Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào – Phẩm Quán Đốt Và Bị Đốt

Chương thứ 10 của Trung Luận cho chúng ta thấy là không có một chủ thể thường tại, không có một cái ngã trong con người của ta (tự tánh) và trong con người của người khác (tha tánh). Biện chứng pháp (dialectic) của thầy Long Thọ rất hay. Đề tàiLửa và Nhiên liệu đã được sử dụng ở những nơi khác. Có những chủ thuyết muốn chứng minh là có một chủ thể, một cái ngã tồn tại trong không gian và trong thời gian. Ở đây chúng ta dịch là Đốt và Bị đốt nhưng trong nguyên văn thì dùng Lửa và Nhiên liệu (Fire and Fuel)Fire, tiếng Phạn là agni, fuel là indhana.

Bài kệ 1

Nhược nhiên thị khả nhiên 若燃是可燃
Tác tác giả tắc nhất 作作者則一
Nhược nhiên dị khả nhiên 若燃異可燃
Ly khả nhiên hữu nhiên. 離可燃有燃

Nếu đốt là bị đốt
Tác tác giả là một.
Đốt không là bị đốt
Lìa bị đốt có đốt.

Nhược nhiên thị khả nhiên

Nghĩa là: Nếu đốt (lửa) là cái bị đốt (nhiên liệu). Nhiên là sự đốt cháy (combustion), đó là lửa. Khả nhiên là cái bị đốt cháy (combustible).

Tác tác giả tắc nhất

Nghĩa là: Hành động (tác) và người hành động (tác giả) là một. Tác là action, tác giả là actor.

Chúng ta phải phân biệt hai cái: chủ thể hành động và hành động. Ví dụ: Tôi ngồi, có cái tôi và có cái ngồi; Tôi chết, có cái tôi và có cái chết. Vậy thì: Cái tôi với cái ngồi là một hay là hai? Cái tôi với cái chết là một hay là hai?

Thầy Long Thọ mở từ từ cho chúng ta thấy: Nếu sự đốt là vật bị đốt thì hành động và người hành động là một. Hai câu kế là:

Nhược nhiên dị khả nhiên

Nghĩa là: Nếu đốt không phải là cái bị đốt.

Ly khả nhiên hữu nhiên

Nghĩa là: Ngoài cái bị đốt còn có cái đốt được.

Nếu nói lửa và củi là một thì sự đốt và cái bị đốt là một. Nếu nói lửa và củi là hai cái khác nhau thì hóa ra rằng ngoài củi có thể có được lửa?

Cây đèn cầy này chưa bị đốt nên không thể gọi là cái bị đốt. Chúng ta cứ tưởng cái bị đốt có thể có mặt độc lập với cái đốt (lửa) và chờ cái đốt tới. Nhưng cái đốt cũng không thể có mặt ngoài cái bị đốt.

Nói rằng lửa có thể có mặt độc lập ngoài nhiên liệu là chuyện không thể có được; nói rằng lửa là nhiên liệu cũng sai. Còn nói lửa và nhiên liệu là hai cái khác nhau thì có nghĩa là lìa nhiên liệu có thể có lửa, điều này cũng là vô lý. Đây là đầu dây mối nhợ để đi đến tuệ giác của vô ngã.

Chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ là phải có một cái ngã, tức là có một tác giả sẵn sàng có đó để làm một động tác. Sư chú Pháp Hữu phải có mặt đó để có thể che dù hay để nấu nước trà. Có sư chú Pháp Hữu (tác giả) và có chuyện nấu trà hay chuyện che dù (tác), nói như vậy là sai. Sư chú Pháp Hữu và việc pha trà là một hay là khác? Ta không thể chứng minh được nó là một hay là khác nhau. Tác với tác giả nương nhau mà có. Chúng ta cứ tưởng ta là một thực tại có đó sẵn rồi và thực tại đó tới chỗ này làm cái này hay tới chỗ kia làm cái kia, đó là do vô minh của ta.

Ta nói: Tôi biết là gió đang thổi. (I know the wind is blowing). Rất là buồn cười! Gió có thể là một thực tại riêng biệt ngoài thổi hay không? Có gió mà không thổi được không? Không thổi thì làm sao gọi là gió được? Khi không thổi thì nó cũng được gọi là gió sao?

