Phật Pháp Cho Mọi Người – Các Phương Pháp Thiền

Bhikkhu Khantipalo
 

Khantipalo, thế danh Laurence Mills, sinh năm 1932 tại Bắc Luân Đôn. Sau khi tốt nghiệp về ngành trồng hoa quả, ông gia nhập quân đội ở vùng sa mạc của kênh Suez.  Trong thời gian này, ông được đọc một quyển sách về Phật giáo và ngay sau đó đã trở thành một Phật tử.

Sau đó Khantipalo trở về Anh được vài năm, nhưng trong một khóa tu thiền, ông đã quyết định xuất gia, trở thành một tu sĩ Phật giáo. Tiếp theo ông đến tu học ở Ấn Độ ba năm và ở Thái Lan mười một năm dưới sự hướng dẫn của Sư Sasana Sobhana và tu thiền trong các lâm tự viện với Sư Acharn Maha Boowa và nhiều vị thiền sư khác. Năm 1973, ông cùng một sư người Thái –Pariyattikavee – qua Úc và họ đã thành lập nên Wat Buddharangsee năm 1978, ở thành phố Sydney.

Khantipalo đã lưu lại Wat Buddha Dhamma mười bốn năm. Năm 1991, ông rời bỏ nơi này và trở lại đời sống thế tục.

Ông là tác giả của nhiều đầu sách Phật giáo, trong đó có Calm and Insight (NXB Curzons) và Banner Of the Arahants (NXB BPS).

Khi muốn thực tập thiền, chúng ta phải có những lý do chánh đáng cho sự thực tập này. Thiền – một định nghĩa hay hơn từ Samadhi, là sự bình thản – chỉ là một khái niệm thực tập Phật giáo, một điều cần thiết, để thành công cần phải kèm theo những thực tập khác như lòng quảng đại, sự dịu dàng, không bạo động, kiên nhẫn, vui vẻ và khiêm cung.

Nếu những điều tốt này không có nơi một thiền sinh thì đúng là có điều gì không ổn, và chỉ có một người dại dột mới ráng tiếp tục thực tập.

Sự bình thản tự chủ luôn dựa trên nền tảng căn bản đạo đức (sila) và một người không thể nào thành công nếu họ không chịu giữ gìn giới luật.

Những dấu hiệu của “sự tiến bộ” nơi lòng tự chủ không phải là những cảnh tượng khác thường, những cảm giác kỳ lạ (mặc dù những điều này có thể xuất hiện khi thiền sinh có sự tiến bộ trong việc thực tập), nhưng mà là một sự bình an hài hoà trên con đường đạo. Nếu một người thực tập không có thầy thì cần phải thật cẩn thận. Nếu không, một người không bao giờ biết được mình đang đi trên con đường chánh pháp hay tà pháp.

HAI DÒNG THIỀN 

Có hai dòng thiền Phật giáo, cho dù trong khi thực tập hai dòng thiền này được xem là bổ túc lẫn nhau.

Rất lợi ích cho một số người có tư tưởng năng động, luôn bị phân tán bởi những ý tưởng lăng xăng lộn xộn. Tư tưởng là một chuỗi sự kiện tinh thần, xuất hiện và biến mất một cách nhanh chóng.

Mỗi một sự kiện là một tư tưởng đầy đủ với những yếu tố tinh thần, cho nên trong lúc ban đầu cái tư tưởng, cái tâm trí là “sự chú ý” và nó quan sát những “tư tưởng” khác (tất cả chỉ là một sự tiếp diễn không ngừng nơi phần tinh thần của một người). Nhờ vậy một người mới dần phát triển được khả năng quan sát tâm trí, tư tưởng, để xem nó đi đâu. Đi về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Có phải nó đang nghĩ đến vật chất hay cảm giác, hoặc đang nhận thức, hay đang ham muốn, hoặc là nó biến mất nơi ý thức?

Bằng phương thức đặt câu hỏi rằng “Nó đã đi đâu?” Sự phân tán nơi tinh thần sẽ từ từ được kiểm soát cho đến lúc “sự chú ý” hay “chánh niệm” trở nên nền tảng vững vàng cho việc hành thiền tiếp tục.

Tâm trí cần được huấn luyện và phát triển theo cách thực tập này, nhưng nó phải được quân bình bởi sự tĩnh lặng thấm nhuần. Khi tinh thần trở nên yên tịnh thì một người nên bắt đầu thực tập thiền (jhana), và đây là bước đầu cho trí tuệ xuất hiện. Phương cách này gọi là “trí tuệ đưa đến tĩnh lặng”.

Những cách thực tập khác dành cho những người mà tinh thần ít bị giao động, bao gồm bốn mươi đề tài cổ điển về thiền (xem phần phụ lục); và những đề tài thiền này cộng với những cách thực tập khác phát triển hơn, dựa vào một đối tượng để làm đề tài cho sự tập trung.

