Đời xưa, có một ông vua tên là Mỹ Tuấn, còn trẻ, cai trị một nước phồn thịnh gọi là xứ My Lăng. Nhà vua xem dân như con, tính tình thật là dễ chịu. Vua có một cận thần rất trung thành tên là Bằng Tô. Bằng Tô có một bộ râu dài gần sát đất. Bằng Tô thường hầu cận bên vua không khi nào rời. Vua mến ông ta lắm.
Một hôm, sau buổi cơm trưa, vua Mỹ Tuấn nhận thấy Bằng Tô không vui, vì một lát hắn ta lại thở dài một cái. Nhà vua hỏi:
– Khanh có chuyện gì buồn thế?
– Tâu bệ hạ! Bệ hạ thật là tài tình! Bệ hạ biết được cả trong lòng hạ thần! Tâu bệ hạ, tuy lâu nay bệ hạ đối đãi với thần rất đại lượng, nhưng hôm nay hạ thần chẳng dám nhờ hồng ân nữa, cho nên hạ thần buồn. Số là hồi sáng có một chú Chệt vào trong thành, đem theo nhiều bảo vật mà hạ thần chả có đủ tiền để mua.
– Chỉ có thế thôi mà khanh cũng buồn! Nhà vua mỉm cười. Khanh bảo thằng Chệt ấy đến đây. Khanh muốn gì ta mua đấy và bao nhiêu tiền ta trả cho cả. Bằng Tô thích chí quá, cảm ơn rối rít. Một võ quan đi tìm khắp thành phố dẫn chú Chệt vào.
Nhà vua bảo:
– Có cái gì trong tráp thì mở cả ra xem. Vừa hỏi vua vừa để ý nhận xét chú Chệt: thân mình hắn cũng nhỏ bé, dễ thương, song đôi mắt rất tinh lanh; hắn ăn mặc rách rưới, tiều tụy.
Chú Chệt lạy xong, mở tráp ra. Nhà vua kêu lên:
– Trời ơi! đẹp quá!
– Thật vậy, trong tráp có rất nhiều đồ trang sức ngọc ngà, chạm trổ tuyệt đẹp, nhẫn ngọc kim cương lóng la lóng lánh.
Bằng Tô tâu vua:
– Tâu bệ hạ! Như thế có đẹp không?
Nhà vua gật đầu:
– Đẹp lắm!
Chú Chệt nghe vua khen, mỉm cười và rút trong đáy ra một cái hộp nhỏ màu đen, dâng lên đức vua:
– Tâu bệ hạ, hắn vừa nói vừa cúi đầu thấp xuống để cho nhà vua khỏi thấy hắn đang tái mặt – đây mới thật là của quý. Hạ thần mua được tận bên Mếch Di Cô kia ạ. Nó quí cho đến nỗi hạ thần dám chắc rằng tất cả các kho tàng trên thế giới họp lại mà cũng không đáng giá bằng. Hạ thần đã mua nó bằng một giá đắt lắm và theo lời người bán, hạ thần chưa hề mở ra lần nào. Hạ thần chắc rằng trong này có một bảo vật quý giá có một không hai trên trái đất.
Nhà vua và Bằng Tô nghe nói cúi đầu vào xem. Trong hộp mở ra, chỉ có một ít hột đen đen rất mịn, trên mặt có một mảnh giấy rất mỏng gất tư, trên mảnh giấy có những hàng chữ rất là kỳ quái.
– Lạ thật! Lạ thật! Nhà vua lẩm bẩm. Cái gì thế này? Chú Chệt run run:
– Hạ thần cũng không được rõ, chỉ biết là quý lắm mà thôi.
– Trẫm không biết đọc mấy chữ này, Bằng Tô, người có đọc được thì đọc cho trẫm nghe.
– Tâu bệ hạ, hạ thần cũng chịu, chả hiểu được chữ gì. Để hạ thần cho mời quan Thế Lâm vào, chắc ông ta đọc được.
