Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 3 & 4

HẠNH PHÚC X

Subhāsitā ca yā vācā
Người nói lời ngay thật (chân thật)

Phạn ngữ Subhāsitā thật là khó dịch cho đúng nghĩa với Việt ngữ. Vì tiếng Subhāsitā có nhiều ý nghĩa như sau đây: lời nói ra không hại người và cũng không hại mình (người nói), lời nói đem sự lợí ích cho người và cho mình, lời nói ấy không làm cho người nghe bị khó chịu (ý nói là lời dịu ngọt và hợp thời). Thiết tưởng có thể tạm dùng tiếng “Cam ngôn mỹ từ” để dịch tiếng Phạn ấy.

Đức Thế Tôn có dạy trong bài kinh Subhāsitā rằng: “Này các thầy Tỳ khưu, lời nói nào có đủ bốn chi, lời nói ấy mới gọi là lời Subhāsitā, lời nói ấy không có một ai chê được, không có tội lỗi. Lời nói có đủ bốn chi ấy là thế nào? Này các thầy Tỳ khưu, các thầy là người tu Phật, nên nói đúng bốn chi là:

1. Nên nói lời Subhāsitā (chân thật), không nói lời giả dối.

2. Nên nói pháp, không nên nói ngoài pháp.

3. Nói những lời mà người ưa thích, yêu mến, không nên nói lời mà người ta ghét bỏ.

4. Nói lời thành thật, không nói lời hoang đàng.

Thầy Tỳ khưu nói đúng theo bốn chi trên, mới gọi là Subhāsitā (chân thật).”

Theo lời giải Tikā của Saccakammadvārakatha thì người nói đúng bốn chi sau đây mới gọi là Subhāsitā:

1. Không nói đâm thọc.

2. Không nói hoang đàng.

3. Không nói lời hung ác.

4. Không nói dối.

Đức Phật có dạy: Người hằng nói dối, nói đâm thọc, nói vu vơ, nói hung ác, sẽ bị sanh vào bốn đường ác. Vì đó không phải là Subhāsitā.

Lời chú giải Atthasālinī về khẩu nghiệp có dạy: Thầy Tỳ khưu nói đúng theo bốn chi này gọi là nói lời Subhāsitā(nói ngay thật), không nói lời đê tiện, mà nói lời vô tội, và nói lời mà các bậc trí thức ngợi khen.

Để chúng ta nhận thức thế nào là lời Subhā-sitā, Đức Phật có dạy trong kinh Subhāsitasutta rằng: “Này các thầy Tỳ khưu, lời nói nào có đủ năm chi gọi là lời nói chân thật Subhāsitā. Năm chi ấy là gì? Năm chi ấy là:

1. Nói hợp thời.

2. Nói chân thật.

3. Nói lời dịu ngọt.

4. Nói lời có ích.

5. Nói lời đầy vẻ từ bi.

Này các thầy Tỳ khưu, lời nói có đủ năm chi ấy được các bậc trí thức hằng ngợi khen.”

Thiết tưởng cần giảng giải năm chi kể trên cho rõ, như sau đây:

1. Kālena ca bhāsitā hoti: lơi nói hợp thời. Người ở đời muốn nói một chuyện gì, cần phải xem coi cảnh ngộ có thuận tiện cho mình nói hay không. Lắm khi nói sự thật mà sai, thời có hại đến cho mình, như tích của con rùa và hai con hạc kể đây:

Xưa kia có con rùa ở một cái ao trong rừng gần thành Bārānasī. Mỗi ngày có một cặp hạc đến ao kiếm ăn. Rùa và hạc lâu ngày làm quen nhau và trở nên bạn thân. Rùa mới hỏi thăm chỗ ở của hạc, biết hạc ở rừng trên núi Hy Mã Lạp Sơn. Rùa muốn viếng xứ bạn mà ngại đường xa, mới nghĩ ra một kế đem ra bàn với cặp hạc. Cặp hạc ngậm hai đầu của một khúc cây để rùa ngậm ở giữa, cặp hạc bay đi, thì mang rùa đi. Cặp hạc bằng lòng và căn dặn rằng: “Khi nghe thấy gì lạ anh cũng chẳng nên nói, hỏi chi cả.” Rùa chịu. Nhưng khi hạc bay ngang qua thành Bārānasī, trẻ con thấy lạ mới la lên rằng: “Coi con rùa biết bay”. Rùa ta quyết cải chánh rằng nó được hai bạn khiêng, chớ có bay được đâu, nhưng vừa hé miệng, nó liền té rơi xuống đất, chết ngay trước mặt nhà vua và vị quân sư.

