III. Tu Tập Thiền Ðịnh
Từ “Này các tỳ kheo, tập trung tâm lại… đó là hạnh thiền định”: Ðoạn này Phật dạy về công phu tu tập thiền định có 2 phần:
Phần 1. Kinh văn dạy: “Các thầy tỳ kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định”. Câu nói hết sức đơn giản nhưng cô đọng và khái quát phương pháp và mục tiêu của thiền. Thiền định là trái tim của Phật giáo. Tu tập giới để dọn đường cho thiền định, trên cơ sở tâm định, trí tuệ phát triển và đoạn tận lậu hoặc. Thiền định có nhiều phương pháp của các môn phái, học thuyết, tôn giáo, đúng và sai, chánh và tà thiên hình vạn trạng. Ðối với Phật giáo, Ðức Phật dạy về thánh chánh định như sau: “Này các tỳ kheo, thế nào là thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các tỳ kheo, phàm có nhất tâm nào được tư trợ với 7 chi phần này thì gọi là thánh chánh định” (Ðại Kinh 40 pháp, Trung Bộ kinh III). Như vậy thiền định truyền thống Phật giáo bao gồm cả đạo đức và tri thức, trên cơ sở ấy thiền định mới đúng hướng.
Phương pháp thiền rất đơn giản mà cũng rất phức tạp. Ðơn giản là “tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định”, phức tạp là bằng cách nào tâm sẽ được tập trung! Tiếng Phạn gọi thiền định là Samàdhi hay Dhyàna. Samàdhi nghĩa là đình chỉ tâm tán loạn, tập trung vào một đối tượng. Dhyàna nghĩa là tĩnh lự, đình chỉ tâm tán loạn chuyên tâm về một cảnh hay một đối tượng. Thông thường người ta chia làm 2 loại: thiền Chỉ và thiền Quán, thiền chỉ là tâm chuyên chú vào một đối tượng đạt được nhất tâm, thiền quán là tập trung vào các đề mục quán chiếu để thấy rõ bản chất của sự vật. Phương pháp lý tưởng là chỉ quán song tu hay còn gọi chung là thiền định.
Ðối tượng của thiền định có thể nói một cách khái quát gồm có 4 lãnh vực: Thân, thọ, tâm, pháp. Sáu tùy niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm từ, và niệm thiện. 4 niệm phạm trú: Từ, Bi, Hỷ, Xã v.v…
Mục tiêu gần của thiền định là đoạn trừ 5 triền cái và thành tựu 5 thiền chi. 5 triền cái là 5 loại trói buộc và che mờ tâm ý, làm tâm rối loạn không an tịnh, gồm có:
1) Tham dục: khi tâm bị tham dục chi phối tức là bị các đối tượng thích ý làm cho thèm muốn khởi lên nên không thể tập trung tâm ý được.
2) Sân hận: khi tâm bị sân hận chi phối tức là bị các đối tượng không thích ý làm cho nóng nảy loạn động không thể tập trung tâm được.
3) Hôn trầm: khi tâm bị hôn trầm tức là bị co rút lại buồn ngủ, tâm mờ tối không tỉnh giác để hướng đến đối tượng.
4) Trạo hối: khi tâm bị trạo hối tức là tâm giao động lăng xăng chập chờn không chú tâm vào đối tượng.
5) Nghi: khi tâm hoài nghi chi phối thì sinh do dự không thể quyết tâm trên đối tượng.
Thành tựu 5 thiền chi là 5 yếu tố đoạn trừ 5 triền cái và thành tựu thiền tâm:
1) Tầm:là trạng thái hướng tâm đến đối tượng, sự xúc chạm đầu tiên của tâm với đối tượng, tác dụng đoạn trừ được hôn trầm.
2) Tứ: dán tâm trên đối tượng, buộc tâm trên đối tượng, tác dụng đoạn trừ tâm hoài nghi.
3) Hỷ: trạng thái vui tươi, mát mẻ , tác dụng đó đối trị được lòng sân hận.
4) Lạc: niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn, đối trị tâm trạo hối .
5) Nhất tâm: tâm chuyên chú vào một đối tượng duy nhất đối trị được tâm tham dục.
Mục đích tiếp theo của thiền định là được tứ thiền. Ðức Phật dạy: “sau khi đoạn trừ 5 triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh có tầm có tứ…Này các tỳ kheo, khi diệt tầm diệt tứ chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ nội tỉnh nhất tâm… Này các tỳ kheo, khi ly hỷ trú xả chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ gọi là xả niệm lạc trú chứng và trú thiền thứ ba…Này các tỳ kheo khi xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh…”(Ðại kinh Xóm ngựa, TBK I).