Một lát, quan Thế Lâm vào. Nhà vua bảo:
– Này Thế Lâm, cầm lấy miếng giấy này, đọc đi. Đọc được, trẫm sẽ ban thưởng cho. Nếu đọc không được thì giữ hồn, trẫm cho hai chục hèo đấy.
Quan Thế Lâm run sợ, nhưng khi nhìn đến tờ giấy thì liền vui mừng:
– Tâu bệ hạ, đây là chữ La Tinh đấy! Hạ thần xin đọc để bệ hạ nghe:
“Ai gặp bảo vật này là người sung sướng nhất đời. Phải cám ơn Trời Phật ban phúc lành cho mới được.
“Chỉ cần một dúm hột nho nhỏ này thôi mà cũng đủ sung sướng bằng ngàn kẻ sung sương!
“Chỉ cần hít một chút xiú bột này vào trong mũi và đọc lên rằng: MUY TA BO” là có thể tự mình biến ra một loài vật theo như mình ước muốn và có thể nói, nghe được tiếng nói của loài vật ấy.
“Khi cần hiện lại nguyên hình mình, thì chỉ phải quay mặt về phương Tây nghiêng mình đọc ba lần: “MUY TA BO” thì tức khắc trở lại thân người.
“Nhưng hãy cẩn thận; nếu trong khi biến thành loài vật mà cười lên một tiếng thì sẽ quên mất ba chữ thần bí ấy và không bao giờ hiện trở lại nguyên hình được, cứ thế mà sống mãi suốt đời.”
Nhà vua nghe đọc xong, sung sướng quá:
– Này Thế Lâm, trẫm cấm ngươi không được cho ai biết một tí gì về việc này. Nếu ngươi nói lộ chuyện này ra, ta sẽ chém đầu ngươi. Đi tìm quan giữ kho vào đây cho ta. Bảo nó nhét cho ngươi hai bọc vàng đầy.
Và quay lại Bằng Tô, nhà vua mỉm cười.
– Ta phải thí nghiệm mới được khanh ạ.
Bằng Tô hấp tấp trả lời:
– Tâu bệ hạ, phải đấy. Chúng ta phải thí nghiệm ngay, Bệ hạ chỉ hóa thành loài vật một lát thôi, ai mà biết được!
– Ai mà hiểu được! Nhà vua nhún vai, Trẫm chả cần ngươi khuyên. Theo ta mau. Chúng ta ra vườn thượng uyển chơi. Ở đây chắc có một vài loài vật.
Một giờ sau, nhà vua và Bằng Tô đã đi vào vườn không có tên lính nào hầu cả. Đức vua nhìn quanh nhìn quất bảo Bằng Tô:
– Chả có thấy một con chim nào. Chúng ta phải đi đến chuồng ngựa hay sao?
Nhưng không. Nhà vua không cần ra chuồng ngựa. Bên kia, là hồ sen, sen nở đầy hồ ngát hương. Ba con cò trắng đang chăm chú tìm mồi. Một con thứ tư ưỡn ngực bước một cách mạnh dạn trên hai cẳng dài lêu khêu, đi tìm ếch nhái.
– Ấy đấy! Tâu bệ hạ! Xem cách đi của tụi cò ấy và cái nhìn của chúng, chắc câu chuyện của chúng nó hẳn là vui lắm! Nhà vua vui vẻ:
– Hay lắm! Này Bằng Tô! Hay lắm! Ngươi thật là một kẻ hầu cận trung thành vậy. Biến thành hai con cò! Trời ơi! Vui biết bao nhiêu! Nhưng hãy nhớ Bằng Tô nhé, nhớ học thuộc cái phương pháp hiện lại nguyên hình chứ, nếu mà quên thì khốn đấy nhé.
Cứ việc ngoảnh về phía Tây nghiêng mình đọc ba lần “MUY TA BO” là hiện nguyên hình được, tâu bệ hạ.
– Ngươi nói đúng lắm! Có khó gì mà không nhớ được! Đồ trẻ con đấy mà! Nhà vua Mỹ Tuấn rút trong túi ra cái hộp đầy bột, lấy một chút đưa cho Bằng Tô và lấy một chút cho mình, khi hít bột vào mũi, hai người đọc lên ba chữ mầu nhiệm.
