Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh Báo Ân Phẩm

3- QUỐC VƯƠNG ÂN:

Quốc vương là người có phúc đức thắng phần hơn giữa một dân tộc, người tuy sanh ở nhân gian mà được đặc biệt tự tại, vì các vị thiên tử trên cõi trời 33 (Đao Lợi thiên) hằng giúp sức thường hộ trì cho; với trong quốc giới, nào sơn hà, nào đại địa, cùng tận đến mé biển đều thuộc về quyền sở hữu của quốc vương, nên chi một người mà phúc đức thắng hơn phước tất cả chúng nhân. Là bực đại Thánh vương lấy chánh pháp trị hóa, nên hay khiến chúng dân thảy đều an lạc!

Thí như tất cả nhà đền của thế gian, cây cột làm căn bản; nhân dân được giàu vui là nhân nhà vua làm căn bản vì y chỉ nơi vua mà có.

Cũng như vị Phạm vương năng giúp cho sanh hóa vạn vật, vị thánh vương năng giúp sanh ra pháp trị quốc, vì làm lợi cho chúng dân.

Như vị Nhật thiên tử năng chiếu lâm xuống thế gian, vị thánh vương cũng năng quan sát cả thiên hạ, vì tìm cách làm cho nhân dân được an vui.

Quốc vương mà mất chính trị thì, nhân dân không chỗ y chỉ; nếu lấy chính pháp trị hóa thì tám điều đại khủng bố không vào trong cõi nước, là: 1- Không cái nạn ngoại xâm. 2- Không nạn nội loạn. 3- Không ác quỷ làm tật bệnh. 4- Trong cõi nước không cái tai đói khát. 5- Không cái tai mưa gió phi thời. 6- Không tai phong vũ quá thời. 7- Không có nhựt nguyệt ăn xâm. 8- Không tinh tú biến quái.

Vị Nhân vương lấy chánh pháp trị hóa, lợi ích cho nhân dân, nên tám điều thiên tai nhân họa như thế không xâm hại.

Thí như nhà trưởng giả chỉ có một đứa con, yêu cưng không chi sánh bằng, thương tưởng làm giúp ích, thường cho an vui ngày đêm chẳng rời; vị đại thánh vương trong nước cũng lại như thế, bình đẳng coi quần sanh đồng như con một, với lòng ủng hộ ngày đêm không rời.

Vị nhân vương như thế khiến nhân dân đồng tu thập thiện, gọi là phúc đức vương; nếu chẳng khiến dân đồng tu gọi là phi phúc chủ.

Sở dĩ là sao? Nếu trong nước vua, mỗi người tu thiện, chỗ ra làm phúc đều là bảy phần: người tạo thiện hưởng được năm phần, vị quốc vương kia thường đặng hai phần; vì với thập thiện, nhân vua khiến tu nên đồng được phúc lợi; còn tạo thập ác nghiệp cũng lại như thế,vì vua dân đồng sự nhau.

Cả trong cõi nước những vật sở hữu như ruộng đất, vườn rừng… đều phân làm bảy phần cũng lại như thế.

Nếu có nhân vương thành tựu kiến thức chân chánh, đúng chánh pháp trị đời hóa dân thì, gọi là thiên chủ, vì lấy pháp lành của trời hành hóa thế gian.

Được các vị thiên vương, các vị thiện thần và bốn vị Hộ thế thiên vương thường giáng gia hộ nơi cung vua; nhà vua dù ở nhân gian mà thường tu thiện nghiệp của trời, vì cái tâm thưởng phạt không chênh lệch, vì pháp của hết thảy thánh hiền đều như thế cả.

Vị thánh chủ như thế gọi là Chánh pháp vương, do nhân duyên ấy mà thành tựu được 10 đức: 1- Rằng năng chiếu, vì dùng mắt trí huệ soi xét thế gian. 2- Rằng trang nghiêm, vì lấy phước trí lớn làm trang nghiêm quốc gia. 3- Rằng dữ lạc, vì lấy điều đại an lạc ban cho nhân dân. 4- Phục oán, vì tất cả phe oán địch tự nhiên phục tòng. 5- Ly bố, vì hay đẩy lui tám nạn lìa sự khủng bố. 6- Trú hiền, vì năng chiêu tập các đấng hiền tài để bình quốc chính. 7- Pháp bổn, vì nhân dân được an trụ là y chỉ quốc vương. 8- Trì thế, vì lấy chánh pháp của thiên vương để duy trì thế vận. 9- Nghiệp chủ, vì các nghiệp thiện ác đều hệ thuộc quốc vương. 10- Nhân chủ, vì tất cả nhân dân mà nhà vua làm chủ, cả các vị quốc vương, đều do sự tu phúc từ đời trước, nên nay mới được thành tựu 10 món thắng đức như thế.
Trời Đại phạm thiên vương và trời Đao Lợi, thường âm phúc mặc tưởng cho nhân vương hưởng phúc vui thắng diệu; các vị La-sát vương và tất cả chư thần, dù chẳng hiện thân, cũng đến bằng cách ẩn hình để vệ hộ vua cùng quyến thuộc.