Vị quân sư thừa dịp chỉ và nói với vua rằng: “Người nói không tùy thời thì thường bị tai hại như vậy”. Sau khi nhắc sự tích này xong. Đức Thế Tôn dạy rằng vị quân sư ấy là tiền thân của Ngài, tùy phương tiện nhắc nhở nhà vua hãy nói cho hợp thời.

Chúng ta nên xem gương này mà răn mình. Đừng nói những việc không nên nói, nên nín thinh trong trường hợp nên nín thinh, dù cho mình biết rằng nói ra là được hơn người. Nói hơn người mà không hợp thời, thì lời nói ấy cũng trở thành vô ích. Như chúng ta thấy rùa muốn sự thật, nhưng không hợp thời nên bị hại. Tôi còn nhớ câu phương ngôn Bắc Phạn dạy: “Câm đi còn hơn nói không hợp thời”.

2. Saccā ca bhāsirā hoti: lời nói chân thật. Lời nói chân thật có hai: một là ta làm điều nào, nói điều ấy, không nao lòng vì tai hại có thể đến ta, vì ta nói sự thật, vậy là không nói dối; hai là nói lời chân thật, tức là nói pháp Tứ Diệu Đế.

Đức Thế Tôn có dạy: Sự chân thật có, mà không có mấy ai nhận thấy. Ý ngài muốn dạy rằng đời đầy đau khổ, nào già, nào bệnh, nào chết, chúng sanh ở trong những cảnh già, bệnh và chết, mà không nhận rằng mình già, bệnh, chết, trái lại cứ tìm phương thế che đậy cái già, hoặc dễ duôi. Chúng sanh chìm đắm trong khổ não mà đa số không nhìn nhận sự thật là như thế, đúng như lời dạy của Đức Thế Tôn.

Đức Phật thuyết tất cả tám muôn bốn ngàn pháp môn, toàn là lời chân thật, tức là chân lý, cho nên đến ngày nay vẫn còn giá trị nguyên vẹn và rất có nhiều các bậc học thức uyên thâm, quan tâm khảo cứu để học và hành theo. Quả là đúng theo câu của Đức Thế Tôn dạy: Saccam ve amattavācā – Lời nói chân thật là lời nói bất diệt.

3. Sanhā ca vācā: lời nói dịu ngọt. Lời nói dịu ngọt là lời nói không cộc cằn, không làm cho người nghe khó chịu. Người nham hiểm, không mắng chửi, nói như mật, mà ý nghĩa mỉa mai làm nhức óc người nghe, lời nói ấy không gọi là lời nói dịu ngọt. Bao giờ lời nói dịu ngọt êm ái, mà ý nghĩa lời nói không làm cho người nghe phải khó chịu, phiền khổ, thì lời nói ấy là lời nói chân thật.

Trên đời này không ai ưa lời thô bỉ, chẳng ai ưa bị mắng nhiếc và bị chọc tức. Lời nói thô bỉ, mắng nhiếc sẽ có ảnh hưởng tai hại đến người nói như tích dưới đây:

Tại xứ Takkasīlā, một thầy Bà la môn có một con bò đực tên Nandavivāla, thầy thương như con. Bò lớn lên, cảm mến ơn đức của thầy Bà la môn mới nói rằng: “Thầy hãy đi đánh cá với ông trưởng giả như vầy: Bò tôi có thể kéo một trăm cổ xe chở đầy đồ. Vậy tôi đánh cá với ông.” Thầy Bà la môn y lời và ông trưởng giả ưng thuận đánh cá với số tiền cá là một ngàn đồng. Bắt ách con bò xong, Thầy Bà la môn mới hét to lên: “Con bò chết bầm, hãy kéo đi.” Bò Nandavivāla nghe lời thô bỉ ấy thối chí không kéo xe nổi. Thầy Bà la môn thua cuộc, về nhà buồn rầu, con bò thấy thế mới nói rằng: “Thôi bây giờ Thầy hãy cá gấp đôi, nhưng đừng dùng lời thô bỉ với tôi nữa.” Thầy Bà la môn y lời. Bắt ách xong, thầy đến vuốt ve bò Nandavivāla và nói rằng: “Con ơi, con gắng kéo xe cho cha, không thì khổ cho cha lắm”. Bò nghe lời dịu ngọt như thế, phấn khởi trong lòng kéo trăm cổ xe đi dễ dàng. Thầy Ba la môn thắng cuộc.