Khi nói gió thổi thì chúng ta thấy được sự kỳ cục của cách ta dùng chữ, cách ta suy tư. Gió thì bao giờ cũng thổi, chỉ có một thực tại đang xảy ra là gió. Cái thực tại đang xảy ra là có một cái biết. Chúng ta nghĩ phải có một cái tôi rồi mới có cái tri giác (perception) được. Nhưng thử hỏi: Cái tri giác có thể có mặt ngoài cái tôi và cái tôi có thể có mặt ngoài cái tri giác không?

Trong câu “gió đang thổi” ta có thể loại trừ chữ thổi. Gió là đối tượng của tri giác. Đối tượng của tri giác (gió) và chủ thể của tri giác (cái biết) là một hay là hai? Hai cái có thể tồn tại độc lập với nhau không? Ta có thể bỏ chữ “biết” vì gió là đối tượng của cái biết rồi. Nên thay vì nói dài dòng: “Tôi biết là gió đang thổi”, thì ta có thể nói: “Gió”. Trong chữ gió đã gồm đủ “tôi biết là gió đang thổi”. Trong gió không có cái ngã, không có actor và không có action, nó là một cái gì đang xảy ra. Khi ta có một tư tưởng hay một cảm thọ thì ta không nghĩ rằng có một người hay một chủ thể có đó rồi mới có cảm thọ hay tư tưởng xảy ra. Chúng ta không cần có tác giả. Đây là phương tiện quyền xảo của thầy Long Thọ để giúp chúng ta thấy được sự vô lý trong cách suy tư của mình. Chúng ta bị kẹt vào cái ngã. Chúng ta suy tư trên căn bản về ngã, tức là trên căn bản có một thực tại riêng biệt. Nguyên tắc suy tư và lý luận đó là nguyên tắc đồng nhất (principle of identity): A là A, có nghĩa là A không phải là B. Là A rồi thì chỉ có thể là A thôi, không thể là B được. Đó là nền tảng của sự nhận thức và sự suy tư của chúng ta, đó là nguyên tắc đồng nhất.

Trong khi đó, theo biện chứng pháp của kinh Kim Cương thì A mà ta thấy không phải là A, thì lúc đó ta mới nhận diện được tướng trạng đích thực của nó. Kinh Kim Cương nói: Bồ tát mà không phải là Bồ tát thì mới thực sự là Bồ tát; chúng sanh mà không phải là chúng sanh thì mới gọi là chúng sanh; ngã mà không phải là ngã thì mới gọi là ngã. Nhìn sâu vào để thấy rằng: Ý niệm về ngã, về một thực tại bất biến (identity) không thể có được, nó là một ảo vọng. Lúc đó ta mới thấy được nó là nó, ngoài ra thì ta chỉ có ảo tưởng về nó mà thôi.

Nhìn vào con người, ta thấy con người được kết hợp bởi những yếu tố không phải con người như là đất đá, khoáng chất, thực vật và động vật. Trong quá trình hình thành con người có vai trò của những loài đó. Nhìn vào con người mà thấy con người được làm bằng những yếu tố không phải người thì ta biết con người không phải là một thực tại độc lập ngoài những cái làm ra con người, khi đó ta mới thấy được con người thực sự. A mà không phải là A thì mới thật là A.

Kinh Kim Cương là một văn bản xưa nhất ý thức về việc bảo vệ môi sinh. Muốn bảo vệ con người thì phải bảo vệ những yếu tố giúp làm biểu hiện ra con người như là đất đá, cây cỏ và cầm thú. Nhìn con người mà thấy đất đá, cây cỏ và cầm thú thì giống như nhìn A mà thấy không phải là A. Lúc đó ta mới thấy được con người chân thực, A mới thực là A. Đó là ta có tuệ giác tương tức, ta thấy được chân tướng của A.

Biện chứng pháp của thầy Long Thọ cũng vậy. Ban đầu ta tưởng có một tác giả (actor) biệt lập ra ngoài hành động (action), nhìn cho kỹ thì ta thấy không phải như vậy, nó không phải một cũng không phải khác. Đó là chân lý phi nhất phi dị.

