Sử Dụng những Phương Pháp Phật Giáo để Hỗ Trợ Chúng Ta trong Đời Sống Hàng Ngày

Kiểm Soát Bản Thân Khi Người Khác Đang Giận Dữ

Hỏi: Khi người khác nổi giận với chúng ta, làm cách nào để kiểm soát bản thân mình?

Alex: Điều cơ bản là ta xem họ như một đứa trẻ. Khi đứa trẻ hai tuổi nổi giận với ta, lúc ta nói rằng, “Đến giờ đi ngủ rồi”, và nó nói rằng, “Con ghét mẹ. Mẹ thật là đáng ghét”, rồi làm om sòm cả lên, thì ta có nổi giận không? Vâng, một số người sẽ nổi giận; nhưng đó chỉ là một đứa trẻ hai tuổi, thì bạn mong đợi điều gì? Bạn sẽ cố gắng làm cho đứa trẻ mới biết đi ấy bình tĩnh lại. Hãy nhẹ nhàng như cách bạn đối xử với một đứa trẻ hai tuổi. Hãy thử nghĩ xem: Bạn sẽ đối phó ra sao với một đứa trẻ hai tuổi như vậy? Thường thì khi một đứa trẻ hai tuổi đang làm trận quá đáng, nếu bạn ẵm nó lên, ôm và âu yếm nó, thì nó sẽ dịu xuống, có phải không? La hét nó chỉ khiến nó khóc nhiều hơn thôi. Vậy thì người lớn cũng tương tự như thế – họ là những đứa trẻ lớn xác.

Tôi nghĩ chúng ta có thể dừng ở đây. Cảm ơn các bạn rất nhiều.

Alexander Berzin
Mạc-tư-khoa, Nga, tháng Chín, 2010
Ngawang Yangchen Lhamo dịch, Lozang Ngodrub hiệu đính


Tóm Tắt Tiểu Sử của Alexander Berzin

 alex_9_01

Alexander Berzin sinh năm 1944 tại Paterson, New Jersey, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng Cử nhân năm 1965 của Khoa Nghiên Cứu Đông phương học, tại Đại Học Rutgers, liên kết với Đại Học Princeton. Ông nhận bằng Thạc sĩ năm 1967 và bằng Tiến sĩ năm 1972 của Khoa Ngôn Ngữ học Viễn Đông (Hoa ngữ) và Nghiên cứu Ấn ngữ cùng Phạn ngữ, tại Đại học Harvard. Từ năm 1969 đến 1998, ông sống lâu nhất ở Dharamsala, Ấn Độ, thoạt đầu như một học giả của chương trình Học Bổng Fulbright, nghiên cứu và tu tập với các đạo sư từ cả bốn truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. Vị thầy chính của ông là Tsenzhab Serkong Rinpoche, Đạo Sư Đối Tác Tranh Luận và Trợ Giáo của Đức Dalai Lama. Ông phụng sự ngài như một thông dịch viên và thư ký trong chín năm, tháp tùng với ngài trong vài chuyến du hành khắp thế giới. Đôi khi, ông cũng phụng sự Đức Dalai Lama như một thông dịch viên.

Là một thành viên sáng lập Văn Phòng Phiên Dịch của Thư Viện Văn Học Tây Tạng và Văn Khố, ông Berzin đã khai triển một thuật ngữ học mới cho việc phiên dịch Tạng ngữ ra Anh ngữ, đặc biệt cho những danh từ Tạng ngữ chuyên môn thường bị hiểu sai lạc. Ông đã cộng tác với những thông dịch viên của nhiều ngôn ngữ khác, giúp họ tu chỉnh và phát triển thuật ngữ học của họ theo cùng các nguyên tắc trên.

Từ năm 1983, ông Berzin đã du hành vòng quanh thế giới, giảng dạy các khía cạnh đa dạng về thực hành và triết lý của Phật giáo, cũng như lịch sử Tây Tạng – Mông Cổ và lý thuyết chiêm tinh – y học, tại các trung tâm Phật giáo và trường đại học ở hơn bảy mươi quốc gia. Những chuyến đi của ông chủ yếu nhắm vào các thế giới cựu cộng sản và cộng sản hiện thời, Mỹ châu La tinh, Phi châu, Trung Á, và Trung Đông. Bên cạnh nhiều tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản của ông, nhiều bải giảng của ông đã được xuất bản bằng các ngôn ngữ địa phương ở những vùng nói trên.

Ông Berzin đã hoạt động như một thành viên liên lạc không chính thức của một vài dự án quốc tế về văn hóa Tây Tạng – Mông Cổ, như chương trình cứu trợ y học Tây Tạng dành cho các nạn nhân ở Chernobyl với Bộ Y Tế Nga và một dự án ở Mông Cổ của Gere Foundation, chuyên sản xuất sách Phật giáo bằng ngôn ngữ thông tục để giúp phục hồi nền văn hóa truyền thống của Mông Cổ. Ông cũng góp phần vào việc thiết lập và xúc tiến cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Hồi giáo.

Năm 1998, ông Berzin trở lại phương Tây để có điều kiện thuận lợi hơn cho việc viết lách. Đôi khi ông cũng đi xa và giảng dạy giáo pháp tại một số trung tâm Phật giáo, nhưng ông dành nhiều thời giờ nhất vào việc soạn thảo những tài liệu chưa xuất bản cho trang mạng Berzin Archives. Ông hiện đang sống ở thủ đô Bá Linh, nước Đức.

http://www.berzinarchives.com/web/vi/archives/approaching_buddhism/introduction/using_bst_methods_daily_life/transcript.html

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.