– Em cài thêm hoa lên mái tóc cho ta.
– Chà Công chúa đẹp quá!
Hoa Nô thốt ra câu nói ấy trong khi nàng cúi xuống cài đôi chim sẻ nạm toàn kim cương lên đôi cẩm hài của Công chúa.
Trước điện Quỳnh La 50 vị Phạm Chí đã túc trực sẵn sàng, hai hàng Ngự lâm quân đứng nghiêm như tượng, mấy chục nàng cung nữ xiêm y rực rỡ, tiếng lục lạc vàng dưới mấy chục chân tròn trắng cùng tiếng xao xuyến chạm vào nhau hòa thành một điệu nhạc lạ mà hay.
Tất cả đang chờ Công chúa. Bỗng tiếng vọi thổi lên để dẹp đường, người ta đều đổ dồn đôi mắt vào chính điện. Bức rèm nhung tơ màu hồng lạt thêu đôi phụng hoàng bằng kim tuyến lay động. Công chúa, một con người ngọc đài các bước ra.
Những ai đứng sau xa phải kiễng chân lên mới nhìn rõ Công chúa để mà thì thầm khen ngợi cái sắc đẹp đoan trang lộng lẫy của nàng, cũng như thầm phục đức khiêm tốn của con người đẹp khi đi ngang qua hàng Ngự lâm quân người đã cúi đầu kính cẩn đáp lễ.
Đây là một buổi lễ hành hương của Công chúa Ly Cấu con vua Ưu Điền.
Cũng giờ phút ấy, trong ngày hôm ấy, ở Tịnh xá Trúc Lâm các vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn sau thời thanh đán xả thuyền định rồi. Các Ngài phân phó nhau đi khất thực theo lệ thường.
Trước khi ra đi, Trưởng lão Xá Lợi Phất bắt đầu chú nguyện: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh đều thâm hiểu pháp tứ đế, y theo tu hành và thành tựu quả vô sanh, Đại đức Mục Kiền Liên: Tôi nguyện tất cả chúng sanh đều tránh khỏi sự ma chướng, phát tâm bồ đề cầu đạo vô thượng, Tôn giả Đại Ca Diếp: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh đều phát thiện tâm, tu hành giải thoát hưởng phước vô lượng, thành tựu đạo quả, Thánh giả Tu Bồ Đề: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh thâm hiểu vạn pháp như huyễn trừ sạch tâm chấp trước, cầu chứng quả Niết bàn, Tôn giả A Nan: Tôi nguyện cho tất cả chúng sanh bỏ dữ làm lành, đầy đủ phước đức hiện sống tâm hồn ly dục, khi thác được sanh về các cõi an vui… cho đến Ngài A Nan Luật Đà, ngài Phú Lâu Na, La Hầu La… mỗi Ngài đều có chú nguyện cho chúng sanh trước khi ra đi.
Xe giá Công chúa vừa ra khỏi cửa thành phía Bắc thình lình nghe tiếng hô lớn: “Dừng xe”, bọn Phạm Chí và tất cả tùy tùng đều kinh ngạc, có một vị Trưởng lão trong bọn Phạm Chí ra thưa: “Tôi thấy xa xa ở bên cửa phía đông có một đoàn đệ tử của Cù Đàm (chỉ Đức Phật) đương hướng về ngã này, nếu chúng ta gặp những người ấy chắc là có việc không hay xin công chúa hãy truyền cho lui xe về ngã khác”. Nghe tâu, Công chúa để ý ngó xa quả thấy những vị tu hành ấy khoan thai trong chiếc áp vàng, đĩnh đạc và giải thoát làm sao, lòng nàng bỗng nhiên kính mến lạ: Sự thông cảm đến với Công chúa một cách đột ngột, nên chẳng những nàng không cho lui xe mà còn truyền xe giá ngừng hẳn lại, rồi Công chúa xuống kiệu để chờ đón đoàn người đức hạnh kia.
Bọn Phạm Chí và tất cả tùy tùng như bộ máy bị phanh, không một lời thưa lại.
Đoàn người ly dục đương từ từ đi đến, bước đi thong thả nhẹ nhàng trong im lặng, phải chăng ý niệm của người đương mải chú nguyện cho chúng sinh và cử chỉ oai nghi ấy còn ham lo ái hộ loài sâu kiến.
Đầu đoàn là Trưởng lão Xá Lợi Phất vừa đến nơi thì Công chúa quỳ sụp xuống cúi đầu đảnh lễ, tất cả bọn tùy tùng bất giác cũng sụp xuống quỳ theo.
Đoàn người cao khiết ấy, cứ im lặng đi qua, cho đến khi Công chúa ngẩng lên và nhìn theo chỉ còn thấy những tà áo vàng bay nhè nhẹ.
– Ủa, Công chúa hành hương ở miếu Kỳ Bà sao mãi đến bây giờ vẫn chưa về? Trẫm phiền khanh truyền người xuống điện Quỳnh La xem thử.
Buổi hành hương của Công chúa bị về trễ, vua Ưu Điền ở nhà lo ngại.
Từ khi Hoàng hậu Băng Sa thăng hà, để lại cho nhà vua một nỗi nhớ nhung vô hạn và một người con gái yêu quý vô cùng. Vua cha đã cô đọng tình thương con cả cha lẫn mẹ, thêm vào đó những đức hạnh cao quý của Công chúa, nên đức Vua để ý lo cho con từng cử chỉ.