Bỗng chốc, một sự thay đổi mau chóng và bất ngờ: Hai chân dài và hai cánh rộng. Có lông hẳn hòi đấy nhé – thay cho hai chân hai tay và mặt của hai ngườI cứ dài dần ra cho đến khi trở thành hai cái mỏ thật dài. Nhà vua và Bằng Tô đã hoàn toàn biến thành cò trắng!
Đức vua vui sướng khôn xiết.
– Này Bằng Tô, ngươi nhìn xem ta có đẹp không? Chà! Cái mỏ của ngươi dài quá, dài như bộ râu của ngươi hồi trước vậy.
Bằng Tô nghiêng mình, lấy mỏ rỉa lông.
– Thật bệ hạ có phước tướng! Làm vua cũng thế mà làm cò cũng vậy, bao giờ dáng dấp của bệ hạ cũng uy nghiêm vô cùng. Hạ thần chắc rằng bây giờ mấy con cò kia chả thèm sợ chúng ta nữa, vì chúng ta đã là đồng loại của chúng rồi kia mà! Đức vua nóng nảy:
– Mau, chúng ta hãy đến gần chúng, vì trẫm đang khao khát không biết rằng có thể nghe được tiếng nói của loài cò chăng.
Đức vua Cò và đại thần Cò chỉ cần bước vài bước trên cặp chân cao lêu khêu là tới gần được hồ sen. Lạ chưa! Tiếng nhắp nơi mỏ của lũ cò bỗng trở thành một tiếng nói mà hai vua tôi đều nghe rõ được, nhờ có lỗ tai cò.
Một con cò bảo:
– Nầy! Chị Dài cẳng ạ! nước hồ hôm nay mới trong làm sao! Tụi cóc nhái cũng nhiều lạ! Nầy! Chị hãy nếm một chút này, ngon lắm.
Chị Dài Cẳng là một chị còn trẻ măng, lông trắng như tuyết, nàng ta quẹt mỏ hai bên cánh và đáp:
– Em chả cần ăn uống gì cả chị ạ. Em chỉ đến đây để tắm mát mà thôi. Má em bảo ngày mai có giỗ tổ, em phải sửa soạn sạch sẽ để mai khiêu vũ mừng quan khách đến chơi, chị ạ! Này chị! Em biết một điệu múa hay lắm, gọi là Vũ khúc hoa sen. Này nhé! Em múa thử chị xem.
Nàng ta nhõng nhẽo nhảy múa. Lúc thì hụp xuống, lúc thì trồi lên, hai cánh vỗ có nhịp và uốn eó cái cổ dài một cách dễ cười, đến nỗi cả hai thầy trò nhà vua nhịn cười không được, phá lên cười như vỡ.
Tiếng cười bất ngờ quá làm cho các chị cò ta hoảng hốt, thốt nhiên vỗ cánh bay mất.
– A! A! A! Nhà vua nhảy cỡn lên vì sung sướng. Này Bằng Tô! Trẫm chưa hề thấy gì vui hơn thế! Tiếc quá, nếu chúng ta đừng cười lớn thì có lẽ bây giờ lại được nghe chúng nói chuyện thêm, vui biết bao nhiêu! Nhưng chàng cò Bằng Tô bỗng hốt hoảng:
– Chết! Chết rồi! Tâu bệ hạ: Ngài có nhớ ba chữ nhiệm mầu ấy không? Ba chữ mà hễ khi nào muốn hiện lại nguyên hình phải đọc ba lần ấy mà! Hạ thần ngẫm nghĩ mãi mà chẳng nhớ ra. Chết mất! Theo trong lời dặn thì trong khi biến hình, chả được cười lên một tiếng, nếu không sẽ quên mất ba chữ ấy! Tâu bệ hạ! Mà hạ thần đã… quên mất!
Đức vua run rẩy:
– Chết rồi! Trẫm cũng đã quên mất ba chữ ấy! Này, khanh hãy nhớ lại xem. Muốn… muốn hiện lại nguyên hình thì phải xoay về… về hướng Tây nghiêng mình và đọc…
– Và đọc… đọc ba lần chứ… muy… ma… mơ, chữ mi … mô… mơ… Bằng Tô tìm kiếm một cách thất vọng.
