Amy Gross thực hiện
Charlotte Joko Beck, năm 1998, bà 81 tuổi. Bà bắt đầu tu Thiền khi đã hơn 60, sau khi hoàn thành nhiệm vụ một mình nuôi bốn con trưởng thành. Bà trưởng thành trong một gia đình theo đạo Tin Lành ở New Jersey. Ở đại học Oberlin, bà theo học dương cầm, và sau đó biểu diễn chuyên nghiệp, chuyện mà theo bà “chẳng có gì đáng kể”. Tuy nhiên bà kiếm sống lại bằng các nghề dạy học, thư ký, và cuối cùng là quản lý phòng hóa học ở trường Ðại học San Diego. Năm 1977, bà hưu trí, về sống ở Trung Tâm Thiền Los Angeles. Vào năm 1983, bà thành lập Trung Tâm Thiền San Diego, hướng dẫn các thiền sinh. Phương pháp dạy của bà là luôn luôn cởi mở, đón nhận những điều mới mẻ. “Tôi sẽ tiếp nhận tất cả những gì tôi xét thấy là hữu ích. Vấn đề là cách nhìn để nhận ra những gì thật sự chuyển đổi cuộc sống của con người”.
Tại sao bà bắt đầu tu Thiền?
Tôi có một đời sống ít sóng gió. Chồng tôi bệnh tâm thần, chúng tôi ly dị, nhưng ông ấy rất tốt. Các con tôi đều ngoan. Tôi có một nghề nghiệp vững vàng. Nhưng tôi thường thức giấc với câu hỏi: “Sống chỉ có thế ư?”
Thế rồi tôi gặp được Roshi Maezumi. Một lần Roshi đến giảng ở nhà thờ Unitarian, tôi đi cùng với người bạn. Sau đó chúng tôi lập thành nhóm tu Thiền mà bắt đầu chỉ có hai người, tôi là người thứ ba.
Do đâu bà lập ra Trung Tâm Thiền?
Chúng tôi chung tiền lại mua hai ngôi nhà sát liền nhau. Tôi cần một nơi để ở, và họ cần một nơi để đến tọa Thiền. Chúng tôi chia nhau không gian ấy. Không hoàn toàn lý tưởng, nhưng cũng nhờ đó mà nơi này thành thú vị. Không có hoàn cảnh nào xảy ra hoàn toàn theo ý mình, nên chúng tôi phải tập sống với cái mình có, và coi đó là một cách tu tập. Ðôi khi những điều không như ý cũng có ích cho ta.
Việc tu tập ở Trung tâm này ra sao?
Thiền sinh rất đông, khó mà nhận hết được – chúng tôi phải giới hạn ở con số 50. Khóa tu dài nhất là năm, hay sáu ngày. Năm ngày là đủ. Ðủ để chuẩn bị hành trang cho họ khởi hành. Buổi sáng chúng tôi trở dậy lúc năm giờ, làm vệ sinh cá nhân khoảng một giờ. Sau đó, tất cả thời giờ còn lại dành cho việc tu tập cho đến mười giớ tối.
Các Thiền sinh thực tập như thế nào?
Căn bản là các Thiền sinh mới học làm quen với thân tâm mình. Tập thói quen đặt tên các vọng tưởng của họ. Không có nghĩa là họ phải phân tích, mổ xẻ tư tưởng mình. Cũng gần giống như Thiền Vipassana, nhưng thay vì nói: “Nghĩ, nghĩ”, tôi yêu cầu họ nói lại tư tưởng của mình. Nếu bạn thực tập như thế trong vòng ba, bốn năm, bạn sẽ biết rất rõ tâm bạn hoạt động ra sao.
Làm sao đặt tên tư tưởng?
Thí dụ: “Có nghĩ về Mary… Có nghĩ rằng tôi không thích cô ấy… Có nghĩ rằng tôi không thể chịu được cách cô ấy hoạnh hẹ mọi người”. Chúng ta có suy nghĩ như thế phải không? Với phương cách đó – quán sát tâm, dần dần sự suy nghĩ của ta sẽ trở nên khách quan hơn. Phần đông chúng ta thay vì dừng lại ở chỗ có nghĩ đến Mary, lại đi xa hơn. “Ôi, tôi không thể chịu nổi cô ta, cô ấy làm tôi điên lên được”. Và thế là họ bị lôi cuốn theo dòng tư tưởng đó. Ðiều ta cần làm là tập nhìn một ý tưởng theo đúng thực chất của nó – một tâm hành, rồi cảm nhận ảnh hưởng của nó trên thân: sự căng thẳng ở thân chẳng hạn. Khi bạn đang giận ai, bạn thấy căng thẳng, phải không? Vì thế hãy sống với trạng thái đó. Ngay giờ phút đó, hãy quên cái ý tưởng đi, hãy chỉ là cái giận, sự xung đột, hay căng thẳng. Khi làm như thế, có nghĩa là bạn không cố gắng chuyển đổi cơn giận của mình. Bạn hoàn toàn hòa nhập vào nó. Rồi thì tự nó sẽ chuyển đổi.