Thiền định có thể đưa đến các trạng thái vi tế hơn nữa như tứ không định, nhưng mục đích của đạo Phật không phải là định mà là tuệ và giải thoát, nên đạt đến tứ thiền thì sử dụng tâm định hướng tâm quán chiếu phát triển tuệ lực.
Phần 2. Kinh văn dạy: “Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ”. Phần này có nghĩa là tác dụng của thiền định là để thấu triệt bản chất của vũ trụ nhân sinh, tức là phát triển trí tuệ. Ðức Phật dạy: “với tâm định tỉnh thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh. Như vậy vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh, vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ từ một đời cho đến nhiều đời, cho đến nhiều thành kiếp, hoại kiếp của chính mình, sự sinh, tử, khổ, lạc…một cách đại nét và chi tiết…vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sinh tử của chúng sinh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống, chết, khổ, lạc, của tất cả chúng sinh…vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến diệt khổ; đây là lậu hoặc, đây là nguyên nhân của lậu hoặc, đây là sự đoạn trừ lậu hoặc, đây là con đường đưa đến đoạn trừ lậu hoặc. Vị ấy thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu” (Ðại kinh Xóm ngựa).
Tóm lại như kinh văn, Phật đã dạy: “Thiền định tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê sửa bờ cho khéo, hành giả cũng vậy hãy vì nước trí tuệ, mà thực tập thiền định, để giữ cho nó khỏi chảy mất”. Tu tập thiền định là đắp bờ tâm thức, giữ nước trí tuệ, gom tâm vào một chỗ sẽ tạo năng lực nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ ngày càng sắc bén. Phiền não, lậu hoặc ngày càng thu hẹp và được đoạn trừ.
Vậy thánh chánh định được thành tựu nhờ thành tựu giới hạnh và tuệ giác. Con đường tu tập ấy là con đường tăng thượng tâm. Ðây là bước đi cao cả trong 6 bước tu tập trong tuần tự đạo lộ tu tập của Ðức Phật, đến cấp độ này định và tuệ là một và viên mãn, trí tuệ đề cập tiếp theo chỉ nói thêm mà thôi.
D. Tuệ Học
Phần tuệ học có 2 tiết: thành tựu công đức trí tuệ và thành tựu công đức không hý luận. Có thể xem 2 phần này tương đương với tuệ học trong bát chánh đạo là chánh kiến và chánh tư duy. Dựa trên cơ sở chánh kiến và chánh tư duy ta có thể thấy rõ hơn về trí tuệ trong Phật giáo và trong kinh Di Giáo này.
I. Thành Tựu Công Ðức Trí Tuệ
Từ “Các thầy tỳ kheo, có trí tuệ thì hết đam mê đó là hạnh trí tuệ”: Kinh văn dạy: “có trí tuệ thì hết đam mê, luôn tự thức tỉnh và tự dò xét không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như Lai người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”. Trí tuệ của đạo Phật khác với trí tuệ trong quan niệm thông thường. Trí tuệ có mặt thì có tác dụng đoạn trừ tham đắm si mê, trí tuệ ngược lại của si mê, si mê là đối với sự vật không biết rõ là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Trí tuệ là sự thấy biết các định luật ấy do đó không tham đắm và chấp thủ, vì vậy mà kinh văn gọi là “có trí tuệ thì hết đam mê” hết đam mê là giải thoát. Trí tuệ còn gọi là chánh tri kiến. Kinh Chánh Tri Kiến dạy: ” Khi vị thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và căn bản bất thiện, tuệ tri được thiện và căn bản thiện… tuệ tri được thức ăn, sự tập khởi của thức ăn, sự đoạn diệt thức ăn, con đường đưa đến sự đoạn diệt thức ăn…tuệ tri được khổ, sự tập khởi của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến đoạn diệt khổ… tuệ tri già chết, tập khởi của già chết, sự đoạn diệt già chết và con đường đưa đến sự đoạn diệt già chết (cho đến vô minh, 11 chi phần nhân duyên) khi ấy vị thánh đệ tử có chánh tri kiến”. (Trung bộ kinh I). Chánh tri kiến còn được nói đến trong Ðại kinh 40 pháp: “Biết được chánh kiến là chánh kiến, tà kiến là tà kiến…” (tương tự đối với 8 chi phần bát chánh đạo ). Như vậy chánh tri kiến là trí tuệ thấy biết sâu sắc đối với các pháp thiện ác, chánh tà. Do sự thấy biết ấy mà không có lầm lỗi xảy ra, như kinh văn dạy: “luôn tự thức tỉnh và tự dò xét không để lầm lỗi có thể có được”.