– Muy.. ma… mô… mi… mô.
– Mơ… mi… mô… chết thật rồi bệ hạ! Hai người cố lục lọi hơn một giờ đồng hồ trong trí óc ba chữ cứu tinh kia, nhưng không tài nào nhớ được.
Cứ giờ nầy đến giờ khác, hai chú cò cứ ngoảnh mặt về phía mặt trời lặn, ngừng cổ tìm tòi một cách thất vọng, cho đến khi kiệt sức, hai chàng mỏi quá, nằm phịch xuống đất.
– Chúng ta chết mất!
Bằng Tô lắc đầu, rên rỉ và khóc.
Nhà vua bỗng trở nên mạnh dạn và làm chủ được mình:
– Im đi, Bằng Tô! Than van, khóc lóc là yếu hèn! Hãy chịu đựng sự hình phạt một cách can đảm. Chúng ta bị khổ thế này chắn hẳn chúng ta đã gây nhân xấu từ lâu. Than khóc vô ích. Bây giờ chỉ có nước an vui với số phận. Ta là cò thế cũng còn sung sướng chán. Cò, với hai cánh rộng, ta có thể bay tự do trên trời xanh, trong khi bay, ta cũng có cảm tưởng như ta trị vì vậy!
Chúng ta hãy đi tìm chỗ nghỉ, vì trời đã sắp tối. Ngày mai, chúng ta bay liệng trên thành phố để xem tình trạng của dân chúng ra sao khi họ nghe tin ta mất tích.
Bằng Tô bước từng bước một, lặng lẽ theo sau đức Vua cò, thở dài não ruột. Đêm xuống lặng lẽ và buồn bã, buồn lặng với hai con cò.
Ngày mai, hai thầy trò bay liệng trên thành phố My Lăng và kêu lên những tiếng ai oán đau thương. Người qua đường nghe kêu, chỉ nhau và bảo:
– Đấy, điềm dữ đấy, điềm không lành cho xứ sở đấy.
Chiều đến, Vua cò và Bằng Tô biết được rằng tin vua mất tích đã tràn xa khắp nước.
Đã nhiều phen, hai vua tôi bay đến đậu trên nóc hoàng cung, cố ý làm cho các quan và dân chúng biết rằng “đây ta là vua các người”. Song, ai mà có thể tin được lời chim? Chỉ có một cách duy nhất: làm thế nào nhớ ba chữ thần diệu để hiện lại nguyên hình.
Hai vua tôi nhà cò đói quá, mới tìm trái cây để ăn và vụi mỏ xuống hồ nước để uống. Tối về ngủ trên cành cây. Họ chả dám ăn thằn lằn, ăn ếch nhái, ăn sao được! – như lũ cò khác, lũ này ăn ếch nhái một cách ngon lành.
Hơn một tuần lễ, hai con cò sống một cách sầm thảm như thế, thì một hôm, quang cảnh thành My Lăng bỗng nhộn nhịp khác thường. Đường sá đều được cắm cờ, các nghinh môn được dựng lên khắp nơi… Một đám rước vĩ đại diễn qua trong thành phố: quân lính gươm giáo đi hàng tư và trống kèn inh ỏi.
Giữa đám rước, một người trai trẻ ngồi trên lưng ngựa, chung quanh các võ quan hộ giá uy nghiêm nhiệt liệt.
Nhà vua Mỹ Tuấn uất người thét lên:
– Đấy là con của kẻ thù ta! Đấy chính là thằng Cách Nô đấy, con của thằng Mai Gia trước đây đem binh qua xâm lăng nước ta, bị ta đánh cho bại trận.
Chính nó đã thề sẽ trả thù ta. Nó đã lập mưu đánh lừa ta để qua chiếm đoạt ngôi ta! Quân tiểu nhân!
Nhà vua nức lên, uất ức.
Bằng Tô gật gù:
– Chính nó! Thằng Chệt, chính là một đứa của tụi nó trá hình đến lừa ta! Quân gớm thật.