Bài này nói về tính cách bất nhị của đốt và bị đốt, một bên là đốt (lửa) và một bên là bị đốt (củi). Trong đầu chúng ta nghĩ, lửa là một cái và nhiên liệu đang bị đốt là một cái khác. Điều này quan trọng lắm! Chúng ta hầu hết đều tin là có một linh hồn biệt lập ngoài thể xác của ta. Khi ta chết thì linh hồn đó lên trời hoặc xuống địa ngục, làm như linh hồn là một cái gì có thể tồn tại độc lập khỏi thân xác (hồn lìa khỏi xác!).

Tóm lại, hai câu đầu giả định: Nếu đốt là bị đốt thì tác và tác giả là một, ta không cần phải phân biệt năng đốt và sở đốt, tức là chủ thể đốt và đối tượng đốt (the one who burns and the one who is burned are just one). Điều đó có một cái gì không đúng!

Hai câu kế giả định: Nếu cái đốt hoàn toàn khác với cái bị đốt, thì hóa ra lìa cái bị đốt còn có cái đốt. Nếu ngoài cái bị đốt có sự đốt thì sự đốt cứ đốt hoài mà không cần cái bị đốt. Nếu ta có linh hồn riêng ngoài thân xác thì linh hồn đó cứ sống hoài mà không cần thân xác này mới có thể sống được. Nói như vậy thì người ta có thể nghĩ rằng ta chủ trương không có linh hồn.

Câu hỏi được đặt ra là: Cái đốt và cái bị đốt là một hay là hai?

Bài kệ 2

Như thị thường ứng nhiên 如是常應燃
Bất nhân khả nhiên sanh 不因可燃生
Tắc vô nhiên hỏa công 則無燃火功
Diệc danh vô tác hỏa. 亦名無作火

Vậy đốt cứ đốt hoài
Không cần nhờ bị đốt
Không cần công người đốt
Lửa không còn tác dụng.

Như thị thường ứng nhiên

Vậy thì đốt cứ đốt hoài. Nếu ngoài cái bị đốt mà có cái đốt thì cái đốt nó cứ liên tục hoài. Nếu có một linh hồn có thể tồn tại độc lập ngoài thân xác thì linh hồn đó sống cần gì thân xác?

Bất nhân khả nhiên sanh

Sự đốt không cần nhờ cái bị đốt mà sanh ra. Đó là chuyện vô lý! Có thể có một linh hồn tồn tại ngoài thể xác là một chuyện vô lý. (Nhưng phần đông trong chúng ta đều tin như vậy!).

Tắc vô nhiên hỏa công

Nhiên hỏa công là công việc đốt lửa. Như vậy thì không cần công việc đốt lửa nữa vì cái đốt có tự tánh (self-nature) của nó. Tự mình nó có, nó không cần hành động đốt.

Ngày hôm kia chúng ta nhen lửa trên xóm Thượng thì ta cần có sư chú quẹt diêm để đốt. Nếu cái đốt tự mình nó có thì đâu cần sư chú tới quẹt diêm? Tắc vô nhiên hỏa công tức là không cần có công tác nhen lửa.

Diệc danh vô tác hỏa

Không có công việc gọi là nhen lửa và lửa cũng không còn công dụng nữa.

Bài kệ đầu tiên đã phá đi hai ý niệm về nhất và về dị, về một (same) và về khác nhau (different). Lửa với nhiên liệu là một hay là hai đều trở thành vô lý dưới ánh sáng của biện chứng pháp Long Thọ.

Bài kệ thứ hai phá vỡ lý luận: Đốt không cần cái bị đốt mà nó có thể một mình tồn tại được.

Bài kệ 3

Nhiên bất đãi khả nhiên 燃不待可燃
Tắc bất tùng duyên sanh 則不從緣生
Hỏa nhược thường nhiên giả 火若常燃者
Nhân công tắc ưng không. 人功則應空

Đốt không cần bị đốt
Thì chẳng từ duyên sinh.
Nếu lửa thường đốt cháy
Thì không cần kẻ đốt.

Nhiên bất đãi khả nhiên
Tắc bất tùng duyên sanh

Nếu nói đốt không cần cái bị đốt mà vẫn tự mình có được thì cái đốt đó bản thân của nó không cần nhân duyên mà sanh (phi duyên sanh).

