Phật Trên Đường Phố

Tôi nghiệm được rằng những điều bình dị của cuộc đời luôn sâu thẳm. Vì nó giúp ta hiểu sâu sắc thêm những ý nghĩa thâm huyền trong kinh điển.

Tôi đọc được trên mạng một truyện kể lại của tác giả Huệ Khải. Truyện ngắn nhưng vô cùng thâm thúy, nội dung như sau:

Có thầy tu nọ rất mực thánh thiện. Sau nhiều năm dài tu hành tinh tấn, chuyên chú kinh kệ không một phút giây xao lãng, thầy thấy mình đã bước vào được cảnh giới tâm linh viên mãn.

Một đêm khuya nọ, sau khi xả thiền, thầy đi ngủ và nằm mơ thấy mình dự một buổi tiệc lớn gồm toàn những bậc đạo cao đức trọng. Tất cả mọi người đều sắp theo thứ tự ngôi thứ trên bàn tiệc. Thầy được vinh dự xếp ngồi gần chủ tiệc, nhưng ở vị trí thứ nhì. Vị trí thứ nhất dành cho người bán tạp hóa ở khu phố không xa nơi thầy cư trú.

Điều này khiến thầy băn khoăn không hiểu công phu đạo hạnh của người chủ tiệm đó cao đến mức nào. Sáng hôm sau, thầy liền tìm tới tiệm tạp hóa, tìm một chỗ khuất và kín đáo quan sát rất lâu. Thầy thấy tiệm không lớn lắm, nhưng không lúc nào ngớt khách. Chủ tiệm cũng chẳng có gì đặc biệt, luôn tay bán hàng, thu tiền, thối tiền, mà vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười, nói năng hòa nhã.

Nhân một lúc ngớt khách, thầy bước tới chào chủ tiệm và kể lại giấc mơ kỳ lạ. Chủ tiệm ôn tồn nói:

– Tôi cần chiết dầu ăn từ cái thùng hai mươi lít ra hai mươi cái chai xếp sẵn ở góc kia. Xin thầy giúp một tay. Đừng để chai nào đầy quá hay vơi quá, cũng đừng làm sánh dầu ra ngoài chai nhớp nháp. Xong rồi, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của thầy.

Thầy chăm chú chiết dầu vừa xong, thì đúng lúc cửa hàng ngớt khách. Chủ tiệm lúc này cũng nghỉ tay bán hàng, liền bước tới hỏi thầy:

– Nãy giờ lo chiết dầu ra chai, trong đầu thầy có giây phút nào nhớ nghĩ tới Trời tới Phật không?

Thầy bẽn lẽn:

– Tôi làm không quen, ráng tập trung rót dầu vào từng chai theo đúng yêu cầu của ông, mệt toát mồ hôi. Do đó chẳng được phút giây nào rảnh trí mà nhớ nghĩ tới Phật, Trời!”.

Chủ tiệm cười hiền lành, bảo:

– Nếu thầy bận bịu buôn bán như tôi cả ngày, lu bu quanh năm suốt tháng, thì tâm thầy ắt xa Trời xa Phật mịt mù luôn! Tôi không có phước lớn để được rảnh rang chuyên lo tu hành như thầy. Tôi chỉ ráng tập thành thói quen cho tâm tôi lúc nào cũng nhớ Trời, nhớ Phật. Khi bán hàng cho khách tôi nguyện không để ai phải phiền lòng vì bị cân non, đong thiếu. Khi phục vụ khách hàng, tôi nguyện không để ai mích lòng vì thấy tôi thiên vị. Gặp khách hàng xấu tính, tôi nói cười nhã nhặn, thầm nhắc nhở: Thánh thần giả dạng thường dân tới thử thách mình đây. Tôi tu như vậy đó, thưa thầy!”.

Câu chuyện rất ngắn, nhưng ý nghĩa thật thâm thúy. Phật pháp không lìa thế gian pháp. Đâu cũng có thể là cảnh giới thị hiện của Bồ-tát, để tùy duyên hóa độ chúng sinh. Biết đâu trong số những người quanh ta, lại chẳng có chư Bồ-tát luôn giả dạng người phàm để thử thách hạnh nguyện của chúng ta?

Truyền thuyết Ấn Độ kể rằng khi đạo sư Narota lang thang khắp xứ sở Ấn Độ để cầu đạo vô thượng với đạo sư Tilopa, thì đạo sư Tilopa biến hiện thành vô vàn hình tướng với nhiều cảnh tượng nhằm thử thách môn đồ. Dù là một cao thủ huyễn thuật, nhưng Narota vẫn không sao lường được cảnh tượng biến ảo khôn lường do Tilopa bày ra. Vì biết rằng vị đạo sư kia có thể hóa thân thành mọi hình tướng, nên ông sẵn sàng quỳ phủ phục dưới chân của mọi khách qua đường để lễ bái. Đây là chi tiết cực kỳ sâu sắc trong câu chuyện nửa thực, nửa hư về hai vị đại chân sư Mật tông Ấn Độ. Cung kính hạ mình trước tất cả chúng sinh, vì biết rằng tất cả chúng sinh đều có thể là hóa thân của những bậc chân sư, là bước đầu để tiêu trừ bản ngã, cũng là cách thực hiện hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ-tát trong kinh Pháp hoa.

