Tịnh Ngữ Trong Lòng Bàn Tay

Phát khởi thệ nguyện

Phát khởi thệ nguyện là bước tiếp theo sau khi đã xây dựng niềm tin bền vững. Với thệ nguyện rộng lớn, Phật A Di Đà đã kiến thiết thế giới Cực Lạc nhằm tiếp đón mọi người về đất nước của Ngài, nhưng nếu hành giả không phát thệ cầu sinh về đó thì nhất định chẳng thể vãng sinh, dù niềm tin bền vững tột cùng. Trách nhiệm này không thuộc về Phật A Di Đà mà do bản thân hành giả không chịu kết nối tịnh duyên với Phật.

Thí dụ, có hai mẹ con trên đường hành hương bị lạc nhau. Người mẹ vì thương nhớ con thơ nên ra sức tìm kiếm và hàng ngày dõi theo thông tin về con. Còn người con thì không có ý định tìm lại và quay về với mẹ. Vậy thì họ có cơ hội gặp lại nhau chăng? Chắc chắn không.

Nhân duyên của hành giả và Phật A Di Đà cũng sẽ như vậy nếu hành giả không phát thệ nguyện vãng sinh Tịnh độ. Lòng từ bi của Phật là vô duyên đại từ – tình thương yêu không vụ lợi như tình mẹ dành cho con nhưng đức từ bi ấy sẽ mất tác dụng với những kẻ chẳng chịu kết duyên.

Bên cạnh đó, thệ nguyện phải được xây dựng trên sự chân thành của trái tim chứ không phải đọc suông ngoài cửa miệng: “Nguyện sinh Tây phương Tịnh độ trung”. Sự chân thành là điểm then chốt của thệ nguyện, thệ nguyện chứa đựng sự chân thành rồi thì dù có phát ra lời hay không đọc thành tiếng cũng vẫn phát huy diệu dụng. Còn thệ nguyện thiếu vắng sự thành khẩn thì đọc ngàn muôn lần câu kinh trên vẫn không cảm ứng được quang minh của Phật.

Chân thành là yếu tố dẫn đến nhất tâm bất loạn. Muốn thệ nguyện được chân thành thì hành giả phải phát sinh hai trạng thái tâm lý nhàm chán và ham thích. Đối tượng của nhàm chán là thế giới Sa-bà, còn đối tượng của ham thích là thế giới Cực Lạc. Phải thực sự không còn ham thích năm thứ của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ ở thế gian này mới có thể vãng sinh. Còn ham thích, vướng mắc một phần trần lao thì cơ duyên về Tịnh độ sẽ bị ngăn chặn một phần.

Để dẹp bỏ lòng đam mê trần tục, hành giả phải ý thức rằng tất cả những gì ở thế gian này từ tình cảm cho đến vật chất đều là huyễn mộng, hư ảo, chúng tồn tại trước mắt nhưng cũng sẽ tan biến tức thì, hạnh phúc thế gian chỉ là giả tạm, không vĩnh hằng. Ngược lại, thế giới Cực Lạc không có cái khổ của sinh già bịnh chết, yêu thương bị chia lìa, oán ghét thường gặp mặt, năm ấm bất hòa… và những điều khổ đau từ hoàn cảnh chung quanh mang lại.

Như vậy, khi buông bỏ muôn duyên thì thệ nguyện được chân thành. Đức tin và thệ nguyện thành tựu thì nhất định được vãng sinh.

Tất cả những điều trình bày trên thực sự không dễ dàng làm theo, có làm thì cũng chưa chắc thành tựu trong một sớm một chiều. Cho nên cần phải nỗ lực và nhẫn nại, vì mục đích đoạn tuyệt sinh tử, an trụ Niết-bàn trong đời này mà kiên trì buông bỏ muôn duyên, vững lòng tiến bước.