Hỏa nhược thường nhiên giả
Nhân công tắc ưng không

Nếu lửa cháy liên tục như vậy thì hành động của người đốt cũng là không có.

Bài kệ này tiếp nối phá bỏ ý niệm “cái đốt khác với cái bị đốt”. Chúng ta sẽ học tới chỗ “đợi nhau” tức là cái bị đốt đợi cái đốt và cái đốt đợi cái bị đốt.

Chúng ta có thể nói cây đèn cầy này là một nhiên liệu (fuel) và nó đang đợi lửa đến. Như vậy thì nhiên liệu tự nó có, đâu cần phải có nhiên thì mới gọi nó là nhiên liệu! Giống như là nhiên liệu có mặt riêng và nhiên có mặt riêng, trong đầu của chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng suy tư đó rất là ngây thơ! Cái bàn kia có phải là nhiên liệu hay không? Nếu có lửa tới thì cái bàn cũng cháy. Vậy, chúng ta có gọi cái bàn là nhiên liệu không? Trong thế giới này có cái gì mà không phải là nhiên liệu hay không? Đất đá cũng có thể cháy được, sắt cũng có thể cháy được. Khi hỏa diệm sơn phun lửa thì lửa của hỏa diệm sơn có thể đốt hết nhà cửa, đất đá. Có gì mà không phải là nhiên liệu? Nhưng chỉ khi nó đang bị đốt thì ta mới có thể thấy được sự đốt. Nếu không thì cây đèn cầy cũng giống như cái bàn hay cục đá, ta không thể nói nó là nhiên liệu. Nhiên liệu chỉ có nghĩa khi nó đang bị đốt, trước khi đó nó chưa chính thức là nhiên liệu. Cũng như ta mới là “tập sự”, ta chưa là sư em thì đâu được gọi là sư em? Phải có lửa của mười giới tới đốt thì ta mới được gọi là sư em. Cây đèn cầy này chưa được gọi là khả nhiên vì nó chưa bị đốt.

Khi mẹ mang thai mình thì người ta nghĩ rằng, trước hết có một hình hài rồi có một linh hồn từ đâu tới chui vào đó và tự nhiên thai có linh hồn. Đó là quan niệm lưỡng nguyên (linh hồn khác và thai khác). Chúng ta có cảm tưởng lửa là một thực tại ở ngoài và nó tới với cái bị đốt. Nhưng ta biết rất rõ là, trước khi bị đốt thì cái bị đốt chưa được gọi là bị đốt. Lửa (cái đốt) có phải là một thực tại có ngoài cái bị đốt không? Chỉ cần quẹt một que diêm là ta biết. Từ không có gì hết, không có đốt cũng không có bị đốt tự nhiên phát hiện ra đồng thời cái đốt và cái bị đốt. Hễ có cái đốt là có cái bị đốt, chứ không phải cái bị đốt đang chờ cái đốt và cũng không có cái đốt tìm tới cái bị đốt. Đó là tuệ giác vô khứ vô lai (không từ đâu tới và cũng không đi về đâu cả).

Sức nóng của lửa nơi hộp diêm quẹt lên làm cho chất sáp của đèn cầy nóng lên và tạo ra một loại hơi (vapeur) gọi là hơi sáp. Trước đó không có sự cháy. Nhiên liệu (sáp) phải nóng lên, trở thành hơi, lúc đó nó mới là duyên giúp cho lửa phát hiện được. Khi đốt, thật sự là đốt hơi sáp chứ không phải đốt sáp. Nếu có một ống dẫn đưa hơi sáp ra ngoài thì ta quẹt một que diêm châm ở ngoài cũng cháy được, sáp biến thành hơi thì mới cháy được. Khi cháy, nó tạo ra một luồng khí nóng kéo khí lạnh phía dưới đi lên. Nhờ có luồng khí nóng đi lên nên ngọn lửa mới dài và thon đẹp như vậy.

Nếu xung quanh không có không khí (oxygen) thì cũng không cháy được. Nhiên liệu là một điều kiện mà dưỡng khí cũng là một điều kiện. Nếu ta lấy một lọ thủy tinh trong úp lên thì ngọn lửa sẽ chết, tại vì nó không có dưỡng khí. Có những điều kiện khác nhau đưa tới sự phát hiện của lửa. Khả nhiên không phải là điều kiện duy nhất, còn có người châm hộp quẹt, còn có dưỡng khí trong không gian v.v… Ngọn lửa khi phát hiện giúp cho nhiên liệu trở thành nhiên liệu thiệt.

