Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh Báo Ân Phẩm

THUYẾT PHÁP LỢI ÍCH

Bấy giờ, năm trăm trưởng giả nay theo Phật nghe được cái giáo pháp báo ân mà từ bấy nay chưa được nghe, nên ôm lòng hớn hở nhảy nhót đặng điều chưa từng có, nay phát tâm cầu tiến đến địa vị vô thượng Bồ-đề, đắc pháp nhẫn nhục tam muội, chứng vào cái trí bất tư nghị, vẫn chẳng thối chuyển.

Lúc đó, giữa pháp hội, có tám vạn bốn ngàn chúng sanh phát Bồ-đề tâm, đắc cái đức tin kiên cố và phát tâm tu tam muội nhẫn nhục. Cả hải hội đại chúng đều đắc Kim cang nhẫn nhục tam muội, ngộ được pháp vô sanh nhẫn và nhu thuận nhẫn, hoặc chứng được bất khởi nhẫn của bực Sơ địa. Cả đến vô lượng chúng sanh phát Bồ-đề tâm, an trụ nơi bất thối vị.

Lúc đó, Phật bảo năm trăm trưởng giả: “Tất cả chúng sanh trong đời vị lai, nếu có được nghe phẩm Tâm Địa Quán Báo Tứ Ân đây, mà hoặc thụ trì, đọc tụng, giải thuyết, thư tả lưu bố pháp này cho được sâu rộng ra, các người như thế, được tăng trưởng phước trí, được chư thiên vệ hộ, hiện đời thân không bệnh khổ, mạng sống lâu dài. Đến khi mạng chung liền đặng vãng sanh nơi nội cung của đức Di-lặc, thấy được cái tướng lông trắng nơi chặng mày của đức Di-lặc, tức siêu việt đường sanh tử, ba hội Long Hoa, sẽ đắc giải thoát, với tịnh độ nơi mười phương tùy ý mình muốn về đâu tức vãng sanh đấy, thấy Phật nghe pháp vào chánh định tụ, chóng thành A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề là trí huệ của Như Lai”.

Thuở Phật nói phẩm Báo Ân đệ nhứt hội rồi, các kẻ dự hội đồng đặng lợi ích lớn. Các ông trưởng giả Diệu Đức… với từ xưa chưa từng được nghe về giáo nghĩa tứ ân, mà nay thoạt được nghe Phật thuyết về pháp báo đáp tứ ân, niềm hoan lạc sung sướng nơi lòng mà từ xưa chưa hề có, liền phát Bồ-đề tâm để thành lập cái chí hướng Đại thừa, đồng thời đều đắc pháp nhẫn nhục tam-muội.

Tam-muội tức là thiền định, Nhẫn là nhẫn khả, tức là y nơi nghĩa pháp của Như Lai thuyết ra, tâm có thể nhẫn khả đặng mà đắc an lạc. Đồng thời với cảnh tam-muội ấy, tỏ hiểu được cái trí vô phân biệt bất tư nghị mà chẳng thối chuyển.

Bất thối chuyển tức là thứ 6 “tín bất thối” trong Thập tín Bồ-tát, hoặc là bực đệ nhứt trụ phát tâm bất thối trong Thập trụ Bồ-tát.

Rằng trong hội có tám vạn bốn ngàn chúng sanh cũng phát Bồ-đề tâm đắc kiên cố tín đó tức là ngôi tín bất thối trong Thập tín Bồ-tát, cũng đắc được pháp nhẫn nhục tam-muội như năm trăm trưởng giả đã sở đắc nói trên.

Từ hải hội đại chúng đến đắc bất khởi nhẫn ấy, đấy là nói rõ cái sở đắc lợi ích của các Bồ-tát sẽ lên ngôi Thập địa và các Bồ-tát đã ở ngôi Thập địa.

Song, cái nhẫn mà nói ở trong đây với cái nhẫn nói trong các kinh đều có bất đồng nhau. Chừ đây có thể nói một cách tổng quát là bực Đẳng giác Bồ-tát đắc pháp Kim Cang nhẫn; Bát địa Bồ-tát đắc pháp vô sanh nhẫn; trước Thập địa, như các vị Bồ-tát ở nơi các ngôi Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng thì đều đắc Nhu thuận nhẫn; bực Sơ địa Bồ-tát thì đắc pháp Bất khởi nhẫn.

Lại bất thối: Ở nơi bực sơ phát tâm tu Bồ-tát thì, đắc bực đệ lục tâm đắc pháp tín bất thối trong ngôi Thập tín Bồ-tát. Tiến tới, thì bực sơ trụ phát tâm bất thối trong ngôi Thập trụ Bồ-tát, bực đệ thất trụ thì hành bất thối; bực Sơ địa Bồ-tát thì đắc cái chứng bất thối, bực Bát địa Bồ-tát thì đắc cái niệm bất thối.
Thứ đó là nói rõ sự lợi ích của chúng sanh đời sau lưu thông ấn tống kinh đây.

Nội cung của đức Di-lặc: tức là Đâu-suất nội viện, hiện nay là chỗ ở của đức Di-lặc bổ xứ Bồ-tát, nên nói là Di-lặc nội cung.

Nói là nội cung, là để cho phân biệt với ngoại viện. Nhân vì cõi trời Đâu-suất-đà có phân ra nội viện và ngoại viện, ngoại viện là chỗ của các trời ở, chỉ thích hưởng phước vui chơi, tức là phi thanh tịnh…

Với ba hội Long Hoa sẽ đắc giải thoát tức là qua đời vị lai (tiểu kiếp thứ 10, còn đời đức Thích-ca là tiểu kiếp thứ 9) trong thế giới của đức Di-lặc Phật ngài tọa nơi gốc cây Long Hoa Bồ-đề, ba lần thuyết pháp, độ các chúng sanh đều đắc giải thoát, nghĩa là đều thụ ký thành Phật.

