Kim Cương Bát Nhã Luận – Quyển 2

Nhân duyên không nhẫn: Là có 3 thứ khổ:

1. Khổ vì lưu chuyển.

2. Khổ vì chúng sinh cùng trái nhau.

3. Khổ vì thọ mạng thiếu thốn.

Trong ấy, như kinh nói: Thế nên, nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát Ma-ha-tát nên lìa tất cả tưởng, phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề Vô thượng v.v… Đây là hiển thị việc đối trị nhân duyên của nhẫn khổ vì lưu chuyển, nhằm phát tâm Bồ-đề: Là do ba thứ tưởng khổ, nên không muốn phát tâm, nên nói phải lìa bỏ tất cả tưởng.

Ở đây, tất cả tưởng: Là nêu rõ về ba tưởng khổ như thế. Nếu chấp trước nơi sắc v.v…, tức ở trong khổ vì lưu chuyển hợp với sự mệt nhọc, thiếu thốn, nên tâm Bồ-đề không sinh. Do đấy kinh nói: Không nên trụ nơi sắc sinh tâm v.v…, như trước đã nói.

Không trụ nơi phi pháp: Nghĩa là không phải pháp vô ngã.

Ở trong phi pháp cùng pháp vô ngã, đều không nên trụ, vì để thành tựu các pháp không đi đến ấy, nên nói nhằm ngăn chận những sự việc khác, như kinh nêu: Nên sinh tâm không chỗ trụ. Vì sao? Vì nếu tâm có trụ tức là phi trụ.

Kinh viết: Như thế, Bồ-tát vì tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên bố thí như vậy, cho đến nói: Các tướng hiện có tức là phi tưởng. Đây là hiển thị việc đối trị nhẫn khổ vì chúng sinh cùng trái nhau. Đã vì hết thảy chúng sinh mà hành xả thí, thì vì sao đối với họ lại sinh giận dữ? Do không thể không khởi tưởng chúng sinh, vì nhân duyên ấy, nên khi chúng sinh cùng trái nhau, tức sinh mệt nhọc, thiếu thốn, là hiển thị người vô ngã, pháp vô ngã.

Kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai luôn nói lời chân thật chăng? Đây là nhằm hiển thị điều gì? Là muốn khiến tin nơi Như Lai nên có thể nhẫn.

Trong ấy, nói lời chân chánh (Chân ngữ): Là hiển bày tướng của thế đế.

Nói lời chắc thật (Thật ngữ): Là hiển bày sự tu hành của thế đế, có tướng phiền não cùng thanh tịnh.

Ở đây, thật: Là hành phiền não ấy, hành thanh tịnh ấy.

Như ngữ (Nói lời như như): Là tướng của đệ nhất nghĩa đế.

Bất dị ngữ (Lời nói không khác): Là sự tu hành của đệ nhất nghĩa đế.

Có tướng phiền não cùng tướng thanh tịnh, nên nói lời chân chánh v.v… rồi, nếu ở trong pháp ấy, như tánh của ngôn thuyết, khởi chấp trước, tức là loại bỏ những thứ kia.

Kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai đạt chánh giác về pháp cùng thuyết giảng v.v… Ở đây, không thật, không vọng.

Không thật: Là như tánh của ngôn thuyết là không phải có.

Không vọng: Là không như tự tánh của ngôn thuyết là có.

Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ví như người nam đi vào chỗ tối tăm v.v…, là hiển thị việc đối trị nhân duyên của nhẫn khổ vì thọ dụng thiếu kém. Hoặc vì quả báo nên bố thí, liền chấp trước nơi sự mà hành xả thí, kẻ ấy, ở trong hành thí khác thọ nhận vui, khổ, không hiểu được nẻo xuất ly. Cũng như người đi vào nơi tối tăm, không biết mình hướng tới chốn nào. Kẻ kia vui thích với dục lạc cũng thế. Nếu không chấp trước nơi sự mà hành bố thí, như người nam có mắt, đêm đã qua, mặt trời mọc thấy vô số hình sắc, theo ý hướng tới, nên thấy như thế. Đêm tối vô minh kia đã qua, mặt trời tuệ hiện rồi, vô số cảnh giới được nhìn thấy đúng như thật. Kẻ kia, không hiểu biết nẻo xuất ly nơi dục lạc thọ, khổ thọ, nên vui thích với dục lạc.

Vì nhằm lìa bỏ chướng ngại là thiếu tư lương trí, nên kinh viết: Tu-bồ-đề! Nếu lại có thiện nam, thiện nữ, đối với pháp môn nầy, hoặc thọ nhận v.v… Ở đây, vì nhằm lìa sự duyên dựa của Tam-muội, nên hiển thị cùng với pháp tương ưng. Có 5 thứ công đức thù thắng:

1. Như Lai nhớ nghĩ, thân cận.

2. Thâu giữ phước đức.

3. Tán thán pháp cùng sự tu hành.

4. Chư Thiên cùng cúng dường.

5. Diệt trừ tội.

+ Thế nào là Như Lai nhớ nghĩ, thân cận? Như kinh nói: Người thọ trì, đọc tụng, Như Lai dùng trí Phật nhận biết. Như Lai dùng mắt Phật thấy rõ người ấy.

