Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Trong đạo Bụt chúng ta được học các pháp từ nhân duyên mà sinh khởi, vì vậy đối tượng của phẩm này là quán về nhân duyên. Chúng ta có thể có một khái niệm về nhân duyên (dependent origination, relational origination), nhưng khái niệm về nhân duyên của chúng ta có thể còn ấu trĩ, còn chứa chấp rất nhiều yếu tố sai lầm. Phẩm “Quán nhân duyên” giúp chúng ta vượt thoát những ý niệm về duyên khởi mà chúng ta đang có.

Chúng ta có bản chữ Hán, có bản chữ Phạn, chúng ta có vài bản dịch bằng tiếng Anh nhưng chúng ta chưa có bản dịch tiếng Việt và tiếng Pháp. Trong quá trình học hỏi này chúng ta sẽ tạo ra bản tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh, vì bản tiếng Anh chúng ta hiện có đọc rất khó hiểu.

Bài kệ tán Bụt

Bất sinh diệc bất diệt 不生亦不滅
Bất thường diệc bất đoạn 不常亦不斷
Bất nhất diệc bất dị 不一亦不異
Bất lai diệc bất xuất 不來亦不出
Năng thuyết thị nhân duyên 能說是因緣
Thiện diệt chư hí luận 善滅諸戲論
Ngã khể thủ lễ Phật 我稽首禮佛
Chư thuyết trung đệ nhất. 諸說中第一

Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Tuyên thuyết pháp nhân duyên
Dập tắt mọi hí luận
Con cúi đầu lạy Bụt
Bậc đạo sư tuyệt vời.

Bài kệ này, tuy thuộc về phẩm “Quán nhân duyên”, nhưng thật ra nó là tiêu đề cho toàn tác phẩm. Tiêu đề là chủ trương, là tinh hoa của tất cả tác phẩm. Bốn câu đầu nói tới tám cái không (bát bất), tiếng Anh là the eight no. Thầy Long Thọ đưa ra tám cái có mục tiêu là để lấy đi tám cái không. Trong đầu ta có tám ý niệm, và chính tám cái đó làm cho ta không thấy được thực tại, không thấy được sự thực. Ta tin có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có tới, có đi, cho nên cái nhìn của chúng ta về thực tại trở thành méo mó. Vì vậy Đức Thế Tôn phải lấy những ý niệm đó ra khỏi đầu của ta.

Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất.

Chúng ta, những người ở Làng Mai lâu năm, thường nghe như vậy rồi. Tuy nhiên có vài bạn mới tới Làng nghe qua còn ngỡ ngàng lắm nên chúng ta phải giúp họ.

Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hí luận

Có nghĩa là, nếu có khả năng tuyên thuyết pháp nhân duyên này – tức là nhân duyên về bát bất (tám cái không) – thì có thể khéo léo dập tắt tất cả những hí luận. Hí là chơi. Hí luận là những chủ thuyết không đưa chúng ta tới đâu, chỉ nói để mà chơi thôi, không ích lợi gì cho đời sống, không đưa mình tới đâu hết thì gọi là hí luận (vain speculation, metaphysical speculation).

Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất

Có nghĩa là: con cúi đầu lạy xuống trước đức giác ngộ – Người hay nhất, giỏi nhất trong các bậc đạo sư. Sở dĩ chúng ta hiểu được như vậy là nhờ ta có bản tiếng Phạn. Nếu chúng ta dịch là thuyết hay nhất trong tất cả các thuyết thì không đúng. Nguyên bản tiếng Phạn cho ta biết rằng: Ngài là bậc đạo sư hay nhất vì Ngài đã tuyên thuyết được thuyết nhân duyên và bát bất, thuyết này có khả năng dập tắt được tất cả mọi hí luận (useless speculations).

Bất lai diệc bất xuất

Có nghĩa là, không đến cũng không đi. Ở đây, chúng ta không có chữ khứ mà có chữ xuất. Xuất là đi ra, còn lai là đi vô. Bất lai diệc bất xuất cũng có thể nói là bất nhập diệc bất xuất. Bất lai là không tới (no coming), muốn cho rõ nghĩa hơn thì dịch là no coming into being. Bất xuất là không đi ra ngoài (no going out of being). Bất lai diệc bất xuất là không tới để mà thành có, không đi để mà thành không.

