Đôi Mắt Nhìn Cuộc Đời

Đức Phật, Đấng đạo sư tôn quý của nhân loại. Ngài đã đến và đi ngang qua dòng đời sanh diệt, hơn 2550 trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả, nhưng kỳ diệu thay hình ảnh Đức Phật in đậm trên mặt đất này, pháp âm giải thoát vẫn còn vang mãi trong trái tim nhân loại và chúng sanh. Thế giới hôm nay có lắm thương đau, còn quay cuồng trong sân hận và tham lam. Chiến tranh còn gieo rắc, nhân tình còn chịu khổ vì hoạn nạn tai trời, ách nước. Những cảnh tượng sống động đó đầy đủ chứng minh hùng hồn cho giáo lý cao thượng của Đức Phật -Thế gian vô thường, vô ngã, khổ, không. Ngài tuyên bố: “Ta ra đời chỉ nói khổ và phương pháp diệt khổ”. Ngài đã cho nhân loại ánh sáng đạo lý mà tự thân đã giác ngộ, đó là con mắt tuệ giác liểu tri đời sống con người và vạn vật. Trong cuộc đời đầy cạm bẩy bởi thế lực vô minh và nghiệp chướng, chúng ta cần có con mắt tuệ giác của Phật soi đường, hãy vận dụng tầm nhìn ấy để tìm về cội nguồn hạnh phúc vĩnh hằng.

Đức Phật từ bảy bước trên hoa sen và hiện thân làm thái tử đầy đủ cảnh vinh hoa phú quý như vợ đẹp, con thơ, cung vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ của một đời sống dục lạc trần gian. Đôi mắt Thái tử vẫn hững hờ trước đời sống mà thế gian thường hưởng thụ. Thực chất đời sống của Ngài là phú quý trên mọi phú quý, là quyền lực trên mọi quyền lực, vì Ngài ở đời sẽ thừa kế ngôi vị đế vương mà vua Tinh Phạn hằng mơ ước. Đôi mắt ấy, Ngài đã nhìn thấu bản chất của đời sống con người, đó là cảnh sanh già, bệnh, chết, những dục lạc thúc dục mạng sống mong mênh, vô thường giả tạm của con người. Từ đó Ngài liên tưởng đến cả nỗi đau nhân thế, mọi kiếp người đang quay cuồng trên sân khấu của cuộc đời ngắn ngủi. Ôi trái tim vị tha của Bồ Tát, Ngài giáng sanh ở trần gian với đôi mắt từ bi vô hạn,  từ bỏ tất cả sở hữu hạnh phúc để tìm đường xuất gia, cầu giác ngộ chân lý.

Từ đỉnh cao của sự giải thoát giác ngộ Ngài đã dập tắt mọi thế lực vô minh ngự trị trong tâm mình, khẳng định rằng tất cả chúng sanh đều có đầy đủ Phật chất trong lòng, có khả năng thoát khổ thông qua con đường đoạn trừ tham ái, chứng đắc tuệ giác vô ngã. Giáo lý đức Phật là mục đích chuyển hóa tâm ô nhiểm thành tâm trong sạch. Nó như một phương thuốc nhiệm mầu trị liệu căn bệnh trầm kha tham, sân, si để hướng tới hạnh phúc chân thật Niết bàn. Niết bàn không phải là cảnh giới hư vô mà là thực trạng vắng mặt mọi khổ đau “Ái diệt tức niết bàn”. Chỉ cần dập tắt ngọn lửa tham ái thì cảnh giới niết bàn hiện hữu.

Đức Phật dạy rằng: Mọi người đối trước chân lý đều bình đẳng, không có giai cấp trong con người, khi mồ hôi cùng mặn, dòng máu cùng đỏ. Đó là ý thức hệ vô cùng nhân bản, đánh tan mọi quan niệm sai lầm của xã hội Ấn Độ đương thời, vì xã hội ấy đã phân thành bốn giai cấp: 1- Bà-La-Môn tự cho mình là giai cấp tôn quý, nắm mọi pháp quyền, 2- Giai cấp Sát-Đế-Lợi là giữ truyền thống của dòng vua chúa, nắm quyền lãnh đạo. 3- Giai cấp Phệ-Xá thuộc những hạng người thương dân giàu có, 4- Giai cấp Thủ-Đà-La là thứ dân hạ tiện nhất xã hội. Đức Phật đã đem ánh sáng bình đẳng soi rọi vào lòng xã hội, hoàn toàn không phân biệt giai cấp hay sắc tộc, mọi người biết tu tập, mọi người biết hướng thiện thì đều được an lạc.

Giáo lý Đức Phật nhằm thuyết minh hai phương diện hạnh phúc tương đối và hạnh phúc tuyệt đối. Người học Phật phải có con mắt tuệ giác mới đầy đủ năng lực hộ trì chánh pháp, lấy Giới-Định-Huệ làm phương châm tu học, thông qua tu học phước tuệ để xây dựng hạnh phúc cho mình và tha nhân. Con người phải dũng mãnh bỏ đi cái khối ung nhọt của kiến chấp sai lầm, không nên mê muội bám chặt vào chủ nghĩa hình thức tiêu cực, không nên vì thành kiến và tham vọng làm mất đi giá trị tình thương trong cộng đồng nhân loại. Người học Phật sống và làm việc với lòng chân thật, không nên mượn hình thức tôn giáo nuôi lớn quyền lực cá nhân hay sống theo thủ đoạn thế tục. Sống với đạo là trở về với chân lý, sống bằng tình thương và hiểu biết. Theo Phật mà không hiểu lời Phật dạy, không làm theo lời Phật dạy cũng là một hình thức hủy báng Phật Pháp ở đời.

