Kim Cương Bát Nhã Luận – Quyển 1

LUẬN KIM CƯƠNG BÁT NHà – QUYỂN 1

Xuất sinh pháp Phật không gì hơn  Hiển bày pháp giới là bậc nhất  Kim cương khó hoại, câu nghĩa hợp  Tất cả Thánh nhân không thể nhập.  Tiểu Kim Cương Ba-la-mật nầy  Do tên như thế nêu uy lực  Bậc Trí đã thuyết giảng giáo, nghĩa  Nghe rồi chuyển vì chúng con nói.  Quy mạng hết thảy bậc Giác ngộ  Đều đem tâm chánh xin đảnh lễ  Con nên tinh tấn lập nghĩa ấy  Giải thích nối tiếp vì mình người.

Thành lập 7 thứ “Nghĩa cú” rồi, thì Bát-nhã Ba-la-mật ấy tức được thành lập. 7 Nghĩa cú là:

1. Chủng tánh không dứt.

2. Phát khởi hành tướng.

3. Nêu trụ xứ của hành.

4. Đối trị.

5. Không lỗi.

6. Nêu địa.

7. Lập danh.

7 Nghĩa cú nầy, được thành lập từ trong Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, nên gọi là Nghĩa cú. Nơi 6 Nghĩa cú trước là hiển bày, chỉ rõ đối tượng hành tác rốt ráo của Bồ-tát. Nghĩa cú thứ 7 là nêu rõ việc thành lập pháp môn ấy. Nên nhận biết như thế. Bát-nhã Ba-la-mật nầy, vì Phật chủng không đoạn dứt nên lưu hành ở đời. Vì nhằm hiển bày về việc sẽ đạt được nghĩa Phật chủng không đoạn dứt ấy, nên Thượng tọa Tu-bồ-đề, ngay từ đầu đã nói: Hy hữu thay Đức Thế Tôn! Vì sao Đức Như Lai đã dùng sự khéo gồm thâu bậc nhất để thâu nhận các vị Đại Bồ-tát hiện có v.v…? Ở đây, khéo gồm thâu: Nghĩa là các vị Bồ-tát đã thuần thục đối với lúc Phật chứng đắc Chánh giác, Chuyển pháp luân, đem năm thứ nghĩa hợp với pháp Bồ-tát mà kiến lập.

Phó chúc: Là các vị Bồ-tát đã được thâu nhận kia, ở nơi lúc Đức Phật Bát-Niết-bàn, cũng dùng năm nghĩa ấy để kiến lập như thế. Hai thứ khéo gồm thâu và phó chúc ấy là hiển bày về Chủng tánh không dứt. (Nghĩa cú thứ 1)

* Phát khởi hành tướng (Nghĩa cú thứ 2): Như kinh nêu: Bồ-tát làm thế nào nên trụ v.v…?

Bồ-tát nên trụ: Nghĩa là muốn nguyện.

Nên tu hành: Nghĩa là tương ưng với Tam-ma-bát-để (Chánh định).

Nên hàng phục tâm: Nghĩa là điều phục mọi tán loạn.

Ở đây, muốn là đang cầu. Nguyện là vì điều mong cầu nên tâm tư niệm.

Tương ưng với Tam-ma-bát-để: Là Tam-ma-đề (Tam-muội) không phân biệt.

Điều phục mọi tán loạn: Là nếu tâm Tam-ma-bát-để kia bị phân tán thì chế ngự khiến an trụ trở lại.

Câu thứ 1 là hiển bày về thâu giữ đạo. Câu thứ 2 là hiển bày về thành tựu đạo. Câu thứ 3 là làm rõ việc đạo không lỗi.

* Nêu trụ xứ của hành (Nghĩa cú thứ 3): Nghĩa là nêu rõ trụ xứ của việc phát khởi hành tướng kia. Ở đây lại có 18 thứ nên biết. Đó là:

1. Phát tâm.

2. Hành Ba-la-mật tương ưng.

3. Muốn được Sắc thân.

4. Muốn được Pháp thân.

5. Ở trong tu đạo đạt được pháp thù thắng không kiêu mạn.

