Thực Hành Duy Thức

I. Mục tiêu chiến lược

Duy thức, như tất cả các con đường khác của Phật giáo, nhằm đến mục tiêu chiến lược là thấy được “hai vô ngã: nhân vô ngã và pháp vô ngã”. Nhân vô ngã là con người vô ngã. Pháp vô ngã là mọi hiện tượng đều vô ngã. Thấy được hai vô ngã là thấy thực tại tối hậu, gọi là tánh Không, Niết-bàn, Pháp thân, Chân Như… Nói theo hệ thống Duy thức, thấy hai vô ngã là giải tan Biến kế sở chấp tánh để Viên thành thật tánh hiển bày.

Sanh tử là do không biết rằng tất cả đều do thức biến hiện. Kinh Lăng-già đời Tống, Cầu-na Bạt-đà-la dịch:

“Thế nào người trí ở ngay nơi lầm loạn này mà khởi chủng tánh Phật thừa? Nghĩa là giác tự tâm hiện lượng, ở bên ngoài đều vô tự tánh nên chẳng có tướng vọng tưởng”.

D.T. Suzuki dịch từ bản Sanskrit (1932): “Đại Huệ, gia tộc Phật thừa khởi ra như thế nào khi sự lầm lẫn này được người trí phân biệt? Này Đại Huệ, khi thế giới được thấu hiểu không là gi cả ngoài chính tâm thức, bấy giờ dừng dứt những phân biệt có hiện hữu và không hiện hữu của những đối tượng bên ngoài, lúc ấy có gia tộc Phật thừa”.

Tu hành Duy thức là đạt đến hai vô ngã bằng cách biết ngã và pháp không là gì ngoài sự biến hiện của tâm thức. Nói cách khác, ngã và pháp chỉ là hai vọng tưởng không thật.ư

Không biết (vô minh) ngã và pháp là không thật, chấp vào chúng là sanh tử. Càng chấp vào chúng thì sanh tử càng nặng nề, như một thí dụ trong kinh Lăng-già là con tằm nhả tơ thành tổ kén để càng lúc càng trói buộc mình. Biết ngã và pháp chỉ là vọng tưởng, càng biết rõ thì càng thoát khỏi sanh tử vọng tưởng.

Kinh Lăng-già nói: “Biết tự tâm hiện lượng thì vọng tưởng chẳng sanh”, và: “Ta nói rằng, thức vọng tưởng diệt gọi là Niết bàn”.

II. Sự thực hành của ý thức

Trong tâm thức, cái chúng ta có thể chủ động làm cho nó hoạt động nhiều nhất là ý thức. Cái tích tập nhiều mê lầm, nhiều nhiễm ô nhất cũng là ý thức. Nên mọi sự thực hành, mọi sự chuyển thức đều bắt đầu nơi ý thức. Câu nói “như lý tác ý” cho thấy rõ điều này.

Người ta đi đến sự thực bằng Văn, Tư, Tu.

Văn: là nghe. Trước hết là nghe những lời chỉ dạy từ những bậc giác ngộ. Nghe để mà tin, để nhìn ra hướng đi, để thấy việc gì cần làm, điều gì cần bỏ. Nhưng sự tin này vẫn còn chưa rõ ràng, cần phải trải qua suy nghĩ, phân tích, thẩm định.

 là tư duy. Bằng tư duy niềm tin sẽ trở nên vững vàng. Niềm tin được thanh lọc, được trui rèn qua tìm hiểu bằng lý trí sẽ đưa đến tin chắc, không thể khác được.

Tu là thực hành. Khi đã tin, đã thấy rằng sự thực không thể nào khác, con đường không thể nào khác, người ta dấn thân vào thực hành.

Sự thực hành của chúng ta do ý thức đảm nhận, vì chúng ta chưa có cái gì cả ngoài ý thức có mặt lúc này. Hai khả năng chính của ý thức là:

1. Sự tập trung, chuyên chú, sự an định, an trụ nơi một đối tượng, một chủ đề . Cái này Phật giáo gọi là Chỉ, hay Định

2. Sự quan sát, sự quán tưởng (nhìn thấy bằng tưởng tượng), sự nhìn thấy. Cái này Phật giáo gọi là Quán

3. Hai cái này vận hành cùng lúc gọi là Chỉ Quán song tu hay Chỉ Quán đồng thời. Những phương pháp Phật giáo để chuyển hóa tâm thức đều nằm trong ba cái này.

Chúng ta sẽ xem xét ba cái ấy được áp dụng trong thực hành Duy thức như thế nào.

1. Chỉ. Trong bối cảnh Duy thức, Chỉ là sự tập trung, sự an trụ vào cái tâm thanh tịnh, cái tâm khi chưa nhiễm ô, cái tâm khi chưa biến động. Kinh Lăng-già nói là an trụ như như:

“Bồ-tát do chánh trí này chẳng lập danh tướng chẳng phải không lập danh tướng, lìa bỏ vọng kiến dựng lập và phá hủy, biết danh tướng chẳng sanh, ấy gọi là Như Như. Bồ-tát trụ Như Như ấy đạt được cảnh giới không thật có nên được Hoan Hỷ địa của Bồ-tát”.

