Khi Phật trở về nước Xá Vệ, vào trong Vương cung thì bà Cung phi Da Du Đà La đến nép xuống mà lạy chào. Vua cha Tịnh Phạn bèn thuật lại cho Ngày rõ rằng: “Từ khi Thái tử bỏ cha, lìa vợ, dứt con mà đi tìm đạo, thì nàng ở trong cung rất niềm hiếu thuận, nết hạnh và giữ nghĩa cùng chồng, việc nhà trọn vẹn. Khi nghe tin Thái Tử tu khổ hạnh thì nàng ở trong cung cũng làm như vậy, bỏ những việc hầu hạ và sự cung phụng, lìa bỏ giường ngả, chiếu ngọc, lại cũng không trang điểm như trước nữa”.
Khi đó bà Da Du Đà La bèn dắt con là La Hầu La ra cho cha thấy mặt. Lúc ấy trong hàng quyến thuộc của Phật thấy vậy, thì ai cũng nghĩ rằng: “Ngài đã bỏ cha mẹ vợ con, bỏ nước đi tu lâu rồi, mà bà cung phi của Ngài làm sao lại có thai sinh ra người con như vậy?” (Bà có thai 6 năm mới sinh La Hầu La).
Phật hiểu ý những người quen thuộc nghĩ như vậy bèn nói rằng:
– Nàng Da Du Đà La vốn thiệt là người chân chính, thanh tịnh chẳng có nhiễm một chút chi mà phải ngại, làm cho tội nghiệp thân nàng, nếu chẳng tin, thì ta làm phép mới rõ chân giả.
Phật nói rồi, liền dùng phép thần thông làm cho mấy vị Tỳ Kheo theo hầu, ai nấy cũng đều biến thân hình ra như Phật, không khác chút nào cả. Bà Da Du Đà La bèn lấy chiếc nhẫn ấn tín đương đeo nơi thân mình mà trao cho con là La Hầu La và bảo rằng:
– Con nhìn người nào là cha của con, thì con đem chiếc nhẫn này trao cho người ấy.
La Hầu La liền lấy chiếc nhẫn trao đúng cho Phật. Rồi Phật dùng thần thông làm cho các vị Tỳ Kheo kia hiện lại nguyên hình. Vua cha và những người trong hàng quyến thuộc thấy vậy rất vui mừng và khen rằng:
– La Hầu La thiệt là con của Phật.
Phật ở lại Vương cung ít lâu thì Vua và bá quan nghe pháp đều phát tâm tu hành, còn tất cả trong hàng cung phi mỹ nữ cũng đều thọ Pháp Tam qui, Ngũ giới, chăm tu phạm hạnh, càng ngày càng tấn tới, cho nên cảm được khí hậu điều hòa, mưa hòa gió thuận, lúa đậu được mùa, nhân dân no ấm, và các nước lân bang đều kính phục.
TÂM MINH
Trời tối, nhân gian mờ mịt quá!
Giờ này Thái Tử định đi đâu?
Chính đời mờ mịt nên ta phải,
Đi để tìm ra ánh nhiệm mầu!
Ngày mai, bao kẻ trong tan khóc,
Ly biệt, thưa Ngài, nỗi khổ đau!
Ta sẽ trở về khi thấy đạo,
Giải thoát nhân gian vạn thảm sầu!
Một chồng hai vợ
Thuở quá khứ, có chàng thanh niên rất mực hiếu thảo, mặc dù là con trong một gia đình và đã đúng tuổi trưởng thành, nhưng y vẫn không chịu lập gia đình, nhứt định sống độc thân để phụng dưỡng mẹ già, vì người cha đã mất sớm.
Thấy con lo trong lo ngoài vất vả, người mẹ khuyên chàng cưới vợ. Nhưng chàng cương quyết từ chối. Vì quá thương con người mẹ tự động hỏi vợ cho con. Cực chẳng đã, chàng đành phải làm vừa lòng mẹ.
Đứa con dâu rất nết hạnh, lại thêm quán xuyến công việc gia đình và tỏ ra đảm đang cả việc nặng nhọc, nhưng rủi cho nàng không thể sanh con.
Đã buồn cho số kiếp bất hạnh của mình, nàng lại càng khổ sở hơn, khi thấy chồng thường tỏ ra nghĩ ngợi xa xôi, nét mặt đăm chiêu tư lự.
Đọc rõ tâm trạng chồng, nàng tự động cưới vợ lẽ cho chồng. Người vợ sau này chẳng bao lâu đã thọ thai. Bấy giờ người vợ lớn cảm thấy như mình bị bỏ rơi vì trông người chồng ra tuồng nưng nui vợ lẽ rất mực. Lòng ganh tỵ của người đàn bà đùng đùng nổi lên như trời giông biển động. Không tự chủ và kềm hãm được lòng ghen tức, người vợ lớn tự nghĩ, nếu không sớm chận đứng thì hậu quả cô đơn sẽ đến với đời mình trong một sớm một chiều. Thế là, một trương trình hiểm độc mọc lên trong óc nàng và nàng nhất định ra tay thực hiện dù phải trả với bất cứ giá nào.
Để cho vợ lẽ tin lòng, người vợ lớn tỏ ra săn sóc và dùng nhiều thì giờ trong việc giúp đỡ người vợ lẽ từ việc nhỏ đến lớn. Thỉnh thoảng nàng hỏi thăm sức khoẻ và ngày sinh nở của người vợ lẽ.