6. Không lìa khi Phật xuất hiện.

7. Nguyện làm thanh tịnh cõi Phật.

8. Thành thục chúng sinh.

9. Xa lìa sự thuận theo nẻo tán loạn của ngoại luận.

10. Sắc thân cùng chúng sinh thân giữ lấy chỗ hợp với quán làm rõ hành tương ưng.

11. Cúng dường, hầu cận Như Lai.

12. Xa lìa mọi thứ lợi dưỡng cùng các thứ mệt nhọc thiếu thốn, bức bách khiến không khởi tinh tấn và thối chuyển.

13. Chịu khổ.

14. Lìa vị tịch tĩnh.

15. Nơi lúc chứng đạo, xa lìa mọi hỷ động.

16. Cầu được chỉ dạy, trao truyền.

17. Chứng đạo.

18. Trên là cầu đạt Phật địa.

Đó là 18 thứ trụ xứ. Trong ấy, Bồ-tát nên trụ như thế để hóa độ tất cả chúng sinh đạt đến Niết-bàn. Phát tâm rồi, ở trong các Ba-la-mật tu hành tương ưng. Vì nhằm đạt được Sắc thân cùng Pháp thân của Như Lai, nên phát sinh vui thích, mong muốn, nên xa lìa mọi chướng ngại nơi tâm trong chứng đạo. Đã lìa bỏ các thứ kiêu mạn, hỷ động v.v… nơi tâm rồi, vì chứng đạo nên cầu được chỉ dạy, khuyên bảo, sau đấy tất được chứng đạo. Từ đây trở lên đều là cầu đạt Phật địa. Thứ lớp ấy được nối tiếp như vậy, ở đây là phát tâm, nên kinh nêu: Bồ-tát ấy nên sinh tâm như thế v.v… Là hành Ba-la-mật tương ưng, nên kinh nêu: Bồ-tát không trụ nơi vật để hành bố thí v.v… Vì muốn đạt được Sắc thân, nên kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào, có nên dùng tướng đầy đủ để thấy Như Lai chăng? v.v…

Pháp thân lại có 2 thứ: 1. Pháp thân ngôn thuyết. 2. Pháp thân chứng đắc.

Pháp thân chứng đắc nầy cũng có 2 thứ: 1. Trí tướng. 2. Phước tướng.

Pháp thân ngôn thuyết: Nghĩa là như Tu-đa-la v.v… Vì muốn đạt được Pháp thân nầy, nên kinh nói: Thế Tôn! Như có chúng sinh nơi đời vị lai v.v…

Tưởng đối với nghĩa không điên đảo, đó là tưởng thật, nên biết theo như ngôn thuyết chấp nghĩa thì đấy không phải là tưởng thật.

Vì muốn đạt được Pháp thân trí tướng, nên kinh nêu: Có pháp để Như Lai chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng chăng? v.v… Vì muốn đạt được Pháp thân phước tướng, nên kinh nêu: Nếu nơi Tam thiên đại thiên thế giới nầy v.v…

Vì trong tu đạo được pháp thù thắng không kiêu mạn, nên kinh nêu: Tu-lô-đa-a-nhã-na-phả khởi suy niệm v.v…

Vì không hề lìa lúc Phật xuất thế, nên kinh nói: Có pháp để Như Lai, ở nơi trụ xứ của Phật Nhiên Đăng v.v…

Vì nguyện làm thanh tịnh cõi Phật, nên kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như có người nói như vầy: Như Lai đã thành tựu việc trang nghiêm quốc độ v.v…

Vì nhằm thành thục chúng sinh, nên kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ví như có trượng phu v.v…

Vì nhằm xa lìa việc thuận theo nẻo tán loạn của ngoại luận, nên kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Như số cát hiện có của sông Hằng Già, lại có từng ấy sông Hằng Già v.v…

Vì Sắc thân cùng Chúng sinh thân luôn giữ lấy trung quán, làm rõ hành tương ưng, nên kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Như số vi trần hiện có trong Tam thiên đại thiên thế giới v.v…

Vì nhằm cúng dường, hầu cận Như Lai, nên kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Nên dùng ba mươi hai tướng đại trượng phu để thấy Như Lai Ứng Chánh Biến Giác chăng? v.v…

Vì xa lìa mọi lợi dưỡng, các thứ mệt nhọc, thiếu thốn bức bách, khiến đối với tinh tấn hoặc thối chuyển, hoặc không phát khởi, nên kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu người nữ hoặc người nam xả bỏ Hằng già hà sa số thân v.v… Ở đây, thân có mệt mỏi, tâm có bức bách, do hai thứ ấy nên đối với tinh tấn kia, hoặc thối mất, hoặc không phát khởi.

Vì nhằm chịu khổ nên kinh nói: Nếu Như Lai hành Nhẫn Ba-la-mật v.v…

Vì nhằm lìa bỏ sự tham vị tịch tĩnh, nên kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu người nữ hoặc người nam, đối với pháp môn nầy thọ trì v.v…

Vì nhằm vào lúc chứng đạo lìa bỏ mọi hỷ động, nên kinh nói: Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát nên trụ v.v…

Vì nhằm cầu được chỉ dạy, khuyên bảo, nên kinh nói: Có pháp nào để Như Lai, ở nơi trụ xứ của Phật Nhiên Đăng, đạt được Chánh giác về đạo quả Bồ-đề Vô thượng chăng? v.v…

Vì nhằm chứng đạo, nên kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ví như người nam có thân cao lớn, đẹp đẽ v.v…

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.