Nhà vua buồn bã:
– Thôi ta đi! Hỡi Bằng Tô! Xứ My Lăng không còn là xứ của ta nữa, tụi nó đã chiếm mất rồi! Ta đi! Ta đi đến xứ Mếch Di Cô. Ta đi đến đó, họa may được đỡ khổ đôi phần. Có lẽ ta gặp được các ông phù thủy giải ách được cho ta.
Thế là hai thầy trò từ giã thành My Lăng, vỗ cánh bay về Mếch Di Cô. Họ bay chưa quen nên mới vài đồng hồ mà hai cánh đã mỏi rã rời.
– Bệ hạ cho hạ thần nghĩ cánh chút đã. Bệ hạ bay mau quá! Chiều cũng đã xuống. Vậy thì vua tôi ta hãy nghỉ lại đây đêm nay. Ta đi tìm một chỗ trú ẩn.
– Phải. Trên đồi kia có một cái tháp cổ đã tiêu tàn. Ta lên đậu trên đó ngủ cho qua đêm.
Hai vua tôi, bay lên tháp. Trong tháp, có một gian phòng ẩm thấp, tối tăm. Bỗng nhiên, Bằng Tô cản nhà vua lại:
– Bệ hạ có nghe gì chăng? Bằng Tô nói nhỏ: Hình như có tiếng ai khóc nức nở.
Nhà vua chổng tai lên nghe:
– Có tiếng ai khóc! Lạ thật! Ta vào xem.
– Bệ hạ đừng liều lĩnh, tâu bệ hạ! Chỗ này chắc không yên, ta đi tìm chỗ khác trú ẩn vậy.
Nhưng nhà vua không nghe, tiến tới. Bằng Tô vội vã lấy mõ kéo cánh nhà vua lại, nhưng nhà vua đã đi tới, vài cái lông dính nơi miệng Bằng Tô.
– Ái chà đau! Ngươi đừng nhổ lông ta chứ!
Bên trong tối mịt. Tiếng khóc than càng rõ rệt giống như tiếng người! Nhìn cho kỹ, vua chỉ thấy một con cú thật lớn ở bên trong mà thôi. Bạo dạn vua hỏi:
– Ai khóc ở trong ấy?
Con cú bỗng nhiên giật mình đánh thót một cái và khi trông thấy hai con cò, thì kêu lên:
– Hai con cò! Hai con cò! Trời ơi! Tôi được cứu thoát!
Vua cò ngạc nhiên vô cùng, bởi vì con cú nói giọng người, mà lại nói một cách rõ ràng.
Mỹ Tuấn hỏi:
– Sao? Tại sao nhà ngươi khóc, mà nhà ngươi lại nói được tiếng người, hỡi con cú? Ta tin rằng ngươi cũng đồng một số phận với chúng ta,. Có phải ngươi đã dại dột đến nỗi thành hình cú chăng, nói mau cho ta rõ.
Con cú chùi nước mắt bằng hai cách màu sậm, úi đầu chào và trả lời:
– Em chả biết ông là ai, ông cò ạ, song nghe giọng nói của ông, em biết ông là một trong những kẻ đau khổ. Và người ta đã nói với em rằng một ngày kia nếu có hạnh phúc trở thành người lại thì hạnh phúc ấy cũng do nơi một ông cò đem đến. Bởi thế thấy hai ông, em thốt nhiên được vui mừng ngay.
– Trời hỡi, ta chả giúp gì được cho ngươi đâu! Và khi ngươi nghe ta kể chuyện chúng ta, ngươi sẽ thấy rằng nỗi đau của chúng ta là một nỗi đau khổ vô biên, đến nổi chúng ta không còn gì tặng cho ngươi hơn là một lòng thương hại.
Nhà vua bèn kể chuyện mình và Bằng Tô cho cú nghe.
Nghe xong con cú thở dài.