Nhà vua thấy nhân dân gây các điều bất thiện mà không ngăn dứt, các thiên vương thiện thần thảy đều xa lìa, trái lại, nếu thấy vua, dân tu thiện, chư thiên thiện thần hoan hỷ tán thán đều xướng rằng: “Vị thánh vương của chúng ta”. Long vương thiện thần rưới mưa cam lộ, năm thóc được mùa, nhân dân giàu vui.
Nếu chẳng thân cận các bọn người ác, làm lợi khắp thế gian, đều theo chánh hóa, ngọc báu như ý, ắt hiện trong nước vua, các vua nước láng giềng, đều đến quy phục, nhân cùng phi nhân đâu chẳng khen tặng.

Nếu có người ác ở trong nước vua mà sanh ác nghịch, thì chẳng bao lâu nó tự tiêu diệt, mạng chung phải đọa vào trong địa ngục, trải qua súc sanh chịu đủ các khổ, sở dĩ là sao? Bởi nó chẳng biết ơn của thánh vương, sanh điều ác nghịch, nên phải mắc báo như thế.

Nếu có nhân dân, lòng năng hành thiện, kính giúp vị nhân vương, tôn trọng như Phật, người ấy hiện đời được yên lành giàu vui, có cầu nguyện chi đâu chẳng xứng ý.

Sở dĩ là vì sao? Tất cả quốc vương với đời quá khứ, từng đã thụ trì cấm giới thanh tịnh của Như Lai, nên thường được làm vua nhân gian an ổn khoái lạc.

Nhân duyên như thế, thuận nghịch quả báo đều như vang dội. Ân đức của thánh vương rộng lớn như thế!

Quốc vương, là ông chủ lãnh đạo của quốc dân, là người hay bảo hộ đất đai cõi nước, hay gầy dựng một quốc gia hoàn mỹ, khiến nhân dân được an cư lạc nghiệp. Nhân đó, người có thể được nhân dân tín ngưỡng, được nhân dân ủng hộ, ấy mới là vị minh chủ, thánh quân, phi như các ông Kiệt, Trụ khá sánh đặng.

Tại nơi Dân quốc, tuy chẳng có vị quốc vương, vì chủ quyền ở nơi toàn thể quốc dân mà, quyền thống trị thì lại đặt gởi nơi chánh phủ thì, có thể nói là ơn của quốc dân, và ơn của quốc chánh. Ví bằng các nhân viên chấp chánh của chánh phủ, xử lý chánh trị mọi việc đều được chánh đáng thì, trong nước được an ninh mà, điều ngoại hoạn tự nhiên cũng chẳng có; nên hạnh phúc của mỗi người đều gá nhờ nơi nước thì, cần phải biết ơn mà báo ơn.

Đấng nguyên thủ lãnh đạo quốc dân xây dựng quốc gia dân chủ cộng hòa, như ông Hoa Thạnh Đốn(17) nước Mỹ, được toàn thể quốc dân xưng ông là Quốc phụ; ông Tôn Trung Sơn cũng được xưng là Quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc. Nhân vì, ông hay kiến quốc an dân, bảo hộ non sông đất nước. Ở trên chánh trị ông hay tổ chức chánh phủ, thi hành chánh trị pháp luật, với quyền lợi của tất cả nhân dân, ông đều có bảo chứng. Sở dĩ đối với ông, quốc dân có cái kỷ niệm rất thạnh đại, thảy đều mang ơn mà lo báo đáp.

Ví bằng mỗi người đều biết phải trả ơn nước, tức là biểu hiện cái tâm của quốc dân ái quốc.

