Học Buông Xả Những Quá Khứ Đau Thương Và Thù Hận

Đối với quá khứ, chúng ta không cần phải quên, mà nên ghi chép lại trong lịch sử của dân tộc, để lưu truyền cho thế hệ sau. Quá khứ cho ta những bài học của lịch sử, mà nhờ có những bài học này, người đời sau có thể rút tỉa kinh nghiệm, để từ đó, có những quyết định sáng suốt, tốt đẹp hơn. Như vậy, kỷ niệm quá khứ sẽ đem lại những chuyển hóa tích cực cho tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt giữa ghi nhớ và căm thù. Ghi nhớ để có kinh nghiệm mà do đó, làm được những việc có ích cho đời thì tốt. Nhưng ghi nhớ để nổi lên lòng căm thù thì không đúng với lời Phật dạy. Lòng thù hận sẽ đem lại cho mình và cho người những nỗi đau khổ không bao giờ chấm dứt được. Trước nhất là lòng thù hận trói buộc mình trong những cảm xúc tiêu cực, không an lạc. Để trong tâm sự thù hận, nhãn quan sẽ bị thu hẹp. Đó là lý do nhà Phật khuyên chúng ta nên buông xả.

Thưa quý thính giả!

Lịch sử các cuộc tàn sát vì cuồng tín ghi rằng, đã nhiều lần người theo đạo Hồi tấn công đạo Phật, bằng những cuộc thảm sát đẫm máu. Điển hình như cuộc tấn công năm 1197, được mô tả như sau:

Đạo quân Hồi giáo xông xáo vào đất Phật tại Ấn Độ. Những lưỡi kiếm vung lên loang loáng, chém bay tất cả những cái đầu cạo trọc (ám chỉ đầu các tu sĩ Phật giáo). Tội ác giết người được hoàn tất chu đáo đến nỗi, khi kẻ chiến thắng muốn tìm một người có thể đọc và giải thích kinh sách nhà Phật, tại nơi cất giữ kinh của các tu viện, thì không còn tìm ra nổi, dù là chỉ một người sống sót, có khả năng đọc được sách nữa. Tất cả đã bị giết hết. Cuộc tàn sát ráo riết tới tận gốc. Do cuộc chém giết man rợ này, Hồi giáo đã nhổ tận gốc đạo Phật tại Ấn Độ

Không riêng tại Ấn Độ, người Hồi Giáo đã tàn sát Phật tử tại nhiều vương quốc miền Trung Á vốn theo đạo Phật, thí dụ Afghanistan, nơi Phật giáo đã có một thời được phổ biến rất rộng rãi, điển hình là đã có hai pho tượng khổng lồ được xây dựng từ mấy ngàn năm nay, mà chúng ta mới được biết gần đây, khi quân Taliban phá hủy hai pho tượng này, khiến cho cả thế giới phải xúc động. Có thể nói 300 năm trước Tây lịch, dưới triều đại Asoka, Phật giáo đã vượt khỏi biên giới Ấn Ðộ, và phát triển rộng về phiá Nam, phiá Ðông và Tây Ấn Ðộ.

Phía Tây Bắc, Phật giáo du nhập vào các vùng Gandhara, Pakistan và Afghanistan. Ở thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, một vùng đất rộng lớn bao gồm Bắc Ấn, Gandtara, Afghanistan cho tới thung lũng sông Tarim do hoàng đế Kaniska cai trị. Vị vua này là một tín đồ Phật giáo, dưới triều đại của ông, đã tổ chức kết tập kinh điển lần thứ IV ở Kashmir và cũng chính nhà vua đã cử những vị cao tăng đem Phật giáo đến các vương quốc như Hy Lạp, Ai Cập, Syria… Nhưng tất cả những khu vực theo Phật giáo này đã bị người Hồi giáo tàn sát, đập phá chùa chiền, tu viện, thư viện với những kho tàng văn hóa Phật giáo. Trước lưỡi kiếm tàn sát hung bạo, những người Phật tử hiền lành, hiếu hòa, bất bạo động, đã chạy tan tác đi lánh nạn tại các nước như Nepal, Trung Hoa, Tây Tạng, v.v..

Là một nhà lãnh đạo đất nước Tây Tạng, một đất nước mà dân chúng hầu hết theo Phật giáo, hẳn đức Đạt Lai Lạt Ma biết rõ về những cuộc tàn sát đạo Phật của Hồi giáo. Thế nhưng, trong buổi hội nghị mang tên “A Gathering of Hearts Illuminating Compassion” tại San Francisco, từ ngày 10 tháng Tư đến ngày 16 tháng Tư năm 2006, gồm có khoảng 500 nhà lãnh đạo và học giả thuộc nhiều tín ngưỡng, của khoảng 30 quốc gia trên thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu: “Ngày nay, theo ý một số người, Hồi giáo có vẻ như bị coi là hiếu chiến. Tôi cảm thấy rằng điều đó hoàn toàn không đúng. Hồi giáo, cũng như các truyền thống tôn giáo khác, cũng dạy tín đồ về sự tử tế, về lòng trắc ẩn, về sự giúp đỡ những người nghèo khổ, v.v

Ngài nói với cử tọa rằng, nhiều người đã thấy và nghe nói về những cuộc nổ bom tự sát, phần lớn xảy ra tại các nước Hồi giáo, mà không nghe nói về những người Hồi giáo đi làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Ngài nói rằng tất cả mọi người đều có khuynh hướng bạo động, nếu bản thân bị mất bình tĩnh, và chúng ta không nên căn cứ vào hành động của một số người, mà phán xét cả một tôn giáo, vì “Ở đâu cũng có những kẻ phá hoại”. Ngài cũng kêu gọi cử tọa, là những nhà lãnh tụ tôn giáo và các học giả tôn giáo, cần phải làm việc tích cực hơn để tạo một thế giới sống chung hòa bình.