Ngoài cái việc làm người con hiếu, Công chúa còn giúp vua cha nhiều ý kiến lành mạnh để trị nước an dân, nhờ vậy mà các nịnh thần tham quan ô lại không mọc lên, nên nhà vua tận hưởng thái bình, mà dân chúng thời ấy thật đã sống đúng nghĩa an cư lạc nghiệp. Vì thế nhà vua đối với Công chúa chẳng những yêu quý mà còn kính nể như một ngườ bạn vậy.
Nhà vua đã ngoài 60 tuổi, không có con trai, Ngài vẫn canh cánh bên lòng ước ao được người rể quý để ký thác non sông lúc tuổi già. Nhưng Công chúa không bao giờ nghĩ đến chuyện trăm năm, nên mặc dù đã 19 tuổi mà vua cha cũng không dám đá động đến lương duyên của con.
Sau buổi lễ hành hương hôm ấy, Công chúa trở về thâm cung chí xuất gia bỗng manh nha trong lòng người đẹp.
Thời ấy có bà Đại Ái Đạo là Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Di Mẫu của Đức Thế Tôn đã xuất gia lãnh đạo một đoàn thể Ni Lưu (phái nữ tu sĩ) hiện an trú tại Kiều Đàm Tịnh Xá.
Công chúa xin phép vua cha được thường thường đến hỏi đạo với Ngài.
Một hôm Công chúa đem ý nguyện cầu xuất gia thưa với Di Mẫu nhưng Công chúa đã thất vọng, vì theo qui luật nhà Phật thì phải có sự thỏa thuận của gia đình, việc ấy Công chúa chắc chắn không bao giờ được vua cha cho phép.
Chí cầu giải thoát, lòng thương cha già đương phân tranh, thì Di mẫu đã tìm cho nàng một giải pháp vẹn toàn là có thể thực hiện hạnh xuất gia của bực Thượng Nhân (nghĩa là thân gia, tâm cầu xuất gia tam giới).
Vâng lời Di Mẫu, Công chúa như phăng được mối tơ lòng, nàng liền thực hành theo hạnh Bồ Tát tại gia.
Công chúa ngày nay không còn trang điểm như xưa, nàng ăn mặc thô sơ theo lối tu hành. Đồng thời nàng đã tìm nhiều phương tiện đưa vua đến yết kiến Đức Thế Tôn, nhờ vậy mà vua Ưu Điền cũng trở thành một Phật tử chân chánh và tận lực phục vụ đạo. Vả chăng cao hạnh của người ai lại phủ nhận?
Vì vậy, cung điện Quỳnh La nay đã biến thành một tịnh thất trang nghiêm thuyền vị, mỗi tháng cứ đến ngày trai Công chúa lại thỉnh Di Mẫu vào cung truyền giới “Bát quan trai” và dĩ nhiên tất cả cung nữ đều thừa nhận theo tu tập thuần thành.
Mấy kho châu báu là tư sản của vua cha cho để chờ ngày xuất giá, Công chúa đã đem ra bố thí cho dân nghèo. Nàng tâu vua cha mở mang nền kinh tế, dạy dân nghề nghiệp thiện, Công chúa đứng lên mở các trường huấn luyện đạo đức cho phái phụ nữ, nhất là người khéo áp dụng Phật pháp vào lối sống của dân chúng. Công chúa chủ trương các viện dưỡng lão, tế bần và lập một bệnh viện mà nàng phát nguyện tự thân săn sóc bệnh nhân.
Công chúa Ly Cấu là người đầu tiên tham gia công việc xã hội ở nước Ấn Độ thời ấy vậy.
Nàng vui với đạo say với việc làm: Năm năm qua đều đều như thế. Một hôm, người ta khệ nệ khiêng đến một bệnh nhân bệnh tình trầm trọng, người bệnh phung lác lở cùng cả mình, một chứng bệnh khốc liệt đã ăn cụt mười ngón tay chân, còn chảy nước cùng mình, mặt mày lở loét trông rất dễ sợ.
Bệnh nhân rên la thảm thiết, mới thoạt trông thấy con người đáng thương kia. Công chúa phải rung mình nghĩ đến khi tay mình đụng nhằm để tắm rửa săn sóc. Nhưng lòng từ bi cứu khổ đã thắng, đôi bàn tay tròn thuôn thuôn như ngọc chuốt từ từ khoát nước nhẹ nhẹ rửa cho bệnh nhân, tay Công chúa lầy lụa nước ghẻ, bệnh nhân thì giẫy giụa quằn quại nàng phải ôm đỡ bệnh nhân và không nhẫn tâm được, Công chúa đã tràn đầy đôi mắt lệ, nàng phải nhắm lại để rơi hai giọt nước mắt từ bi.
Nhưng khi mở mắt, thì lạ thay bệnh nhân đâu mất mà trước mắt nàng ánh sáng chói lòa Đức Như Lai uy nghi đứng như pho tượng độc tôn. Công chúa sung sướng quá nàng sụp xuống đảnh lễ Phật. Tất cả nhân dân trong bệnh viện lúc bấy giờ tâm hồn nhẹ nhàng, bao bệnh nhân đều thoát khỏi bệnh khổ.
Đức Như Lai tán thán công hạnh của Công chúa và thuyết lý “Tứ Diệu Đế” cha nàng nghe, Công chúa liền chứng quả Tu Đà Hoàn và tất cả chúng hội nghe pháp đều chứng được ly dục.
Thể Quán
“Dẫu xây chín đợt phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120328007/tap-ii-4.html