Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 9 & 10

DIỆU ĐẾ THỨ II: TẬP ĐẾ

Đức Thế Tôn đã dạy về khổ cho chúng sanh thấy để kinh sợ hầu tránh khỏi, chẳng khác nào Đức Thế Tôn dạy rằng cọp là thú ăn thịt người, rồi Đức Thế Tôn mới đem cọp ấy về nhốt trong những chuồng bằng sắt rất chắc, gọi chúng sanh đến xem cho biết cọp có những gì đáng sợ, và nên nhớ hình dáng nó để tránh xa, hay chống lại.

Tập đế đây ví như sự hành động của cọp. Tứ Diệu Đế là pháp khó nhận thức cho hoàn toàn được. Đức Thế Tôn phải mất 6 năm khổ hạnh mới giác ngộ, và khi Ngài muốn đem ra thuyết, Ngài còn phải chọn xem ai là người có đủ trí tuệ nhận thức rõ được pháp ấy.

Vậy nơi đây tôi xin cố hết sức sưu tầm những gì mà tôi biết để giải theo đây hầu quí vị là người muốn tìm đường giải thoát.

Tập đế là nguyên nhân sanh khổ, tức là nhân làm cho chúng ta khổ như đã giải ở trên.

Đây là câu Phật ngôn trong bài kinh Chuyển Pháp Luân: “Này các thầy Tỳ khưu, đây là nhân sanh khổ thật sự, ái dục là nhân làm cho chúng sanh vào cảnh giới nữa, rồi lẫn lộn ưa thích cảnh giới như dục giới, sắc giới và vô sắc giới”.

Nhân làm cho sanh khổ gọi là Tập đế, đó là ái dục. Tác động của ái dục là nhân làm cho con người phải sanh lại một cõi nào trong ba cõi tùy theo sự thèm muốn của ái dục.

Muốn cho dễ hiểu tôi xin chia ra bốn điều là:

– Nhân làm cho sanh khổ.

– Phận sự của ái dục.

– Ái dục có ba loại.

– Phận sự của hai Diệu đế.

1. Nhân làm cho sanh khổ: Sự sanh khổ thì ai cũng biết, nhưng Đức Phật lại dạy về khổ, chẳng qua để làm sáng thêm cái hiểu biết của con người.

Chỉ có điều là nguyên nhân sanh khổ là một vấn đề mà không ai hiểu, và là một pháp tuyệt đối, chỉ có Đức Phật mới nhận thấy thôi. Trong thời kỳ Đức Phật mới hành đạo, người trong cõi Diêm Phù tin rằng chúng sanh phải bị khổ, vì do nơi một đấng thiêng liêng hành phạt, và còn tin rằng có loài phi nhân quấy nhiễu làm cho con người khổ. Vì vậy có những người tu khổ hạnh, để làm cảm động đến các đấng thiêng liêng mà ban phước cho họ. Họ tin tưởng rằng những khổ mà ta phải chịu là vì thần thánh phạt, là do nhân bên ngoài, nhưng theo Đức Phật thì ái dục mới là nhân sanh khổ. Vì vậy nên Phật giáo là một giáo pháp tuyệt đối, khác hơn các tôn giáo khác trong thời kỳ ấy, mà cho đến nay nữa. Vì lẽ này nên tôi mới dám nói rằng Đức Thế Tôn tìm thấy và dạy chúng ta một phương pháp tuyệt đối mới mẻ. Thời pháp đầu tiên mà Ngài thuyết tại vườn Lộc Giả về Tứ Diệu Đế đã làm cho 5 vị Kiều Trần Như nhận thức rõ rệt rằng Ngài đã đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì các vị ấy chưa từng nghe ai dạy rõ ràng như vậy, và Tứ Diệu Đế vượt khỏi tầm hiểu biết của họ cũng như người ta thời ấy.

Có điều đáng chú ý là nhân nào làm cho sanh khổ. Khổ ấy không lựa một ai, giàu cùng khổ, nghèo cùng khổ, kẻ có quyền cao chức lớn cũng khổ. Người ta thường nghĩ vì nghèo khó khổ, vì bị hung kiết, v.v…, nhưng Đức Thế Tôn dạy nguyên nhân sanh khổ là ái dục.

