Phật Pháp Cứu Đời Tôi

Có người hỏi những nhà bác học thông minh tài giỏi như vậy có bị luân hồi sinh tử không? Nếu chúng ta đưa vấn đề học vấn, tri thức ra mà nói thì đúng là những nhà bác học rất giỏi, trong khi chúng ta nói người nào có trí tuệ thì không còn bị luân hồi sinh tử. Vậy những nhà bác học thông minh tài trí như thế có bị luân hồi sinh tử không? Muốn trả lời chính xác câu này chúng ta phải hỏi ngược lại những nhà bác học còn tạo nghiệp hay không? Nếu còn thì dù nhà bác học có tài giỏi thông minh thế nào đi nữa cũng bị luân hồi sinh tử. Đây là chỗ mà chúng ta phải thấy cho rõ ràng. Một nhà bác học còn tham sân si hay không? Còn nói dối, nói ác khẩu, nói lưỡi đôi chiều, nói điều ô uế hay không? Còn sát sinh, trộm cắp, tà dâm hay không? Khi anh còn tạo nghiệp là còn luân hồi sinh tử. Cái giỏi của nhà bác học là Thế trí biện thông, không phải là trí tuệ vô lậu. Quý vị hãy lưu ý chỗ này. Còn trí tuệ thì phát sinh từ giới, từ định, từ ba nghiệp trong sạch.

Trong kinh Mi-tiên Vấn Đáp, ngài Na-tiên có phân tích hai chữ trí và tuệ khác nhau. Trí là thông minh thuộc về nhận thức, kiến thức, hiểu biết. Còn tuệ là sáng suốt thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã, thuộc về cái thấy không lầm lẫn. Người có trí còn si mê lầm lẫn, người có tuệ hết si mê lầm lẫn. Trí tuệ là do công phu tu tập giới định, còn trí thức là do học tập hai thứ khác nhau. Trí giống như ánh sáng mặt trời, tuệ giống như ánh sáng X quang. Ánh sáng mặt trời không thể xuyên qua vật ngăn được. Chẳng hạn chúng ta ngồi trong hội trường này, ánh sáng mặt trời không thể xuyên vào được. Còn X quang xuyên qua vật ngăn. Như chúng ta bị bệnh phổi vào bệnh viện, bác sĩ cho chụp X quang và thấy được phổi có bệnh hay không. Cho nên, chỉ có trí tuệ phát sinh từ giới định mới có thể giúp chúng ta ra khỏi luân hồi sinh tử. Còn trí thông minh thì không thể. Đôi khi thông minh mà tà trí sẽ gây hậu quả đau khổ nghiêm trọng cho mình và người.

Quý vị thử nghĩ những quả bom nguyên tử giết chết một lúc hàng triệu người là do ai sáng chế ra? Người ngu si có sáng chế được không? Chắc chắn là không rồi. Chỉ có người tài giỏi thông minh, những nhà bác học mới chế tạo được bom nguyên tử. Rồi những trận chiến tranh thế giới, gây đau thương chết chóc cho biết bao người, vậy những người phát động chiến tranh đó là ngu hay trí? Toàn là những người thông minh tài giỏi, còn người ngu không có khả năng đó. Cho nên, nếu thông minh mà tà trí chỉ đem đến tai họa cho chúng sinh và chắc chắn với nhân ác đó họ sẽ bị quả báo trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử mãi mãi. Hôm nay, chúng ta về đây tu pháp môn niệm Phật để làm gì? Để khai trí tuệ, để cầu vãng sinh thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.

Thứ nhất: Niệm Phật để khai trí tuệ. Khai bằng cách nào? Khi chúng ta niệm Phật, những tư tưởng xấu khởi lên liền bị danh hiệu Phật trấn áp, nghĩa là khi chúng ta niệm Phật thì niệm ác không thể khởi lên. Đó gọi là giới. Nhờ niệm Phật nên ý không nghĩ ác, ý không nghĩ ác thì miệng không nói lời ác, thân không làm việc ác. Đó gọi là giới. Lúc nào chúng ta cũng nhớ Phật niệm Phật, lâu ngày tâm sẽ yên lặng gọi là định. Khi niệm Phật, chúng ta luôn luôn sáng suốt gọi là huệ. Như vậy, khi nhất tâm niệm Phật, không có tà niệm xen vào là giới. Niệm niệm miên mật không rời câu Phật hiệu là định. Mỗi niệm mỗi niệm đều rõ ràng, đều tỉnh giác, sáng suốt là huêä. Chúng ta chuyên tâm, chí thành niệm Phật như vậy chắc chắn sẽ khai trí tuệ.

