HẠNH PHÚC XXXIV
Nibbānasacchikiriyā
Nết hạnh làm cho thấy rõ Niết Bàn
Niết Bàn có nghĩa là ra khỏi vòng cương tỏa của ái dục, ý nói ra khỏi nơi bị trói buộc, hay khỏi luân hồi.
Niết Bàn có nghĩa là dập tắt lửa tham lam, sân hận, si mê.
Niết Bàn có nghĩa là không có sự trói buộc, ý nói ra khỏi 10 điều trói buộc.
Niết Bàn có nghĩa là ra khỏi nơi bị cột dính mãi mãi trong luân hồi
Phạn ngữ Nibbāna và Bắc phạn là Niravana, đều nghĩa là Niết Bàn nhưng cần chiết tự để dễ hiểu. Ni có nghĩa là thoát ra, Vana có nghĩa là phiền não, là rừng. Theo thể thức văn phạm của Phạn ngữ, chữ V của Vana đổi lại B cho dễ đọc. Nếu đã đổi V thành B và chữ Ni đứng trước ta có thể thêm chữ B vào sau chữ Ni thành là Nibbāna, có nghĩa là “ra khỏi phiền não” hay “ra khỏi rừng”.
Tại sao lại gọi là “ra khỏi rừng”? Vì rừng là nơi trú ẩn các loại dã thú, đầy nguy hiểm đối với người lạc đường. Rừng ấy ví như cõi Ta bà thế giới, đầy sự nguy hiểm và dã thú, đầy kẻ ác, mà ta là người đi lạc trong luân hồi. Vậy người đi đến Niết Bàn là người đi ra khỏi rừng, hay là khỏi luân hồi.
Niết Bàn có những đặc điểm này là:
– Có sự hoàn toàn an tịnh là trạng thái.
– Có sự không chết là vị.
– Có sự không giới hạn là hiện tượng.
Niết Bàn có hai hạng là:
– Saupādisesanibbāna: hữu dư Niết Bàn. Niết Bàn này của vị Thánh Nhân để tới bậc A la hán mà chưa nhập diệt, còn mang thân ngũ uẩn này. Vậy hữu dư Niết Bàn (Niết Bàn còn dư) ngụ ý nói còn có ngũ uẩn.
– Anupādisesanibbāna: vô dư Niết Bàn, nghĩa là khi vị A la hán dứt bỏ thân này nhập diệt, thì không còn dư sót gì hết.
Hai hạng Niết Bàn ấy có chỗ cũng gọi là:
– Kilesanibbāna: phiền não Niết Bàn, ý nói thánh nhân đã hoàn toàn diệt hết phiền não, nhưng chưa nhập diệt.
– Khandhanibbāna: ngũ uẩn Niết Bàn, nghĩa là A la hán đã bỏ thân ngũ uẩn này và đã nhập diệt.
Đức Thế Tôn có dạy rằng: Dve imā cakkhu-mātāpa kāsitā, hai Niết Bàn ấy, Như Lai là đứng có tuệ nhãn, người đã diệt được ái dục và tà kiến, đã thuyết rằng khi người đắc quả A La Hán mà chưa nhập diệt thì gọi là hữu dư Niết Bàn, còn đã nhập diệt thì gọi là vô dư Niết Bàn.
Đại ý câu này nói: Niết Bàn của các bậc Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm gọi là hữu dư Niết Bàn. Vì các vị này là Thánh nhân nhưng chưa đi đến nơi hoàn toàn giải giải thoát. Còn vị nào đắc A La Hán đời này rồi nhập diệt, thì gọi là vô dư Niết Bàn, nghĩa là không còn ở trong tam giới này nữa; nhưng khi vị A La Hán chưa nhập diệt thì cũng gọi là hữu dư Niết Bàn.
Niết Bàn không có hình thể nên không có gì ví dụ được. Trong bộ kinh Mi Lãn Đà Vấn Đạo Đức Na Tiên Tỳ Khưu, ngài Na Tiên có dạy đức vua Mi Lãn Đà rằng: “Tâu Đại vương, Niết Bàn không có chi sánh bằng, không thể chỉ hình thức được, và không thể nào đem ra nói bằng lời được, vì Niết Bàn tuyệt đối ngoài tất cả các sự vật.
“Tâu Đại vương chỉ có người hành minh sát tuệ thì càng ngày càng hiểu rõ danh sắc, diệt trừ phiền não, tâm hoàn toàn không còn mê theo danh sắc, nghĩa là người hoàn toàn đến Niết Bàn.
“Người đắc Niết Bàn chỉ có riêng người ấy biết mà thôi, cũng như người bệnh, chính họ mới biết bệnh của họ đã thuyên giảm, vì khi bệnh hành thì thật khổ, mà chừng cái khổ ấy từ từ mất lần đi, thì người bệnh mới nhận thấy rõ rệt. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy pháp đắc trong tâm”.
Tôi có thấy trong bài kinh Nibbānasatrapali có một thầy Bà la môn Jambūkhādaka hỏi Đại đức Xá Lợi Phất rằng: “Niết Bàn là gì?”