Có thể là thân thể của chúng ta, hay một phần thân thể, màu sắc của một bức tranh, một chữ hay một câu, và sự suy ngẫm trừu tượng, v.v và v.v. Tất cả những phương thức này kèm theo sự rèn luyện về tinh thần một cách kỹ càng nhưng vừa phải. Lúc mà tư tưởng chạy sang chỗ khác thì phải từ tốn kéo nó trở về (bằng chính niệm) để tiếp tục tập trung vào vào đề mục đã chọn.

Nhiều người lầm tưởng và cho rằng thực tập như thế này thì nhất định sẽ có được sự tĩnh lặng ngay lập tức. Họ sẽ ngạc nhiên khi bắt đầu thực hành, vì họ sẽ nhận thấy có nhiều trở ngại hơn họ nghĩ. Lúc đầu là như vậy, vì có bao giờ họ chịu kiểm soát tư tưởng của họ đâu. Kế đó, lúc bắt đầu thực hành cũng giống như lấy một khúc cây khuấy nước đọng trong ao, hoặc khơi đống lửa tro. Tư tưởng như con voi rừng, quen chạy rong trong khu rừng ham muốn, sẽ không dễ gì để bị huấn luyện, không dễ gì bị cột lại. Nhưng với sự chuyên cần và chú tâm, dần dần ta có thể dùng dây chính niệm để cột voi lại, và kết quả là ta sẽ được sự tĩnh lặng.

Bốn mươi đề tài nói trên nằm trong cách thực tập thứ hai, mà khi đã có được sự yên tịnh nhờ vào thực tập thì trí tuệ sẽ xuất hiện. Vì thế được gọi là “tĩnh lặng đưa đến trí tuệ”, và các bài tập này rất quan trọng trong thời buổi hiện tại điên cuồng ngày nay. Để hiểu rõ thêm, mọi người nên tìm đọc Path of Purification (Con đường thanh lọc – Visuddhi-magga, bản dịch), cho dù quyển sách này cho ta một kiến thức vĩ đại, nó cũng không thể thay thế được sự liên hệ trực tiếp giữa thầy và trò.

Lời Khuyên Hữu Ích Cho Các Thiền Sinh
 

Từ quan điểm tâm lý đến thực hành, sự thiền định dành cho giới cư sĩ có thể được chia ra làm hai thành phần: nỗ lực thực hành và thực hành trong sinh hoạt hàng ngày. Nỗ lực thực hành cũng có hai phần: ngồi thiền mỗi ngày hay đôi khi ẩn cư (retreat).

Ngồi thiền mỗi ngày 

Trước hết, chúng ta bàn về việc nỗ lực thực hành thiền mỗi ngày. Có nghĩa là ngày nào cũng ngồi thiền vào một giờ nhất định. Cần phải cẩn trọng đừng nên ngồi thiền như một nghi lễ, mà phải luôn tự nhủ vì lý do nào mà ta phải thực hành thiền. Những ý kiến sau đây là những gợi ý hữu ích.

Nói về phần vật chất thì nơi thực hành thiền cần phải yên tịnh. Nếu có được một phòng nhỏ dành cho việc hành thiền thì thật là tốt. Dù sao thực hành thiền một mình vẫn hay hơn trừ khi những người trong gia đình đều cùng thực tập. Một người cần chắc chắn rằng tinh thần của chính mình phải trong sạch trong liên hệ với người chung quanh, như không tham lam, sân hận, vì những độc chất này sẽ cướp mất kết quả của sự hành thiền.

Muốn yên tịnh, hay nhất là nên dậy sớm để hành thiền trước khi những người khác thức dậy. Hơn nữa, lúc sáng sớm là lúc tâm trí thoải mái nhất và cơ thể không bị mệt mỏi. Một thiền sinh hết lòng thực tập sẽ luôn thực hành thiền vào những giờ nhất định, vì biết rằng chỉ cần đủ giờ ngủ nghỉ thì thân thể sẽ thoải mái và tỉnh táo hơn.

Sau khi thức dậy và làm vệ sinh xong thì nên ngồi thiền với bộ đồ sạch và thong thả. Cũng nên có một bàn thờ nhỏ với những hình ảnh Phật, nhưng cũng không cần thiết lắm. Vài người khác thì dâng hoa cúng Phật, thắp hương trong sự tỉnh thức cao độ.

Trong những nước Phật giáo thì thiền sinh thầm niệm “Namo tassa bhagavato arahato samma-sambuddhassa”, (Nam-mô Bậc ứng cúng, chánh biến tri, bậc giác ngộ viên mãn) khấn nguyện về ba nơi nương tựa và những giới cấm.

