Học Buông Xả Những Quá Khứ Đau Thương Và Thù Hận

Là một cựu quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã chiến đấu tại các chiến trường để bảo vệ nền tự do cho miền Nam Việt Nam. Khi miền Nam sụp đổ, tôi bị bắt đi tù, được gọi một cách văn hoa là đi cải tạo. Ở đó, hằng ngày ngoài chuyện làm việc cực nhọc, chúng tôi còn phải nghe những lời lăng mạ của các người quản trại, rằng chúng tôi là những kẻ phản quốc, làm tay sai cho ngoại bang.

Do hiểu biết nông cạn, nên họ không hiểu được thực tế, rằng cuộc chiến của nước Việt Nam là chiến tranh ý thức hệ, giữa hai khối tự do và cộng sản.Được đi theo diện HO sang đây, do có điều kiện nghiên cứu kinh sách nhà Phật, đôi khi tôi lại cảm thấy thương xót cho những cai tù khi xưa, những kẻ vì ngu dốt mà tạo nghiệp ác với anh em tù nhân chúng tôi. Những lúc ấy, lòng tôi nhẹ nhõm, không còn oán hận họ nữa.

Tôi rất muốn buông xả, tha thứ cho họ, theo lời đức Phật đã dạy: “Oán chỉ nên cởi, không nên thắt”, và “Lấy oán báo oán, oán mãi chất chồng, lấy ân báo oán oán liền tiêu diệt“. Nhưng càng gần ngày kỷ niệm miền Nam xụp đổ, thì lòng tôi lại bồn chồn uất ức, nghĩ tới biết bao nhiêu là cảnh cũ, người xưa.

Vậy tôi có nên buông xả hay không? Muốn buông xả thì làm sao cho tôi quên được biết bao nhiêu chuyện đau lòng mà buông?

Thưa quý thính giả!

Hằng năm, cứ vào khoảng thời gian miền Nam xụp đổ, vào cuối tháng Tư dương lịch, hầu như hết thẩy chúng ta, những người phải bỏ quê cha đất tổ ra đi để tìm tự do, đều cùng chung nỗi bồi hồi buồn bã như nhau. Mặc dầu ba chục năm đã trôi qua, thế hệ những người có nhiều kỷ niệm với miền Nam thuở xưa, vẫn thấy mọi chuyện như mới xảy ra, và vết thương lòng vẫn như là còn đang nhức nhối.

Vậy thì liệu chúng ta có thể quên được những kỷ niệm xưa không? Và có cần phải quên không? Đấy cũng là những mối ưu tư trong đời sống, cần được tìm hiểu.

Kính thưa quý vị!

Trong đời, chúng ta có rất nhiều câu hỏi, và mỗi câu hỏi cũng lại có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo môi trường sống, hoàn cảnh cá nhân, văn hóa, xã hội, vân vân… Vì thế, những câu trả lời cũng đều chỉ là những quan điểm tưong đối, không phải là chân lý tuyệt đối, dùng chung cho tất cả mọi người.

Đạo Phật cũng trôi chảy trong dòng sống của nhân loại, cũng có nhiều câu hỏi và giải đáp khác nhau cho hành giả trên đường tu tập. Là một đạo sư, đức Phật hiểu rất thấu đáo điều này. Ngài hiểu rằng tâm mỗi chúng sinh đều có những đặc điểm riêng, do đó, những thắc mắc cũng cần có những giải đáp khác nhau, cho nên đã chỉ ra nhiều cách tu tập, để đáp ứng với nhu cầu luyện tâm của nhiều người.

Cốt tủy của đạo Phật là tu hành để giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Đây là kinh nghiệm bản thân của đức Phật, sau khi tu hành khổ hạnh qua nhiều phương pháp, một buổi sáng, khi sao Mai mọc, Ngài bừng tỉnh ngộ, nhận ra được rằng “Tất cả chúng sinh đều có Tri Kiến Phật như Ngài, chỉ vì vô minh che khuất, nếu tu tập thì sẽ bừng tỉnh, giác ngộ như Ngài”.

Đó là thông điệp của đức Phật khi giác ngộ, thành Phật. Phật có nghĩa là giác ngộ.

Từ sự giác ngộ của Ngài, đạo Phật ra đời. Mục tiêu của người tu đạo Phật là giác ngộ thành Phật để cứu độ chúng sinh như đức Phật đã tu và đã thành tựu. Thành phần này là những người xuất gia, còn được gọi là những Trưởng Tử Như Lai. Để có thể đạt được kết quả rốt ráo, các vị này thường tới những khu rừng sâu, núi cao, xa lánh hẳn chuyện đời, để thanh lọc tâm linh. Đó là các vị hành giả quyết tâm bước trên đường giác ngộ giải thoát, để có khả năng cứu độ muôn loài chúng sinh như đức Phật, ngay trong kiếp sống này.