Chánh định tu, tụ: tức nghĩa như chữ loại là một trong ba tụ, mà là thông đồng cả đại tiểu thừa. Với Tiểu thừa, chánh định tụ ở từ Ngũ đình tâm nhẫn lên, Đại thừa ở từ Sơ trụ nhẫn lên. Kẻ mà tu về tà định tụ, tức là rốt ráo nhứt định chẳng chứng nhập được; còn bất định tụ thì tức là ở về trung gian hai ấy.

Ba tụ: Chánh định tụ, tà định tụ và bất định tụ. Ba tụ đây, sơ lược đồng với ngũ tánh của pháp tướng duy thức đã gọi. Như Duy Thức gọi chủng tánh Thanh văn, chủng tánh Bồ-tát thì, có thể thu vào trong chánh định tụ đây; chủng tánh bất định bên kia, cũng đồng với bất định tụ đây; vô tánh bên kia, là tà định tụ ở đây. Như cái biểu:

5 tánh

1. Bồ-tát
2. Duyên giác
3. Thanh văn
4. Bất định
5. Vô tánh
Chánh định

Bất định
Tà định Tam tụ

CHÚ THÍCH
1. Mười ba phẩm:
1. Tự phẩm
2. Báo ân phẩm
3. Yếm xả phẩm
4. Vô cấu phẩm
5. A-lan-nhã phẩm
6. Ly thế gian phẩm
7. Yếm thân phẩm
8. Ba-la-mật đa phẩm
9. Công đức trang nghiêm phẩm
10. Quán tâm phẩm
11. Phát tâm phẩm
12. Thành Phật phẩm
13. Chúc lụy

Phẩm thuộc về phần giáo khởi nhân duyên pháp chung cả 5 thừa tu pháp chung cả 3 thừa tu pháp chẳng chung của Đại thừa tu thuộc về phần y giáo phụng hành

2. Đại thừa: Nghĩa của Đại thừa, chính ở chỗ cởi mở những sự tham nhiễm, ràng buộc của tất cả phàm phu, khiến tiến vào quả Phật vô thượng. Pháp Đại thừa không ngoài ba nghĩa: cảnh, hành và quả. Nghĩa là, nếu đối tất cả tánh tướng của các pháp mà hiểu suốt một cách đúng như thật, tức là cảnh sở quán của Đại thừa; y nơi cảnh mà khởi sự tu hành, tức là học tu tất cả vô lượng vô biên pháp môn: lục độ, thập độ, vạn hạnh. Hễ pháp nào mà có lợi cho chúng hữu tình thì, bực Đại thừa Bồ-tát đều lo học tu cả; trải qua các cấp vị thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa, suốt qua ba a-tăng-kỳ kiếp mới được tiến đến quả Phật cánh, tức là do nơi hành mà đắc nơi quả. Y nơi pháp là cảnh, hành và quả đây, có thể ra làm đúng như thực, tức là Đại thừa diệu pháp. Pháp Đại thừa, chẳng những hạn cuộc ở nơi kinh tạng, mà cũng gồm Luận tạng, Luật tạng của Đại thừa nữa. Kinh Đại thừa bổn sanh tâm địa quán đó là một bộ trong Đại thừa kinh tạng. Giáo lý đã siêu xuất lên trên nhân thừa, thiên thừa và nhị thừa mà lại phổ thông thu nhiếp cả các pháp của năm thừa.

3. Hiện tại tám tướng thành Phật: Phật ngài lấy cái tướng thành đạo làm trung tâm, thị hiện ra cái tướng trạng do trong một thời kỳ từ thỉ chí chung, mà gọi là bát tướng thành đạo, thành đạo tuy là một trong tám tướng, song là chủ não giữa tám tướng, nên riêng nêu lên cái danh thành đạo. Với tám tướng, các kinh luận ghi nói hoặc còn hoặc mất chẳng đồng, mà đại yếu có hai thuyết: Đại Thừa Khởi Tín thì nói: 1-Từ trời Đâu-suất xuống: Trước là vị Bồ-tát nhứt sanh bổ xứ ở cung trời Đâu-suất, ở đây 4000 năm (số năm của trời ấy; một năm của trời ấy bằng 1000 năm của nhân gian), thấy thời cơ đã đến, bèn hiện ra cái tướng cỡi con bạch tượng từ Đâu-suất-đà thiên giáng xuống. 2-Nhập thai: Cỡi voi trắng sáu ngà vào thác thai nơi tả hiếp của đức bà Ma-da phu nhân, là hai tướng. 3-Trụ thai: Ở trong mẫu thai, đi, đứng, ngồi nằm mỗi ngày sáu giờ vì nói pháp cho chư thiên nghe, là ba tướng. 4-Xuất Thai: Ngày 8 tháng 4 âm lịch, trong vườn Lâm-tỳ-ni, do nơi sườn phía hữu của Thánh mẫu mà xuất sanh, là bốn tướng. 5-Xuất gia: 19 hoặc 25 tuổi, quán sát hiện tượng của thế gian đều vô thường, nên ra khỏi vương cung vào núi học đạo, là năm tướng. 6-Thành đạo: Tu khổ hạnh trải qua sáu năm, đến ngồi nơi gốc cây, đắc đạo thành Phật, là sáu tướng. 7-Chuyển pháp luân: Từ thành đạo về sau, suốt thời gian năm mươi năm nói pháp phổ độ nhân thiên, là bảy tướng. 8-Nhập diệt: Năm đã 80 tuổi, đến nằm nghiêng phía phải giữa Ta-la song thọ mà vào nơi cảnh Niết-bàn, là tám tướng. Đó là thuyết thứ nhứt. Thuyết thứ nhì, Tứ Giáo Nghi cuốn 4 ghi rằng: 1-Từ Đâu-suất-đà thiên xuống. 2-Thác thai. 3-Xuất sanh. 4-Xuất gia. 5-Hàng ma. 6-Thành đạo. 7-Chuyển pháp luân. 8-Nhập Niết-bàn.