Nếu một người thuộc những lời kinh tán thán Phật, Pháp, Tăng bằng tiếng Pali thì cũng nên niệm những lời này trong khi hành thiền.

Một điều hữu ích khác quan trọng cũng không kém là sự suy ngẫm về những lời tụng niệm, vì chúng giúp ta suy ngẫm thêm về chân lý của pháp (dhamma).

“Được may mắn có thân người, tôi có hai trách nhiệm trong pháp giới: lợi ích cho chính bản thân và lợi ích cho những người khác. Những chúng sinh khác dù là người hay không phải người, có hình thể hay không có hình thể, lớn hay nhỏ, xa hay gần, tôi sẽ đối xử với tất cả chúng sinh bằng sự dịu dàng, tử tế và mong rằng tất cả đều được an lành. Mong cho tất cả đều hạnh phúc…!

Tôi sẵn sàng giúp đỡ khi thấy họ đau khổ, và sung sướng với họ khi thấy họ hạnh phúc. Mong sao cho tôi phát triển lòng bình đẳng, không phân biệt, có một tâm trí luôn thăng bằng để không bao giờ tức giận!

Trong lúc lo cho kẻ khác, tôi sẽ không quên sự tiến triển của chính mình trên con đường giáo pháp. Mong sao cho tôi nhận biết được mình đang bị gió nghiệp nào lôi kéo vì đã nhiều lần đau khổ triền miên trong sinh tử!

Tôi cũng nên biết rằng cuộc sống này là ngắn ngủi và tạm bợ. Tâm trí và thân thể luôn đổi thay trong từng giây phút. Cả tâm trí lẫn thân thể này không phải của tôi hay là tôi. Và nhận thấy rằng tâm trí hay bị dao động vì những khó khăn xảy ra trong cuộc sống ngắn ngủi này. Vì si mê và đầy ham muốn, tôi cần phải biết rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi, già và bệnh là những việc tự nhiên phải đến. Tôi phải cố gắng để biết rằng cái người được gọi là “Tôi”, chỉ là một tập thể của tinh thần và vật chất và ở đó không có một thực thể nào gọi là linh hồn hay cái ngã thực sự hiện hữu.

Mong sao cho tôi thấu hiểu được rốt ráo ý nghĩa của vô thường và vô ngã. Mong sao cho tôi được ở trong hư vô! Và giác ngộ được chân lý cao tột để sau này có thể dẫn dắt được những người khác! ”

Khi ngồi thiền, nên giữ thân thể thẳng nhưng thư thả. Không nên cứng ngắt, bó buộc, đầu không nên gục xuống, thắt lưng phải thẳng. Thân thể phải yên tĩnh và thăng bằng. Mặc dù tư thế kiết già là tốt nhất khi thiền sinh ngồi trên một gối đệm nhỏ, có thể dùng ghế cho những người không thể hoặc không quen ngồi kiết già. Ngồi kiết già hay bán kiết già sẽ dễ nếu có một gối cứng để dưới bàn tọa. Đầu gối sẽ đụng đất và ba điểm tựa vững chắc (hai đầu gối và bàn tọa) sẽ làm cho việc ngồi thiền được dễ dàng.

Mỗi ngày, một người nên ngồi thiền trong một thời gian nhất định, cho đến khi có được sự tập trung kha khá, lúc ấy ta nên kéo dài thêm thời gian ngồi thiền. Có người đốt một nén nhang để đo thời gian ngồi thiền. Ngồi cho đến khi nén nhang tàn. Để hai tay theo tư thế thiền, mắt có thể nhắm hay khép hờ tùy ý.

Có nhiều cách thức được sử dụng để tập trung tâm trí, và hai cách thiền chánh đã được nhắc đến như trên. Những cách thức khác như lặp đi lặp lại một chữ hay một câu và có thể dùng xâu chuỗi. Nếu thiền sinh chú ý vào hơi thở, thì có thể dùng chữ “Buddho”, hoặc “Araham” để làm yên tịnh tinh thần. Thì thầm lặp lại âm tự đầu khi hít vào và chú tâm vào âm tự sau khi thở ra. Cũng như đếm hơi thở (từ một đến mười – thường không đếm hơn số mười, vì tâm trí sẽ dễ chạy loanh quanh) để giữ sự tập trung.

Nhưng các phương cách này cần được bỏ đi khi ta bắt đầu có được sự tập trung cao. Khi thực tập vào một câu thì xâu chuỗi được sử dụng để đánh dấu mỗi câu bằng một hạt trên chuỗi.