Đại đức đáp: “Này thầy, sự không còn tham,sân, si là Niết Bàn.”
Lại chuyện nhữa rằng, ngày nọ có thầy Tỳ khưu bạch hỏi Đức Thế Tôn về vấn đề Niết Bàn.
Đức Thế Tôn dạy: “Nếu có người đau nặng, sắp chết, bổng nhiên có một vị lương y đến chẩn mạch, và sau xem mạch xong mới bảo rằng: Bệnh tuy nặng nhưng ta có thể chữa được, uống đôi thang thuốc thì sẽ mạnh. Này các thầy Tỳ khưu, vậy người bệnh ấy có phải hỏi: Ngài tên gì? Từ đâu đến? Học với thầy nào? Đầu thang với bao nhiêu vị thuốc? Và tìm thuốc ở đâu? Sau khi mạnh sẽ ra sao?”
– “Bạch Đức Thế Tôn, người bệnh ấy sẽ không bao giờ hỏi những điều vô lý ấy, mà chỉ có yêu cầu xin thuốc thôi”.
Đức Phật kết luận: “Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai là một vị lương y mà các thầy là những bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, chỉ còn chờ chết. Thế mà các thầy còn nông nổi hạch hỏi Như Lai Niết Bàn là gì? Làm sao chứng Niết Bàn? Niết Bàn ở đâu? Như Lai chỉ thuốc cho các thầy, các thầy cứ uống theo toa của Như Lai, thì căn bệnh sẽ khỏi hẳn, chừng ấy các thầy sẽ thấy và biết Niết Bàn là gì, ở đâu, ra sao v.v… Vả lại sự tranh thủ thời gian để sống và trị bệnh đừng cho bệnh càng nặng thêm, đó mới là điều trọng yếu, còn ngoài ra đều là vấn đề phụ thuộc.”
Căn cứ theo Phật ngôn trên đây, ta nhận thấy Đức Phật không dạy suông mặt lý thuyết, mà dạy chúng sanh thực hành rồi sẽ thấy kết quả và giá trị của việc làm.
Để trở lại hữu dư và vô dư Niết Bàn, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy trong phẩm Sattamasulla Dutivavagga ở bộItivuttaka rằng: “Này các thầy Tỳ khưu, trong kiếp hiện tại này, thầy Tỳ khưu nào là người xa phiền não, hết thụy miên phiền não, đã hoàn bị phạm hạnh, nhiệm vụ phải làm đã làm xong, quăng bỏ gánh nặng, đã làm xong điều lợi ích cho mình, đã cởi mở kiết sử pháp là nhân tạo ra hiện hữu, đã giác ngộ và giải thoát, song còn có ngũ uẩn, thì đó gọi là hữu dư Niết Bàn.
Còn vị Tỳ khưu nào đã làm xong phận sự trên, đồng thời tịch diệt không còn ngũ uẩn nữa, gọi là vô dư Niết Bàn”.
Trong câu Phật ngôn trên đây, tiếng “phiền não” là ngụ ý chỉ tham, sân, si và “hết thụy miên phiền não” là dứt được 4 trầm nịch:
– Kāmāsavo: trầm nịch trong tình dục.
– Bhavāsavo: trầm nịch trong tam giới.
– Ditthisavo: trầm nịch trong tà kiến.
– Avijjasavo: trầm nịch trong vô minh.
Còn tiếng “đã hoàn bị phạm hạnh” nghĩa là đã tu hành đúng theo 10 pháp: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ, chánh giải thoát.
Còn tiếng “nhiệm vụ phải làm đã làm xong” ý nói các ngài đã diệt được hết phiền não bằng Giới-Định-Tuệ.
Tiếng “đã quăng gánh nặng” là các ngài đã bỏ ba gánh rất nặng là:
– Khandhabbāra: gánh nặng là ngũ uẩn.
– Kilesabbāra: gánh nặng là phiền não.
– Abbidankhārabbāra: gánh nặng là tạo nghiệp.
Tiếng “đã làm xong điều lợi cho mình”, ý nói cố gắng hành đạo để được đắc quả A la hán.
Tiếng “đã cởi mở kiết sử pháp là nhân tạo hiện hữu” ý nói đoạn tuyệt 10 pháp trói buộc:
1. Sakkāyaditthi: thân kiến.
2. Vicikicchā: hoài nghi.
3. Sīlabhattāparāmāsa: giới cấm thủ.
4. Kāmacchanda: thích thú trong trần dục.
5. Byāpāda: sân hận.
6. Rūparāga: thích thú trong cõi sắc.
7. Arūparāra: thích thú trong cõi vô sắc.
8. Mano: ngã chấp.
9. Uddhacca: phóng tâm.
10. Avijjā: vô minh.
Tiếng “đã giác ngộ” ý nói không còn lầm lẫn cho rằng vạn vật đem an vui cho ta, và thân này là ta.
Thấy rõ Niết Bàn được hạnh phúc là:
1. Được an vui trong kiếp hiện tại.
2. Không còn đọa vào ác đạo.
3. Giải thoát khỏi khổ và phiền não.
4. Được sự an vui hoàn toàn, tuyệt đối.
5. Không còn luân hồi.