– Em thấy giữa số phận chúng ta có cái tương quan giống nhau. Nếu như bệ hạ là vua, thì em đây là công chúa Phương Châu, con gái độc nhất của vua Ấn Độ. Thằng Cách Nô mà nó ám hại bệ hạ ấy, vốn nó đã đến hỏi em làm vợ. Nhưng phụ hoàng em cho nó là đồ tồi tệ, bèn đuổi nó ra khỏi cửa. Bị nhục, nó tìm cách giả trang để vào làm tôi tớ trong cung và tìm cách đưa cái hộp ma quỷ ấy để lừa em. Thế là em bị mắc lừa, biến thành con cú và trong khi thị nữ đi tìm em khắp chốn, nó xách cổ em lên cái tháp này, tống em vào đây rồi bảo:
“Mi phải ở đây cho đến khi một kẻ nào đến đây và bằng lòng hỏi mi làm vợ. Chỉ có cách đó là mi có thể hiện lại nguyên hình. Nhưng tao thì tao giấu chả cho ai biết có mi ở đây. Mi cứ ở đây cho đến trọn đời, già đi và chết đi như những con cú khác. Thế cho bỏ ghét thằng cha mi”.
Nói xong, hắn bỏ đi. Em ở đây chẳng đi đâu được, vì bị cột lỏng chân. Đã hơn ba tháng nay, em phải âm thầm sống ở đây, không có nhìn thấy trời đất. Ăn thì ăn dơi chuột, rêu đá. Và bệ hạ ơi, số kiếp của em còn khổ sở hơn số kiếp của bệ hạ nhiều. Bệ hạ còn có bạn, còn bay đi khắp chốn được, chứ em thì phải trọn đời ở nơi đây.
– Lạ thật, nhà vua lẩm bẩm. Số phận của chúng ta đồng nhau. Hẳn có liên quan gì đây.
– Chắc thế, tâu bệ hạ. Em bị quả báo thế này, bởi vì trước kia em có hỗn với mẫu hoàng em một lần. Em chắc thế. Còn bệ hạ có lỗi gì đâu? Thế bây giờ bệ hạ đi đâu?
– Chúng tôi đi Mếch Di Cô để cầu cứu.
Cón cú lắc đầu, rồi bỗng nhiên hai mắt sáng rỡ phi thường:
– Em tưởng rằng bệ hạ và quan lớn chả phải đến Mếch Di Cô làm gì nữa. Em đã có cách để cứu được bệ hạ và quan lớn và luôn dịp cứu được cả em nữa.
Nhà vua hấp tấp:
– Làm thế nào? Làm thế nào?
Bằng Tô cũng hấp tấp:
– Làm thế nào? Làm thế nào?
Mỗi tháng bọn bộ hạ của Cách Nô đều nhóm họp gần ở đây, ở lâu đài bên kia đồi. Chúng nó tiệc tùng và kể chuyện vui chơi mà chúng đã làm trong một tháng. Có lẽ trong khi kể, chúng sẽ nhắc đến ba chữ thần bí kia mà bệ hạ đã quên. Mà nếu em còn nhớ, thì tối nay là tối chúng nhóm họp.
Vua Mỹ Tuấn vui mừng nhảy lên:
– Công chúa! Công chúa! Hay biết bao nhiêu! Nàng là kẻ cứu mạng chúng ta! Mau mau, nàng hãy chỉ cho ta đường lối sang lâu đài. Bằng Tô, hãy mổ đứt sợi dây cột chân nàng cho ta. Công chúa, nàng hãy vui lòng chỉ đường cho ta với.
Hai chàng cò khẩn khoản. Nhưng công chúa nghiêm nét mặt:
– Em cứu hai chàng, nhưng em phải ra một điều kiện. Nếu hai chàng tuân theo thì em mới đi.
Vua hấp tấp:
– Điều kiện gì ta cũng chịu cả. Nàng cần gì?
– Em muốn rằng bệ hạ sẽ giúp em trở lại nguyên hình. Em thưa rằng chỉ khi nào có kẻ muốn nhận em làm vợ, em mới thoát khỏi cái lớp áo cú xấu xa này. Vậy thì, tâu bệ hạ, nếu bệ hạ hoặc là quan lớn hứa làm chồng em.