Sự thực tập thiền được tiến triển tốt đẹp khi sự tập trung vào một đối tượng được gia tăng. Nhưng cũng không nên cho rằng thực tập thiền là vô ích khi có những lúc ta bị xao lãng, lo ra hay buồn ngủ. Đây là những trở ngại cần phải đối diện. Và nếu nó được nhận diện bằng sự chú tâm, không phải bằng sự bực bội hay chán nản, thì những khó khăn này sẽ được khắc phục.

Để thành công, điều cần thiết là ta phải luôn cố gắng kiên trì và quân bình.

Khi xả thiền, ta nên tụng một bài kinh và hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh. Trong lúc này, nên tụng Kinh Từ Bi – Metta Sutta (Bài kinh về lòng từ), vì bài kinh không dài nên rất dễ nhớ.

Vì có nhiều cách tụng, cho nên nếu có được một cuộn băng của bài kinh này được đọc tụng bởi các thầy thì rất tốt.

Trong vấn đề tụng kinh, việc hữu ích là nên biết rằng một vài bài giảng của Đức Phật được nói ra bằng ngôn ngữ cổ điển của Phật giáo. Một khi tâm trí bị phân tán thì bài kinh tụng có thể giúp một người trở lại sự chú tâm. Vào những lúc bị xao lãng, thiền sinh không nên thất vọng mà nên tiếp tục ngồi và tụng những bài kinh cho chính mình nghe. Đây là một cách thực tập của các thầy ngày hai lần để phát triển tinh thần. Đồng thời cũng là cách củng cố niềm tin và để quân bình trí tuệ.

Một cách thực tập khác là thiền hành, có thể được thực tập ngay trong nhà hay trong vườn. Chiều dài khoảng hai mươi hoặc ba mươi bước là đủ, vì nếu khoảng cách dài hơn tâm trí sẽ chạy nơi khác, và nếu ngắn quá thì sự phân tâm sẽ dễ gia tăng. Một người nên đi theo nhịp đi bình thường của mình, hai tay nối nhau để thong thả trước thân. Đến cuối con đường thì nên quay lại theo chiều kim đồng hồ.

Vài lời tâm nguyện cũng rất cần thiết cho việc thực tập. Không có một người Phật tử thành tâm nào mà không thực tập thiền. Để tâm thực tập thiền, người đó phải có những lý tưởng Phật giáo trong tâm. Nhờ nương tựa vào giáo pháp, người Phật tử sẽ dễ vượt qua những trở ngại trong lúc thực tập. Bất cứ một trở ngại nào xảy đến đều bị khuất phục nhờ vào sự thành tâm của người thực tập. Nếu trên bước đường tu tập, thiền sinh nhận thấy bị bít lối, sự tu tập không tiến bộ, và người này không có một vị thầy bên cạnh. Họ không nên chán nản, hay bỏ cuộc, mà phải nghĩ rằng: “Tôi đang nhận lấy những quả không tốt mà tôi đã gieo trong quá khứ”. Và rồi người này nên nhớ lại lời cuối của đức Phật: “Tất cả những gì giả hợp đều sẽ tan rã. Với chánh niệm, các người hãy tinh tấn”. Tất cả những khó khăn cũng là những giả hợp và rồi chúng sẽ thay đổi, trong lúc này hãy mãnh liệt, tận tâm sử dụng chánh niệm để nhận thấy sự thật này.

Nếu một người không mệt lắm sau một ngày làm việc và có cơ hội vào buổi tối, hoặc một lúc nào đó rảnh rỗi thì nên ngồi thiền. Dẫu sao đi nữa, nên tập có thói quen ngồi thiền trước khi đi ngủ. Nên nghĩ rằng: “một khi ta đã nằm xuống thì chắc gì ta sẽ lại thức dậy”. Vì thế, một người có thể nằm xuống để chết và cách này là cách hay nhất để nhắc nhở ta loại bỏ những tánh xấu và để thực tập tỉnh thức.

Nếu một người thực tập điều này, “nằm xuống để chết”, cách này rất hay để tập cho ta sẵn sàng cho cái chết có thể đến bất cứ lúc nào trong tương lai. Để giúp ta dần dần từ bỏ, không bám víu vào những gì không thuộc về mình, chẳng hạn, thân và tâm này.  Một câu kinh hay một chữ nào trong giáo pháp đều có thể được sử dụng, lặp đi lặp lại nhiều lần trước khi đi vào giấc ngủ. Bằng cách này, một người bắt đầu và kết thúc một ngày bằng sự thực tập giáo pháp của đức Phật. Ngoài việc thành tâm thực tập cả ngày, đâu có gì tốt hơn nữa?

Ẩn cư 

Cách thực tập cao độ là sự ẩn cư. Một thiền sinh sốt sắng có thể đi ẩn cư nếu những tiện nghi cho phép. Ở phương tây chỉ có vài nơi để thực tập.