Người có trí tuệ, trước hết là thấy biết rõ ràng các nguyên lý thiện ác, chánh tà, thấy biết được tính chất vô thường, vô ngã, duyên sinh của sinh mệnh và vạn vật. Nhờ thấy biết như vậy mà các tội lỗi không sinh khởi, và hủy diệt.
Kinh văn còn đề cập đến tác dụng sâu sắc hơn nữa của trí tuệ như: “trí tuệ chân thực là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh, lão, bệnh, tử; Là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bệnh tật, là búa sắt chặt cây phiền não”. Trí tuệ chân thật ở đây chỉ cho trí tuệ vô lậu, Ðại kinh 40 pháp Ðức Phật dạy: “có 2 loại chánh kiến: chánh kiến hữu lậu có sanh y và chánh kiến vô lậu, siêu thế không có sanh y. Chánh kiến vô lậu thuộc về trí tuệ, đạo chi của một vị tu tập thành thục trong thánh đạo”. Chánh kiến hữu lậu có phước báu là sự thấy biết về thiện ác, chánh tà, về các đặc tính vô thường, vô ngã, duyên sinh của vạn vật về mặt tri thức, có thể đưa đến không lỗi lầm nên có phước báo. Chánh kiến vô lậu vượt qua tất cả kiến giải, thuần thục trong thánh đạo tức trong tâm định và tâm tuệ. Ðây là trí tuệ chân thật.
Kinh căn bản pháp môn đề cập đến 3 loại nhận thức (TBK I):
1. Tưởng tri: cái thấy biết của tri thức thường nghiệm, cái thấy có hạn cuộc, mang đầy ngã tính, nhị nguyên có phân biệt chủ thể và đối tượng.
2. Thắng tri: cái thấy biết thông qua thiền định, thấy rõ tâm lý và vật lý là một chuỗi duyên sinh vô ngã. Với nhận thức này không có giới hạn, tách biệt, không chủ thể và đối tượng.
3. Liễu tri: trên cơ sở thắng tri dẫn đến đoạn trừ tham ái, sân hận, si mê không còn vướng mắc với tất cả pháp.
Trí tuệ chân thật chính là thắng tri và liễu tri này, kinh văn dùng thí dụ rất chuẩn xác và sinh động như: “Chiếc thuyền vượt qua biển sinh tử, ngọn đèn chiếu phá vô minh, thần dược cho kẻ tật bệnh, búa sắt chặt đứt phiền não tương tự như trên, kinh Ðại Phương Quảng (TBK I) cũng định nghĩa trí tuệ: “Trí tuệ có ý nghĩa là thắng tri (Abhinnattha), có nghĩa là liễu tri (Parinnattha), có nghĩa là đoạn tận (Pahanattha).
Làm thế nào để đạt được trí tuệ? Kinh văn dạy: “Các thầy hãy dùng cái tuệ văn, tư, tu, chứng để tự tăng tiến lợi ích” nghĩa là phải lắng nghe, phải tư duy và tu tập đưa đến chứng đắc hay lãnh hội. Nhờ văn tư tu huệ mà trí tuệ được viên mãn. Ðại kinh Phương Quảng cũng đưa ra phương pháp: “có hai duyên khiến cho trí tuệ sinh khởi: “tiếng của người khác và như lý tác ý” tiếng của người khác là văn tuệ, như lý tác ý là tư tuệ. Kinh dạy tiếp: “chánh tri kiến phải được hỗ trợ của 5 chi phần để đạt được tâm giải thoát và tuệ giải thoát đó là giới hỗ trợ, văn hỗ trợ, thảo luận hỗ trợ, có chỉ hỗ trợ (samatha), có quán hỗ trợ (samadhi)” (TBK I). Giới hỗ trợ là căn bản đạo đức làm thanh tịnh thân tâm. Văn hỗ trợ là văn tuệ, thảo luận hỗ trợ vừa văn vừa tư tuệ, chỉ và quán là tu tuệ. Nhờ sử dụng văn tư tu nên trí tuệ tăng tiến, có được giải thoát. Ðó là tác dụng của trí tuệ cần phải thành tựu.