Nước quân chủ xưa, vị quốc vương có đại phước đức là ở trong cõi nước những núi sông đất liền đều thuộc quyền sở hữu của quốc vương mà, lại tất cả nhân dân đều lấy quốc vương làm căn bản, y chỉ nơi ngọn rau tấc đất của quốc vương mà sanh sống. Sở dĩ phước đức của cá nhân quốc vương thắng phần hơn hết thảy quốc dân, như Phạm vương hay giúp sanh vạn vật.

Phạm vương là vị chủ tể giữa tiểu thiên thế giới(18), Ngài có cái mạng sống lâu sáu mươi kiếp(19). Chúng sanh ở trong một cõi tiểu thiên thế giới, đều nhận vị Phạm vương(20) là sanh khởi trước nhất thế giới, thứ mới dần dần sanh khởi vạn vật; nhẫn đến cái thời tiểu thế giới diệt vong (kiếp hoại) thì vạn vật tiêu diệt trước, rốt sau mới là Phạm vương diệt vong(21). Tóm lại, Phạm vương ở giữa một quả tiểu thiên thế giới, sanh trước nhất mà diệt sau nhất.

Vị quốc vương ở giữa một quốc dân cùng quan hệ nhau cũng thế, quốc vương có thể có cái chánh trị công chính thì ở trong nước bất luận sự khủng bố chi đều chẳng có cả, các nước khác chẳng thể đến xâm hại, mà trong nước cũng không có những bọn loạn thần tặc tử, cũng chẳng có những năm cơ cẩn, nhẫn đến đều không có tám món tai nạn tinh tú biến quái…

Sở dĩ đấng làm quốc vương vẫn phải lấy sự khổ lạc của nhân dân làm khổ lạc mà, đồng thời những kẻ quốc dân sở hữu lợi ích gì, cũng phải đem hai phần bảy hiến về quốc hữu, còn năm phần tự hưởng.

Ví bằng đấng làm quốc vương không có đức phước, quốc gia có xảy ra sự tình bất hạnh thì, cái tội lỗi cũng tại nơi vua, là chỗ gọi rằng “vạn bang hữu tội, tội tại nhứt nhân”.

Nếu vị quốc vương có phước đức thì, các nước láng giềng hòa thuận, trong nước nếu có kẻ loạn nghịch đi nữa nó đã chẳng làm hại gì được mà, lại mạng chung đọa địa ngục.

Ngày nay các nước thế giới, có lẽ bởi cái duyên cớ thiếu người phước đức chấp chính mà, nhân dân cũng “ác hóa” nữa, làm những sự tình ác liệt tổn nhân ích kỷ, hầu như diễn thành cái hiện tượng phổ biến! Sở dĩ, nước chẳng ra nước, dân chẳng ra dân, vì tranh đấu lẫn nhau, thảm sát lẫn nhau, làm cho sôi nổi thành một cuộc diện như mưa gió mịt trời, chông gai chật đất, chớ có biết đâu rằng trên tinh thần và vật chất đã hy sanh rồi biết bao là giá trị thay vì!

Thoảng như ái quốc một cách chân chánh, ắt phải cốt lấy đạo đức làm tiền đề. Đem đạo đức ứng dụng nơi quốc tế, theo tôi tưởng chắc nước này hòa hội với nước nọ lẫn nhau, ái hộ tôn trọng tất không có cái hiện tượng tàn sát lẫn nhau một cách thảm khốc. Cái nạn quốc tế chiến tranh có cũng sẽ tiêu diệt ngay trong đáy lòng vô hình, ấy tức là cái quan điểm trị quốc ở tại đó.

Đã biết trị quốc lấy đạo đức làm tiền đề mà, với đạo đức thì nên lấy pháp nghĩa của Phật thuyết làm tối cao phiên chuẩn. Sở dĩ chúng ta phải tiến tới để tín ngưỡng hiểu rõ thì, phải cung kính cúng dường nghiên cứu pháp nghĩa của Phật.

Cả ba ân trên, đều là đến ngay nơi pháp của thế gian mà nói, là sở dĩ để cho mọi người ai cũng đều nên phải biết ân báo ân. Nói đến việc báo ân thì, phải lấy đại bi làm căn bản, mà phi phát Bồ-đề tâm, tu Bồ-tát hạnh thì không thể được, sở dĩ kế đây nói cái ân đức bất khả tư nghì của Tam bảo.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.