Tiến xa hơn nữa, pháp môn niệm Phật là pháp môn đưa tới quả vị bất thối bước lên Vô thượng Bồ-đề nên hành giả cần phát Bồ-đề tâm, nguyện độ hết tất cả chúng sinh khỏi sinh tử luân hồi. Hành giả có phát lòng Bồ-đề thì mới viên mãn hạnh nguyện của mình và mới thật sự bước đúng con đường mà Đức Thích Ca đã khổ công chỉ dạy bằng phương tiện Tịnh độ.

“Một niệm Di Đà
Chân thành thệ nguyện
Tịnh độ lòng ta”.
(Thơ Đông Tùng)
Sự lý hành trì

Sự hành trì

Sự hành trì là phương pháp niệm Phật theo hình thức bên ngoài, đây là cách hành trì của phái Duy Danh, đại diện cho Hiển giáo và Tục đế. Nói một cách cụ thể, miệng xưng tụng hồng danh A Di Đà, ý thức dừng mọi hoạt động, chỉ chuyên chú vào câu A Di Đà và chẳng cần quán tưởng điều chi khác.

Điểm then chốt trong sự hành trì là tín tâm và chân thành tâm, thiếu vắng hai thứ này thì không thành tựu việc vãng sinh thế giới Cực Lạc. Trước hết là xây dựng niềm tin bền vững và thệ nguyện chân thành; tiếp theo là hạ thủ công phu, buông bỏ ký ức, cảm thọ, tạp ngữ và tạp tưởng, đề khởi Phật danh, một đường thẳng tiến.

Lý hành trì

Lý hành trì là phương pháp niệm Phật có sự tham gia quán chiếu (tuệ giác), đây là cách hành trì của phái Duy Niệm, đại diện cho Mật giáo và Chân đế. Cách thức thực hành cụ thể là quán tưởng niệm Phật.
Hành giả tu theo cách thức này phải thông đạt cơ sở lý luận của Tịnh Độ tông, tức hiểu rõ ba bộ kinh nòng cốt của Tịnh độ là kinh A Di Đà, Vô lượng thọ và Quán vô lượng thọ. Ngoài ra, còn phải nắm rõ nghĩa lý phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa Nghiêm và chương Đại Thế Chí bồ-tát niệm Phật viên thông trong kinh Lăng Nghiêm vì hai chương phẩm này có liên quan đến pháp môn Tịnh độ.

Khi hiểu rõ lý luận rồi mới khởi tu, hành giả tu theo cách này, xem niệm Phật là một phương tiện huyền diệu để tịnh hóa tâm hồn, hồi vãng Phật tính chứ không phải nguyện cầu sinh sang Tịnh độ của Phật A Di Đà. Dùng hồng danh A Di Đà và quán tưởng chính báo, y báo của Cực Lạc để chuyển hóa phiền não, đoạn trừ tham sân si, gạn lọc cõi lòng trở nên trong sạch, trở về với tuệ giác, với tri kiến Phật của mình.

Mục đích của hành giả thực hành theo sự niệm Phật là nguyện cầu vãng sinh thế giới Tây phương Cực Lạc. Đây là lối tu của người chưa thông đạt lý tính Tịnh độ, còn cho rằng Tịnh độ Tây phương của Phật A Di Đà tồn tại ngoài bản tâm thanh tịnh của mình, còn vướng mắc vào đối đãi nhị biên, thấy có chủ thể niệm Phật và khách thể được xưng danh, có người tiếp độ và kẻ được tiếp độ vãng sinh. Sự niệm Phật nghiêng về tín ngưỡng, sùng bái, nương vào tha lực là chủ yếu.

Còn mục đích của hành giả tu theo lý niệm Phật là phản vọng hoàn chơn, trở về Di Đà tự tính, Tịnh độ duy tâm. Thông hiểu Tịnh độ Phật A Di Đà không ngoài tự tâm mà tồn tại, dung thông được tâm và pháp, bản thể và hiện tượng, chơn không và diệu hữu. Niệm Phật chính là niệm tâm và ngược lại. Lý niệm Phật nghiêng về khai mở tuệ giác, chủ yếu là phát huy nội lực cá nhân, không nương dựa vào tha lực. Có thể gọi đây là phương pháp Thiền – Tịnh song tu.

