Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 9 & 10

HẠNH PHÚC XXXIII

Ariyasaccāna dassanaṃ
Nết Hạnh Thấy Các Diệu Đế

Trước khi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Thế Tôn cũng là người như chúng ta, nhưng sở dĩ Ngài được giải thoát và chúng ta cùng sùng kính ngài, học theo lời giảng dạy của Ngài, là nhờ Ngài đắc được pháp gọi là Tứ Diệu Đế. Bài pháp Ngài thuyết đầu tiên tại vườn Lộc Giả ở Barānasī là Tứ Diệu Đế, bởi Ngài nhận thấy rằng Tứ Diệu Đế là sự thật của các bậc Thánh nhân. Sự thật của Pháp này là xa hẳn kẻ thù là phiền não, sự thật mà các bậc thánh nhân phải đắc. Tứ Diệu Đế như là ấn chứng của Phật ngôn. Vì Tứ Diệu Đế làm cho người tu Phật đã hành theo chân chính đắc được đạo quả và không còn khổ nữa.

Phạn ngữ là Ariyasacca, ta dịch là Diệu Đế, có bốn chi. Tiếng Ariyasacca, có thể chia ra làm hai phần: Ariya nghĩa là cao quí, Sacca nghĩa là sự thật, tóm hiệp lại thì:

– Tứ Diệu Đế là sự thật rất cao quí.

– Tứ Diệu Đế làm cho người trở nên cao quí.

1. Tứ Diệu Đế là sự thật rất cao quí: vì là khuôn vàng thước ngọc, hay là một tiêu biểu có đầy đủ sự thật không ai sửa đổi được. Dù Đức Phật sau này có thuyết về pháp Tứ Diệu Đế cũng dạy đúng như Đức Phật hiện tại không sai một nét nào.

Tứ Diệu Đế cao quí ví như kim cương. Kim cương là vật có màu sắc đẹp, cứng rắn, không có gì làm hoại, sét không ăn, không bị nhiễm mùi vị của vật gì. Người trong thế gian này ai cũng chuộng kim cương. Không phải kim cương có giá trị cao quí vì sự quảng cáo của con người, mà chính mình kim cương có tính chất cao quí.

2. Tứ Diệu Đế làm cho con người trở nên cao quí: nghĩa là khi hành giả thấy rõ pháp Tứ Diệu Đế bằng tuệ nhãn, pháp mà vị hành giả ấy đắc, là làm cho hành giả trở nên cao quí. Ví như phòng khách của chúng ta bày đồ quí giá, sơn màu tươi đẹp lộng lẫy, thì phòng ấy trở nên đẹp và trông nơi nào cũng vui mắt. Bây giờ cũng phòng ấy mà chúng ta sơn đèn, đốt đèn leo lét, đồ không giá trị, chuột rút om sòm, thì phòng ấy thật là đáng ghê và chắc chắn rằng không ai muốn ngồi một phút nào hết. Tâm ví như phòng ấy. Nếu tâm trang điểm bằng pháp Tứ Diệu Đế thì sáng suốt, đẹp, cao quí, nhược bằng các pháp như tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, oán thù v.v… thì tâm ấy trở nên tồi tệ, không ai muốn gần và những người đã gần lại tìm thế đi cho xa.

Sự thật của Tứ Diệu Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khi người bắt đầu thấy bằng tuệ nhãn thì phiền não cũng bắt đầu xa lần, rút lui dần. Khi càng ngày ta càng hiểu thông, thì phiền não cũng rút đi thật xa. Khi ta trông thấy rõ triệt để, thì không còn phiền não tí nào trong tâm, người ấy đã trở nên một người khác, mà Phật giáo gọi là bậc Thánh nhân, nghĩa là người cao quí. Thông hiểu pháp Tứ Diệu Đế làm cho người cao quí trở nên Thánh nhân là vậy.

Muốn thông hiểu pháp Tứ Diệu Đế, phải hiểu theo thứ tự gọi là hiểu Ba Luân và Mười Hai Thể, xin quí vị xem bảng kèm theo.

Trong bảng này, hành giả thấy rằng Tứ Diệu Đế gồm 4 điều. Mỗi điều phải hiểu rõ đến 3 lần, 4 điều là 12 lần, vòng đi vòng lại, nên gọi là 12 thể. Ba vòng ấy gọi là Ba Luân.

Điều tổng quát là sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế khác hơn tất cả những sự hiểu biết thông thường, vì đó là hiểu biết bằng trí tuệ và diệt trừ được phiền não. Đối với Tứ Diệu Đế, hiểu biết và thực hành phải đi đôi. Nếu hiểu biết mà không thực hành là không đắc đạo được. Quí vị hãy xem kỹ lại ở cột thứ 3 có đề: “Hiểu lần thứ 3”, “Ta đã hiểu rõ rồi” (số 9). Nếu chưa rõ là chưa hiểu, nên chưa đắc đạo quả, chưa gọi là Thánh nhân được. Khi ta biết rằng ta đã hiểu rõ rồi, đây mới là sự thật.

 

TỨ DIỆU ĐẾ BA LUÂN
HIỂU LẦN THỨ NHỨT HIỂU LẦN THỨ NHÌ HIỂU LẦN THỨ BA
KHỔ 1. Khổ có thật 5.Khổ cần phải hiểu 9. Ta đã hiểu khổ rồi
TẬP 2. Ái dục sanh khổ có thật 6. Ái dục phải diệt 10. Ta diệt ái dục rồi
DIỆT 3. Diệt có thật 7. Phải hành thấu rõ diệt 11. Ta đã làm cho rõ rệt rồi
ĐẠO 4. Đạo có thật 8. Phải hành cho rõ Đạo 12. Ta đã hành Đạo đầy đủ rồi

Hiểu rõ khổ có thể ví như hiểu rõ thuốc, như vầy:

1. Biết rằng đây là thuốc chữa bệnh.

2. Biết rằng thuốc này nên uống.

3. Biết rằng đã uống thuốc rồi.

Trong ba cái biết, biết quan trọng nhất là biết đã uống thuốc rồi.

Giờ xin quí vị đem sự hiểu Tứ Diệu Đế của quí vị lại so với bảng trước, xem quí vị hiểu tới trình độ nào? Vị nào hiểu Luân thứ nhất, chưa gọi là hiểu hoàn toàn, vì mới biết khổ do nơi nghe pháp; ta cũng có biết luân hồi là khổ, nhưng chỉ biết bằng tâm chứ không bằng trí tuệ.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.