Đức Thế Tôn nhắc xong tích này mới dạy rằng: Bò Nandavivāla là tiền thân của Ngài. Rồi Ngài thuyết rằng “Này các thầy Tỳ khưu, đã gọi là thô bỉ, thì không ai ưa.” Rồi ngài ngâm câu kệ.

Nanunnameva bhāseyya

Nāmunnam khdañcanam

Dhananca namalabhesi

Tena cittamano ahuti

Nghĩa là bao giờ ta cũng nên nói lời cho người khác vừa lòng, không nên nói lời làm phật lòng người khác. Khi thầy Bà la môn nói dịu ngọt vừa lòng con bò Nandavivāla, bò kéo nổi xe nặng giúp thầy được cuộc.

Tích này cho thấy rằng: loài thú, nó còn không ưa thích lời thô bỉ cộc cằn thay, vậy ta không nên dùng lời thô bỉ bất cứ với ai, ta nên dùng lời dịu ngọt. Lắm lúc có người sẵn sàng giúp ích cho ta mà khi nghe ta nói lời không vừa lòng họ không giúp ta.

4. Atthasanhitā ca bhāsitā hoti: lời nói lợi ích. Lời nói lợi ích trái với lời nói vô ích, lời nói vô ích chỉ làm mất thời giờ mà chẳng lợi lộc cho ai, còn lời nói lợi ích là lời nói nào đem lại sự an vui cho người trong hiện tại và vị lai, mà không hại kẻ khác, không hại mình (là người nói).

5. Mettācittena ca bhāsitā hoti: lời nói đầy vẻ từ bi. Lời nói đầy vẻ từ bi là lời nói không tự ý biếm nhẻ, xuyên tạc mà lời nói thể hiện tấm lòng không thù nghịch oán ghét, cũng không vì tư lợi.

Vậy, tiếng Subhāsitā phải có đủ năm chi vừa giải ở trên. Lời nói thiếu một chi nào trong năm chi ấy không gọi là lờiSubhāsitā (chân thật, ngay thật).

Muốn cho dễ nhớ, tôi xin tóm lược dưới đây:

– Đúng thời mới nói (Kāla).

– Chân thật (Sacca).

– Dịu ngọt (Sanha).

– Có lợi ích (Atthasanhita).

– Tác ý lành (Mettā).

Vậy, lời ngay thật phải có tác ý lành, nội dung nói lành và hợp hoàn cảnh và còn phải vừa với trình độ và tâm lý người nghe. Lời nói có tác ý lành có nội dung lành và hợp hoàn cảnh mà không vừa với người nghe, còn có thể bị hiểu lầm, bị xuyên tạc và có thể gây oán chuốc hờn.

Vậy, chúng ta là Phật tử chân chánh nên học hành theo năm điều Đức Phật dạy để tránh oan trái oán thù, mặc dù không hoàn toàn tránh khỏi hết được, nhưng cũng giảm đi rất nhiều. Sự nói cũng thuộc về một nghiệp nặng, gọi là khẩu nghiệp và khẩu nghiệp ấy cũng do nơi tác ý; vậy, trước khi nói, ta nên nghĩ đến tác ý của ta đã.

Lời chân thật đem đến cho ta những hạnh phúc là:

1. Lời nói chân thật thuộc về thập thiện, nguyên nhân sanh phước.

2. Lời nói chân thật là đại phúc, khiến con người được an vui trong kiếp này và vị lai.

3. Lời nói chân thật sẽ đem lợi lộc, quyền chức, giàu sang, quyến thuộc và bạn lành.

4. Lời nói chân thật làm cho người bên ta đều tin tưởng nơi ta.

5. Lời nói chân thật làm cho người hạnh phúc từ bậc thấp là trời, người, đến bậc cao là Niết Bàn.

6. Lời nói chân thật đem lại cho người tất cả các sự hạnh phúc mà người ước mong.

7. Người hành theo lời chân thật là người đi theo đường của chư Phật.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.