Kinh Pháp hoa ghi rằng có một vị Tỳ-kheo chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, thấy bất kỳ ai cũng cố lễ lạy, ngợi khen mà nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Khi nghe lời nói đó, nhiều người chửi mắng, dùng gậy, cây để ném, gạch đá để ném, nhưng ngài chẳng sanh lòng giận hờn, thường nói: “Ngài sẽ thành Phật”. Bởi ngài thường nói lời đó, nên hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di gọi ngài là Thường Bất Khinh.

Có lần, tôi ngồi uống cà phê trên vỉa hè. Có một bà cụ đến mời mua vé số. Dáng người thấp nhỏ, hiền lành. Tôi không bao giờ mua vé số, nên cầm bàn tay bà cụ, đặt vào đó một ít tiền, rồi bảo: “Con xin gởi bác ăn trầu”. Bà cụ lắc đầu không nhận. Tôi nài nỉ thế nào bà cũng không chịu lấy. Bà dúi tiền trả lại cho tôi, rồi cười hiền lành, bảo:

– Thôi cám ơn cậu. Tui không dám nhận đâu. Không có công mà tự nhiên ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ cực lắm!

Rồi bà chào tôi mà đi bán tiếp. Câu nói của bà cụ như đóng đinh tôi xuống hè phố, khiến tôi sững sốt, không còn nghĩ đến chuyện chạy theo bà để nói lời xin lỗi.

Câu nói dù đơn giản, nhưng nó không chỉ là cách biểu hiện lòng tự trọng đáng kính của người nghèo, mà còn thâm thúy như pháp thoại của một vị chân sư: Không công mà ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ! Ai dám nghĩ rằng câu nói đó là của một bà lão vô danh nghèo khổ, đi bán vé số dạo trên đường phố Sài Gòn? Một bài học vở lòng của đạo Phật về luật nhân quả. Bà lão kia có khác gì một Bồ-tát hóa thân giữa cõi thế để cảnh tỉnh người đời? Tôi tưởng chừng như nghe được một bài thuyết pháp. Thuyết pháp đâu cần phải nói nhiều, và nói cho hùng hồn. Chỉ cần một câu nói cũng khiến cho ta tỉnh ngộ. Giống như một chuyển ngữ của Thiền tông. Bà lão đã dạy cho ta tập theo hạnh nguyện của Bồ-tát Thường Bất Khinh.

Câu nói của bà lão suốt đời tôi không quên được. Như một bài minh để tự nhắc nhở mình.Không công mà ngồi hưởng, kiếp sau trả nợ! Giữa những đổ nát của đạo lý hôm nay, giữa những băng hoại của tình người, giữa cảnh xô bồ đua danh trục lợi bằng mọi thủ đoạn, khi sự vô cảm đang sa mạc hóa dần cuộc sống, thì hình ảnh bà cụ nhỏ bé nghèo khổ trên đường phố, với xấp vé số trên tay, chợt sáng rực lên, như một đóa sen tỏa sáng giữa đầm lầy u tối.

Còn có bao nhiêu bà lão bán vé số như thế trên những con phố Sài Gòn xô bồ tấp nập? Phải chăng vẫn còn vô số những Bồ-tát, những chân sư Tilopa đang thị hiện giữa cõi Ta-bà ô trọc bằng muôn ngàn hình tướng, để tùy duyên mà hóa độ chúng sinh?

Tôi nghiệm thêm được rằng những điều bình dị của cuộc đời luôn sâu thẳm. Vì nó giúp ta hiểu sâu sắc thêm những ý nghĩa thâm huyền trong kinh điển. Tôi đọc lại phẩm thứ hai mươi của kinh Pháp hoa, và cảm nhận thêm nhiều điều từ hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ-tát. Chư Phật, chư Bồ-tát đâu có ngồi mãi trên tòa sen để thuyết pháp trong bối cảnh hoành tráng của kinh điển Đại thừa, mà có thể các Ngài đang sống lẫn lộn giữa chúng ta dưới muôn ngàn hình tướng. Từ những nơi thâm u tịch mịch cho đến những phố xá huyên náo ồn ào. Nếu ta biết lắng nghe thì đường phố cũng có thể là đạo tràng, và những câu nói thoáng qua cũng có thể là pháp thoại. Tất cả đều từ một chữ Duyên.

Và tôi làm bài thơ này để ghi lại những gì mình cảm nhận:

Ứng hóa tùy duyên chuyển Pháp luân
Du hành quốc độ đẳng vi trần
Dục cùng hóa độ tam thiên giới
Nãi hiện Hằng sa vô lượng thân.

應 化 隨 緣 轉 法 輪

遊 行 國 土 等 微 塵

欲 窮 化 渡 三 千 界

乃 現 恒 沙 無 量 身

Huỳnh Ngọc Chiến

http://www.phatgiaovietnamhaingoai.org/D_1-2_2-78_4-681_5-15_6-1_17-57_14-2_15-2/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.