Những điều Ngài nói đều có cơ sở thực tế, thí dụ tổ chức Rahima Foundation của người Hồi giáo đã nhận được huy chương Human Relations Award of California’s Santa Clara County vì đã có công tặng y phục, thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho những người kém may mắn tại Santa Clara và các vùng phụ cận từ năm 1993. Tại những vùng như Sacramento, New York, Philadelphia, Chicago, Detroit, Tampa Bay, vân vân, các bác sĩ Hồi giáo tại địa phương đã cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho những bệnh nhân không có bảo hiểm. Và qua những tổ chức như Habitat for Humanity, các thiện nguyện viên Hồi giáo đã hy sinh thời giờ và khả năng kỹ thuật của họ, để xây dựng nhà cửa cho những người vô gia cư, vân vân …

Lời kêu gọi của Ngài được nhiều người có tấm lòng rộng mở hoan hỉ đón nhận. Nhưng cũng có một số người, ngay cả Phật tử, phản đối, cho là Ngài quá khoan hòa với Hồi giáo.

Như chúng ta đã thấy, hẳn là Ngài biết rất rõ về những nỗi thống khổ, những tai hại do Hồi giáo gây ra cho đạo Phật. Thế nhưng, là một Phật tử chân chính, Ngài không nhìn sự việc bằng cảm tính, theo kiểu vơ đũa cả nắm. Chúng ta cũng thấy rằng không phải tất cả người Hồi giáo đều xấu. Trong số những người Hồi giáo, có rất nhiều người tốt lành. Họ cũng tốt lành như chúng ta, mà lại còn đáng buồn hơn chúng ta, vì bị mọi người hiểu lầm, nên ghét lây tới họ.

Chắc chắn Ngài không quên những đau thương mà người Hồi giáo đã đem lại cho Phật giáo trong quá khứ, nhưng là một Phật tử sáng suốt, Ngài nhìn những kiếp người đang sống trên thế giới này bằng con mắt Tâm, con mắt thấu triệt được những đau thương khốn khổ, mà mọi người phải chịu đựng, nếu nhân loại cứ tiếp tục thù hận nhau, chiến tranh cứ liên miên xảy ra khắp thế giới.

Trong cuốn The Art of Happiness, a Handbook for Living, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói:

Sự tai hại của lòng thù hận thật là hiển nhiên, rõ ràng và trực tiếp. Thí dụ, khi trong lòng bạn nổi lên một cảm giác ghét ai đó, thì ngay lập tức, cảm giác ghét đó tràn ngập tâm trí bạn, và nó làm tan biến cảm giác an lạc trong tâm bạn ngay lập tức. Nó cũng khiến cho tâm bạn không còn sáng suốt, tỉnh thức được nữa. Ngay khi sự nổi giận và ghét bỏ xuất hiện, nó phá hủy phần tốt đẹp nhất của tâm trí, phần mà nhờ nó, bạn biết được sự đúng và sai, sẽ gây ảnh hưởng vào phản ứng của bạn ngay lúc đó và trong tương lai của bạn. Khả năng phán xét của bạn bị đình chỉ, không còn làm việc nữa. Bạn sẽ giống như người bị mất trí. Như vậy,sự giận dữ và thù ghét có khuynh hướng làm cho bạn bị mất tỉnh táo, khiến cho những khó khăn mà bạn đang gặp càng trở nên tệ hại hơn

Một trong những con đường tu tập của Phật giáo Đại Thừa là Bồ Tát Đạo. Hạnh nguyện Bồ Tát là hy sinh bản thân để cứu độ chúng sinh. Có câu hỏi đặt ra là: “Nếu tại khu rừng kia có con cọp rất dữ, đã ăn thịt nhiều người. Có một võ sĩ tu theo hạnh Bồ Tát, có khả năng giết con cọp đó. Nhưng giết cọp thì phạm vào giới sát. Vậy phải làm sao?

Câu trả lời cho người đi trên Bồ Tát Đạo là dùng con mắt Tâm, con mắt “cứu khổ chúng sinh” để chỉ đạo. Giết cọp sẽ cứu được nhiều chúng sinh khỏi chết, hành giả Bồ Tát Hạnh sẽ rất thương xót mà đành phải xuống tay chấm dứt cuộc đời con cọp, để cứu nhiều mạng sống, và sẵn sàng chấp nhận sẽ phải trả quả báo do hành động sát sinh, dù động cơ sát sinh nảy ra do lòng từ bi của mình.

Người Phật tử tu theo đúng lời dạy của đức Phật, trước mỗi hành động phải luận coi động cơ là vì lòng từ bi, vì chúng sinh, hay vì tham sân si cho cá nhân mình.

Cuộc đời luôn luôn đem tới cho chúng ta những câu hỏi. Chỉ có con mắt Tâm, con mắt của lòng từ bi là có thể giúp chúng ta trả lời một cách sáng suốt mà thôi.

Ban Biên Tập/TVHS

http://vuonhoaphatgiao.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.