tỳ khưu vi phạm vào 17 giới Bất cộng trụ mà giấu lỗi liền phát tâm ân hận, mữa máu tươi ra chết tại chỗ. Còn 60 vị khác phạm Tăng tàn nhưng cũng giấu lỗi, tự xét lấy mình phạm hạnh của Đức Phật dạy thật là cao quí, mà không thể hành được; suy nghĩ như thế rồi 60 vị ấy xin hoàn tục. Còn 60 vị nữa tự xét giới hạnh của mình thật trong sạch nên tâm thơ thới quán tưởng ba tướng (khổ, vô thường, vô ngã) nên đắc quả A La Hán.

Đến đây có lẽ có người muốn hỏi: “Nếu theo thời pháp của Đức Thế Tôn dạy chỉ có được 60 vị chết tại chỗ, và 60 vị hoàn tục, thì thời pháp ấy có kết quả lành ít mà tai hại lại nhiều, tại sao Đức Phật lại thuyết? Vậy lòng từ bi bác ái của ngài ở đâu?”

Chúng ta thấy gần nhưng không hiểu xa. Đức Thế Tôn hoàn toàn giác ngộ nên làm điều nào cũng rất chu đáo. Nếu Ngài không thuyết thời pháp ấy thì chư Tỳ khưu phạm Tăng tàn và Bất cộng trụ ấy tha hồ mà lợi dụng lòng tin tưởng của tín đồ. Đức Phật trong Tạng Luật đã sánh hạng Tỳ khưu ấy với một bọn cướp rất lợi hại, nhà chức trách không biết và không thể bắt được, vì bọn cướp ấy không có khí giới, mà người ta lại vui lòng giúp cho khí giới nữa. Thiện tín đâu biết ấy chính là các thầy Tỳ khưu phá giới nên dâng cúng bằng tất cả tấm lòng cung kính. Bởi vậy Đức Phật phải thuyết thời pháp ấy vì Ngài thương hại cho các vị Tỳ khưu, sợ càng giấu lỗi thì tội họ càng ngày càng nhiều, vì cướp của thiện tín thì càng bị đọa vào địa ngục. Còn 60 vị Tỳ khưu phạm Tăng tàn, sau khi hoàn tục, cố gắng hành theo hạnh người tại gia cũng có thể đắc đạo quả được dễ dàng. Hơn nữa, nếu Đức Phật không thuyết thời pháp ấy, thì các thầy Tỳ khưu ấy cũng làm thêm những điều chẳng lành, làm cho ngoại đạo hay biết chuyện chẳng hay ấy, họ chỉ trích Đạo Phật, làm cho Đạo Phật khó truyền bá mà có tội cho những người chỉ trích nữa. Vì vậy nên thời pháp mà Ngài thuyết rất là cao quí, vì lòng từ bi của một đấng Giác ngộ. Vả lại, thời pháp của Ngài chẳng hại gì cho các thầy Tỳ khưu, nhưng đó chẳng qua là cái quả tu hành không chân chánh, không đúng luật của bậc xuất gia.

Luật xuất gia còn gọi là luật của người vô gia đình, ngụ ý chỉ Tứ Thanh Tịnh Giới. Tứ Thanh Tịnh Giới ấy là:

– Pātimokkhasamvarasīla: Tàu âm là Ba La Đề Mộc Xoa, thu thúc giới, cũng gọi là cụ túc giới, là 227 điều mà thầy Tỳ khưu phải hành theo.

– Indrysamvarasīla: lục căn thu thúc giới.

– Ajīvaparisuddhisīla: chánh mạng thanh tịnh giới.

– Paccāyasaññissitasīla: quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới.

1. Ba La Đề Mộc Xoa thu thúc giới: là 227 điều giới cấm của bậc Tỳ khưu phải tuân hành theo cho thật trong sạch, dù một giới thật nhỏ cũng không cho phạm vào. Người tu phải luôn luôn trau giồi giới hạnh cho trong sạch, cũng như chỉ có một con mắt, hết sức lo trông nom săn sóc con mắt còn lại cho khỏi bị bệnh. Thầy Tỳ khưu biết thương yêu giới hạnh của mình, mặc dù chết chớ không cho phạm giới rất nhỏ, như thầy Tỳ khưu trong sự tích sau đây:

Có một vị Tỳ khưu đi hành đạo trong rừng, bỗng bị một bọn cướp bắt ngài cột bằng một dây bổ thảo, thứ cây như dây bình bát, rồi chúng bỏ giữa rừng, không cho ngài về thành, vì sợ ngài về mách với chánh quyền đến truy nã, chúng sẽ trốn không kịp, chớ không ác ý muốn giết hại ngài. Thầy Tỳ khưu ấy không dám làm đứt sợi dây, sợ phạm Ưng đối trị trong điều học làm hại thảo mộc. Thầy cam chịu bị cột và nhịn đói bảy ngày, gắng hết sức tham thiền, hết ngày thứ bảy đắc quả, chết được sanh về cõi Ngũ tinh Phạm thiên.