Điều quan trọng là làm sao nhận được lời chỉ dẫn trực tiếp nơi một vị thầy có kinh nghiệm (sách chỉ là bước đầu, vì đôi lúc kể cả có thầy cũng vẫn chưa đủ). Một khi tìm được vị thầy rồi thì một người phải hết lòng chuyên cần để thực tập và để thể nghiệm lấy những gì mình đã học được.

Nếu một người có được một vị thầy và có điều kiện để thực tập thì người này là người may mắn nhất.

Nhiều người sẽ không có cơ hội có được một người thầy, và vài người khác sẽ cố gắng đi ẩn cư để thực tập thiền ở vài nơi yên tịnh của miền quê. Chỉ nên thực hành việc ẩn cư khi mà thiền sinh đã đạt được sự chú tâm cao. Nếu không thì việc ẩn cư sẽ không có lợi ích, đôi lúc còn có vẻ tăng cường những trần cấu tinh thần.

Sinh hoạt hàng ngày 

Đã có rất nhiều bài viết về những cách thực tập thiền khác nhau. Sau đây là những lời chỉ dẫn. Trước hết, một người không nên tự dối mình khi nói về sự chú tâm. Không lợi ích gì khi mình tự dối mình và những người khác là cuộc sống của mình là thiền trong sinh hoạt hàng ngày – trừ khi một người đã có được sự chú tâm cao độ. Chỉ có những người từng ngồi thiền trong nhiều năm và giữ giới như những tu sĩ thì mới có thể nói họ sống với “Thiền” trong sinh hoạt hàng ngày; mà nếu thật sự có như thế thì thông thường người này cũng không nói điều này ra cho người khác biết. Từ chối không cho sự hãnh diện có cơ hội để làm méo mó trạng thái của tâm thức, một người nên giữ quân bình và biết chấp nhận giới hạn của chính mình. Và đây là một bước lớn để tiếp tục thực tập. Nếu một người cư sĩ tự nghĩ rằng mình là một vị A-la-hán thì điều này sẽ ngăn cản bước tiến của mình; trong khi một người thành thật thì ít ra cũng có được sự hiểu biết để trở nên khiêm tốn hơn.

Nếu không có chính niệm, thì khó lòng có hy vọng sống được với thiền trong sinh hoạt hàng ngày. Những việc bình thường vẫn có thể trở nên những đề tài cho sự thực tập thiền. Chính niệm là sự chú tâm, biết mình đang làm việc gì ngay trong hiện tại. Chẳng có gì thú vị hết cho nên cần phải có sự cố gắng lúc ban đầu để tránh không đánh mất “chính niệm”. Thường khi nào muốn tránh những cảnh nhàm chán hay việc gì không thích hợp thì chúng ta hay hướng về những thế giới không tưởng, nghĩ về quá khứ hoặc tương lai và trốn tránh hiện tại. Nhưng nếu một người thật sự muốn hiểu rõ về mình, thì những việc nói trên không có lợi ích gì hết, bởi vì nó được tổng hợp bởi những ảo tưởng, như sợ hãi, si mê. Trong khi chúng ta thực hành thiền một cách nghiêm ngặt thì chính niệm có thể theo dõi tất cả những gì đang xảy ra trong tâm trí; trong công việc hàng ngày, ta nên đem chính niệm đến với việc làm của chúng ta. Một người không nên “gởi” tâm trí đi lông bông, không để nó mơ tưởng về quá khứ hoặc tương lai. Đức Phật ngày xưa có nói như sau:

“Quá khứ như một giấc mơ, tương lai tựa ảo tưởng, trong khi hiện tại như đám mây”.

Sự so sánh này rất cần thiết để giữ sự chú tâm, vì tâm trí hay chạy lăng xăng. Sự thực tập thiền giúp cho tâm trí “nằm trong” cơ thể, nghĩa là luôn có sự chú tâm, nhận biết về một việc gì. Chỉ có người thiền sinh hết lòng mới thấy được lợi ích của việc thực tập. Bởi vì sự thực tập này cắt đứt mọi hứng thú đối với bên ngoài, và làm ngưng bặt sự suy nghĩ viễn vông.

Cái hay của chính niệm là giúp ta tìm thấy được sự hứng thú trong công việc hàng ngày. Mỗi ngày qua đưa chúng ta gần kề với cái chết và cho dù với sự tái sinh ta cũng không biết mình sẽ đi về đâu.

Chỉ có hiện tại cho chúng ta cơ hội để thực tập giáo pháp thay vì sống trong ảo tưởng hay chán ghét những gì mình không thích (hoặc dễ dãi với lòng tham của chính mình), với chính niệm, chúng ta có thể chuyển hướng những thói quen cũ. Không phải bị kềm chế bởi tham lam hay sân hận, và không bị thống trị bởi những ảo tưởng, chỉ có chính niệm mới có thể đưa chúng ta đến con đường giải thoát.