Trong ấy, thọ nhận là tập tụng. Trì là không quên.

Hoặc đọc tụng, hoặc thâu giữ: Đây là nói nhân của thọ trì. Vì muốn thọ nên đọc tụng. Vì nhằm trì nên thâu giữ.

Lại nữa, đọc là tập tụng, thâu giữ là xem nhận chung về nghĩa.

+ Thế nào là thâu giữ phước đức? Như kinh viết: Các chúng sinh ấy, sinh khởi vô lượng tụ phước đức như thế v.v…

+ Thế nào là tán thán pháp cùng sự tu hành? Như kinh nêu: Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Pháp môn nầy là không thể nghĩ xét, không thể nêu bàn v.v… Đây là tán thán pháp. Trong đó, không thể nghĩ xét: Là chỉ tự nhận biết. Không thể nêu bàn: Là không có gì bằng và hơn.

Kinh viết: Lại, pháp môn nầy, Như Lai vì phát khởi thừa tối thượng nên thuyết giảng. Vì phát khởi thừa tối thắng nên thuyết giảng: Đây là thành tựu nghĩa không thể nêu bàn. Trong ấy, nên biết, các thừa khác không bằng, nên là tối thượng. Các thứ phiền não chướng, trí chướng đều thanh tịnh, nên là tối thắng.

Kinh nêu: Nếu đối với pháp môn nầy thọ trì, cho đến: Như Lai thảy đều thấy, biết v.v…: Đây là tán thán sự tu hành. Ở đấy, các chúng sinh nầy thành tựu vô lượng: Là nói chung. Không thể nghĩ xét, không thể nêu bàn, không thể lường tính, là giải thích. Như vậy v.v… tức là gánh vác Bồ-đề của mình: Nghĩa là vai gánh lấy gánh nặng Bồ-đề, nên kinh nói: Tu-bồ-đề! Cho đến tin hiểu: Người không thể lãnh hội pháp nầy: Tức là hàng Nhị thừa, nên kinh nêu: Nếu có ngã kiến v.v… Nghĩa là có kẻ có ngã kiến nơi chúng sinh, mà tự cho là Bồ-tát.

+ Thế nào là chư Thiên cùng cúng dường: Như kinh nói: Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Theo nơi địa phận, xứ sở giải nói kinh nầy, thường nên cúng dường: Địa phận kia tức là Chi-đề (Linh tháp) v.v… Ở đây, dùng vòng hoa, hương đốt, hương xông, hương xoa, hương bột, vải lụa, lọng, cờ phướn, cúng dường, cung kính lễ bái, đi vòng quanh theo hướng phải, nên gọi là Chi-đề.

+ Thế nào là diệt trừ tội? Như kinh viết: Kẻ kia, nếu là người bị khinh khi, hết sức khinh khi, cho đến sẽ đạt được Bồ-đề: Đây là sự hủy nhục có vô lượng thứ, vì nhằm hiển bày điều ấy, nên lại nói: Hết sức khinh thường.

Kinh nêu: Sẽ được Bồ-đề Phật: Là hiển bày tội được diệt trừ. Trước đã nói do nhân duyên nầy, nên xuất sinh vô lượng A-tăng-kỳ nhiều phước, nên biết là nay sẽ giải thích nghĩa vô lượng A-tăng-kỳ kia.

Uy lực: Là sự thành thục sáng rõ.

Nhiều: Là đầy đủ sự lớn lao, hơn hết.

Ở đây, như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nhớ lại về A-tăng-kỳ kiếp vượt quá A-tăng-kỳ kiếp về trước v.v…: Đây là hiển thị về uy lực, tức uy lực của tụ phước, do bậc ấy hiện có tụ phước cao xa, thù thắng. Trong đây, A-tăng-kỳ kiếp: Là cho đến Đức Phật Nhiên Đăng, nên biết. Quá A-tăng-kỳ: Là lại vượt quá về trước.

Thân cận: Là cúng dường. Chẳng không quá: Là thường không lìa việc cúng dường.

Hoặc lại kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam, thiện nữ, có được tụ phước như Ta đã nói. Hoặc có người nghe, tâm tức cuồng loạn v.v…: Đây là hiển thị về số lượng nhiều. Hoặc là nhân của cuồng, hoặc là tâm bị loạn, là quả, nên biết. Uy lực ấy, ở đây cùng với số lượng rất nhiều kia, người nào có thể nêu bày? Thế nên kinh viết: Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp môn nầy là không thể nghĩ bàn. Quả báo cũng không thể nghĩ bàn: Đây là hiển bày về thể của phước đó, cùng quả là không thể lường tính.