Khi thổi tắt ngọn đèn, ta thấy có hơi bay lên. Đó là hơi sáp có thể đốt được. Khi nó cháy và không có khói thì tạo ra carbonique và nước. Chúng ta cũng vậy, khi có năm hay mười người ngồi trong một phòng, trời bên ngoài rất lạnh và đóng hết cửa sổ lại một hồi thì ta thấy có hơi nước. Hơi nước đó từ người thở đi ra. Chúng ta không khác gì cây đèn cầy, những tế bào trong ta cũng đốt. Muốn cho tế bào đốt được đàng hoàng ta phải thở cho có dưỡng khí vào. Sự sống của con người là một quá trình đốt. Nếu so sánh lại thì ta không khác gì cây đèn cầy. Ngọn lửa là linh hồn của cây đèn và chất sáp là thể xác của cây đèn.

Ta tự hỏi, trong khi cây đèn cầy đang cháy thì ngọn lửa là một thực tại riêng biệt hay là cùng một thực tại với cây đèn cầy? Vấn đề đặt ra là nhiên với khả nhiên là một hay là khác? Câu trả lời của thầy Long Thọ là: không phải một cũng không phải khác.

Từ từ chúng ta sẽ học là không có cái nào tới với cái nào cả, khả nhiên không tới với nhiên và nhiên cũng không tới với khả nhiên, lửa không tới với củi và củi cũng không tới với lửa. Nếu tới với nhau thì tức là nó đã có rồi mới tới với nhau được. Anh không có đó thì làm sao anh tới với tôi? Tôi không có đây thì làm sao tôi tới với anh? Chúng ta sẽ học một bài về “không tới, không đi”.

Quán chiếu hợp thể ngũ uẩn ta thấy nó giống như một cây đèn cầy. Phần dưới của ngọn lửa có màu đậm, càng lên trên nó càng trong sáng. Ta có sắc (hình hài của ta) và ta có thọ, phát xuất từ sắc. Sắc làm nền tảng cho cảm thọ. Những cảm thọ như khỏe hay mệt, đau nhức hay dễ chịu đều có nền tảng nơi sắc. Nhưng cũng có những cảm thọ không có nền tảng nơi sắc mà có nền tảng nơi tưởng.

Tưởng (perception) là nhận thức, là tri giác. Nhìn cây bút, ta nhận diện ra đây là một cây bút, đó là một cái tưởng. Khi có nhận thức sai lầm, ta có thọ đau khổ. Người kia không ghét ta mà ta tưởng người đó ghét ta nên ta khổ. Thọ đó không phát sinh từ sắc mà phát sinh từ tưởng. Tưởng cũng có dính líu tới sắc. Nếu không có con mắt, không có lỗ tai thì làm sao ta có tri giác? Thọ có nền tảng nơi sắc mà tưởng cũng có nền tảng nơi sắc. Do tri giác của ta lành mạnh hay không lành mạnh mà thân thể của ta mạnh khỏe hay bệnh tật. Tri giác đúng đắn, ta có trạng thái nhẹ nhàng giải thoát, còn nếu nhận thức của ta sai lạc, đầy những lo âu thì thân xác ta càng ngày càng hư hoại. Tưởng và thọ dựa vào sắc thì sắc cũng dựa vào tưởng và thọ. Ngọn lửa dựa vào chất sáp mà phát hiện thì chất sáp cũng nhờ vào lửa mà chảy ra để tỏa ra ánh sáng và sức nóng. Trong hình hài ta chứa đựng những điều kiện để phát sinh ra thọ, tưởng, hành và thức. Thọ và tưởng là hai tâm hành. Thức bao gồm tất cả, thức phát hiện từ sắc và bao gồm cả sắc. Ta có thể ví hình hài với nhiên liệu (cái bị đốt); thọ, tưởng, hành và thức là lửa (cái đốt). Sai lầm của ta là ta nghĩ: “Lửa là một cái gì khác với nhiên liệu, hoặc lửa là nhiên liệu mà thôi”. Hai quan niệm đó đều sai cả.