Sự chuyển đổi này rất khác với sự thay đổi – một khác biệt quan trọng. Tôn giáo thường có khuynh hướng thay đổi con người: Họ nói “Bạn không tốt; bạn phải thay đổi làm người tốt”. Nhưng ở đây, trong quá trình đặt tên và tự kinh nghiệm, bạn tập luyện để trở nên bớt cảm tính, bớt bị lôi cuốn bởi tất cả những gì đi qua đầu mình. Tánh hay nóng giận sẽ giảm, sẽ bớt sức mạnh, cho tới một lúc nào đó bạn sẽ nhận thấy sự chuyển đổi ở mình. Có thể bạn vẫn phản ứng một cách giận dữ trước một việc gì đó, nhưng giờ bạn có thể quán sát nó. Và người quan sát viên ngày càng sắc sảo.
Hành giả tiến đến cái Không như thế nào?
Tôi không nghĩ người ta có thể thấy tính Không, mà chỉ có thể hòa nhập vào đó, một cách tự tại. Tính Không đơn giản chỉ là sự vắng mặt của các phản ứng. Trong liên hệ, không có tôi, có anh, và trong tâm chúng ta không có những sự so sánh nọ kia. Khi tất cả những thứ đó không còn, thì ta đạt được tính Không. Thật khó diễn tả những điều ấy bằng lời. Ðó là một vấn đề đối với nhiều người. Họ cố gắng để chứng nghiệm được tính Không. Nhưng tu tập không phải là để được cái gì cả. Tu tập chỉ có mục đích là để chuyển đổi được bản thân mình. Vì thế tôi thường nói với mọi người: “Bạn không thể đi tìm cái gì đó. Bạn phải để sự chuyển hóa tự thành hình”. Có nghĩa là phải tinh tấn, khổ nhọc huân tập mỗi ngày. Tôi không bao giờ để một ý tưởng giận hờn đi qua đầu mà không quán sát nó. Không phải là mổ xẻ nó, mà chỉ là dừng nó lại. Phải có khả năng dừng lại, nhìn lại để quán sát nó. Không phải để nói đó là tốt hay xấu, mà chỉ là thuần quan sát xem bằng cách nào nó đã đến với tâm bạn.
Bà nghĩ tại sao ngày nay nhiều người tìm đến với Thiền, với Phật giáo?
Vì người ta tin rằng Phật giáo hay Thiền có thể giải thoát họ khỏi những khổ đau, thất vọng. Khi đó họ nói: “Tôi sẽ thử hành thiền”. Nhưng trừ khi bạn hiểu rõ tại sao, thái dộ đó chỉ làm trở ngại thêm cho bạn. Bạn phải hiểu sự thực tập của mình không phải để dẹp bỏ đau khổ hay thất vọng mà là để có thể sống với chúng.
Ngày nay khi bà ngồi Thiền, tâm bà nghĩ gì?
Không có gì nhiều. Vọng tưởng đến rồi đi, chẳng ngại gì – nhiệm vụ của tâm là suy tưởng mà. Nhưng tôi cố gắng tỉnh thức càng nhiều càng tốt. Chỉ có thế. Tôi không lo lắng phải làm sao cho tốt hơn thế nữa. Tâm tôi khá yên tĩnh, nên tôi không bị nó phiền hà.
Có phải trước đây bà có tánh nóng nảy?
Vâng, tôi hay liệng đồ, chọi đá vào cửa sổ. Người tốt cũng có những cơn giận ghê gớm lắm. Không phải lúc nào tôi cũng thế, nhưng tôi rất dễ nóng giận.
Làm thế nào việc tu tập có thể thay đổi được bà?
Bạn phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, thay vì chạy trốn nó, hay biện hộ cho nó. Tất cả là do lòng sợ hãi mà ra. Bạn phải nhìn thẳng nó, tập làm quen với chính những điều làm bạn sợ. Thí dụ như gọi điện thoại để xin lỗi một người bạn. Không phải để chứng tỏ điều gì, chỉ là để tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ thể hiện qua những cảm giác nơi thân. Làm được những điều bạn không muốn làm rất hữu ích.
Cuộc đời đầy những bài học cho ta tu tập, nếu ta có đủ kiên trì. Thí dụ bạn thấy mình không có kiên nhẫn với người nào đó. Ngay lúc ấy, hãy tự hỏi: “Sự bực bội này là gì đây? Tại sao ta có thái độ này?” Nếu bạn hay bực mình, thì bất cứ điều gì cũng khiến bạn nóng giận. Còn nếu bạn không để mình bận tâm, thì bạn sẽ thấy mọi thứ trên đời đều dễ chịu.
(Lược dịch theo Life’s Not a Problem, Tricyle: Buddhist Review 1998)