Vì nhằm xa lìa điều tự chấp giữ, nên kinh nêu: Tu-bồ-đề nói: Vì sao Bồ-tát phát tâm nên trụ trong Đại thừa? v.v… Do đâu lại phát khởi câu hỏi nơi thời gian đầu tiên ấy? Bồ-tát sắp nhập chứng đạo, tự thấy mình đạt được thắng xứ, nên khởi niệm: Ta nên trụ như thế, tu hành như thế, hàng phục tâm như thế. Ta hóa độ các chúng sinh, khiến họ đạt đến giải thoát.

Vì nhằm đối trị điều ấy, nên Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi: Nên ở vào thời gian nào, để như chỗ nên trụ, như chỗ nên tu hành, như chỗ nên hàng phục tâm? Đức Thế Tôn đáp: Nên sinh tâm như vầy v.v…

Lại, kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát có tưởng chúng sinh v.v… cùng chuyển: Là nêu rõ về ngã chấp giữ hoặc, tùy miên. Nếu nói Ta đang hành thừa Bồ-tát thì đây là ngã chấp giữ. Nhằm đối trị điều ấy, nên kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Không có pháp phát khởi hành thừa Bồ-tát.

Vì nhằm xa lìa chướng ngại không chỉ dạy, trao truyền, nên kinh nêu: Nầy Tu-bồ-đề! Có pháp để cho Như Lai, ở nơi trụ xứ của Đức Phật Nhiên Đăng v.v…

Lại, kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có pháp để Như Lai chứng đắc chánh giác, thì Đức Như Lai Nhiên Đăng tức không thọ ký cho Ta: Ông sẽ đạt được v.v… Ở đây có ý gì?

Nếu pháp chánh giác có thể nói ra, như Đức Như Lai Nhiên Đăng đã nói, thì vào lúc ấy Ta liền được Chánh giác, Như Lai Nhiên Đăng tức không thọ ký, nói: Ông sẽ chứng đắc v.v… Do pháp kia không thể nêu bày, nên Ta vào lúc bấy giờ không được Chánh giác, thế nên Đức Như Lai Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ta. Đây là nghĩa ấy, nên biết.

Lại, do đâu pháp kia không thể nêu bày? Như kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Như Lai tức là chân như, thanh tịnh như, nên gọi là Như Lai. Do như không thể nêu bày, nên nói như thế. Thanh tịnh như gọi là chân như, cũng như chân kim (vàng ròng). Hoặc nói: Nơi trụ xứ của Như Lai Nhiên Đăng, đối với pháp không đạt được Chánh giác. Thời gian sau, Đức Thế Tôn mới tự chứng đắc Chánh giác.

Vì nhằm lìa điều chấp giữ ấy, nên kinh viết: Nếu có người nói như vầy: Như Lai chánh giác nơi đạo quả Bồ-đề Vô thượng v.v… Lại, kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Pháp đã được Như Lai chánh giác, ở trong ấy là không thật, không vọng: Đây là hiển thị về chân như không hai.

Thế nào là không thật? Nghĩa là ngôn thuyết. Không vọng: Là chánh giác kia.

Không phải là không có ngôn thuyết của thế gian, nên kinh nói: Do đó, Như Lai nói tất cả các pháp tức là Phật pháp. Ở đây có nghĩa gì? Tức là hiển bày pháp của tất cả pháp là thanh tịnh như. Như là hiện hữu khắp hết thảy pháp. Đây là nghĩa ấy.

Lại, thể của pháp nơi tất cả pháp là không thành tựu.

Vì an lập đệ nhất nghĩa đế, nên kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Tất cả pháp đều là phi pháp. Đó gọi là tất cả pháp.

Vì nhập chứng đạo, nên kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ví như người có thân tốt đẹp, thân lớn lao v.v…: Là hiển thị lúc nhập chứng đạo, đạt được trí tuệ nên lìa kiêu mạn.

Thế nào là đạt được trí? Có hai thứ trí: Là trí gồm thâu chủng tánh và trí bình đẳng. Nếu đạt được trí rồi, được sinh nơi nhà Như Lai, được quyết định nối tiếp Phật chủng. Đây là trí gồm thâu chủng tánh. Đạt được trí ấy, thì có thể chứng đắc diệu thân (thân tốt đẹp). Nếu ở nơi nhà ấy, nguyện sinh nơi đêm dài sinh tử. Đã được sinh, nên được thân kia. Đó gọi là diệu thân.

Trí bình đẳng lại có 5 thứ nhân duyên bình đẳng:

1. Thô ác bình đẳng.

2. Pháp vô ngã bình đẳng.

3. Đoạn tương ưng bình đẳng.

4. Tâm không trông mong tương ưng bình đẳng.

5. Tất cả Bồ-tát chứng đạo bình đẳng.

Đạt được những thứ ấy, nên được đại thân (thân lớn lao).

Đại thân gồm thâu hết thảy chúng sinh, nên ở trong thân ấy an lập phi tự, phi tha, nên kinh viết: Như Lai đã nói, có người có diệu thân, đại thân tức phi thân, thế nên Như Lai nói là diệu thân, đại thân. Đây là ở trong diệu thân v.v… an lập đệ nhất nghĩa.

Những thứ như thế là đạt được trí tuệ.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.