Theo tín ngưỡng của một số truyền thống tôn giáo, chỉ có con người là có linh hồn mà thôi, còn những loài vật thì không có linh hồn, nhất là những loài cỏ cây và đất đá. Lâu nay người ta vẫn nghĩ thú vật chỉ có bản năng (instinct) thôi. Thú vật sống được là nhờ bản năng của nó, nó không suy tư như con người. Nó có cảm giác không? Chúng ta biết thú vật có cảm giác, biết đau, biết buồn nhưng không biết nó có tưởng hay có tri giác không? Tại sao lại không? Nếu không có tri giác thì tại sao loài vật biết tới chỗ đó để ăn? Nó biết cái gì ăn được và cái gì không ăn được? Nói nó không có tri giác là sai. Nhưng chúng ta có khuynh hướng cho là thú vật chỉ có bản năng (instinct) thôi. Bây giờ các nhà khoa học thuộc khoa éthologie (khoa học quan sát các loài vật trong môi trường sống của chúng) khám phá ra là loài vật có cảm thọ, tri giác và sự thông minh.

Nhà triết học Mỹ William James kể, ông có một người bạn thích đi chơi thuyền trên hồ vào ngày chủ nhật và ông ta thường dắt con chó đi theo. Mỗi lần ông kêu nó đi theo thì nó sướng lắm, nó biết nó sắp được đi chơi hồ. Hai thầy trò phải đi gần một cây số mới tới bờ hồ. Thường thì khi xuống thuyền ông dùng một cái éponge (miếng giẻ lau chùi) để lau lòng thuyền cho sạch. Một hôm, ông để quên cái éponge ở nhà, khi đến nơi thấy thuyền dơ quá mà đi về lại nhà để lấy éponge thì xa, ông nhìn con chó, rồi làm cử chỉ lau chùi và ông chỉ về phía ngôi nhà. Tự nhiên con chó hiểu, nó phi về nhà, và trong vòng mấy phút nó trở lại trong miệng ngoạm cái éponge. Người ta hiểu là loài chó có thông minh. Thường thường người ta nói bản năng của thú vật là một cái gì đen tối mà ta không thể thấy được. Nhờ những nhà khoa học trong khoa éthologie mà ta biết rằng có sự chuyển hóa trong loài vật. Nếu con người là từ loài vật tới thì ta cũng thừa hưởng được những kinh nghiệm của loài vật. Loài vật cũng có sự thông minh, cũng có tư duy, nhưng với trình độ thấp hơn thôi.

Có một nhà khoa học nói như thế này: Khi có sự thông minh thì cái tri giác trong đầu mình như là một bản đồ (carte géographique cognitive). Ông đem ví dụ một cậu học trò, mỗi sáng tới trường học, chiều về nhà. Có hôm đi học về cậu muốn mua bánh ăn. Trong đầu cậu có sự thông minh, cậu biết rõ tiệm bánh nằm trên con đường đi về nhà, cho nên cậu đã tới tiệm mua bánh rồi mới về nhà. Nếu về nhà rồi mới đi mua bánh thì ngu quá đi! Trong đầu của cậu có một bản đồ địa dư về tri giác, gọi là carte géographique cognitive.

Căn cứ trên định nghĩa đó, có một nhà éthologiste (phong tục học) đem ra áp dụng cho loài ong. Ông dời tổ ong đến một chỗ xa lạ, để đó một thời gian cho những con ong đi khám phá vùng đó để chúng nó biết chỗ nào có hoa. Sau đó ông thiết lập một vị trí gọi là điểm A và để ở đó nhiều chén nhỏ đựng thực phẩm cho ong. Nội trong vài ngày sau, những con ong lập tức khám phá ra được chỗ đó và tới ăn rất nhiều. Ông đợi xem thử chúng có biết chỗ rõ ràng không và biết đi từ tổ ong đến điểm A bằng con đường ngắn nhất hay không. Ông muốn tìm xem bọn ong có cái “carte géographique cognitive” không? Khi ong đã quen với nguồn thực phẩm A rồi thì ông bắt chúng nhốt vào một cái thùng rất kín để chúng không xác định được phương hướng, rồi ông đưa chúng đến một địa điểm khác gọi là B. Ý của ông là muốn xem những con ong có bay về tổ trước khi đến điểm A không? Hay là nó có đủ thông minh để bay thẳng đến A trước khi về tổ như cậu học trò ở trên? Ông lấy màu đánh dấu những con ong đàng hoàng. Khi thả chúng ra thì ông nhận thấy có một số ong phải đi về tổ trước rồi mới tới điểm A được. Trái lại, có những con ong không cần về tổ, nó bay thẳng tới điểm A. Ông chứng minh là loài vật cũng có “carte géographique cognitive”, có sự thông minh của nó.