Chỉ là an trụ trong tánh Như:

“Con đường Nhất thừa này được nhận biết và chứng ngộ như thế nào? Sự nhận biết Nhất thừa có được khi không có sự sanh khởi của phân biệt bằng cách an trụ trong thực tại của tánh Như  (LV1. Suzuki).

“Hiểu ba cõi như huyễn, phân biệt quán sát sẽ được như huyễn tam muội. Đến chỗ tự tâm hiện lượng không chỗ có, được trụ Bát-nhã Ba-la-mật.”

Lấy vài thí dụ được lặp đi lặp lại trong kinh Lăng-già, thì chỉ hay an trụ là:

Trụ vào đại dương, không trụ vào sóng.

Trụ vào tấm gương, không trụ vào bóng.

Trụ vào bầu trời, không trụ vào mây nổi.

Trụ vào hư không, không trụ vào hoa đốm…

Tóm lại, trụ vào “Cái chẳng sanh chẳng diệt là trí”, không trụ vào “cái sanh diệt là thức”.

Thiền là chỉ an trụ vào Chân Như, mặt dầu ở những giai đoạn đầu, Chân Như chỉ là khái niệm, chưa phải là thực tại.

“Này Đại Huệ, cái gì là thiền có đối tượng là tánh Như? Khi thiền giả nhận biết rằng sự phân biệt ra hai hình thức của vô ngã chỉ thuần là tưởng tượng, và hễ chỗ nào thiền giả an trụ trong thật tánh Như Như (Yathabhuta) thì chỗ ấy không có sự sanh khởi của phân biệt. Ta gọi đấy là Thiền có đối tượng là tánh Như (Tathata).

2. Quán

Thiền quán “quán sát nghĩa”

“Này Đại Huệ, cái gì là thiền quán sát nghĩa? Đó là thiền vượt khỏi các tướng nhân và tướng pháp, tướng riêng và tướng chung, các ý niệm ta, người và cả hai… của các nhà triết học chấp thủ, những cái đó đều không thể nắm bắt. Các thiền giả tiếp tục tiến hành việc quán sát và thuận theo nghĩa vô ngã của tất cả các pháp và tiến bộ lên các địa Bồ-tát. Đây là thiền quán sát nghĩa”.

Quán là quán sát, phân tích tìm hiểu, để lấy được hai vô ngã, thấy ra tất cả các pháp là không, là huyễn:

“Bồ-tát thành tựa bốn điều thì được đại phương tiện tu hành:

a. Khéo phân biệt tự tâm hiện: Bồ-tát đi đến chỗ thấu hiểu rõ ràng rằng ba cõi này không là gì ngoài chính cái tâm, không có ngã và cái thuộc về ngã, không dao động, lìa đến và đi. Do tập khí hư vọng huân tập từ vô thủy, các thức hình thức hình tướng và hành động tương tác, các vọng tưởng phân biệt mà có ra thân thể, tài sản, thế giới.

b. Quán tất cả bên ngoài là không có tự tánh. Nghĩa là tất cả sự vật đều như ảo ảnh, như mộng, như tóc rủ… Mọi sự đang có mặt là do vọng tưởng chấp trước từ vô thủy huân tập mà thành, quán sát tất cả sự vật bên ngoài là vô tự tánh.

c. Lìa kiến chấp sanh trụ diệt. Tất cả như huyễn mộng, mọi đặc tính ta và cái khác, chung cả hai, đều chẳng sai. Thấy rằng thế giới bên ngoài chỉ hiện hữu tùy thuộc vào tâm, vốn không có tự tánh. Thấy tức chẳng sanh, các duyên không hợp tụ, tất cả là vọng tưởng duyên sanh. Ba cõi, tất cả các pháp trong ngoài đều bất khả đắc. Thấy mọi sự lìa tự tánh thì chấp có sanh bèn dứt. Biết tất cả các pháp tự tánh là huyễn, không từng sanh ra… bèn được Vô sanh pháp nhẫn. Được Vô sanh pháp nhẫn thì tự nhiên lìa kiến chấp sanh trụ diệt.

d. Tự giác thánh trí thiện lạc. Nghĩa là được vô sanh pháp nhẫn, trụ địa thứ tám của Bồ-tát, được lìa tâm, ý, ý thức, năm pháp, ba tự tánh, hai tướng vô ngã, được ý sanh thân”.

Lấy những thí dụ trong kinh Lăng-già, quán là quán thấy sóng là không thật, vô tự tánh là như huyễn. Xa lìa tướng sóng thì sóng chính là đại dương toàn nước. Tất cả các tướng thế gian chính là thật tánh, là tánh Không, là tánh Như. Nói theo thuật ngữ Duy thức, Biến kế sở chấp tánh chính là Viên thành thật tánh.