Nên có câu kệ ca tụng giới đức trang nghiêm rằng:

Patimokkam visodhento

Appeva jivitam jahe.

Pannāttamlokanāthena

Nabhinde sīlasamvaram.

Nghĩa là: “Hành giả có đức tin hành theo Ba La Đề Mộc Xoa được thanh tịnh; cố đủ can đảm bỏ mình, không chịu để phạm giới mà đức Lakanātha (Đấng Cứu Thế) đã giảng giải”.

Xem đến tích này có lẽ các vị cảm động vì tư cách xử sự của vị Tỳ khưu ấy, mà cũng có vị cho rằng ngài câu nệ một giới quá nhỏ. Tôi xin bào chữa cho ngài như vầy: người như ngài thật là người biết yêu sự giải thoát. Ngài không còn làm nô lệ cho phiền não. Ngài thắng được cái ý nhơ nhớp là không biết ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi nên ngài đã giải thoát. Riêng chúng ta còn là nô lệ phiền não và vẫn còn chưa kinh sợ khổ não của sự sanh tử luân hồi.

Gương sáng ấy, chẳng những hàng xuất gia mà hàng cư sĩ phải noi theo để gìn giữ giới hạnh của mình được tinh khiết và nâng cao trình độ của tinh thần mình trên đường giải thoát.

2. Lục căn thu thúc giới: thầy Tỳ khưu muốn được lục căn thu thúc được thanh tịnh, thì trước nhất phải biết quả báo cao thượng của sự thu thúc và tai hại của sự buông lung.

Đức Phật có dạy hai điều ấy trong đoạn kinh Pathasangeyyasutta rằng có 6 nơi sanh ra cảm xúc là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thầy Tỳ khưu gìn giữ 6 nơi ấy cho cẩn thận thì sẽ được an vui, bằng không thì sẽ khổ tâm bực tức.

Trong bài kinh Adittaparyāyasutta, Đức Phật có dạy rằng các thầy Tỳ khưu dùng miếng sắt thật bén, móc vào con mắt cái, nạo thật bén, nạo lỗ tai, lưỡi dao thật bén cắt lỗ mũi, lưỡi, thân này thu nạp cảnh trần vào tâm cho rằng đó là đẹp, thơm, ngon, mềm dịu và vui sướng. Thọ những vui sướng trong trần dục ấy, khi chết thầy Tỳ khưu chắc chắn đi về một trong bốn đường ác.

Hơn nữa, trước trần dục ấy thà ngủ quên đi còn hơn, vì ngủ quên đi chỉ là một tội nhỏ hơn khi thức mà thầy Tỳ khưu suy nghĩ quấy lâu ngày sẽ dẫn thầy Tỳ khưu ấy đi vào con đường tội lỗi. Đức Phật đã xét một cách vi tế đến tâm lý, nên cấm tới việc suy nghĩ, chớ không phải chỉ cấm hành động.

Vậy, không riêng gì bậc xuất gia, mà hàng tại gia cư sĩ cũng phải noi theo bài kinh này là lo thu thúc lục căn. Người không thu thúc lục căn thường bị mất lợi và thường bị tai hại trong kiếp này như sự tích sau đây:

Khi xưa, có nhiều trừu ở trong một hang núi gần rừng Tuyết Lãnh, trong bầy ấy có một con trừu cái rất là khôn ngoan tên là Mandamātā. Gần hang ấy có một hang khác, hai vợ chồng sói ở, sói đực tên Pūtimansa, sói cái tên Veni, thường bắt trừu ăn, bầy trừu sợ nên kéo nhau đi xa. Vợ chồng sói bắt không được thịt, sói đực mới bàn với vợ: “Nàng hãy tìm làm quen với con trừu cái Mandamātā. Khi đã thân thiện, nàng sẽ than với trừu rằng: chồng tôi đã chết nên tôi không còn thân thuộc nào cả, chỉ có một mình bạn thôi, vậy xin bạn hãy đến giúp tôi an táng chồng tôi. Khi trừu Mandamātā đến, tôi sẽ vật nó để chúng ta ăn thịt.”