4. Bông ưu-đàm: Cũng tên là Ưu-đàm-bát hoa, tức là loại cây không có bông mà chỉ có quả, nó hay xuất sanh nơi các xứ ở chân núi Hi-mã-lạp-da, Can-cao-nguyên và Tích-lan. Thân cây cao hơn trượng, lá có hai thứ giống, một bằng bặng trơn láng, một thể thô tháo, đều dài chừng bốn, năm tấc, ngoài đầu lá nhọn. Người đời gọi 3000 năm nó mới trổ một lần bông, mà có Phật ra đời nó mới khai hoa. Sách Nam Sử nói: “Ưu-đàm hoa bèn là điềm Phật ứng hiện, 3000 năm mới trổ một lần bông, hễ trổ thì có vua Kim Luân ra đời”. Nên nay người ta báo: vật gì hiếm có xuất hiện nói là “Đàm hoa nhất hiện” là mượn điển ở đây.

5. Niết-bàn của Tiểu thừa: Các thánh Thanh văn, Duyên giác chấp lấy nghĩa không, nghĩa là vào nơi cảnh vô dư Niết-bàn thì thân và trí vĩnh viễn vong mất mà không còn một cái gì cả, vì chán cái khổ sanh tử, ham cái vui vắng lặng, tức tự giải thoát lấy một mình, Phật quở là tiêu nha bại chủng, giải thoát thâm khanh!

6. Bảo tọa kim cang: Chỗ của Phật ngồi khi sắp thành chánh giác. Chỗ này tại bên gốc cây Tất-bát-la (Bồ-đề), nước Ma-kiệt-đà, tòa ngồi đây bằng một tảng đá lớn, trên đảnh bằng phẳng tròn, tảng đá này dưới chân căn cứ nơi kim luân, trên thì sát mặt đất. Cu Xá Luận 11 nói: “Chỉ giữa châu Nam Thiệm Bộ này có kim cang tọa trên thấu mặt đất, dưới cứ kim cang, tất cả Bồ-tát, khi sắp thành Phật, đều ngồi trên tọa đây, khởi cái định kim luân dụ, dùng cái chỗ vô dư y và dư có cái đại lực kiên cố, có thể chủ trì để trừ vi tế hoặc (nhứt phần sanh tướng vô minh) thành đẳng chánh giác”. Tây Vực Ký 8 chép: “Chính giữa cái nền thành Bồ-đề thụ có cái tọa bằng chất kim cang, xưa ban sơ hiền kiếp, tọa ấy (rún của trái đất) cùng đại địa đồng thời sanh khởi lên, vị trí nó cứ nơi trung tâm tam thiên đại thiên thế giới, chu vi hơn trăm bước, trong hiền kiếp này ngàn đức tối hậu thân Bồ-tát cũng đều ngồi lên đấy, vào Kim cang định để thành Phật, nên gọi Kim cang tọa. Chỗ chứng thánh đạo, cũng gọi đạo tràng…, đến thời mạt kiếp, chánh pháp suy vi, đất cát bồi lấp, không còn được thấy cái tọa ấy nữa. Sau khi Phật Niết-bàn, các vị quốc vương nghe truyền lời Phật nói cái hạn lượng của Kim cang tọa, bèn dùng hai tượng đồng Quán Tự Tại đem để làm nêu ranh giới nam và bắc, tượng ngồi hướng mặt về phương đông. Nghe các vị Kỳ Cựu nói: “Thân tượng Bồ-tát ấy đến khi lún ngập chẳng thấy thì, Phật pháp sẽ diệt tận”. Nay tượng Bồ-tát ở góc phía nam đã lún ngập quá nơi hung ức rồi.

7. Pháp khí: Món đồ pháp, có hai nghĩa: 1-Người mà xiết ra làm được đạo Phật thì gọi là pháp khí. Kinh Pháp Hoa phẩm Đề Bà nói: “Người phụ nữ là cái thân cấu uế, chẳng phải pháp khí”. Đức Nhị tổ Huệ Khả thờ tổ Đạt-ma đã lâu mà chưa được nghe dạy răn chi, bèn dứt cánh tay để làm vật nội tài cầu pháp. Tổ biết là pháp khí, lấy y bát truyền trao cho. Thấy sách San Đường tứ thảo. 2-Bên tăng hoặc bên đạo, những món nhạc khí, dùng để làm trong lễ trai tiếu, gọi là pháp khí, như chuông, trống, linh, bạt…

8. Năm Tánh: Kinh Anh Lạc nói: “Dùng chủng tánh nơi nhân và quả mà làm ngũ chủng tánh. 1-Tập chủng tánh: Là ngôi Thập trụ, xét tập phần không quán mà, phá dứt kiến hoặc tư hoặc. 2-Tánh chủng tánh: Là địa vị của Thập hạnh, chẳng trụ nơi không, mà hay giáo hóa chúng sanh, để phân biệt tất cả pháp tánh. 3-Đạo chủng tánh: Là ngôi Thập hồi hướng, tu pháp diệu quán của trung đạo, nhân đó mà thấu suốt đến Phật tánh của tất cả. 4-Thánh chủng tánh: Thập địa Bồ-tát. Dùng thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng trước kia, đều danh là hiền. Còn đây là Thập địa Bồ-tát, y nơi diệu quán trung đạo, phá một phần rốt sau (vi tế hoặc) sanh tướng vô minh mà chứng vào thánh vị, nên gọi là thánh chủng tánh. 5-Đẳng giác tánh: Bồ-tát ở ngôi đây, mong với sau là ngôi Diệu giác, dù còn có một ngôi nữa, song đã thắng hơn cả các ngôi trước, nên xưng giác danh là Đẳng giác tánh.

9. Thắng nghĩa đế: Pháp tướng tông lập ra hai đế, đây là một trong hai đế, đối với thế tục đế mà gọi là thắng nghĩa đế, tức chân đế. 1-Tục đế: Sở kiến của hạng phàm tình là sự tướng giữa thế gian, là những cái pháp (sự vật) thuận với mê tình của phàm tục, nên nói là tục. Cái đạo lý thuộc về pháp của phàm tục, quyết định mà chẳng động nên nói là đế. Lại, với sự tướng ấy, thế tục cho là thực, nên gọi là đế. 2-Chân đế: Sở kiến của thánh trí là lý tánh chân thực, vì lìa bỏ rồi những điều hư vọng, nên nói là chân, lý nó quyết định mà bất động, nên nói là đế. Lại, lý tánh ấy, với thánh là thực, nên gọi là đế.