Tưởng vợ lớn thật lòng, người vợ nhỏ không dấu diếm chi cả. Được cơ hội người vợ lớn làm thuốc phá thai bỏ vào thức ăn. Thế là người vợ lẽ bị sảy thai. Tuy thế, người vợ lẽ vẫn còn tin tưởng người vợ lớn như thường.
Đến lần thứ hai, người vợ lớn cũng dùng thủ đoạn phá thai người vợ lẽ như trước.
Hai lần bị hư thai, người vợ lẽ đã học được một bài học giá trị. Bắt đầu từ đấy, nàng biết ra sức đề phòng kín đáo.
Khi thấy cái thai của người vợ nhỏ ngày càng to, người vợ lớn mới tìm cách phá thai, nhưng vì cái thai đã già tháng, nên người vợ nhỏ phải chết cả mẹ lẫn con.
Trước khi nhắm mắt, nỗi đau khổ và căm thù đã dâng tràn lên khoé mắt. Cắn răng, rớt nước mắt người vợ nhỏ quyết trí rửa thù trong những kiếp lai sinh.
Người nào gây gió người đó phải gặp bão. Sau khi người vợ nhỏ chết đi, người chồng điều tra biết rõ sự thật, bèn đánh đập hành hạ người vợ lớn, không bao lâu người nầy cũng chết.
Luật luân hồi vay trả, trả vay. Sau khi chết người vợ nhỏ sanh làm con mèo cái, còn người vợ lớn sanh làm con gà mái ở chung một nhà. Mỗi lần gà mái có con là mỗi lần mèo ta bắt ăn thịt và lần sau cùng giết luôn cả gà mẹ.
Kiếp thứ ba, sau khi chết, gà sanh làm con beo cái, còn mèo thì sinh làm nai cái. Mỗi khi nai sinh con thì beo ta tìm đến ăn thịt nai con, và cuối cùng giết luôn cả nai mẹ.
Kiếp thứ tư, sau khi chết nai cái sanh làm hung thần, còn beo sanh làm con gái của một gia đình giàu có.
Đến tuổi trưởng thành cô gái về nhà chồng. Cứ mỗi lần cô nầy sinh nở là hung thần hóa làm người bạn đến thăm chơi để rồi thừa cơ chụp lấy hài nhi ăn thịt, lần thứ hai, tấn tuồng quái gở của hung thần và cảnh nát lòng của người mẹ cũng diễn ra như trước.
Người đàn bà đau khổ ấy đã gần như mất trí, khi biết mình thọ thai lần thứ ba. Gần ngày sinh nở người chồng đề nghị đưa vợ về sinh nở bên quê ngoại. Nói về hung thần vì đến phiên hầu nước cho Đức Vessa Vanna là vị chúa tể cai quản tất cả hung thần.
Sau khi hết phiên, hung thần lập tức đến nhà tìm người thù truyền kiếp của nó. Khi biết người thù của mình đã về quê ngoại, nó liền bay vọt lên mây nương mình theo gió để tìm cho bằng được người thù không đội trời chung.
Nhắc lại người đàn bà nạn nhân của hung thần, sau khi cùng chồng về quê sinh nở và dưỡng sức một thời gian, bèn đem nhau lên đường trở lại quê chồng. Vợ chồng đi bộ gần đến Kỳ Viên Tịnh Xá, thấy có ao nước trong mát, bèn rủ nhau tắm rửa và nghỉ mệt. Người vợ tắm trước lên ẫm con cho chồng tắm. Trong khi đang cho con bú, nàng bỗng nghe tiếng gió từ xa đưa đến như cuồng phong bão tố. Nhìn lên trời nàng thất kinh hồn vía, vì vừa nhận ra hung thần. Không kịp chờ chồng tắm xong nàng la thất thanh: “Nó đến kìa! Nó đến kìa!”. Rồi cắm đầu ôm con chạy thẳng vào Kỳ Viên Tịnh Xá, đem con để nằm dưới chân Đức Phật và yêu cầu Ngài cứu mạng con mình.
Ngay lúc ấy, hung thần cũng vừa đến cửa Tịnh xá, nhưng Chư Thiên gác cửa không cho vào. Đức Phật dạy Ngài A Nan Đà ra gọi hung thần vào. Nhờ oai lực của Đức Phật nên hung thần tỏ ra hiền lành dễ dạy.
Trước sự gặp mặt của hai nạn nhân, Đức Phật từ tốn khuyên bảo: “Này hai người, tại sao hai người làm khổ nhau như thế. Nếu hai người không may mắn gặp được Như Lai thì mối thù truyền kiếp này đến bao giờ mới chấm dứt được và hai người sẽ như quạ với chim mèo, như rắn với chồn, cứ gặp nhau là tìm cách giết hại nhau, để rồi oán thù chồng chất thêm mãi”.
Tiếp theo Đức Phật kể lại mối thù truyền kiếp giữa hai người, đồng thời nói bài kệ:
“Trên thế gian này,
bất cứ thời đại nào
nếu lấy oán báo oán
thì oán chập chồng
lấy ân báo oán
thì oán tiêu mất
đó là chân lý của bậc hiền xưa.”
Nhờ nghe bài kệ và lời khuyên của Đức Phật mà mối thù truyền kiếp giữa hai người từ đây chấm dứt, oan khiên không còn vay trả…
H.G.
Luân hồi nhân quả không sai,
Không tu ắt phải đọa đày khổ thân
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120345542/tap-ii-11.html