Trong sự thực tập hàng ngày, chúng ta phải để chính niệm có mặt luôn luôn để giúp chúng ta dần dần tách khỏi sự ràng buộc. Chúng ta cũng nên khôn ngoan lợi dụng những cơ hội “nghịch” như: chờ đợi xe lửa hay xe buýt, trong lúc chờ đợi ai, bất cứ lúc nào ta một mình trong vài phút. Thay vì chúng ta đọc báo, nói chuyện điện thoại, hay tán dóc với người khác, sẽ có lợi ích hơn nếu chúng ta cho tâm mình được “nghỉ ngơi”.

Tách rời sự chú tâm khỏi những vật bên ngoài, tập hít thở trong chính niệm, hoặc lặp lại những câu trong giáo pháp, hoặc những chữ như “Buddho” (Phật) hoặc “Arahat” (A-la-hán), làm như vậy cho đến khi chúng ta trở lại với công việc của mình. Trở về bên trong thường thường là một việc làm hết sức lợi ích, nó giúp ta củng cố việc ngồi thiền, và ngồi thiền giúp chúng ta vững mạnh hơn về khả năng quay lại bên trong.

Chú tâm vào hơi thở là một cách tập trung rất tốt trong lúc chúng ta đi du lịch hoặc đang chờ xe buýt hay xe lửa.

Tại sao ta phải hấp tấp và thiếu kiên nhẫn?  

Một chút thực tập về hơi thở nên dành cho những lúc như thế này, chú tâm vào hơi thở giúp tâm trí ta bớt lăng xăng và giúp cho cơ thể ta bớt dao động. Một du khách phải cứ nhìn ra cửa sổ trong lúc phi cơ đang bay!

Tại sao ta phải làm nô lệ cho cặp mắt trong khi một chút thực tập có thể lợi ích hơn. Một người không cần phải nghe những người chung quanh tán gẫu, tại sao lại làm nô lệ cho “lỗ tai”? Người ta không thể đóng hai tai lại, nhưng ai ai cũng có thể đem sự chú tâm của mình vào việc thực tập chính niệm.

Cũng chính là chính niệm giúp cho ta tập trung trong lúc ngồi thiền. Chẳng hạn như ham muốn nhục dục có thể bị tan biến khi ta nghĩ đến sự mục rữa của thây ma. Nhan sắc được ban tặng cho các cô gái xinh xắn (hoặc anh chàng đẹp trai) trở nên lố bịch khi ta nghĩ đến những ông bà già có hấp dẫn ai đâu. Chỉ khi nào ta nhận thấy chính dục vọng sẽ đốt cháy kẻ ham muốn, lúc ấy ta mới thấy nên từ bỏ nó.

Cũng như vậy, sự tham ăn dù chỉ chút chút cũng có thể từ bỏ được khi ta tập trung sự suy nghĩ về những tiến trình của đồ ăn. Đồ ăn đã nhai rồi dù có bày trên đĩa đẹp cách mấy cũng chẳng thấy ngon. Ói mửa cũng là những thức ăn đó nhưng đâu có ai ham. Cả đến phân để trên đĩa bằng vàng cũng không hấp dẫn được ai – nhưng đây lại là những gì còn lại của những món ngon đã ăn! Khi một người suy ngẫm về thức ăn trong ba giai đoạn kể trên, lòng tham ăn sẽ biến mất, và khi một người ăn, họ dùng thức ăn như là một phương thuốc để giữ gìn thân thể này.

Trong lúc đang tức giận, chánh niệm có trách nhiệm để biết rằng ta nên đem sự chú ý qua một đề tài khác hay một người khác. Chính chánh niệm cảnh giác chúng ta khi chúng ta sắp sửa tức giận, và chính chánh niệm sẽ giúp ta chuyển hướng và giữ được thế quân bình.

Khi ganh tỵ xuất hiện, chính niệm giúp ta thấy bằng tâm trí là “ganh tỵ đang xuất hiện”, và nếu ta không vui mừng với niềm vui của kẻ khác thì chính niệm cũng cho ta biết rõ điều đó để giúp ta giữ thế quân bình hoặc giúp ta hướng sự chú ý của mình đến những đề tài khác. Đức Phật thật sự đã nói, “Chính niệm, ta tuyên bố, rất là lợi ích ở mọi nơi”.

Những người có ý tưởng lệch lạc cho rằng Phật giáo khuyến khích sự thiền định cá nhân, cho nên không làm gì lợi ích cho xã hội. Họ nên hiểu rằng người Phật tử tin là xã hội có thể tốt hơn, nếu mỗi người biết tự sửa đổi.