Với danh từ nhị đế, các kinh luận nói bất nhứt: Niết Bàn Kinh, Nhân Vương Bát Nhã Kinh thì gọi là thế đế, đệ nhứt nghĩa đế; Kim Cang Bất Hoại Giả Danh Luận thì gọi chân đế, tục đế; Du Già Luận, Duy Thức Luận thì gọi thế tục đế, thắng nghĩa đế; Nam Hải Ký Quy Truyện thì gọi phú tục đế, thắng nghĩa đế hoặc gọi phú đế, chân đế, mà với trong đó chỉ lấy chân đế, tục đế là rất thông hành hơn hết.

10. Thế tục đế: Ngài Từ Ân gọi là thế tục đế; ngài Pháp sư Nghĩa Tịnh gọi là phú tục đế, đều là danh từ đối với thắng nghĩa, gọi vắn tắt là thế đế hoặc tục đế, cũng đồng nghĩa. Là đạo lý của thế tục. Truyện Ký Quy nói: “Phú tục đế, cựu dịch gọi là thế tục đế, thì chưa hết nghĩa, vì đạo ý, tục sự nó phủ che chân lý kia. Sắc chất vốn phi là cái bình, mà quấy tưởng hiểu làm cái bình; âm thanh không có ca khúc, mà mạn tưởng làm ca tâm… Do đó tủ che cái chân đi nên gọi là phú tục. Đấy, cứ nơi phú tức là tục, gọi là phú tục, hoặc có thể chỉ gọi Chân đế, Phú đế”. Chân đế là về mặt đạo, phú đế là về mặt đời.

11. Vương-xá thành: Tiếng Phạm Ràjagrha (thành Hạt-la-xà-kiết-lị-tứ) ở tại nước Ma-già-đà Trung Ấn Độ; vua Tần-bà-sa-la (tân dịch Tần-bì-sa-la) từ nơi thủ đô cũ là Thượng mao thành mà dời về ở nơi đây, chung quanh ngoài thành Vương-xá có năm quả núi, mà thứ nhứt là núi Linh Thứu. Luận Trí Độ cuốn 3 nói: “Hỏi: Các đồ thành lớn như Xá-bà-đề, Ca-bì-la, Ba-la-nại… đều có các vương-xá mà do sao thành này lại riêng được danh là Vương-xá? Đáp: Có người nói rằng vua nước Ma-già-đà có một hoàng tử thân hình kỳ dị, một đầu, hai mặt, bốn tay. Người bấy giờ đều cho là bất tường. Vua liền lấy dao xẻ rạch nơi mình và đầu rồi đem bỏ ngoài đồng. Nữ quỷ La-sát tên Xà-la dùng phép thần hoàn hiệp thân phần lại và cho bú sữa nuôi nấng, sau lớn thành người, có dũng lực hay gồm cả các nước, làm chủ cả thiên hạ. Bắt một vạn tám ngàn vị quốc vương đem để giam giữa năm núi này, dùng đại thế lực thống trị cả châu Nam Diêm-phù-đề. Cả nhân loại Diêm-phù-đề nhân gọi núi ấy là Vương-xá thành. Lại có người nói: Nguyên vua Ma-già-đà ở nơi đại thành. Trước kia trong thành bị hỏa hoạn, mỗi một lần bị cháy, phải lo kiến thiết lại một lần, mà như thế đã bảy lần. Quốc dân bị làm xâu khốn khổ, nhà vua rất lo, thường cho vời các người trí thức nhóm lại hỏi ý kiến, có người đề nghị di đô qua chỗ khác. Vua liền tìm chỗ ở, thấy vùng năm núi đây vây giáp như thành, bèn xây làm cung điện, ngự ở nơi trong, do đó nên gọi Vương-xá thành. Tây Vực Ký cuốn 9 chép: Châu thành Hạt-la-xà-kiết-lị-tứ dịch là Vương-xá. Trước kia vua Tần-bì-sa-la đóng đô ở thành Thượng mao cung. Nhân dân ngoại ô thường bị hỏa tai, phòng ngừa, cứu hỏa chẳng xiết, tài sản hư hao, nhân dân than khóc, chẳng ở yên được. Vua than: Quả nhân thiếu đức, nên dân khốn khổ, tu những đức chi, khả dĩ cầu an được? Quần thần tâu: Đại vương có đức hóa, khuê môn hòa mục, chánh giáo rõ xét, nay kẻ dân nhỏ bất cẩn, đến nỗi gây tai họa, nên ra lệnh nghiêm cấm để sạch dứt điều phạm, nếu nhà nào để phát hỏa thì phạt kẻ thủ phạm, bắt ở nơi hàn lâm (Hàn lâm: Là chỗ bỏ thây chết, chúng tăng bảo là chỗ đất bất tường, tuyệt hẳn dấu người lui đến, nay đày kẻ gây hỏa tai đến ở đó), đồng với tử thi, đã bị xấu hổ, lại ở đê hèn, nó sẽ lo sợ mà phải cẩn thận sự lửa củi”. Vua khen rằng hay, chấp thuận lời quần thần tâu, rồi khắp rao bảo cho nhân dân biết. Không bao lâu, chính trong cung vua lại phát sanh hỏa hoạn trước. Vua bảo quần thần rằng: Ta phải tự di cung. Bèn dạy thái tử xem cầm việc ở lại, muốn thanh phép nước nên nhà vua phải dời chỗ, lo kiến thiết thành trì nơi đấy. Vì vua đến ở đây trước, nên gọi Vương-xá.