Bài kệ

Chư pháp bất tự sinh 諸法不自生
Diệc bất tùng tha sinh 亦不從他生
Bất cộng bất vô nhân 不共不無因
Thị cố tri vô sinh. 是故知無生

Các pháp không tự sinh
Cũng không phải tha sinh
Không cộng không vô nhân
Nên đều là vô sinh.

Bài kệ này, chúng ta tạm gọi là bài kệ thứ nhất, nói về bốn cánh cửa, gọi là tứ môn.

Khi nói tới sinh là phải nói sinh bằng cách này hay bằng cách khác. Nó tự sinh ra hay là từ một cái khác sinh ra, hoặc vừa tự mình vừa do cái khác sinh ra, hoặc không cần nguyên do gì hết cũng có thể sinh ra. Đó gọi là tứ môn hay bốn trường hợp:

– thứ nhất là tự sinh

– thứ hai là tha sinh

– thứ ba là cộng sinh

– thứ tư là vô nhân sinh

Đó là tứ môn bất sinh.

Chư pháp bất tự sinh:

các pháp không tự mình nó mà sinh ra được. (Things can not be born from themselves. The phenomenal things, elements of being can not be born from themselves). Đó là trường hợp thứ nhất.

Diệc bất tùng tha sinh:

các pháp cũng không thể từ cái khác nó mà sinh ra. (Things can not be born either from others). Chữ tự đối với chữ tha. Đó là trường hợp thứ hai.

Bất cộng bất vô nhân:

Các pháp không thể vừa tự nó sinh ra vừa do cái khác nó sinh ra. Cộng sinh là vừa tự sinh vừa tha sinh. (They can not be born from both themselves and others). Bất vô nhân là không thể sinh ra mà không có nguyên nhân. (They can not be born from no causes). Đó là trường hợp thứ ba.

Thị cố tri vô sinh:

vì vậy nên ta biết tự tánh của các pháp là vô sinh. (Its nature is the nature of no birth).

Như vậy, tác giả Long Thọ đưa ra bốn trường hợp và hỏi chúng ta là các pháp được phát sinh ra từ trường hợp nào? Nó tự sinh ra, hay nó do một cái khác sinh ra, hay nó sinh ra vừa từ nó vừa từ một cái khác, hay nó sinh ra do sự tình cờ ngẫu nhiên, không có nguyên do? Cả bốn trường hợp đó đều vô lý. Và sự vô lý đó sẽ được chứng minh trong những bài kệ tới, để chúng ta thấy rõ tự tánh của các pháp là vô sinh (no birth), tức là Niết Bàn.

Tất cả những gì chúng ta đang học ở đây đều có dính líu tới đời sống hằng ngày của chúng ta, những đau khổ, những sợ hãi, những lo âu của chúng ta chứ không phải là những cái học vu vơ. Tôi sẽ đem hết tất cả xuống đất để quý vị thấy chúng có gốc rễ từ sự sống, từ sự khổ đau và sự an lạc trong đời sống hằng ngày của chính chúng ta.

Bản tiếng Việt, vì phải dịch đúng hai mươi chữ, nên quá vắn tắt, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được:

Các pháp không tự sinh: các pháp không tự mình nó mà sinh ra.

Cũng không phải tha sinh: tha đối với tự. Cũng không phải do cái khác nó mà sinh ra.

Không cộng, không vô nhân: cộng là vừa từ mình vừa từ cái khác. Không cộng là không vừa từ mình cũng không từ cái khác mà sinh ra. Không vô nhân là không phải không có nhân duyên mà sinh ra.

Chỉ có bốn trường hợp đó thôi, ngoài ra không có cái thứ năm. Nhưng trong bốn trường hợp đó, chúng ta đều thấy nó vô lý. Các pháp không thể tự mình sinh ra được, cũng không thể từ cái khác mà sinh ra được; nó không phải vừa từ chính nó vừa từ cái khác sinh ra, cũng không phải sinh ra do sự tình cờ, không có nguyên do. Như vậy chúng ta đi đến kết luận: tự tánh của các pháp là vô sinh. Bài kệ thứ hai “Như chư pháp tự tánh” của bản tiếng Hán, tôi xin đề nghị để thành bài kệ thứ ba. Theo bản tiếng Phạn thì chúng ta học bài kệ thứ ba (của bản tiếng Hán) trước và coi như đây là bài kệ thứ hai, thì hợp lý hơn.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.