Nhà vua kéo Bằng Tô ra xa nói nhỏ:
– Nầy Bằng Tô, bây giờ chính là lúc ngươi tỏ lòng trung thành với ta. Ngươi sẽ cưới công chúa làm vợ.
Bằng Tô dẫy nẫy và run lập cập:
– Tâu bệ hạ! Bệ hạ muốn cho khi thần về vợ hạ thần sẽ móc cặp mắt của hạ thần đi hay sao. Nó dữ lắm. Nếu nó thấy hạ thần đem công chúa về thì chết với nó. Bệ hạ nên nhớ rằng thần đã có vợ con. Hơn nữa thần đã già. Bệ hạ còn trẻ, chưa có vợ và đáng cưới công chúa hơn hạ thần. Công chúa thì trẻ đẹp… mà hạ thần thì già nua, râu dài chấm đất…
– Ai bảo ngươi công chúa còn trẻ và đẹp đấy! Chưa chắc! Nhà vua buồn rầu vuốt lông cánh, nghĩ ngợi mơ màng. Chả có gì chắc rằng nàng trẻ và đẹp! chắc phen này thì mua mèo trong bị đấy!
– Tâu bệ hạ, Bằng Tô đáp một cách lễ độ nhưng cương quyết, hạ thần chỉ có thể nói rằng: thà rằng chịu kiếp cò suốt đời còn hơn là rước vợ lẽ về để vợ hạ thần nó hành hạ thần khổ lắm, nếu bệ hạ biết được tính nết của con vợ hạ thần…
Hai thầy trò còn cãi vã một hồi nữa và cuối cùng nhà vua phải đành lòng nhận chị cú làm vợ.
Nghe nói nhà vua thuận nhận, công chúa Phương Châu rất vui mừng:
– Chúng ta sẽ được hiện nguyên hình không lâu. Chính hôm nay Cách Nô đãi tiệc. Giờ này chắc chúng đã bắt đầu nhập tiệc. Chúng ta hãy đi mau mau.
Nói xong nàng cú đi trước, bay nặng nề nhưng nhanh chóng. Hai chàng cò hấp tấp theo sau. Đến lâu đài, công chúa lấy mỏ trỏ một cánh cửa con để hai chàng cò có thể bay lên đậu và nhìn vào tận bên trong phòng tiệc.
Mỹ Tuấn và Bằng Tô nhẹ nhàng bay đậu lên cửa, chống tai chống mắt mà nhìn mà nghe.
Trong gian phòng, một quanh cảnh tươi đẹp. Đèn nến sáng trưng, bàn ăn khói lên nghi ngút. Chung quanh bàn, bọn chúng nó đến hơn sáu chục đứa. Trong bọn, nhà vua cò thấy có cả tên Chệt hôm xưa.
Tên Chệt này đang kể chuyện Bằng Tô và Mỹ Tuấn.
– Chúng ta đến thật là vừa lúc, vua Mỹ Tuấn vừa nghĩ vừa rùng mình. Nếu chậm một chút thì còn gì là đời! Lạy Phật! Xin nhớ ơn Ngài! Và hai thầy trò lắng hết cả bốn tai.
Tiếng cười trong phòng dội ra khi nghe tiếng kể chuyện của thằng Chệt bắt đầu lên giọng khôi hài. Một đứa trong bọn hỏi:
– Hay quá! Hay quá! Thế anh làm thế nào vào cung được và mấy chữ ấy là chữ gì mà thần bí đến thế?
(Ngoài này nhà vua và Bằng Tô lắng yên không dám động một máy lông).
– Chữ gì ư? Một chữ la tinh khó nhớ lắm mà tụi chúng một khi quên đi thì không thể nhớ lại được. Ấy là chữ “MUY TA BO” ấy mà!
Nghe đến đây, hai chàng cò chả thèm nghe nữa, vội vã đáp xuống thật mau, đến nỗi con cú phải bay gấp lắm mới theo kịp.
– Công chúa ạ, nhà vua mừng rỡ nói, may mắn quá. Vậy trước khi hiện lại nguyên hình, ta xin nhắc lại lời hứa: ta sẽ nhận công chúa làm vợ để trả cái ơn muôn kiếp không quên này!