12. Pháp Ngũ đình tâm: Năm phép quán đình tâm, là một pháp tu của Tam hiền bên phái Tiểu thừa, tu năm món quán pháp, để đình chỉ cái tâm khỏi điều quá thất, là bước đầu vào đạo của Thanh văn thừa. Có hai thứ: Một: 1-Bất tịnh quán: Quán tưởng cái tướng bất tịnh của cảnh giới là phương pháp để đình chỉ cái lòng tham dục. Người nào mà ý thức quá ư tham trước, tu bất tịnh quán này. 2-Từ bi quán: Đến với tất cả chúng hữu tình, quán xét cái tướng khá thương, là phương pháp để đình chỉ cái lòng sân nhuế, người nào có nhiều chứng giận dữ tu đó. 3-Nhân duyên quán: Quán xét mười hai nhân duyên, là cái lẽ tiếp tục nhau luôn ba đời, là phương pháp để đình chỉ cái lòng ngu si, người nào nhiều ngu si tu đó. 4-Giới phân biệt quán: Đến với các pháp mà phân biệt sáu giới, hoặc mười tám giới, là phương pháp để phá cái ngã kiến, người nào nhiều bệnh ngã kiến tu đó. 5-Sổ tức quán: Kể đếm hơi hô hấp, là phương pháp để đình chỉ cái tâm tán loạn, người tán tâm nhiều tu đó. Hai: Lại một pháp nữa, lấy cái “giới phân biệt quán” thứ 4, cùng tương tợ nhau với cái “nhân duyên quán” thứ 3, nên bớt đi mà gia pháp “quán Phật” vào, nhân vì quán tưởng cái tướng hảo của Phật, là phương pháp để năng trị tất cả phiền não, người nào nhiều nghiệp chướng tu đó.

13. Quạ, rái. Ô: chim quạ, sách Tiểu Nhĩ Nhã nói: “Toàn sắc đen mà hay sú mồi lại cho quạ già là cha mẹ, nó là con quạ”, nên gọi là hiểu điểu. Sách Phật nói: Từ ô phản bộ. Thát: Rái, tức con rái cá, mỗi năm tháng giêng tiết vũ thủy, Thát tế ngư: rái cúng cá, nghĩa là rái bắt cá đem lên bờ, sắp đặt ngay hàng, như trần phẩm vật để cúng tế. Kinh Lễ nói là thế. Tục truyền: Rái bắt cá giỗ Tổ phụ nó. Kẻ làm con mà bất hiếu, bị người đời phỉ báng là chẳng bằng chim muông, tức là quạ và rái.
14. Cao đẳng động vật: Loài mà sự tổ chức trong thân thể có phần phức tạp đó, phổ thông phân làm bốn môn: môn tích chùy có xương sống; môn tiết túc, chân có lóng; môn nhuyễn thể có thân thể mềm mại; môn nhu hình có hình dáng mềm bủn, như là trùng, đỉa. Cũng có người chỉ lấy loại tích chùy động vật làm cao đẳng, còn ba loại thứ đó là hạ đẳng.

15. Ác thủ không: Cái ác chấp không, tức cái đạo lý bác đi cho là không có nhân quả; chớ chấp trước lấy cái kiến thức ác không. Trì Địa Luận cuốn 2 nói, thế nào là ác thủ không? Nếu sa-môn hay Bà-la-môn chấp rằng bỉ thử đều không, ấy gọi là ác thủ không; Duy Thức Luận 7 nói: Bác không có hai đế, là ác thủ không; chư Phật cho là cái bệnh bất trị. Sách Chỉ Quán 5 nói: Thà khởi cái ngã kiến lớn bằng núi Tu-di, chẳng nên ác thủ không.

16. Trong nhà có hai đức Phật: Đức Di-lặc nói: “Đường thượng hữu Phật nhị tôn, áo não thế nhân bất thức”: Trên nhà có hai đức Phật, rất buồn người đời chẳng biết. Phật nói: “Phụ mẫu vi tại đường hoạt Phật”: Cha mẹ là Phật sống tại nhà.

17. Ông Hoa Thạnh Đốn: Một tay ông dựng nên nước Bắc Mỹ hiệp chủng quốc. Ông là người sanh ở Vật-các-ni-á, trong thời chiến tranh quần chúng suy tôn ông làm tổng tư lệnh. Sau chiến tranh ông lui về ở ẩn chưa lâu, ông đáp với nguyện vọng của quốc dân, tham dự chế định hiến pháp. Năm 1789 dương lịch, ông bị tuyển làm Đệ nhứt thứ đại tổng thống. Năm 1793, lại bị tuyển lần nữa. Năm 1885, người trong nước vì dựng bia đá kỷ niệm tại quốc đô Hoa Thạnh Đốn. Sanh năm 1732, thất lộc năm 1799.

18. Tiểu thiên thế giới: Lấy Tu-di sơn làm trung tâm, ngoài ranh thì có núi Thiết-vi chạy giáp vòng bốn phía làm giới hạn, gọi là một thế giới, như thế, một ngàn thế giới như vậy gọi là một tiểu thiên thế giới.

19. Sáu chục kiếp: Kiếp có ba hạng: 1-Tiểu kiếp, mười sáu triệu năm (16.000.000 năm); 2-Trung kiếp, ba trăm hai chục triệu năm (320.000.000 năm); 3-Đại kiếp, một ngàn hai trăm tám chục triệu năm (1.280.000.000 năm). Mà sáu chục kiếp đây, chẳng biết là tiểu hay trung, đại kiếp.

20. Phạm vương: Vua của Sơ thiền thiên là đại Phạm thiên, tu chứng được trung gian thiền, là pháp thiền định vị trí ở giữa Sơ thiền và Nhị thiền. Tên là Thi Khí, dịch là lửa, hay là đùm tóc trên đảnh, vì Ngài có cái búi tóc trên đảnh, hình như lửa, để tỏ rằng vào pháp định hỏa quang. Ngài ở nơi trời Sơ thiền, được sanh ra trước nhất, nên tự nghĩ rằng: Ta không cha mẹ, tự nhiên mà sanh, ta làm chủ cõi Ta-bà thế giới. Ngài rất tin chánh pháp, mỗi đức Phật ra đời, Ngài trước nhất thỉnh thuyết pháp, lại thường đứng bên hữu của Phật, tay cầm phủ phất trắng, để đối với Đế-thích.