Một xã hội lý tưởng theo người Phật tử, được đức Phật giảng nói trong những bài pháp dành cho người cư sĩ, và đức Phật luôn nhấn mạnh sự phát triển của từng cá nhân, nó quan trọng và là một yếu tố cần thiết.

Một xã hội lành mạnh là nơi mà có những người dân sống hòa bình với chính bản thân mình. Sự phát triển về trí tuệ và từ bi của một người có ảnh hưởng đến những người chung quanh, như là bột nổi bỏ vào trong bột bánh.

Vì vậy người Phật tử luôn kêu gọi hãy cố gắng đạt sự an bình trong tâm mình, một khi mọi người có an bình trong tâm họ thì hòa bình sẽ có mặt trên thế giới. Nếu chỉ muốn có hòa bình mà không tự tu tâm thì không làm sao có được hòa bình miên viễn, vì gốc rễ tham, sân, si vẫn còn nằm trong tim mọi người. Đó là không thực tế? Nó chỉ dành cho những người không thực tập. Những người có thực tập luôn nhận thấy sự lợi ích của thiền; thiền giúp họ giải quyết được một số vấn đề trong cuộc sống.

Cho dù có tham gia nhiều ngày để thực tập thiền, con đường đưa đến Niết bàn vẫn cần nhiều nỗ lực. Đôi lúc gặp phải trở ngại trên đường, nhưng với chính niệm làm ngọn đèn soi sáng, ta hiểu được rằng mục đích của mình là đáng giá và huy hoàng, không phải chỉ cho riêng ta mà cho tất cả mọi chúng sanh.

Thiên đường (Brahma-vihara) và sự hoàn hảo của nó 

Con đường dẫn đến Niết bàn có những nơi chốn gọi là “Thiên đường”, nơi để ta luyện tập từ dở trở thành hay trên con đường tu tập giáo pháp.

Như đã nhấn mạnh ở trên, mục đích là hạnh phúc cho mình và cho tất cả chúng sanh. Vì thế một người phải hành động như thế nào để có được một kết quả hạnh phúc.

Trong trường hợp này, một người cần phải đối xử với những người khác như họ muốn được đối xử. Bởi vì mỗi một chúng sanh đều quý trọng chính mình, và mong ước được hạnh phúc.

Một người không thể nào có được hạnh phúc riêng rẽ mà không có nguyên nhân của nó, cũng không thể có được hạnh phúc khi mà ta đối xử tệ với những người khác, hay những chúng sanh khác. Mọi chúng sanh đều tham sống, sợ chết, đây là một điều rất thật đối với chúng ta cũng như đối với các sinh vật khác.

Một người luôn luôn hành động đúng và sống một cuộc sống từ bi là người thực sự thương chính bản thân mình, vì họ làm những việc có lợi ích, có hạnh phúc. Những người khác, cho dù họ nghĩ rằng họ rất thương bản thân họ, nhưng thật ra họ lại là kẻ thù tệ nhất của chính họ vì họ làm những việc không có lợi cho họ cũng như những việc mà kẻ thù của họ muốn làm cho họ.

Phẩm hạnh tốt dựa trên sự thuần thục của tâm trí, một khi tâm trí được giải thoát khỏi sự kềm kẹp của tham, sân, si. Đối xử với người láng giềng như đối xử với chính mình, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Những bài giảng của đức Phật có một giá trị đặc biệt là chỉ cho ta thấy làm thế nào một phương cách được dịch giảng bằng kinh nghiệm, với phương cách thực tập về thiên đường nơi tinh thần. Khi chúng ta nói đến “tinh thần”, chữ này không nên được hiểu trong một ý nghĩa nhỏ hẹp của những tiến trình có tính cách tri thức, nhưng mà bao gồm tinh thần – và – con tim, tri thức và tình cảm.

Có bốn trạng thái thuộc về thiên đường: thân thiện, từ bi, vui vẻ và bình thản. Tất cả những điều này, quan trọng là điều thứ nhất, những thực tập thiền rất phổ biến ở những đất nước Phật giáo. Tiếp theo là một giải thích ngắn cho mỗi trạng thái. Lòng thương xót (metta) là một tình thương không ích kỷ và có thể lan rộng đến tất cả mọi người.  Điều này sẽ trở nên dễ dàng một khi ta thấm nhuần trong thiền định, khi mà phẩm chất của sự thân thiện, từ bi trở nên một phần cá tánh nơi một người. Theo thói thường, con người chỉ “thương yêu” một số người nào mà họ có mối liên hệ gia đình, v.v… Một tình thương yêu như vậy chỉ là sự bám víu của nhục dục, một tình thương bị hạn chế, và những người đứng ngoài tình thương đó thường bị làm ngơ hoặc bị ghét bỏ. Như vậy, tình thương yêu có tính cách nhục dục không những liên hệ với sự bám víu (tham), mà còn liên hệ với giận hờn (sân) và ảo tưởng (si), và như vậy người nào cảm thấy hài lòng với tình thương kiểu này, sẽ phải trả một giá rất đắt.

