Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào

Bài kệ 10

Chư Pháp vô tự tánh 諸法無自性
Cố vô hữu hữu tướng 故無有有相
Thuyết hữu thị sự cố 說有是事故
Thị sự hữu bất nhiên. 是事有不然

Các pháp không tự tánh
Nên không có tướng hữu
Vậy thì không thể nói
Thử hữu cố bỉ hữu.

Tăng thượng duyên là những điều kiện giúp cho nhân duyên được phát triển thành quả. Ví dụ như hạt bắp, nếu hạt bắp không có đất, nước, mặt trời thì nó sẽ không thành cây bắp; vậy thì đất, nước, mặt trời đều là Tăng thượng duyên.

Bài kệ thứ mười là quán Tăng thượng duyên bất thành.
Chư pháp vô tự tánh
Có nghĩa là sự vật (tất cả các pháp) không có bản chất riêng biệt của mình.
Cố vô hữu hữu tướng

Vì vậy cho nên nó không có tướng có. Vô hữu là không có. Không có gì? Không có tướng có (vô hữu hữu tướng). (Because things have no own-being, that is why they do not possess the mark of being (the mark of existence). Chữ hữu, tiếng Phạn có nghĩa là sad, còn chữ vô hữu là asad. Trong bài kệ, chúng ta thấy bản chất của vạn pháp không phải hữu mà cũng không phải vô. Chúng ta có quan niệm: Cái đó nó có. Nhưng chúng ta phải rất cẩn thận, ý niệm về “có” của mình rất là sai với sự thật. Khi ta nói: “À, như vậy thì nó không có đó hả?”, thì cũng sai. Có cái có thì mới có cái không, còn không có cái có thì làm gì có cái không? Đó là những cặp đối lập nhau. Vậy thì các pháp, như cây bút, hay bông hoa, đều không có tự tánh riêng biệt, không có bản chất, không có thực tại riêng biệt. Nó không có tướng (laksana). Chúng ta cho nó là có (hữu) là sai mà cho nó là không (vô) cũng sai luôn.

Các pháp không có tự tánh nên không có tướng hữu. (Everything is without self-nature. Nothing can be termed as being). Vì vậy cho nên nói rằng:

Thuyết hữu thị sự cố
Thị sự hữu bất nhiên

Chúng ta phải biết rằng đây là một sự trích dẫn (quotation) trong kinh. Hữu thị sự cố thị sự hữu, có nghĩa là có cái này cho nên mới có cái kia. Có tay trái cho nên có tay phải, có cái này cho nên cái kia có.

Thuyết hữu thị sự cố thị sự hữu bất nhiên, có nghĩa là: Nói cái này có vì cái kia có là sai. Bất nhiên dịch ra tiếng Anh là not evident. Câu này quan trọng lắm! Trong kinh A-Hàm (Āgama) và trong kinh Bộ (Nikāya), câu này được Bụt nói nhiều lần: Cái này có vì cái kia có (thử hữu cố bỉ hữu). Nhưng vì thầy Cưu Ma La Thập, vào thế kỷ thứ tư, muốn dịch một bài kệ có đúng hai mươi chữ, cho nên phải gom làm sao cho mỗi câu đủ năm chữ, nên chúng ta có “Hữu thị sự cố thị sự hữu”. Nhưng trong nguyên văn là Thử hữu cố bỉ hữu. (This is because that is).

Các pháp không có tự tánh nên nó không có tướng hữu, vì vậy chúng ta không thể nói: Thử hữu tức bỉ hữu (khi dịch ra tiếng Việt tôi lấy lại nguyên văn trong kinh cho dễ hiểu). Chúng ta thấy giống như là thầy Long Thọ bài bác câu nói quan trọng nhất của Đức Thế Tôn về vấn đề duyên sinh: “Thử hữu cố bỉ hữu. Thử vô cố bỉ vô”. Tuy trên hình thức, giống như là thầy Long Thọ nói ngược lại với Đức Thế Tôn nhưng thực ra thầy Long Thọ là một tri kỷ của Đức Thế Tôn, thầy giúp cho người đương thời hiểu sâu hơn câu nói đó của Đức Thế Tôn mà đừng bị kẹt. Đức Thế Tôn đâu có muốn xác nhận tánh cách “hữu” của vạn pháp! Đức Thế Tôn không muốn chứng minh gì hết, Ngài không muốn chứng minh vạn vật “hữu” hay là vạn vật “vô”. Đức Thế Tôn chỉ muốn chỉ cho chúng ta rằng: Có một sự liên hệ duyên sinh. Cái này như thế này cho nên cái kia như thế kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Ngài không nói về sinh diệt, Ngài không nói về có không, Ngài chỉ muốn nói về sự liên hệ (relational patterns) giữa cái này và cái kia. Tất cả đều do những sự liên hệ tạo tác ra. (Everything is relational patterns).