21. Phạm thiên diệt vong: 1 đại kiếp có 4 trung kiếp, 1 trung kiếp có 20 tiểu kiếp; 1 tiểu kiếp có 20 lần tăng giảm. Hiện nay là tiểu kiếp thứ 9 của kiếp trụ (thành, trụ, hoại, không là 4 trung kiếp), qua 11 tiểu kiếp nữa là đến kiếp hoại. Hoại kiếp có 20 lần tăng giảm; 19 lần tăng giảm trước, hoại diệt hết cõi hữu tình thế gian; rốt sau một lần tăng giảm hoại diệt cõi khí giới thế gian. Hoại cõi khí giới thế gian đây, có ba lần là đại hỏa tai, đại thủy tai, đại phong tai. Đệ nhứt hỏa tai, do bảy mặt nhựt đồng thời xuất hiện, đốt cháy thế giới này, dưới từ địa ngục vô gián, trên đến trời Sơ thiền (Phạm chúng thiên) của trung giới. Đệ nhị thủy tai, ngục vô gián, trên đến trời Nhị thiên (Phạm phụ thiên) của Sắc giới, đều bị nước dầm ngâm. Đệ tam phong tai, dưới từ ngục vô gián, trên đến trời Tam thiền (Đại phạm thiện vương ở tại đây), cả thế giới đều bị trận bão lớn nhất cổ kim tàn phá hoại hết vật chất (ba cõi Phạm thiên kể trên chung ở trong một Sơ thiền thiên). Luận Cu-xá 12 nói: “Hỏa tai là do bảy nhựt luân xuất hiện…, thủy tai là do mưa đá dầm dề…, phong tai là do những trận phong luân nổi lên thổi trốc núi này chọi với núi kia, nên cõi vật chất vọt tan ra bụi…”

22. Ba loại hóa thân: 1-Đối với Sơ địa Bồ-tát mà Phật ứng hiện thân thuyết pháp, gọi là Thắng ứng thân, tức là tha thụ dụng báo thân. 2-Đối với các Bồ-tát trước Thập địa và Nhị thừa, phàm phu, Phật ứng hiện thân thuyết pháp, gọi là Liệt ứng thân, tức là thân trượng lục của Thích-ca Như Lai. 3-Biến hóa thân, là do cái trí thành sở tác mà biến hiện ra vô lượng tùy loại hóa thân, xứng theo căn cơ, hiện thần thông nói pháp, khiến cho đều đặng mọi sự lợi lạc. Hiện Phật hình là Ứng thân, hiện các hình lạ khác là Hóa thân. Đại Thừa Nghĩa Chương 18 nói: “Vì giáo hóa chúng sanh, thị hiện ra hình Phật, gọi là Ứng thân; thị hiện ra mỗi mỗi hình của Lục đạo, gọi là Hóa thân.

Cái biểu ba thân đối chiếu:

Tự tánh thân

Thụ dụng thân

Biến hóa thân
Tự thụ dụng thân
Tha thụ dụng thân
Thắng ứng thân
Liệt ứng thân Pháp thân
Báo thân

Ứng thân

Với trong Ứng thân, phân biệt ra ứng và hóa:

Pháp thân
Ứng thân
Hóa thân
Tự tánh thân
Tự thụ dụng thân
Tha thụ dụng thân
Biến hóa thân

23. Mười thân: 1-Bồ-đề thân hoặc rằng chánh giác pháp: thị hiện ra cái thân Phật tám tướng thành đạo chánh giác. Lại rằng vô trước Phật, vì an trụ nơi thế gian mà chẳng đắm nơi Niết-bàn; vì thành chánh giác mà chẳng đắm nơi sanh tử. Tỏ ra cái đạo vô trước mà thành chánh giác, nên nói vô trước, cùng đồng ý nghĩa với chánh giác Phật. 2-Nguyện thân, cũng rằng nguyện Phật, là thân Phật nguyện sanh ở cung trời Đâu-suất-đà. 3-Hóa thân, tức hóa Phật, Niết-bàn Phật, là hóa thân sanh ở nơi cung vua, mà hễ hóa tất tỏ ra có diệt, nên nói là Niết-bàn Phật. 4-Trụ trì thân, tức trụ trì Phật, là cái thân sau khi diệt rồi chỉ tự thân xá-lợi mà trụ trì Phật pháp. 5-Tướng hảo trang nghiêm thân, tức nghiệp báo Phật, là lấy vô biên tướng hảo để trang nghiêm thân Phật, thế là công đức đền trả vạn hạnh nghiệp nhân, nên nói là nghiệp báo Phật. 6-Thế lực thân, tức là tâm Phật, là lấy cái từ tâm của Phật, để thâu phục tất cả, nên nói là thế lực, cũng rằng tâm Phật. 7- Như ý thân (tân dịch là ý sanh thân), tức là như ý Phật, đối với các Bồ-tát trước Thập địa và giữa Thập địa, mà hiện sanh ra thân Phật như ý. 8-Phước đức thân, tức tam-muội Phật, là thân thường ở nơi tam-muội. Tam-muội là phước rất tột, nên nói phước đức. 9-Trí thân, tức tánh Phật là cả 4 trí, như đại viên cảnh trí… thì là tánh đức sẵn có nên nói tánh Phật. 10-Pháp thân, tức pháp giới Phật là cái bổn tánh sẵn rõ của trí thân, phối hiệp với ba thân của thông thường đã nói thì từ Bồ-đề thân đến trụ trì thân, cả bốn thân ấy là “Ứng thân”, từ tướng hảo thân đến trí thân, cả năm thân ấy là “Báo thân”, cái pháp thân rốt sau đó, tức là “pháp thân”. Mười thân đây, ấy là đối với mười thân nơi cảnh “giải’ mà gọi là mười thân, nơi cảnh “hành”, do vì làm nơi “hành” có thể cảm được Phật thân.