Sói cái y lời, rủ mãi mới đem trừu cái về được. Trừu cái luôn luôn cảnh giác việc bất trắc, chó sói giả bộ chết, khi nghe tiếng vợ về, sợ không rủ được trừu cái, và ngóc đầu lên xem. Trừu cái thấy mình trúng kế, lật đật bỏ chạy về rất mau, sói cái giận mắng chồng rằng:

Tavam khosi samma ummatto dummedho avicakkano yo tvam matālayam katvā akāleva vippekkhti.

Nghĩa là: “Ông bạn! Là người khùng, tính quấy; không có trí tuệ suy xét, đã giả chết mà còn ngóc đầu lên xem, không hợp thời”.

Đức Thế Tôn kết luận tích này bằng câu kệ:

Na akāle vipekkheyya

Kāle pekkheyya pandito

Pūtimansova jhāyati

Yo akāle vipekkhati

Nghĩa là bậc trí thức không nên xem sắc trong lúc không nên xem, mà phải nên xem cho kịp thời. Người xem không hợp thời sẽ thất vọng buồn khổ như sói Pūtimansa vậy.

Đây là cái tai họa không thu thúc lục căn. Vậy người tại gia cũng như người xuất gia nên gắng thu thúc lục căn.

3. Chánh mạng thanh tịnh giới: Chánh mạng thanh tịnh giới mà được trong sạch là do nhờ sự cố gắng nuôi mạng chân chánh y theo lời Phật dạy trong bài kinh Mahāsatipatthanasutta rằng: “Này các thầy Tỳ khưu, thế nào là cố nuôi mạng chân chánh? Này các thầy Tỳ khưu, hàng thinh văn đệ tử trong Phật giáo, cố dứt tà mạng và nuôi mạng chân chánh. Các thầy Tỳ khưu này, thầy Tỳ khưu hành như thế mới gọi là nuôi mạng chân chánh”.

Chú giải có giải thêm rằng: Tà mạng mà Phật đề cập đến, là phương pháp bất chánh mà thầy Tỳ khưu không nên dùng đồ tứ vật dụng, được người dâng cúng mà Đức Phật gọi là Tà mạng, gồm có 26 điều là:

– Giả làm các tề chỉnh.

– Giả làm các vui vẻ.

– Nói ướm.

– Giả bộ dọa hăm.

– Được nơi này đem cho nơi khác.

– Cho trẻ.

– Cho lá cây.

– Cho bông hoa.

– Cho cây xỉa răng.

– Cho trái cây.

– Cho nước rửa mặt.

– Cho vật để tắm (xà bông).

– Cho vật thoa dồi (khi xưa Đức Phật cho phép các thầy Tỳ khưu có dầu để thoa thân trong mùa mưa rét, cho khỏi nứt da).

– Cho đất của Tăng.

– Tôn kính kẻ thế.

– Thật ít, dối nhiều.

– Giữ con cho người.

– Làm tay sai cho người.

– Làm thầy thuốc cho người.

– Đem tin cho người.

– Chịu cho người điều khiển.

– Đem cơm đã khất thực được để cho người (không phải cha mẹ) ăn trước, còn mình để khất thực lần thứ nhì mà ăn.

– Cho đi cho lại

– Xem thiên văn địa lý.

– Xem ngày tháng sao hạn.

– Xem tay, tướng và thai cho đàn bà.

Trong 26 điều tà mạng kể trên có điều thuộc về thân, có điều thuộc về khẩu, thầy Tỳ khưu nào có lòng tham muốn lợi lộc để nuôi mạng mà hành theo 26 điều kể trên, hoặc một trong 26 điều cũng gọi là tà mạng.

Các bậc thánh nhân thà chết chớ không bao giờ để phạm vào tà mạng. Tôi xin nhắc lại tích của Đức Xá Lợi Phất.

Một ngày nọ Đức Xá Lợi Phất đau bụng. Đức Mục Kiền Liên thấy vậy mới hỏi: “Khi sư huynh chưa xuất gia, mấy cơn đau bụng như thế này, uống thuốc chi mới mạnh?”. Ngài đáp: “Ăn cơm đề hồ (cơm nấu với sữa tươi) thì mạnh”.

Có một vị Chư thiên được nghe lời ấy, nên hiện đến mách với bà thí chủ của Đức Xá Lợi Phất. Bà liền nấu cơm đề hồ dâng bát cho Đại đức Mục Kiền Liên, Đức Mục Kiền Liên đem về cho ngài Xá Lợi Phất vì ngài nói phải ăn cơm đề hồ mới mạnh. Đức Xá Lợi Phất từ chối hẳn, không chịu thọ thực. Đức Mục Kiền Liên yêu cầu mấy lượt, Đức Xá Lợi Phất trả lời: “Ruột của tôi mà có đứt ra từng đoạn và nó có thể chun ra và bò như rắn trên mặt đất đi nữa, tôi cũng không thọ thực món ăn này, vì tôi đã nhắc đến nó đêm hôm qua”. Rồi ngài nhất định không thọ thực món ấy.