Phần trước, chúng ta lấy ví dụ là có một màn ảnh và một cô ca sĩ đang múa trên màn ảnh, đó là những tạo tác do sự liên hệ giữa màn ảnh và cô ca sĩ. Do sự liên hệ mà nó biểu hiện ra những cái như vậy và những cái đó không có tự tánh, không có bản chất riêng trong đó.

Bụt đâu có ý muốn công nhận cái đó là có thật. Ngài có dùng chữ “hữu” thật, nhưng không phải Ngài muốn chứng minh là nó có tự tánh, thực chất của vạn hữu. Chữ “hữu” có nghĩa là biểu hiện thôi. Cái này biểu hiện tại vì cái kia biểu hiện. Ví dụ như ta có máy quay phim, có màn ảnh, có ánh sáng thì ta làm cho cô ca sĩ biểu hiện ra trên màn ảnh, rồi ta khóc, ta cười theo cô ca sĩ. Có những biểu hiện thật đó, nhưng ý của Bụt không phải là nói cái đó có thật. Nếu đọc kinh không cẩn thận thì ta cho rằng: Bụt nói cái này có thì cái kia có. Thành ra ta cứ bám vào chữ “có” đó mà chết.

Thử hữu cố bỉ hữu, chúng ta phải thấy được ý của Bụt mà đừng kẹt vào chữ Bụt dùng. Chư Tổ thường nói rằng: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”, tức là nếu nương vào kinh rồi từng chữ, từng chữ mà giải nghĩa thì oan thật cho chư Bụt trong ba đời.

Vì vậy, chính đệ tử của Bụt lại làm hại Bụt nhiều nhất. Đệ tử của Bụt chưa chắc là tri kỷ của Bụt, bởi rất nhiều đệ tử đã hiểu lầm Bụt. Mà Ngài cũng đã biết trước như vậy: “Tôi có nói gì đâu mà nói tôi nói như vậy! Trong 45 năm tôi chưa từng nói gì hết!”. Đó là nỗi khổ của một vị đạo sư, bị hiểu lầm quá nhiều. Hễ nói ra cái gì thì bị níu vào cái đó và giải thích tùm lum (deducing). Thà rằng ngậm miệng lại cho rồi, nói ra rất là nguy hiểm. Những câu nói nghe rất đơn sơ như: “Cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này như thế này vì cái kia như thế kia”. Ý của Bụt chỉ như vậy, nhưng hậu sinh lại cho là Bụt nói có sinh, có diệt. Vì vậy có nhiều vị cho thầy Long Thọ không phải là Đại thừa, thầy là Nguyên thỉ. Thầy là đứa con, là học trò đích thực của Đức Thế Tôn. Thấy Bụt bị hiểu lầm nhiều quá nên thầy dùng thanh gươm sắc bén của biện chứng pháp để đi những đường gươm chém cho đứt tung những sợi dây muốn trói Đức Thế Tôn lại trong những lý thuyết, những chủ trương.

Tuy nói là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ thuộc về Tiểu thừa nhưng kỳ thực họ rất xa với đạo Bụt nguyên thỉ, tại vì Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đã đi tới quan niệm về Thực tại luận và đã đưa đạo Bụt đi xa. Điều đó rất nguy hiểm, nó gần với chủ trương cho là có một cái gì nằm sâu ở dưới như là cái thực ngã. Đó là quan niệm atma của Ấn Độ giáo, của kinh Vệ Đà. Bụt đã thoát ra khỏi rồi, bây giờ bị kéo lui trở lại. Ātman (ngã) là nền tảng vững chãi của Ấn Độ giáo từ xưa đến nay mà Bụt với biết bao công phu đã thắng được những trận lớn để thoát ra khỏi những cái đó. Chính đệ tử của Ngài đã từ từ kéo Ngài trở lui, rất là nguy hiểm! Ngay trong Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, bốn vị đại luận sư của Tỳ Bà Sa đã dùng bốn ví dụ khác nhau (vàng có thể làm ra nhiều loại trang sức như nhẫn, kiềng, bông tai; một người có thể đóng nhiều vai trò như con gái, người vợ, người mẹ, v.v.). Tuy họ cố gắng duy trì tam pháp ấn (vô thường, vô ngã, niết bàn) nhưng lý thuyết Thực tại luận “Tam thế thật hữu, pháp thể hằng hữu” đã đi xa, giống như là mở cửa để cho “cái kia” trở lại. “Cái kia” là cái gì thường tại, nằm sâu trong lòng vạn vật. Dầu đó là Niết Bàn hay Chân Như mà nó tương tợ, hao hao như cái ngã, là phản lại Đức Thế Tôn.

