Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 7 & 8

HẠNH PHÚC XXIV

Santuṭṭhī
Tri túc vui thích trong của cải đã có

Tri túc nghĩa là tư cách biết và lấy làm đủ (hay lấy làm thỏa mãn). Phạn ngữ Santuṭṭhī trước khi chưa biến thể thì nó là Samtusa, Sam có nghĩa là ta, Tusa có nghĩa là vừa lòng, thỏa mãn, lấy làm đủ, Santuṭṭhī có nghĩa là tri túc nhưng giải rõ hơn, là vui thích trong của mình đã có.

Tri túc còn có nghĩa là không tham lam, có những trạng thái sau đây:

1. Alaggabhavakkhano: có trạng thái không dính trong pháp; nghĩa là không say mê trong cảnh trần.

2. Apariggaharaso: có trạng thái chắc chắn trong các biện pháp, là phận sự.

3. Anallīnabhāvapaccupatthāno: có trạng thái không thỏa thích trong sự trụy lạc theo trần cảnh, là quả.

4. Yonisomanasikārapadatthāno: có suy nghĩ rất chu đáo bằng trí tuệ, để pháp sanh sự không tham làm nền tảng.

Muốn hiểu rõ về tri túc thì ta nên biết qua trạng thái của tri túc. Tri túc có 3 trạng thái nữa:

– Sekena Santoso: thỏa thích trong của mà mình đã có.

– Santenasantoso: thỏa thích trong của mà mình đã được.

– Samena Santoso: thỏa thích vừa phải.

1. Thỏa thích trong của mà mình đã có: ý nói của nào của mình đã có thì mình thỏa thích, không mong của người khác, nên gọi là tri túc.

Có lần tôi (tác giả) đã bị một người chất vấn rằng: “Người chỉ biết ưa thích trong của mà mình đã có, thì người ấy không bao giờ tiến hóa được. Nếu người trong xã hội này đều tri túc như vậy hết thì làm sao xã hội này tiến hóa được? Tại sao Đức Phật lạy dạy điều trái ngược với xã hội vậy?”

Tôi đáp: “Câu hỏi của ông tôi không phản đối. Nhưng xin ông cho tôi biết ý kiến của ông về hai hạng người sau đây, rồi tôi sẽ xin giải cho ông rõ:

Hạng A:Thương ta.

Thương cha mẹ.

Yêu vợ con.

Yêu Tổ quốc.

Yêu nghề.

Hạng B:Không thương ta.

Không thương cha mẹ.

Không yêu vợ con.

Không yêu Tổ quốc.

Không yêu nghề.

Hai hạng người này ông chỉ cho tôi biết hạng người nào ông cho là tốt và hạng nào là xấu.”

Ông ấy nói: “Tất nhiên hạng A tốt rồi.”

Tôi nói: “Thế là ông gián tiếp nhìn nhận tri túc và ông hành theo hạnh tri túc vậy. Chắc ông làm cho xã hội không tiến hóa rồi? Ông cho những người hạng A là tốt, nghĩa là ông thỏa thích trong của đã có, ông tri túc.”

Ông ấy hỏi: “Nếu mình có của mà mình không thích có được không? Và khi mình dự tính sửa đổi vậy có phạm tri túc không?”

Tôi đáp: “Sự không thỏa thích và sửa đổi vốn tùy trường hợp và vật sử dụng, nên sửa đổi hay không cũng tùy trường hợp. Như ta có vợ, người vợ ấy rất tốt, nhưng ta lại thích một bà khác, ta chán bà nhà, muốn đổi lấy bà khác, ta không đổi được. Còn như ta có bệnh ghẻ ngứa, ta không thể để tri túc bệnh ghẻ ngứa ấy mà không chữa cho mạnh.”

2. Thỏa thích trong của mình được: Thỏa thích trong của mình được nghĩa là thỏa thích phần của mình được vừa với sức mình, chẳng hạn như mình làm việc với chính phủ hay tư nhân thì mình được với số lương tương đối với khả năng của mình, mình không mong và không đòi hơn số ấy. Đành rằng ai ai cũng muốn được nhiều, nhưng trước hết phải xét lại tài ba và sản lượng của mình trước đã. Con người vì thiếu tri túc nên lòng tham nhân cơ hội phát sanh, khiến người làm tội lỗi như trộm cướp v.v… Tri túc là tấm vách thành ngăn lòng tham lam. Khi ta được của gì của chính tay ta làm ra, dù nhiều hay ít, ta cũng thỏa mãn của ấy, không nghĩ đến của bất chánh, ngoài ra của ấy. Ví như người đi bắt cá, thỏa thích với con cá có được trong tay, tuy biết rằng cá đó còn nhỏ hơn nhiều con cá lớn khác ở sông sâu.