Nói xong nhà vua quay mặt về hướng Tây, nghiêng mình đọc ba lần “MUY TA MO”.
Bằng Tô cũng bắt chước vua. Phút chốc hai người hiện lại nguyên hình. Mỹ Tuấn, một nhà vua đẹp trai và Bằng Tô một cận thần râu dài chí đất. Hai người nhìn nhau mừng rỡ và cảm động quá, thầy trò ôm chầm lấy nhau khóc.
Khóc xong, nhà vua chợt nhớ đến chị cú. Nhưng, sung sướng biết bao! Khi quay lại nhìn, nhà vua chả thấy cú đâu mà chỉ thấy một nàng công chúa đẹp như tiên, một nàng công chúa đẹp nhất trên đời mà người ta không có thể tưởng tượng.
Nàng mặc xiêm y lộng lẫy và nụ cười trên môi nàng đối với nhà vua còn tươi hơn cả những đồ trang sức đẹp nhất của nàng.
Công chúa Phương Châu quỳ xuống:
– Tâu bệ hạ! Bệ hạ có còn sợ mua mèo trong bị nữa chăng?
Nhà vua xấu hổ vì hồi nãy đã nói hơi to để cho công chúa nghe được. Nhưng chàng sung sướng, đỡ công chúa dậy và hôn tay nàng:
– Nếu sau nầy nhắc đến một cảnh ngộ vui mừng nhất của đời trẫm, trẫm sẽ nói rằng đó là cảnh ngộ mà trẫm bị biến thành kiếp cò trắng!
Không còn chậm trễ, vua và công chúa Phương Châu cùng Bằng Tô lên đường. Bán bớt một cái áo choàng, nhà vua mua ba con ngựa, sắm một đoàn tuỳ tùng cho đáng vẻ vương giả và cả ba lên ngựa về thành My Lăng.
Nhà vua được đón tiếp với tất cả những bồng bột nồng nhiệt của dân chúng. Cách Nô tiếm vị đã tuyên truyền nhà vua chết, nay thấy nhà vua về, toàn dân đều vui mừng thiếu một đường điên dại lên.
Cách Nô bị bắt, kẻ tiếm vị bị xử án: một là tự tử, hai là phải chịu kiếp cò. Thế là Cách Nô phải hít một chút bột ma quỷ vào mũi và quay sang phía Tây: “MUY TA BO!”.
Hắn biến thành cò, sống trọn đời trong vườn thượng uyển giữ kiếp cò trắng. Nghiệp quả của hắn đã gây, bây giờ hắn ráng chịu không ai phàn nàn.
Nhà vua lại lên ngôi, nhân dân lại được thái bình. Quần chúng mở tiệc ăn mừng luôn trong bảy ngày. Vua truyền lệnh tha cho các tội nhân và làm lễ thành hôn với công chúa Phương Châu.
Một hôm nhà vua nhớ lại chuyện cũ, cười bảo Bằng Tô:
– Khanh có nhớ không, nhớ đến kiếp cò của chúng ta không? Trẫm không nhịn được cười khi thấy khanh nghiểnh cổ về phía tây lắp bắp: “Muy ma… no… mô…”. Trông dáng điệu của khanh lúc bấy giờ thật là thiểu não lắm! Bằng Tô cười nhẹ, ghé tai nhà vua nói nhỏ:
– Bệ hạ đừng nhạo hạ thần quá, nếu không, hạ thần sẽ nói toạc câu chuyện tranh luận giữa hạ thần và bệ hạ ở trên tòa tháp hôm nọ… Hoàng hậu mà biết bệ hạ ấy Hoàng hậu về phía hạ thần vừa xấu, vừa già, vừa dài râu, thì Hoàng hậu sẽ buồn bệ hạ lắm đấy.
Nhà vua vội vã:
– Ấy, ấy đừng nói nhé, khanh nhé. Ta nói chuyện khác chơi vậy…
Thích Minh Chiếu – Tuyển Tập Truyện Cổ Phật Giáo