Bài kệ 4
Bài kệ thứ tư lặp lại lập luận: Quả từ duyên mà sinh ra. Lặp lại để mà xét. Bài kệ này giống như một đối tượng của sự quán sát. Ta đưa đối tượng lên, rồi nhìn vào đối tượng:
Quả vi tùng duyên sinh 果為從緣生
Vi tùng phi duyên sinh 為從非緣生
Thị duyên vi hữu quả 是緣為有果
Thị duyên vi vô quả. 是緣為無果
Quả là từ duyên sinh?
Hay từ phi duyên sinh?
Trong duyên sẵn có quả?
Hay là không có quả?
Quả vi tùng duyên sinh
Đó là một câu hỏi: Anh nói quả là từ duyên mà sinh ra? (Did you say that the effect comes from the cause?)
Vi tùng phi duyên sinh
Hay là anh nói rằng quả là phi duyên mà sinh ra? (Or did you say that the effect comes from a non-cause?) Ví dụ như khi chúng ta nói, cái trứng gà là từ con gà mà sinh ra. Con gà là duyên và trứng gà là quả. Nhưng nếu nói trứng từ cái bàn sinh ra thì cái bàn là duyên hay là phi duyên? Trên phương diện hình thức, chúng ta thấy con gà mới là duyên của cái trứng gà, còn cái bàn không phải là duyên của cái trứng gà. Con gà là duyên (cause), và cái bàn là phi duyên (non-cause). Đó là câu hỏi mà thầy Long Thọ đưa ra.
Thị duyên vi hữu quả
Thị duyên vi vô quả
Câu hỏi thứ hai là trong cái duyên đó có sẵn quả rồi hay là không có sẵn quả? Cái trứng có sẵn trong con gà rồi hay là chưa có? Đây là câu hỏi thứ hai của thầy Long Thọ đưa ra. Trong bài kệ này câu hỏi đặt ra rất là rõ. Câu hỏi thứ nhất là: Quả từ duyên sinh hay từ phi duyên mà sinh? Câu hỏi thứ hai là: Trong duyên đã có quả hay trong duyên không có quả?
Bây giờ chúng ta làm cho bài kệ dễ hiểu hơn nữa: Quả là từ duyên mà sinh hay là từ phi duyên mà sinh? Trong duyên đó, đã có quả rồi hay là chưa có quả? Đặt câu hỏi như vậy ta thấy rất rõ. Câu trả lời là bài kệ thứ năm.
Bài kệ 5
Nhân thị pháp sinh quả 因是法生果
Thị pháp danh vi duyên 是法名為緣
Nhược thị quả vị sinh 若是果未生
Hà bất danh phi duyên. 何不名非緣
Nhân là cái sinh quả
Cái ấy gọi là duyên
Vậy khi quả chưa sinh
Sao không gọi phi duyên?
Bài kệ thứ năm là phát súng đầu để đập tan lập luận: quả có sẵn trong duyên. Chúng ta biết có bốn duyên mà duyên thứ nhất là Nhân duyên. Ở đây nhắm tới Nhân duyên mà xét, xét Nhân duyên xong rồi chúng ta mới xét tới những duyên khác. Nhân là gì? Nhân là một pháp mà từ đó sinh ra quả.
Nhân thị pháp sinh quả
Nhân là cái sinh ra quả (the chief cause is thought to be what that produces effect).
Thị pháp danh vi duyên
Và pháp đó được gọi là duyên. Nhân là một thứ duyên (the chief cause is a condition. The chief cause is one of the four conditions and it is what produces the effect. This is why we call it a cause).
Nhược thị quả vị sinh
Hà bất danh phi duyên
Vậy khi cái quả đó chưa sinh ra thì tại sao chúng ta không gọi nó là phi duyên? Có hai cái, một là duyên, hai là quả. Sau khi cái duyên đó sinh ra cái quả thì ta gọi nó là duyên. Vậy trước khi nó sinh ra quả tại sao ta không gọi nó là phi duyên? Duyên là duyên cái gì? Ví dụ như con gà sinh ra cái trứng. Sau khi con gà sinh ra cái trứng thì ta gọi con gà là duyên của cái trứng. Nhưng trước khi sinh ra cái trứng thì con gà cũng giống như cái bàn thôi, nó là một phi duyên. Nó chỉ được gọi là duyên khi nó sinh ra quả, còn khi chưa sinh ra quả thì tại sao chúng ta không gọi nó là phi duyên? (The chief cause is what producing effect and that is called condition. Why, before the effect is born, we did not call it a non-condition?)
Ví dụ như có một cô gái đi lấy chồng, và cô sinh ra một đứa con. Khi sinh ra đứa con thì cô gái đó được gọi là mẹ, và đứa con đó được gọi là con. Khi cô còn là một cô gái thì ta đâu có thể gọi cô là mẹ được? Chỉ khi nào cô sinh con thì mới được gọi là mẹ, còn chưa sinh con thì chưa được gọi là mẹ. Cũng một cái đó mà có khi ta gọi là duyên, có khi gọi là phi duyên. Khi có cái quả sinh ra từ cái duyên thì ta gọi nó là duyên. Nhưng khi cái quả chưa sinh ra từ cái duyên thì tại sao mình không gọi nó là phi duyên? Vậy thì cái gì làm cho duyên khác với phi duyên?