Đối với các vị này thì:

Quá khứ đã qua rồi
Tương lai thì chưa tới
Hãy nên luôn tỉnh thức
Sống trong hiện tại này
Vững chãi thảnh thơi
”.

Do đó, các pháp môn họ tu đều với mục tiêu dẹp trừ vọng tưởng Tham Sân Si, buông bỏ kỷ niệm xưa, tình cảm cũ, quay lưng lại quá khứ. Quý vị này được Phật tử tôn là bậc trượng phu, đã vượt lên trên những chân lý tương đối, có tính cách quy ước của từng nhóm người, từng cộng đồng, vốn là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh. Hành động của người tu giải thoát phải phát xuất từ tâm Đại Bi, bình đẳng, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nếu có việc làm nào, mà động cơ là Tham Sân Si, thì người tu sĩ đó chưa giữ đúng lời nguyện khi xuất gia. Mang tâm nguyện độ sinh bước vào cửa Không, người tu sĩ trên đường tiến tới giác ngộ giải thoát, coi danh lợi và vinh hoa phú quý chỉ như đôi dép rách, thẳng tay liệng bỏ. Đấy là mục tiêu cốt tủy của con đường tu theo đạo Phật.

Nhưng không phải tất cả mọi Phật tử đều có khả năng làm được việc đó. Và cũng không phải tất cả Phật tử có lòng muốn tu tập, đều muốn tu một cách tích cực, dẹp bỏ tất cả mọi lôi cuốn của thế gian như vậy.

Cho nên ngoài giới xuất gia tu hành để giải thoát ngay trong kiếp sống này, còn có Phật tử cư sĩ tu hành tại gia. Với Phật tử cư sĩ tại gia thì lại có quy chế khác với người xuất gia. Vì cư sĩ đang sống trong đời thường, phải có bổn phận với gia đình, tổ tiên, non sông, đất nước, phải duy trì nếp sinh hoạt với cộng đồng dân tộc. Người cư sĩ tuy cũng có những tu tập tâm linh, nhưng phải giữ được sự quân bình đối với đời sống xã hội.

Mỗi xã hội lại có những quy định cho các thành viên. Thí dụ như ở Việt Nam khi xưa, thanh niên tới hạn tuổi phải đi quân dịch để bảo vệ tổ quốc, trong khi tu sĩ thì được miễn dịch, vì họ có nếp sinh hoạt khác biệt. Trước những nhiệm vụ đối với gia đình và tổ quốc như vậy, mọi con dân đều có những ràng buộc với cộng đồng, không thể tự do phóng khoáng như tu sĩ được.

Như vậy, nếp sinh hoạt của cư sĩ đã khác với tu sĩ, cho nên sự buông xả cũng có những mức độ khác nhau.

Khi đức Phật phát biểu về quyền sống, về sự bình đẳng, Ngài nói đến chúng sinh, chứ không phải chỉ nói đến nhân loại, lại càng không phân biệt quốc gia, dân tộc. Cuộc đời Ngài là giáo hóa để mưu cầu hạnh phúc và an lạc cho toàn thể chúng sinh. Ngay đối với tính mạng những sinh vật nhỏ nhít, như con sâu, cái kiến, Ngài cũng khuyên chư đệ tử vào mùa côn trùng sinh sản, nên giảm thiểu sự đi lại để tránh giẫm đạp lên, khiến chúng phải bỏ mạng.

Nhưng đối với chúng ta là những người dân thường, dù là Phật tử, chúng ta vẫn đang sống trong thế giới tương đối, có phải, trái, tốt, xấu, vân vân, theo quy ước của cộng đồng. Chúng ta có nhiệm vụ phải hoàn tất các bổn phận mà cộng đồng quy định, có cái nhìn phân biệt về quốc gia, dân tộc, vân vân… Trên quan điểm này, quá khứ là gia tài chung của những người cùng truyền thống, cùng kỷ niệm, có những vui, buồn, vinh, nhục chung, không thể xóa nhòa ký ức, không thể quên được.

Không thể quên, nhưng chúng ta có thể buông xả bớt những nỗi niềm đau khổ ra khỏi tâm tư, để trước nhất là cứu tâm chúng ta cho bớt nhức nhối, sau là có thể dùng những sinh lực, đáng lẽ tiêu hao trong việc gậm nhấm những cảm xúc đau đớn, chuyển qua những công việc ích lợi hơn.

Nhà Phật cho là “Tâm tạo thiên đường, Tâm tạo địa ngục”. Suốt cả cuộc đời giáo hóa chúng sinh, đức Phật chỉ dạy chuyển tâm. Đó là thông điệp ”Oán chỉ nên cởi, không nên thắt”, “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng”, và “Lấy từ bi xoá bỏ hận thù“…

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.