24. Tầm từ: tức Tầm tâm sở và Từ tâm sở. Tầm tâm sở: cái tâm sở tìm kiếm; Từ tâm sở: cái tâm sở dòm rình. Giả như khi ta bị mất một vật gì, cái tâm vội kíp đi tầm nghĩ tìm kiếm, đấy tức là cái tác dụng của Tầm tâm sở. Từ tâm sở: Giả như tầm kiếm chưa đặng, lại cố tâm để ý đi dòm xét, đấy tức là cái tác dụng của Từ tâm sở. Hai cái tâm sở tầm và từ, thể nó tương tợ nhau, bất quá là thô với tế có hơi phân biệt thôi.

25. Hai chướng: Một, phiền não chướng; hai, trí chướng (Tân dịch: phiền não chướng, sở tri chướng). Các điều mê hoặc là tham, sân, si… đều có hai tác dụng: 1-Phát nghiệp nhuận sanh ràng buộc chúng sanh, khiến lẩn quẩn nơi đường sanh tử giữa ngũ thú của Tam giới. Do đó mà làm chướng ngại cái lý tịch tịnh Niết-bàn, nên gọi là Phiền não chướng, vì nó làm lay động khổ não trong thân tâm của chúng sanh, nên tên là phiền não, bởi phiền não nó hay làm chướng ngại Niết-bàn, nên tên là chướng. 2-Tất cả các điều mê hoặc là tham, sân, si, mạn… nó làm cho chúng sanh bị ngu si mê ám, chẳng thể hiểu rõ được sự tướng của các pháp và thực tánh (chân như), bởi vì cái dụng của nó hay làm chướng cái Bồ-đề diệu trí có thể khả dùng rõ biết sự tướng thực tánh. Tên là ngu si mê ám chướng ngại cái diệu trí, nên gọi là trí chướng, cũng gọi là tri chướng, làm chướng nga”i cảnh sở tri mà chẳng cho hiện ra, nên rằng Sở tri chướng, làm chướng ngại cái trí năng tri mà chẳng sanh ra, nên rằng trí chướng. Cái sở tri chướng đây do pháp chấp mà sanh. Hai chướng đây: một thể mà hai dụng, với cái dụng của sự vật mà, mê nơi bên sự hòa hiệp thì, tên là phiền não chướng; với cái thể của sự vật mà, mê nơi bên lý như huyễn thì tên là sở tri chướng.

Mười triền: Có mười món vọng hoặc, nó triền phược chúng sanh, chẳng cho ra khỏi sanh tử, không cho chứng quả Niết-bàn nên gọi là Thập triền: 1-Vô tàm. 2-Vô quí. 3-Tật. 4-San. 5-Hối. 6- Thụy miên. 7-Trạo cử. 8-Hôn trầm. 9-Sân phẫn. 10-Phú.

26. Sanh không Pháp không: Tức sanh pháp nhị sanh quán, hoặc sanh không quán, pháp không quán, chính cái đạo quán của Đại thừa Bồ-tát. Nghĩa là quán xét nhân vẫn không và pháp vẫn không, để đoạn trừ cái ngã chấp và pháp chấp mà chứng cái ngã không chân như và pháp không chân như. Người tu hành bên Tiểu thừa, chỉ tu sanh không quán (ngã không, nhân không), chứ chẳng tu pháp không quán, nên chẳng thể đoạn được cái bệnh pháp chấp, thấy trong Bách Pháp Vấn Đáp Sao cuốn 7.

27. Dị thục thức có 3 nghĩa: Cựu dịch là quả báo; tân dịch là dị thục. Y nơi thiện ác của đời quá khứ mà đắc lấy cái tên chung là quả báo. Nghĩa là quả khác (dị) với tánh chất của nhân mà thành thục. Như thiện nghiệp chiêu cảm lấy lạc quả, ác nghiệp chiêu cảm lấy khổ quả, là lạc quả phi thiện tánh mà là vô ký tánh (phi thiện phi ác rằng vô ký), đối với nghiệp của thiện tánh, có thể nói là dị loại (thiện tánh với vô ký tánh khác loại), khổ quả đối với ác nghiệp, khổ quả phi ác tánh mà là vô ký tánh, là cũng nhân cùng quả tánh chất khác nhau (khổ quả lạc quả đều là vô ký tánh). Nhân tên rằng dị thục quả. Lại, nhân với quả nghĩa nó ắt cách đời với cái thời khác mà thục. Luận Cu Xá cuốn 6 nói: “Khác loại mà thục, là nghĩa dị thục”. Duy Thức Thuật Ký rốt cuốn 2 nói: “Rằng dị thục đó, hoặc dị thời mà thục, hoặc biến dị mà thuc, hoặc dị loại mà thục”. (Đó là 3 nghĩa).

28. Tương ưng với bốn hoặc: Quảng Hoằng Minh Tập Tự nói: “Say bốn hoặc mà đắm dục trần”, cũng tức tứ phiền não. 1-Ngã si: Tức vô minh, ngu nơi cái tướng của ngã mà mê ám nơi cái lý vô ngã. 2-Ngã kiến: Tức ngã chấp, với cái pháp phi ngã quấy kể là ngã. 3-Ngã mạn: Tức cứ ngạo, trì lấy cái ngã sở chấp, khiến cho cái tâm tự cao lên. 4-Ngã ái: Tức ngã thân, với cái ngã sở chấp sanh niệm đắm dính quá sâu. Bốn phiền não đây là căn bản, nó thường hằng tương ưng với đệ thất thức.

29. Ngôi tín tâm: Tức thập tín tâm vị. Quán tu cái lý vạn pháp duy thức, lập làm năm vị: 1-Tư lương vị, với trước thập địa, 30 tâm là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, là ngôi chứa tư lương của Phật đạo. 2-Gia hạnh vị, với sau rốt 30 tâm, sắp vào kiến đạo, mà làm noãn, đảnh, nhẫn và thế đệ nhứt pháp. Bốn thiện căn là ngôi phương tiện gia hạnh.