Người biết như vậy gọi là người có tri túc. Người đời bị khổ vì muốn và được. Khi hai cái muốn và được không về với ta là ta khổ. Khi sự muốn trong lòng gia tăng, mà cái được lại không có, thì lòng người thật là nóng nảy khó chịu, làm những điều tội lỗi, không còn phân biệt phải trái.

3. Thỏa thích vừa phải: Đây là sự tri túc cao nhất. Trong trường hợp thứ nhì trên đây thỏa thích trong của mình được, là phương pháp kềm hảm tâm mình không cho thỏa thích những gì mong muốn, mặc dù của kẻ khác có đẹp tốt hơn của mình thật. Còn trường hợp thứ 3 này, thỏa thích vừa phải là thỏa thích của mình đã được đó là của mình, mình thỏa thích của ấy không bồn chồn thấy người được của tốt đẹp hơn của mình.

Có người hỏi: Vậy sự thỏa thích trong của vừa phải ấy lấy gì làm tiêu chuẩn, cho biết đâu là vừa phải, đâu là không? Người đời phần đông tùy theo sở thích của mình làm tiêu chuẩn. Nhưng theo Phật dạy thì lấy ba điều sau đây làm tiêu chuẩn.

– Yathālābha: vừa với địa vị.

– Yathābala: vừa với khả năng.

– Yathāsārupa: vừa với chức phận của mình.

1. Vừa với địa vị: ý nói ta là người xuất gia hay là người cư sĩ; nếu ta là người xuất gia thì nên biết mình là người khác hơn người thế tục, biết rằng ta là người mới xuất gia hay là vị đại đức cao hạ; còn nếu là cư sĩ thì nên biết địa vị của mình trong xã hội.

Người thiếu tri túc về địa vị xã hội, thì thường hay lâm vào cảnh:

– Tự cao, tự đại, làm cho người không ưa.

– Khổ tâm vì muốn được của nhiều, vì tưởng rằng ta đây phải của từng ấy mà lại được ít hơn.

2. Vừa với khả năng: mỗi người đều có khả năng làm việc khác nhau. Vì vậy sự sản xuất tùy theo khả năng của người, thì cố nhiên lợi tức nhiều hay ít tùy theo khả năng của người. Vì vậy ta phải biết khả năng của mình. Khi ta biết khả năng của ta, thì sẽ không khổ vì muốn được cao quá với khả năng của mình.

3. Vừa với chức phận: Chú giải có dạy rằng người làm việc tùy theo chức phận của mình mà được lương bổng, đừng vội tham nhiều, vì thấy người có quyền hơn mình được hưởng lương bổng hậu hơn.

Giải về tri túc đến đây cũng là vừa cho quí vị hiểu rõ. Nhưng tôi muốn tóm tri túc lại có ba điều là:

– Thỏa thích với của mình.

– Thỏa thích của mình đã có.

– Thỏa thích với của thích đáng mà mình được thọ hưởng.

Xét về mặt đời và đạo, thì tri túc phân làm hai hạng: Tri túc của người xuất gia, và tri túc của người tại gia.

Tri túc của người xuất gia là tri túc tứ vật dụng trong y phục, trong vật thực, trong chỗ ở và trong thức uống. Thầy Tỳ khưu có tri túc trong y phục, không ham muốn những hàng vải đẹp, luôn luôn chỉ có tam y. Có vị tri túc thọ hạnh đầu đà không nhận y của thí chủ, mà chỉ lượm lấy vải dơ của người, không dùng nữa để về làm y, như sự tích của một vị Đại đức sau đây;

Có vị Tỳ khưu vào thành lễ tháp. Ngài có ý muốn được y. Sáng ngày, ngài đi khất thực với một vị Đại đức. Ngài nghĩ rằng chắc mình sẽ được y trong thành. Khi ngài suy nghĩ như thế, thì trí tuệ lại sanh và tự bảo rằng: “Các bậc xuất gia chân chính không vọng móng xấu xa như thế. Người vọng móng như thế không xứng đáng là Phật tử”. Ngài liền trở về thành khất thực.