Theo Luật, dù Đức Xá Lợi Phất có thọ cũng vô tội, song các bậc thánh nhân thọ trì giới luật rất chân chánh và vì vậy, rất đáng làm gương cho hàng hậu thế. Các bậc xuất gia nên noi theo gương cao cả ấy, cố giữ mình đừng cho phạm vào 26 điều tà mạng.

4. Quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới: nghĩa là khi thọ lãnh, khi dùng, lúc đang dùng và khi dùng xong vật dụng của đàn na thí chủ dâng cúng, thầy Tỳ khưu phải quán tưởng theo những lời trong bài kinh Quán tưởng bằng Phạn ngữ; nếu không hiểu Phạn ngữ thì cần học hiểu bằng tiếng mẹ đẻ để lãnh hội ý nghĩa của kinh, để ngăn ngừa không cho tâm duyên theo trần tục.

Từ khi Đức Phật thành đạo đến 15 năm sau, các đệ tử của ngài là các bậc thánh nhân, bằng chẳng vậy cũng toàn là các vị Tỳ khưu biết yêu kính giới hạnh của mình, nên các ngài không xao lãng về quán tưởng. Về sau, có các vị Tỳ khưu không quán tưởng vật dụng của thí chủ dâng cúng, Đức Thế Tôn biết thế mới dạy rằng: “Này các thầy Tỳ khưu, tứ vật dụng mà các thầy dùng cần phải quán tưởng trước rồi sẽ dùng sau”.

Đức Thế Tôn bèn dạy thêm rằng: “Các thầy Tỳ khưu thọ thực tứ vật dụng của người cúng dường mà không quán tưởng cũng như thọ thuốc độc”.

Thầy Tỳ khưu không nên dễ duôi mà suy nghĩ rằng: “Vật dụng này của con ta, em ta, chị ta, anh ta, cha mẹ ta, ta không cần quán tưởng cũng được, vì nếu ta không xuất gia, những người này vẫn cho ta như thường”. Vị Tỳ khưu khi đã xuất gia không còn gia đình, mà la người đã thuộc vào hàng Tăng lữ, nhằm mục đích giảithoát mà thôi, không còn có quyến thuộc như người thế tục.

Vì Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Thầy Tỳ khưu ăn cục sắt nướng đỏ còn hơn là thọ vật thực của thí chủ dâng cúng, nếu giới hạnh mình không trong sạch và khi họ thọ không lo quán tưởng.”

Nơi đây tôi xin nhắc lại lời nói của ông Sa di:

Bhāgineyyasangherakkhita:

Upajjhāyo mambhunjamānam sālikuram sambhutam.

Sabba savaparrikkhīno natthidāni punabbhavo.

Nghĩa là tôi đang ăn cơm với Sa di rất ngon, rất mát, thầy tế độ tôi mới kêu tôi mà dạy rằng: “Này Sa di, người không nên tự đốt cháy lưỡi người vì không quán tưởng”. Tôi nghe lời ấy lấy làm kinh sợ, tôi đắc quả A La Hán, khi còn đang ngồi chỗ ấy (nhờ sự kinh sợ và lo quán tưởng, nên đắc được quả ngay khi ấy). Tôi suy nghĩ rốt ráo như trăng trong ngày rằm, tôi đã hết phiền não, sẽ không còn sanh lại nữa.

Vì vậy nên có câu kệ:

Tasmā annopi dukkhassa

Patthayanto parikkhāram

Yoniso paccavekkhitvā

Patisevethapaccave.

Nghĩa là: Bởi vậy các bậc hành giả muốn đi đến nơi dứt khổ, phải dùng trí tuệ quán tưởng vật dụng trước rồi thọ thực sau.

(Trên đây chỉ giải tóm tắt về luật xuất gia thôi, không thể giải đầy đủ hơn, vì ngoài phạm vi của quyển sách này. Vậy muốn hiểu nhiều về Luật Xuất Gia, xin xem quyển Luật Xuất Gia của ngài Hộ Tông để hiểu nhiều thêm. Nhất là nên học cho biết rõ về tà mạng của thầy Tỳ khưu, hầu để biết rõ về sự hành động của người thay thế Đức Cha Lành).

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.