Đại vương và khỉ chúa – Đạo thầy trò

Ngày xưa, có một vị Đại Vương bị cướp mất ngôi nên cùng Hoàng Hậu lẫn tránh vào rừng. Một hôm, lúc đi hái quả trở về, Đại Vương không thấy Hoàng hậu đâu cả. Ngài lang thang tìm kiếm khắp nơi. Đến một khu rừng kia, Ngài gặp một con khỉ vẻ mặt buồn bã, đi đầu một đàn khỉ rất đông. Vua hỏi sao buồn thế, nó liền kể lễ: “Tôi là khỉ Chúa rừng này, mới bị cậu tôi đến cướp mất nước nên tôi phải ra đi. Vậy xin Ngài mở lòng từ bi giúp tôi lấy lại nước, thì tôi xin đội ơn Ngài lắm”.

Vua tuy trong lòng buồn bã, nhưng thấy việc đáng làm, nên nhận lời ngay. Khỉ cậu nghe tin có người đến đánh, kéo cả bầy ra chống cự. Đại Vương thấy vậy liền trèo lên một hòn đá cao nói với Khỉ cậu rằng: “Mầy phải trả lại nước nầy cho cháu mầy, nếu không nghe lời sẽ bị giết ngay”. Khỉ cậu thấy Đại Vương nắm một cái cung thần, sợ hãi lắm liền ríu ríu kéo cả bầy đi nơi khác.

Khỉ Chúa lấy lại nước, mừng rỡ lắm. Nhưng nhìn vẻ mặt không vui của Vua, nó liền hỏi nguyên nhân vì sao, Vua kể lại chuyện mất vợ cho Khỉ Chúa nghe. Khỉ Chúa bèn hội cả bầy khỉ lại, cùng Đại Vương đi tìm Hoàng Hậu. Đến một nơi kia, cả đoàn gặp một con khỉ lạc. Hỏi nó thì nó có gặp một con Độc long cõng một người đàn bà vào một cái hang gần đấy. Đại Vương cùng cả đoàn Khỉ đến hang tìm, con Độc long nằm trong hang thấy có người đến cứu Hoàng Hậu, nổi giận hóa một trận mưa gió rất to, rồi phóng một luồng ánh sáng, làm cho cả bầy khỉ sợ hãi vô cùng. Khỉ liền tâu với Vua lấy cung thần bắn.  Luồng ánh sáng bị trúng tên thần biến mất và con Độc long cũng chết. Bầy khỉ chen vào hang, cứu Hoàng Hậu ra. Cả đoàn rất đổi mừng, cùng nhau trở về rừng cũ.

Lược sử PHẬT TỔ

Chớ khinh điều ác nhỏ mà làm. Chớ khinh điều lành nhỏ mà không làm. Phải biết giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy bình. Kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác. Kẻ trí sỡ dĩ toàn thiện cũng bởi chứa tồn từng khi ít mà nên.

Đạo thầy trò

Xưa có một con thỏ (Tiền thân của Đức Phật Thích Ca) rất thông minh và đức hạnh, thường ngày nó cứ quanh quẩn bên mình một vị Đạo Nhân, tu hành ở trong rừng để nghe kinh kệ. Đến bữa ăn nó chạy đi kiếm hoa quả đem dâng cho Đạo Nhân.  Được ít lâu trời đổi tiết những ngày mưa tầm tã nối tiếp nhau, từng luồng gió lạnh thổi đến, rét tận xương, cây cối tả tơi, hoa quả thối rụng. Con thỏ đi kiếm mãi không ra thức ăn cho Đạo Nhân, vì thế mà đói rét rất thảm thương. Người định hoãn việc tu hành, thu dọn đồ đoàn để trở về nhà, đợi đến mùa xuân sang năm sẽ vào rừng tu lại. Thỏ nghe vị Đạo Nhân sắp về nhà buồn bã lắm. Nó nghĩ: “Đạo Nhân lòng nhân từ rộng như biển, xem ta như con, ngày nào cũng giảng kinh kệ cho ta nghe, ơn ấy thật không có gì sánh kịp. Nay nghe người gặp cảnh hoạn nạn như thế mà ta không có cách để giúp đỡ thật ta lấy làm xấu hổ lắm”. Nghĩ như vậy nó chạy đi tìm thức ăn lại.

Nhưng lần nầy cũng như lần trước, nó không tìm được gì cả. Nó buồn bã trở về nói với vị Đạo Nhân rằng:

– Xin Ngài hãy nhóm lửa lên, tôi vừa kiếm được một vật ăn ngon lắm.

Đạo Nhân nghe theo, nhóm lửa lên. Khi lửa đã đỏ rực, con thỏ nhảy vào đống lửa mà nói rằng:

– Vật ấy là tôi đây!

Đạo Nhân hoảng kinh, vội ôm thỏ ra, rồi hỏi nó tại sao làm như thế? Nó trả lời:

– Con mang ơn Ngài nhiều lắm! Nay Ngài gặp cơn đói khát phải hoàn việc tu hành, lòng con không nỡ, nên con xin hiến thân con để Ngài dùng đỡ cho qua ngày, khỏi phải bỏ lỡ cuộc tu hành.

Đạo Nhân nghe thỏ nói, thương nó lắm. Từ đấy về sau, hai thầy trò người và thỏ, cùng nhau ở lại rừng tu hành, không quản đói rét.

Lược sử PHẬT TỔ

Tình yêu của thế gian thì ích kỷ và bắt nguồn từ những ham muốn của dục vọng.

Tình yêu của tứ vô lượng tâm trái lại cho ra không điều kiện, vô giới hạn và không thay đổi.  Tâm hồn con người được tiếp xúc với tứ vô lượng tâm sẽ vĩnh viễn trở nên siêu thoát.

Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120340532/tap-ii-9.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.