Trong đêm đó, có một người vì đau bụng đi sông không kịp, nên đi sông trong chăn đoàn. Người ấy đem liệng tấm chăn ấy ở đống rác, ngài thấy trong đống rác có tấm vải bọc phân ruồi lằng bu đầy. Ngài liền ngồi xuống chắp tay xá làm lễ rất là tôn kính. Có một vị Đại đức cũng đi khất thực chng, mới hỏi ngài rằng: “Tại sao ngài làm lễ đống rác này?

Ngài đáp: “Tôi nào làm lễ đống rác, mà tôi làm lễ Đức Chí Tôn là đấng Từ phụ của chúng ta, Ngài là đấng vứt bỏ ngai vàng của báu, đi lượm lấy vải bọc tử thi của một cô đầy tớ bỏ trong rừng làm y phục, ngài làm một việc mà khó có ai làm được”. Khi đang nói, lòng ngài rất trong sạch với ân đức Phật, ngài dùng trí tuệ quán sát (minh sát tuệ) nên đắc quả A La Hán.

Tóm lại, các bậc xuất gia nên biết tri túc trong tứ vật dụng của mình.

Còn người tại gia thì điều quan trọng nhất là nên tri túc trong việc vợ chồng, bằng không sẽ bị tai hại như trong sự tích sau đây:

Thái tử xứ Barānasī dẫn vợ vào rừng Tuyết Lãnh chơi. Khi ấy thái tử trông thấy Kinnārī là một giống nữa người nữa chim, thật đẹp. Thái tử cảm cái sắc đẹp ấy nên bỏ vợ mà đi theo Kinnārī. Bà vợ là bà Asitābhu thấy chồng bội bạc như thế bà chán nản tình đời, nên xin vào tham thiền với một vị đạo sĩ, bà đắc được tứ thiền.

Thái tử theo nàng Kinnārī đi sâu vào rừng, khi không còn lối đi được nữa, nàng lại bay bỏ đi. Ông ta không biết làm sao về với vợ mình đã bỏ.

Khi bà vợ trông thấy thái tử vừa về đến, bà liền bay lên không bỏ đi mất luôn. Thái tử lấy làm buồn khổ vì mất cả vợ mà không được người đẹp. Ông mới nói lời oán trách mình rằng.

Atriccham atilobhena

Atilobhamadena ca

Evam hāyati attham

Āahamva astitabhuyā

Nghĩa là: Người không tri túc, là người tham lam quá ước vọng không bờ bến, thì bị mất lợi lộc cũng như tôi; tôi bị mất vợ là Asitābhu cũng vì sự tham lam quá mức và cũng vì sự say đắm vô độ, không biết vừa, không biết đủ.

Khi ấy có một vị thọ thần thấy vậy mới nói rằng: “Người không tri túc, tham lam quá mức hằng bị mất lợi ích của mình, cũng như thái tử ham mê nàng Kinnārī mà bị mất nàng Asitābhu. Người vì sự tham lam nên mất lợi”.

Đây cũng là một bài học rất quý cho quí vị tại gia cư sĩ không biết tri túc trong ngũ trần. Sự không biết tri túc như thái tử nói trên, nếu không làm mất vợ thì cũng làm cho gia đình mất sự an vui, nếu không muốn nói là không còn tìm đâu ra sự an vui nữa. Những phẩm hạnh của mình đều từ đó mà mất, vợ trước kia kính nể mình, bây giờ không còn kính nể nữa. Đó chỉ nói sơ thôi mong rằng quý vị thấy cái hại hơn đây nhiều.

Người có hạnh tri túc hằng được hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Dứt bỏ được lo lắng bận rộn.

3. Xa lẫn tội ác.

4. Làm cho lòng mình được thơ thới.

5. Xa lần điều xấu xa đến gần sự tốt đẹp.

6. Tự mình tạo cho mình trở nên người có đức hạnh tốt.

7. Tự mình đi ra lần khỏi khổ.

8. Hằng được an vui.

9. Luôn tự thức tỉnh lấy mình.

10. Không phạm vào điều ác.

11. Không sống chung với ác pháp.

12. Đang đi theo trên đường chân chánh.

13. Đang ở trong sự tiến hóa.

14. Người thích sự chân thật.

15. Người có sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần.

16. Người hành đúng theo luân lý lễ giáo.

17. Đè nén được phiền não.

18. Tạo ra nhân lành.

19. Gọi là người hộ trì Phật pháp.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.