2. Phận sự của ái dục: Thật ra, ái dục ngụ ý chỉ sự tham muốn. Sự tham muốn ấy là nền tảng của tâm và tất cả của chúng sanh ai ai cũng không chạy khỏi, ngoại trừ bậc A La Hán, Độc giác và Chánh đẳng Chánh giác. Tôi xin ví dụ ái dục ấy như trái xoài. Trái xoài ấy đã có tính chất của nó, là mùi vị, màu sắc và mộng (mầm) trong trái xoài, nó có thể mọc ra cây xoài khác, còn như màu sắc, mùi vị của trái xoài thì ví như tham lam, sân hận vì si mê vậy.

Nếu ái dục là lòng ham muốn, nhưng lòng muốn thành Phật, hay muốn độ đời, khi đã thành Phật rồi có phải là ái dục hay là ham muốn chăng?

Ái dục có nghĩa là muốn có cái gì không có, có rồi muốn cho có thêm. Trái lại muốn thành Phật thì lại bỏ cái gì đã có và ngừa không cho những gì sanh ra. Khi thành Phật rồi thì lại dạy chúng sanh bỏ tất cả những gì đã có cho thật hết.

3. Ái dục có 3 loại:

– Kāmatanhā: ái dục trong cõi dục, là muốn sanh làm con người giàu sang, quyền chức, xinh đẹp, nên khi làm một việc phước thiện nào như bố thí đều nguyện vào cõi dục (đây kể cả 6 tầng trời dục giới).

– Bhavatanhā: ái dục trong cõi sắc. Cõi này không có dục vọng như vợ chồng, quyền chức v.v… nhưng còn có sắc. Hành giả tham thiền tinh tấn để mau đắc một trong tứ thiền, để sanh vào cõi 16 cõi trời sắc giới. Tuổi sống của cõi ấy rất, lâu không tính bằng năm được, chỉ có thể dùng trái đất này mới ví được. Cõi thấp nhất cũng bằng tuổi một phần ba trái đất. Và tuổi nhiều nhất là 16.000 kiếp trái đất. Vì sống quá lâu, nên chư Phạm thiên trong cõi này là an vui nhất và thường bị lạc vào thường kiến, nên gọi là ái dục trong dục giới.

– Vibhavatanhā: ái dục trong cõi vô sắc. Sự thèm muốn sanh vào cõi vô sắc, nên hành giả cố hành cho đắc được thiền vô sắc, hầu sanh vào cõi vô sắc. Những người sanh vào cõi này, nghĩ rằng vì có sắc nên còn luân hồi, khi không còn sắc nữa, chính là Niết Bàn rồi. Vì vậy người sanh vào cõi này thường lạc vào đoạn kiến.

Để biết rằng ái dục tai hại đến bậc nào, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy: Tanhāponobbhavika: ái dục tạo tác hiện tại.

Vì sự thèm khát ngũ trần lục dục trong cõi dục, hay thèm khát sanh vào cõi sắc hay vô sắc, cũng vẫn là còn ái dục, chỉ khác nhau ở chỗ thô siểng hay vi tế thôi, nhưng chung qui vẫn cũng phải luân hồi. Tóm lại, khi lòng người còn ái dục dù là vi tế hay thô siểng gì, cũng vẫn còn phải luân hồi.

Vì vậy nên Đức Thế Tôn dạy: “Tập đế là nguyên nhân sanh khổ. Ta nên cố gắng dứt bỏ”.

4. Phận sự của hai Diệu đế: Trong hai Diệu đế đầu, Khổ đế và Tập đế, Khổ đế là điều ta cần phải hiểu cho thật rõ, nhưng không có gì phải đối phó với nó, vì chỉ cần biết rõ thôi. Về Tập đế, điều ta cần phải biết cho rõ là vì nguyên nhân nào mới sanh khổ, vì đâu đưa đến, v.v… Ta biết cho thật rõ nguyên nhân đặng cố gắng diệt. Ví như người chữa lửa, cần biết lửa bắt đầu cháy ở đâu, chữa ngay chỗ ấy chớ không chữa ở ngọn lửa (ngọn lửa ấy ví như khổ hiện tại).

Về phương pháp diệt ái dục, xin xem Diệt đế và Đạo đế sau đây.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.