Chúng ta hãy mở mắt nhìn vào dòng lịch sử Phật Giáo từ thuở xa xưa cho đến ngày nay. Phật giáo từ Ấn Độ đến Trung Hoa, đến Việt Nam và tồn tại khắp năm châu bốn bể, nó luôn là kim chỉ nam soi sáng cho con người thoát khỏi khổ đau và thù hận.  Trong bão tố cuộc đời như chiến tranh và bạo lực, đạo lý ấy vẫn tồn tại vì dân tộc nào cũng yêu chuộng và gìn giữ. Thế sự có thăng trầm đạo ấy vẫn an nhiên bất động, năng lực của pháp siêu việt lên tất cả mọi triết lý và chủ thuyết.

Hôm nay chúng ta được biết Phật pháp đó là một cơ hội hiếm có trong đời. Nhờ ân Đức Phật, chư Thánh đệ tử của Phật, lịch đại Tổ sư, chư vị Phật tử hộ trì chánh Pháp đã không tiếc thân mạng truyền bá chánh pháp. Chúng ta là người thừa kế phải biết vận dụng Phật pháp tu học để gột rửa mọi nội kết ngã chấp trong lòng, đem đạo lý tình thương vào đời sống nhân loại. Đó là chánh kiến như Đức Phật đã nhìn cuộc đời. Ở trong kinh Kim Cang có dạy: “Các pháp ở thế gian đều là như giấc mộng, là huyễn hóa, như bọt nước, như giọt sương, như điện chớp, phải thường quán sát như vậy”. Cuộc đời có gì là thật, kiếp người bao giờ cũng bị trói buộc trong dục vọng điên cuồng, sự chấp ngã đã gán vào tâm con người những vết dơ của thù hận và lòng ích kỷ, từ đó tâm ta xu hướng vào vòng ô nhiễm, kết thành hạt giống phiền muộn và vô minh.

Đức Phật đã cho ta con mắt tuệ giác để quán chiếu tường tận mối quan hệ duyên sinh các sự kiện cấu thành thân tâm và thế giới, bỏ đi những nhận thức sai lầm trước mọi hoàn cảnh trước dòng đời luôn luôn vận chuyển trong từng Sát-na. Đôi mắt tỉnh thức thấy rõ tính chất vô ngã của hiện tượng giới. Ngài dạy: “quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, tuệ quán chính ở đây…”. Do vậy tu học là biết quán sát, không nên đào bới những mặc cảm thù hận trong đáy lòng mà mất đi tình thương tươi mát vốn có. Không tham vọng về tương lai mang tính chất ảo huyền phi thực tế. Hãy an trú trong hiện tại, làm nhiều điều tốt đẹp lợi ích, phát huy được năng lực tuệ giác vốn có trong lòng mình và có khả năng giác ngộ như Phật. Lại nữa, ở trong kinh Pháp hoa có dạy: “Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên khai thị chúng sanh ngộ, nhập Phật tri kiến”. Chúng ta hiểu rằng mục đích Phật xuất thế để thức tỉnh chúng sanh thoát khỏi căn nhà lửa tam giới. Khai tức là mở ra tri kiến Phật, Thị là chỉ cho thấy tri kiến ấy, Ngộ là làm cho thấy rỏ, Nhập là vào tuệ giác của Phật. Đức Phật là bậc thầy gương mẫu, đã cho nhân loại một tầm nhìn siêu xuất, nhìn rỏ bản chất hư giả của cuộc đời, từ đó mới có thái độ sống cao đẹp.

Là Phật tử chúng ta phải có chánh tín rằng một khi mây mờ phiền não trong lòng đã xua tan thì bầu trời tự tánh giác ngộ được xuất hiện. Đến lúc đó nhìn lại trần gian nhẹ như tơ hồng, bao nhiêu buồn giận hơn thua trong đời đều là sự dại dột ngây ngô. Chúng ta sẽ im lặng quỳ dưới chân đức Phật nở một nụ cười thầm kín trên môi với lòng tri ân, rồi tự mình nói rằng: Kính lạy Phật cho con có mắt nhìn cuộc đời như thật, cho con có cơ duyên thực hiện đạo lý tình thương vô ngã. Thế gian này thật đáng thương, con không có lòng thù hận mà muốn cùng bắt tay mọi người với tình thắm thiết. Trong kiếp người ngắn ngũi này con nguyện thương nhau hơn và cùng phụng sự cho lợi ích nhân loại, có vậy đến lúc nhắm mắt xuôi tay lìa trần không còn sầu khổ và hối hận một đời đã qua sống trong vô nghĩa. Cho con có đôi mắt của Phật để phát huy nguồn yêu thương nội tại trong chính mình và có được hạnh phúc chân thật.

Thích Đức Trí

http://buddhahome.net/phatphap/tongquat/ 

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.