Thứ hai: Niệm Phật để cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Chúng ta tu học Phật pháp mục đích là để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử chúng ta phải tu tập chứng quả tối thiểu là A-la-hán. Nếu chưa chứng quả A-la-hán, chưa làm chủ được sinh tử thì khi chết chúng ta đi về đâu? Chắc chắn chỉ quanh quẩn trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người, trời mà thôi. Hiện tại, chúng ta tu pháp môn Tịnh độ để cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Mà thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà không còn nằm trong vòng luân hồi Lục đạo. Như vậy, nếu chúng ta tu tập được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà là ra khỏi luân hồi sinh tử. Về được thế giới Cực Lạc rồi chúng ta không còn thoái chuyển nữa, chỉ một mực tu tập thẳng đến Phật quả.

Do vậy, chỉ có người trí tuệ mới nhận được điều này, và mới quyết chí niệm Phật cầu vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Vì nếu không chứng quả A-la-hán ở đời này, nếu không vãng sinh thế giới Cực Lạc ở đời sau, chắc chắn phải luân hồi sinh tử trong sáu đường. Mỗi lần sinh, mỗi lần tử như vậy chịu biết bao đau khổ, tạo biết bao tội nghiệp. Hiện tại chúng ta biết tu, biết làm phước bố thí, gây tạo nghiệp tốt, kiếp sau được hưởng quả báo giàu sang. Trong số quý vị ở đây kiếp sau sẽ có người làm vua, làm hoàng hậu. Nhưng càng có địa vị, càng hưởng thụ dục lạc lại càng dễ gây tạo tội lỗi. Rốt cuộc kiếp này tạo phước kiếp sau hưởng. Kiếp sau vì mê hưởng thụ nên tạo nghiệp rồi kiếp thứ ba lại bị sa đọa. Cứ như thế chúng ta lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử. Cho nên, đức Phật gọi là ngu si. Hễ còn sinh tử là còn ngu si. Có người nói tôi cố gắng tu kiếp này để kiếp sau sinh làm người giàu có, xinh đẹp hoặc để được làm hoàng hậu. Nghĩ như vậy là ngu si. Vì sao? Vì còn sinh tử là còn ngu si. Cho nên, chư Tổ có nói:

Thân này chẳng tính đời nay độ
Còn đợi khi nào mới độ thân.

Hôm nay mình có duyên lành hiểu được Phật pháp, biết rõ thế gian là vô thường, tất cả pháp hữu vi là mộng huyễn, phải nỗ lực tu hành để giải thoát luân hồi sinh tử. Đó là người có trí tuệ. Nếu chúng ta tu để kiếp sau hưởng phước là còn ngu si. Vì còn sinh tử là còn ngu si. Chỉ trừ những vị Bồ-tát nguyện vào trong sinh tử để độ chúng sinh mới không còn ngu si. Các Ngài vào sinh tử là vì nguyện lực, còn chúng ta bị sinh tử là vì nghiệp lực, cho nên gọi là ngu si.

Tóm lại, hôm nay chúng tôi trình bày với quý vị đề tài Ngu Si Sinh Tử. Vì ngu si cho nên mới điên đảo vọng tưởng, nghĩ lộn ngược. Đời là vô thường lại cho là thường. Thân người là vô ngã lại cho là ngã. Nhân sinh là khổ mà cho là vui. Rồi từ chỗ chấp thường, chấp ngã đó mà gây tạo nghiệp. Từ chỗ tạo nghiệp phải bị quả báo luân hồi sinh tử. Hôm nay, chúng ta biết rõ các pháp hữu vi là mộng huyễn, là bọt bóng thì phải nỗ lực tu tập để giải thoát khỏi Lục đạo, chấm dứt sinh tử. Muốn dứt sinh tử phải dứt ngu si, phải có trí tuệ vô lậu. Muốn đạt được trí tuệ vô lậu này chúng ta phải tu tập giới định tuệ, Tam vô lậu học. Người tu pháp môn niệm Phật, nếu tín nguyện hạnh đầy đủ, chí thành chí kính niệm Phật cũng sẽ đạt được giới, định và tuệ. Khi có trí tuệ vô lậu ba nghiệp thanh tịnh, vãng sinh về thế giới Cực Lạc, không còn luân hồi sinh tử nữa. Đó là chúng ta chấm dứt ngu si, chấm dứt sinh tử.

Kính chúc quý Phật tử tinh tấn tu tập đạt được trí tuệ vô lậu, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.