Rất ít người có được tình thương không bám víu, tình thương có thể trở nên vô tận và không cần bị thu hẹp trong nhóm này hoặc người nọ. Vì tình thương có thể là vô biên, không chừa ai hết, và như thế không có liên hệ gì đến ba độc, tham, sân, si.

Sự thân thiện, từ bi có thể được phát triển dần dần nơi sự thực tập hàng ngày của một người; nhưng nếu muốn nó hữu hiệu, thì cần phải thể hiện nó trong sinh hoạt hàng ngày. Để làm cho cuộc sống dễ chịu hơn bằng cách, ban đầu hãy đổi những người trước đây mình ghét thành những người mình không để ý, và rồi khi sự thực tập được củng cố, chuyển đổi nó thành đối tượng để phát huy sự tử tế. Đây là phương thuốc mà đức Phật đã đề ra để chữa bệnh giận hờn và ghét bỏ. Cuối cùng, một người cần nên cảnh giác với hai kẻ thù: “một kẻ thù ”gần” là sự bám víu có tính cách nhục dục, và thường bị lầm lẫn gọi là “thương yêu”, trong khi kẻ thù ”xa ” là sự ghét bỏ.

Trong tiến trình phát triển lòng thân thiện, từ bi, một người cần phải đề phòng hai trạng thái này.

Từ bi (karuna) là để ý đến những đau khổ của mọi người trên thế giới. Nó khắc phục sự lãnh đạm thờ ơ đối với nỗi khổ của chúng sanh. Như thế, lòng từ bi cần được thể hiện trong cuộc sống bằng cách sẵn sàng giúp đỡ, và lo lắng cho những người đang khốn đốn.

Đây có được một lợi ích là làm giảm đi sự ích kỷ bằng cách thông cảm nỗi khổ của kẻ khác. Đây là phương thuốc trị bịnh độc ác, vì làm sao một người có thể làm thương tổn những kẻ khác khi thấy họ đang đau khổ?

Đây cũng có hai kẻ thù: “gần” là sự hối tiếc trong khi kẻ thù “xa” là ác độc. Cùng vui (mudita) là vui với mọi người khi người thành công, sung sướng. Điều này khắc phục thái độ khó chịu với kẻ khác, và sự ganh tỵ có thể xuất hiện khi nghe kẻ khác sung sướng.

Nơi đây trong cuộc sống một người cần phải bày tỏ niềm vui mỗi khi biết được rằng người khác được lợi ích về vật chất hay tinh thần. Ở đây, điều lợi ích là mở rộng lòng đối với kẻ khác, và dẹp bỏ tính giấu diếm.

Một người phát triển được sự vui vẻ, sẽ hấp dẫn vô số bạn hết lòng với mình, và với những người bạn này hay những người khác, người này luôn sống trong sự hài hoà. Đây là phương thuốc của đức Phật dành để trị sự ganh tỵ và tỵ hiềm, và có thể ngăn chận nó phát triển. Hai kẻ thù của sự vui vẻ là sự sung sướng cá nhân, nghĩ về những gì mình có được – đây là kẻ thù “gần”; trong khi kẻ thù “xa” là sự ghét bỏ, hoặc chán nản .

Sự bình thản (upekkha) cần được phát triển để đương đầu với những trạng thái mà một người phải chấp nhận là mình bó tay, không thể chuyển đổi được gì. Sự bình thản khắc phục được sự lo lắng và sự xao lãng không cần thiết về những việc có liên quan đến mình hoặc mình không thể sửa đổi nó.

Điều này được phản ảnh trong cuộc sống của một người bằng khả năng đối diện với những tình trạng khốn khó bằng sự trầm tỉnh với một tinh thần không dao động. Lợi ích nhận thấy nơi sự phát triển là làm thế nào cho cuộc sống của một người thêm đơn giản bằng cách rời xa những hoạt động vô bổ. Đây là thuốc của đức Phật dành để trị bệnh xao lãng, lo lắng, và nó là kẻ thù của chúng ta ; kẻ thù “gần” là sự thờ ơ, lãnh đạm, trong khi kẻ thù “xa” là tham lam, oán giận đưa đến những việc làm không thiện lành.

Ba sự hoàn hảo (parami) hoặc phẩm chất được nhiều Phật tử thực tập và mong được giác ngộ – tiến trình được trình bày ở đây, và những người này cũng tu tập thiền định.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.