Cái mà mình gọi là Đại thừa của thầy Long Thọ chẳng qua là những cố gắng để làm cho đạo Bụt nguyên thỉ sáng tỏ trở lại. Cái gọi là Tiểu thừa kia còn xa đạo Bụt nguyên thỉ hơn là Đại thừa.

Các pháp không tự tánh
Nên không có tướng hữu
Vậy thì không thể nói
Thử hữu cố bỉ hữu

Bên ngoài giống như thầy Long Thọ nói ngược lại những điều của Bụt dạy, nhưng kỳ thực thầy là người thương Bụt nhất, thương thiệt. Tại vì thầy hiểu được Bụt, hiểu được nên mới thương đúng.

Trong kinh Người bắt rắn có nói: “Giáo pháp của ta như là chiếc bè để anh sử dụng mà qua được bờ bên kia. Anh đừng lầm giáo pháp là bờ!” Thường thường, người nào cũng ôm chiếc bè mà cho là bờ nên bị kẹt vào giáo lý của Bụt.

Giới đầu của dòng tu Tiếp Hiện nhắm vào chuyện chúng ta đừng để bị kẹt vào một lý thuyết hay một chủ nghĩa, dù đó là lý thuyết hay chủ nghĩa Phật giáo. Giới Tiếp Hiện phản ảnh rất sâu sắc và trung thực giáo lý nguyên thỉ của Đức Thế Tôn tức là phá chấp, không bị kẹt vào một ý niệm nào dù đó là ý niệm do Bụt đưa ra.

Cái này có vì cái kia có. Cái này là quả và cái kia là những điều kiện giúp vào để quả này có thể thành tựu được. Thị sự là cái này. Cái này có cho nên cái kia có, cái này là Tăng thượng duyên của cái kia. Bài kệ này chứng minh rằng: Cái gọi là Tăng thượng duyên cũng không có tại vì tự tánh của nó cũng là không. Nếu đã không có tự tánh thì không có cái gì (kể cả Tăng thượng duyên) có thể được diễn tả là “có” hết. Vì vậy câu thử hữu cố bỉ hữu cũng không đúng đứng về phương diện hình thức mà nói.

Chúng ta nhớ khi mới bắt đầu tác phẩm, những câu đầu tiên của thầy Long Thọ là để lạy Bụt, lạy rất cung kính, không hề có thái độ gì gọi là không phục tùng Bụt.

Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Con cúi đầu lạy Bụt
Bậc đạo sư tuyệt vời
Đã tuyên pháp nhân duyên
Dập tắt mọi hí luận.

Chúng ta phải hiểu những câu này trong tinh thần đó, nghĩa là thầy Long Thọ muốn đập phá cho tan đi sự hiểu lầm của người ta đối với những câu tuyên bố của Bụt. Câu tuyên bố của Bụt là: Thử hữu cố bỉ hữu.

Bây giờ chúng ta đi sang bài kệ thứ mười một.

Bài kệ 11

Lược quảng nhân duyên trung 略廣因緣中
Cầu quả bất khả đắc 求果不可得
Nhân duyên trung nhược vô 因緣中若無
Vân hà tùng duyên xuất? 云何從緣出

Nhìn khắp trong nhân duyên
Tìm quả không thể thấy
Không có trong nhân duyên
Sao nói từ duyên sinh?

Lược quảng nhân duyên trung
Cầu quả bất khả đắc

Lược là đi ngang qua, quảng là rộng rãi. Một cách vắn tắt hay một cách rộng rãi thì chúng ta nhìn trong nhân và duyên cũng tìm không ra sự có mặt của quả. (Looking deeply into cause and condition, either intensively or briefly, we cannot see the own-being of an effect). Cũng như nhìn vào que diêm thì ta không thấy tự tánh của ngọn lửa. Tự tánh của ngọn lửa là nóng, là đốt cháy, là có khả năng sưởi ấm. Nhìn vào những cái mà người ta gọi là nhân và duyên thì ta không thấy tự tánh đó. Không thấy tướng (laksana) đã đành rồi mà ta cũng không thấy cả tánh (svabhāva) nữa.

Nhân duyên trung nhược vô
Vân hà tùng duyên xuất?

Nếu tự tánh của quả mà không tìm thấy trong nhân và trong duyên (nhân duyên trung nhược vô) thì tại sao chúng ta dám nói cái đó là từ nhân duyên mà ra (vân hà tùng duyên xuất)?

Nhìn khắp trong nhân duyên
Tìm quả không thể thấy
Không có trong nhân duyên
Sao nói từ duyên sinh?

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.