Trên là hai cách hành trì của Tịnh Độ tông, dù hành giả thực hành theo cách nào thì cũng đạt được giải thoát. Hãy buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật.

“Sự lý hai đường
Di Đà một niệm
Ô kìa, cố hương!”.
(Thơ Đông Tùng)

Sự lý viên dung
“Sự lý viên dung
Di Đà một niệm
Đường về mênh mông”.
(Thơ Đông Tùng)

Người niệm Phật dù thực hành theo sự trì danh hay lý trì danh đều gặt hái lợi ích về cho bản thân, dù mục đích của hai phương pháp có chỗ không như nhau.

Đứng ở mặt phương tiện, rõ ràng có hai cách hành trì nhưng trên góc độ cứu cánh thì chỉ một mà thôi. Hành giả cần dung thông sự và lý, không nên lựa chọn cách này loại bỏ cách kia. Trên bước đường tiến về Bảo sở, cần thoát khỏi vọng tình, vọng kiến mới mong bước vào Pháp giới nhất chơn.

Lý là kim chỉ nam, là bản đồ chỉ rõ hành trình phải đi qua; sự là đôi chân, là phương tiện để tiến bước. Chấp sự mê lý, chấp lý bỏ sự đều khiếm khuyết. Người chấp sự thì sinh tình (phiền não chướng), ngăn chặn nẻo về Niết-bàn và không hồi vãng về tự tính; kẻ chấp lý thì sinh tưởng (sở tri chướng) gây khó khăn cho đường đến Bồ-đề và đồng thời không nhận được từ lực gia hộ của Phật A Di Đà.

Trên thực tế, hành giả thực hành theo sự niệm Phật (tức không thông đạt về lý tính, chỉ một lòng niệm Phật để cầu sinh Tây phương, ngoài ra chẳng biết gì về tự tính Di Đà và duy tâm Tịnh độ) trong giai đoạn đầu có thể họ xưng danh chẳng để tâm đến việc quán tưởng về Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc, nhưng do câu hiệu A Di Đà được lặp đi lặp lại liên tục không gián đoạn, trải qua một giai đoạn nhất định việc ấy sẽ phát huy diệu dụng, ký ức về A Di Đà hình thành ngày càng sâu đậm hơn trong tâm thức của người trì danh. Hành giả từ trạng thái niệm danh hiệu trong vô thức hoặc nhận thức mờ nhạt về A Di Đà chuyển sang nhận thức tường tận về A Di Đà, tâm thức đi vào chính định, tuệ giác phát sinh liền thông đạt lý tính.

Còn thực hành theo lý niệm Phật, tuy chủ trương niệm và quán tưởng Phật để ngộ tự tính Di Đà nhưng giai đoạn ban đầu hành giả phải thực hành từ sự tướng, sau đó mới đạt được lý nhất tâm, thấy được Pháp thân.
Không nương lý thì việc hành trì dễ rơi vào tà đạo, như người đi không có bản đồ, dễ lầm đường lạc lối. Bỏ sự thì việc hành trì dễ lạc vào chấp không, như kẻ nắm được phương hướng, rành rõ đường đi mà chẳng chịu cất bước.

Tịnh hóa tâm thức là quá trình rất phức tạp và gian nan, không phải trong thời gian ngắn là thành tựu, cho nên phải biết phối hợp chặt chẽ sự và lý. Bên cạnh đó, không thể thiếu trang bị cho bản thân niềm tin bền vững, chí nguyện kiên cường, sức nhẫn nại dài lâu, có như vậy mới mong đi đến cứu cánh.

Thích Cát Tường

http://www.daibi.vn/2013/07/tinh-ngu-trong-long-ban-tay/

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.