Các thí dụ khác cũng là như vậy.

3. Chỉ Quán song tu: Là ở nơi tánh (chỉ) mà thấy các tướng (quán) là Không, như huyễn. Và ở nơi tướng thì thấy tướng chẳng lìa tánh, tướng chính là tánh. Chỉ quán song tu là tánh tướng đều Như Như.

III. Đi vào con đường Duy thức

Với sự miệt mài làm việc trên ý thức, với công phu miên mật Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu, tới một lúc nào, khi những vọng tưởng tập khí mỏng dần, người ta đạt được sự thật về duy tâm duy thức.

Dùng chữ của kinh Lăng-già, người ta có một “chuyển y” rằng đầu tiên. Nhờ cái chuyển y này người ta mới thật sự biết tâm là gì, thức biến là gì, vọng tưởng là gì, tánh không là gì, chỉ là an trụ vào cái gì, quán thấy như huyễn là gì… người ta đạt đến căn bản trí mà hệ thống Duy thức gọi là Thông Đạt vị hay còn gọi là Kiến Đạo vị chung cho cả đạo Phật.

Thông Đạt vị là giai đoạn thứ ba trong năm giai đoạn: Tư Lương vị, Gia Hạnh vị, Thông Đạt vị, Tu Tập vị và Cứu Cánh vị. Năm giai đoạn này là chung cho tất cả các con đường, tất cả các tông phái của đại thừa.

Hai giai đoạn đầu của Tư Lương vị và Gia Hạnh vị chưa thật sự “an trụ duy thức”, chưa thật sự biết “Tánh Duy thức”:

“Cho đến khi chưa biết rõ xác quyết, dù cầu an trụ trong tánh Duy thức, đối với cả hai thủ ngầm ẩn, còn chưa thể hàn phục tiêu diệt” (Tư Lương vị, Luận Thành Duy Thức).

“Hiền tiền vẫn còn có lập chút vật gọi đó là tánh Duy thức, nhưng vì còn có tướng được thủ đắc nên chưa thật sự trụ trong tánh Duy thức” (Gia Hạnh vị, Luận Thành Duy Thức).

Thông Đạt vị là đã thực sự biết “Tánh Duy thức” là gì và an trụ được trong thực tại đó:

Nếu khi trong cảnh duyên

Biết đều không chỗ đắc

Bấy giờ trụ (trong tánh) duy thức

Vì lìa tướng hai thủ.

Đây là thực sự thông hiểu tánh không, tánh như, tánh Duy thức, lìa được chủ thể và đối tượng ở mức độ thô để an trụ vào thực tại tánh Không

Từ đây mới có sự tu hành thực sự “Tu Tập vị”, có con mắt thanh tịnh để thấy rõ con đường pháp, cái gì là tánh Như, tánh Không và những cái gì là chướng ngại ngăn che tánh Như, tánh Không. Hành giả đích thực là người thấy phiền não chướng và sở tri chướng cụ thể như thấy những tảng đá chắn đường trước mặt. Từ đây sự thực hành trở nên cụ thể, vì đã thấy sáng rõ mọi sự cả hai mặt tánh, tướng. Từ đây, người ta thực sự học kinh, vì kinh điển không còn là ngôn ngữ, ý niệm mà đã trở thành thực tại cụ thể. Từ đây, nhờ bước vào con đường thấy nên việc tu hành trở nên minh bạch, cụ thể và dễ dàng. Sự tu hành trở nên giản dị mà sâu xa như những lời chỉ dạy về Thiền của Lục tổ hiền tông Huệ Năng:

“Thiện tri thức! Sao gọi là ngồi thiền? Trong pháp môn này không ngăn không ngại, đối với hết thảy cảnh giới tốt xấu ở ngoài mà tâm niệm chẳng khởi tưởng gọi là ngồi; trong tự tánh mình chẳng động gọi là thiền.

Thiện tri thức! Sao gọi là thiền định? – Ngoài lìa tướng là thiền; trong chẳng loạn là định. Nếu ngoài còn bám theo tướng thì trong tâm sẽ loạn. Bản tánh mình vốn tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh phân biệt cảnh mà thành loạn lòng.

Này thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức là Thiền, trong chẳng loạn tức là Định. Ngoài thiền trong định, ấy là thiền định. Trong kinh Bồ-tát giới nói: “Bản tánh ta vốn vẫn thanh tịnh”.

Thiện tri thức! Tự tánh, Chân Như mình khởi niệm, sáu căn tuy có thấy, nghe, hay, biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chân tánh vẫn thường tự tại. Thế nên kinh nói: “Thường khéo phân biệt tướng các pháp mà ở trong đệ nhất nghĩa hằng chẳng động”.

Thiện tri thức! Ở trong niệm niệm, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo”.

NGUYỄN THẾ ĐĂNG – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 133

http://vanhoaphatgiaoblog.com/phatphap/thuc-hanh-duy-thuc.html

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.