Duyên với quả sở dĩ thành lập được là vì nó có sự liên hệ nhân-quả. Cái mình gọi là nhân (hay duyên), chính cái đó, trước khi nó sinh ra quả, tại sao mình không gọi nó là phi duyên (non-condition)? Sự thật là như vậy! Đây là câu hỏi đầu tiên làm chúng ta bối rối, tại vì chúng ta quá tin chắc vào ý niệm nhân quả của mình. Ý niệm nhân quả của chúng ta còn đơn sơ, còn nông cạn lắm. Chúng ta bị kẹt vào trong những giáo điều mà chúng ta không biết. Đây là câu hỏi để giúp chúng ta đặt lại vấn đề (make you less sure of yourself). Cũng cái đó, khi chưa sinh ra quả thì được gọi là phi duyên, khi sinh ra quả rồi thì được gọi là duyên.
Nhìn con gà, chúng ta thấy nó có dính líu tới trứng gà. Nhìn cái bàn, chúng ta thấy nó không có dính líu gì tới trứng gà. Nhưng chưa chắc là cái bàn không sinh ra cái trứng! Cái bàn có dính líu gì tới cái trứng? Cái bàn là cây, nếu cây không có thì con gà không có và cái trứng cũng không có được. Đó là những gì chúng ta học được trong giáo lý trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm sau này. Chúng ta thấy không có cái nào mà không liên hệ tới cái nào. Trong cái một chứa đựng cái tất cả. Trong đám mây hay mặt trời, chúng ta không thấy mẹ của cái trứng, chúng ta chỉ thấy con gà là mẹ của cái trứng thôi. Nhưng nếu không có đám mây, không có mặt trời thì làm sao có con gà, mà không có con gà thì làm sao có cái trứng? Sự phân biệt giữa duyên và phi duyên của chúng ta rất là sai lạc, rất là nông cạn. Sự phân biệt giữa duyên và phi duyên (cái này ta gọi là duyên còn cái kia ta gọi là phi duyên) đó không đúng. Rồi từ từ chúng ta sẽ hiểu thêm.
Bài kệ 6
Quả tiên ư duyên trung 果先於緣中
Hữu vô câu bất khả 有無俱不可
Tiên vô vi thùy duyên 先無為誰緣
Tiên hữu hà dụng duyên? 先有何用緣
Quả có không trong duyên
Có không đều vô lý
Nếu không, duyên cái gì?
Nếu có, cần gì duyên?
Quả tiên ư duyên trung
Hữu vô câu bất khả
Nói là cái quả đó có sẵn trước trong duyên hay là không có sẵn trước trong duyên (tiên là trước, ư duyên trung là trong cái duyên), cả hai trường hợp đó đều không chấp nhận được, cả hai đều vô lý (câu bất khả). Nói rằng quả có sẵn trong nhân (duyên) hay không có sẵn trong nhân, cả hai đều sai lầm, đều vi phạm lý luận (logique) cả. Tại sao? Tại vì:
Tiên vô vi thùy duyên
Nếu trước đó mà nó không có, thì duyên đó là duyên của cái gì?
Tiên hữu hà dụng duyên
Nếu nó có rồi thì đâu cần có duyên nữa.
Bài kệ này nói về vô sinh (la non-naissance, no-birth), bắt đầu chạm tới quan niệm về sinh của chúng ta. Chúng ta tưởng là ta có sinh nhưng kỳ thực bản chất của ta là vô sinh.
Nếu cái trứng không có trong duyên thì không thể nào nó sinh ra từ duyên được. Nếu cái trứng không có trong cái bàn thì nó làm sao sinh ra từ cái bàn? Nếu mà nó có rồi thì đâu cần phải sinh ra nữa. Không có thì mới cần sinh ra, chứ có rồi thì đâu cần phải sinh ra nữa.
Quý vị có sợ thầy Long Thọ không? Thầy dùng những viên đạn đại bác bắn cho tơi bời những ý niệm của chúng ta về có, không, sinh, diệt. Thầy Long Thọ giống như ông Oppenheimer, người chế ra bom nguyên tử, ông làm cho những nguyên tử va chạm nhau, nổ tung hết (splitting atom).
Đây là những khái niệm (concept) của chúng ta về sinh, diệt, trước, sau, có, không. Ngài dùng thủ thuật của Ngài làm cho những khái niệm va chạm nhau, bể tan hết. Đó là quy mậu luận chứng, biện chứng pháp của thầy Long Thọ. Biện chứng pháp dùng những khái niệm, những luận cứ, những ngôn từ của mình để phá nát trở lại những ngôn từ và luận cứ đó.
Trong nhân có sẵn quả hay không có sẵn quả? Nếu không có sẵn thì làm sao quả từ đó mà sinh ra được? Nếu quả có rồi thì cần gì phải sinh? Nó chỉ lớn lên thôi, chỉ thay đổi thôi. Cái gì mà chẳng thay đổi, cái gì mà không lớn lên? Vì vậy trong cả hai trường hợp đó đều có sai lầm.
Nhân là duyên khi cái kia cần nó để sinh ra, nhưng nếu đã có sẵn quả trong nhân rồi thì nhân đâu cần đóng vai trò của duyên nữa. Còn nếu quả không có mặt sẵn trong nhân thì nhân đâu gọi là duyên được. Vì vậy bài kệ thứ sáu có nghĩa: Quả có trước hay không có trước trong nhân, cả hai đều vô lý.