Sơ a-tăng-kỳ 10 Tín
10 Trụ
10 Hạnh
10 Hồi hướng

10 Hồi hướng
4 thiện căn

Tư lương vị

Gia hạnh vị

Gia hạnh vị là ngôi thứ hai trong năm ngôi của Duy Thức tông, với sau 10 hồi hướng, tu bốn pháp tâm từ, đắc ngôi tứ thiện căn là noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất pháp, là vào nơi kiến đạo, chính là thông đạt nơi bờ mé phương tiện gia hạnh với chân lý, nên gọi là gia hạnh vị, tức là gia hạnh đạo trong bốn đạo. 3-Thông đạt vị, với nhập tâm (mỗi địa đều có: nhập, trụ, xuất là 3 tâm) nơi Sơ địa, suốt thấu nơi lý nhị không vô ngã, tức là kiến đạo. 4-Tu tập vị, từ trụ tâm Sơ địa đến xuất tâm thập địa (tức đẳng giác) giữa đó, lặp tu tập diệu quán để trừ các chướng, tức là ngôi tu đạo. 5-Cứu cánh vị, là ngôi đoạn hoặc chướng là đã cứu cánh, tức là vô học đạo, mở ra thì là ba a-tăng-kỳ bốn mươi mốt vị. Tiếp với cái biểu trên.

Nhị a-tăng-kỳ

Tam a-tăng-kỳ

Sơ địa
Nhị địa
Tam địa
Tứ địa
Ngũ địa
Lục địa
Thất địa
Bát địa
Cửu địa
Thập địa

Phật vị
Nhập tâm
Trụ tâm
Xuất tâm

Nhập tâm
Trụ tâm
Xuất tâm
Thông đạt vị

Tu tập vị

Cứu cánh vị

Nhân quả hiệp lại có 41 vị. Đây là với trước ngôi 10 trụ, mở thêm ra ngôi Thập tín tâm thì là 51 vị. Với số 1 thập địa, mới thêm ra ngôi Đẳng giác thì, thành là 52 ngôi Bồ-tát. Pháp tướng tông dùng 41 ngôi; Thiên Thai tông dùng 52 ngôi, là vì chỉ hoặc khai hoặc hiệp mà bất đồng đó thôi. Lại, Tứ tầm tư: Là ngôi tứ thiện căn của Cu-xá tông tiểu thừa, tu 16 pháp quán hành tướng; Thành Thực tông thì tu pháp quán vô thường. Mà Đại thừa pháp tướng tông với ngôi đây tu bốn pháp quán tầm tư, cùng bốn pháp như thực. Tứ tầm tư tức là ngôi đệ nhị gia hạnh trong năm ngôi của pháp tướng. Tứ tầm tư quán ấy, là với ác pháp có bốn món: danh, nghĩa, tự tánh và sai biệt. Danh: là cái danh của sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Nghĩa là y nơi cái danh mà nói ra các cái thể của sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Tự tánh sắc, thụ, tưởng, hành, thức đều tự thể tánh. Sai biệt: là chủng loại sai biệt trong thể. Như sắc thụ của người cùng đồng đẳng với trời. Các pháp cũng bất quá bốn món ấy. Hành giả quán xét bốn pháp ấy, là do nơi nội tâm của tự mình sở biến ra, là những cái pháp như huyễn hư giả, tìm cầu nghĩ xét đấy là giả có mà thực không, nên gọi là tứ tầm tư quán. Lấy cái quán xét tìm ấy làm nhân, mà sanh ra cái trí ấn khả quyết định, không những như thực rõ biết danh nghĩa, tự tánh, sai biệt của sở thủ sở duyên là tự tâm sở biến là giả hữu thực vô, mà còn rõ biết ấn khả cả bốn pháp danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt cũng là giả hữu thực vô nữa, nên gọi là trí như thực quán. Song, tứ tầm tư trí như thực đây, chính là pháp quán sở phát. Đến nơi thiên định năng phát mà nói thì. 1-Minh đắc định. 2-Minh tăng định. 3-Ấn thuận định. 4-Vô gián định, mà bốn noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhứt pháp ấy, chính là cái công đức sở đắc.

Tứ gia hạnh: Bên Đại thừa pháp tướng tông, lấy bốn thiện căn: noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhứt pháp là ngôi gia hạnh trong năm ngôi, nên lấy tứ gia hạnh làm cái danh khác tứ thiện căn.

Cu-xá tứ thiện căn: 1-Noãn pháp: Cái niệm tổng tướng trụ rồi, cái niệm sau sở sanh ra thiện căn tên là Noãn pháp. Noãn là cái tướng trước của thánh hỏa, thánh hỏa ví là cái vô lậu trí ngôi kiến đạo. 2-Đảnh pháp: Noãn pháp thực phẩm, niệm sau sở sanh ra cái thiện căn tên là Đảnh pháp,… 3-Nhẫn pháp: Là cái thiện căn sanh hậu niệm của đảnh, tên là Nhẫn pháp… 4-Thế đệ nhất pháp, là cái thiện căn sanh nơi hậu niệm của thượng nhẫn. Cả bốn ấy đều do quán pháp Tứ thánh đế mà đắc Tứ thiện căn.

Thành Thực tông tứ thiện căn: Tông này chẳng bằng Cu-xá tông, có nói riêng quán Tứ thánh đế, vì tông này chỉ lấy pháp quán vô thường, quán sát ngũ uẩn, sanh ra cái Niết-bàn trí tương tợ. Trong đó phân làm bốn phẩm, hạ tên là Noãn pháp, trung tên Đảnh pháp, thượng tên Nhẫn pháp, thượng thượng tên là Thế đệ nhứt pháp.

Pháp tướng tứ thiện căn: Pháp tướng Đại thừa với tiền gia hạnh của chân duy thức quán, y nơi Minh đắc định, Minh tăng định, Ấn thuận định và Vô gián định là bốn định ấy mà phát ra cái quán trí tứ tầm tư, tứ như thực, như thực thứ đệ là noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhứt pháp là Tứ thiện căn.

Pháp sư THÁI HƯ Giảng ký – Sa-môn KHÁNH ANH Việt dịch
Kỷ niệm mùa Đông an cư năm Kỷ Hợi Phật lịch 2503 – Dương lịch 1959 CHÙA PHƯỚC HẬU

http://www.tangthuphathoc.net/gianggiai/phambaoangianggiai.htm

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.