Có một nhà nghiên cứu về phong tục học (éthologiste) đi chơi gặp năm con chuột nước chưa mở mắt, mẹ nó chết rồi. Ông đem về nuôi, cho ăn rồi cuối cùng ông đem thả ra hồ. Những con chuột con tự động bơi được ngay, nó không học từ mẹ nó. Người ta kết luận là khả năng có thể xoay xở để đối phó với hoàn cảnh của con người cũng như loài vật đã có sẵn rồi, không cần phải học tập mới làm được.

Ngày xưa, khoảng thế kỷ XV, XVI, người ta nghĩ rằng: Con người có năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) và nhờ năm giác quan đó mà ta biết được sự thật của thế giới bên ngoài. Chủ thuyết đó dựa vào ý niệm về kinh nghiệm hay nhờ những thực nghiệm mà ta biết được sự thật khách quan về thế giới bên ngoài. Nhưng sau đó có những nhà khoa học như Kant, người Đức, nói rằng: Ta không thể nào biết được bản thể của sự vật (la chose en soi). Sự vật biểu hiện trong giác quan của ta như thế nào thì ta thấy như thế đó thôi. Kỳ thực, sự vật ở ngoài không phải như vậy. Ta chỉ thấy được những tiêu biểu của sự vật thôi. Nói theo danh từ của Duy Thức là ta chỉ thấy được đới chất cảnh mà không bao giờ thấy được tánh cảnh hay chân như của sự vật. Kant nói rằng: Sở dĩ ta có được ý niệm về thế giới bên ngoài là nhờ khi sanh ra ta đã có sẵn cái gọi là tiên nghiệm. Tiên nghiệm (a priori) là kinh nghiệm, là một cái khung trong đó đã được đựng sẵn thế giới bên ngoài, giống như căn bản trí vậy. Không có nó, ta không thể nào nhận thức được bên ngoài.

Như những con chuột nước khi sanh ra đã có khả năng bơi lội, tại vì chủng loại của nó trong mấy ngàn năm đã truyền lại cho nó rồi. Đối với con người cũng vậy. Thuyết đó rất hợp với thuyết Tiến hóa (évolution). Con báo nếu không chạy mau thì không thể đuổi theo con nai. Trong hoàn cảnh thiếu thực phẩm mà không chạy mau thì nó sẽ chết vì đói. Con hươu cao cổ sống trong sa mạc, nếu cổ nó không cao lên thì sẽ không ăn được lá cây, vì vậy khi sanh ra thì cổ nó đã cao rồi. Đó là nhờ cha mẹ trao truyền lại, trao truyền về phương diện hình hài cũng như về phương diện tâm linh. Nếu con nai không chạy mau thì nó sẽ bị hổ báo ăn; muốn sống còn, nó phải phát triển tài năng chạy. Hai chân nó càng ngày càng thay đổi để có thể chạy mau. Đó là thuyết Tiến hóa, đó là từ thế hệ này truyền đến thế hệ khác. Tiên nghiệm đó thật ra không phải là tiên nghiệm mà là hậu nghiệm. Nó là tiên nghiệm đối với những con vật mới sinh ra, nhưng đối với chủng loại của nó, đó là hậu nghiệm (a posteriori).

Trong khi học mấy bài này chúng ta thấy có sự liên hệ tới vấn đề linh hồn và thể xác. Phần lớn người ta có quan niệm hoặc linh hồn là một cái biệt lập với thể xác hoặc linh hồn chỉ là thể xác thôi. Họ không thấy được sự thật về vô khứ, vô lai, phi nhất, phi dị, duyên sinh và tương tức của đạo Bụt. Chúng ta bắt đầu từ chỗ đó mà đi tới cái thấy rất sâu sắc của đạo Bụt.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.