Bấy giờ vua Thắng Quang ở nước Kiều Tát La đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ dưới chân Phật, chắp tay hướng lên Phật mà bạch rằng:
– Bạch Đức Thế tôn! Xin Ngài từ bi dạy các pháp làm chính trị cho tôi hiểu biết mà cai trị nước nhà.
Phật dạy rằng:
– Phàm là một vị Thiên Tử, chủ quyền một nước, thống lãnh muôn dân, phải rộng lòng nhân đức, đầy đủ các đức tính từ bi, thương yêu dân như cha thương yêu con vậy, hằng cầu nguyện cho được yên lành. Nếu họ có điều gì độc ác, thì nên dạy bảo khiến họ biết chừa bỏ, còn làm điều gì hiền lành ích lợi thì nên khuyến khích cho họ tin tiến thêm lên.
Nếu Đại vương thương yêu dân như cha thương yêu con, thì tất cả dân đều trung thành hiếu thuận như con thảo thờ cha mẹ.
Còn cách chính trị phải đủ: Nhân, tình, ân, thứ, khoan hậu, nhu, hòa. Thuế má chớ nên bắt họ đóng nặng, công việc chớ nên sai khiến nhọc nhằn nhiều, chọn kẻ hiền tài mà phong làm quan, mỗi người coi một việc, phải tùy cơ tùy thời, không cần phải dùng nhiều người mà sinh sự phiền phí. Nếu có kẻ nào tàn ác, thì phải trừ khử, còn người nào hiền lành thì phải khuyến thưởng, vả lại kẻ nào sinh điều ác nghịch, không lòng trung lương, tức thì phải phạt trị, chớ nên để lạm dụng mà sinh di họa về sau!
Cần nhất phải tuân theo chế độ chân chánh của các vị Thánh Vương đời trước, chớ nên hà khắc tàn hại những kẻ dân đen, mà mắc phải khổ báo luân hồi, đền trả thân mạng về sau.
Thường phải dốc lòng tôn kính Tam Bảo, chớ sinh lòng tà kiến. Sau khi ta nhập diệt rồi, thì phó thác lại cho các vị Thánh Vương. Đại thần cùng nhau dương ngọn đèn tuệ cho thường quang minh, bánh xe pháp luân thường chạy, phải gắng sức giữ gìn cho lâu dài, chớ nên để tiêu diệt.
Nếu các Đại Vương y theo pháp tu hành mà giữ đúng như lời ta dạy dỗ, thì Chư Thiên cũng thấy hoan hỷ, các bộ Long Vương cũng đều vui lòng, trong nước được hưởng mọi sự tốt: mưa thuận gió hòa, lúa đậu được mùa, nhân dân no ấm, tai nạn tiêu trừ, nước nhà an lạc, thiên hạ thái bình, ngôi rồng của nhà vua được bền vững, phúc duyên tăng tấn, tuổi thọ được thêm cao.
Nếu được như vậy, thì tiếng đồn vang khắp gần xa, các nước lân bang đều khâm mộ, đem lễ vật đến mà cống hiến. Nếu Đại Vương tuyên truyền Chánh Pháp được như thế, thì chẳng những nước trị dân yên mà thôi, và lại sau khi thăng hà, còn được sinh về cõi trời, mà hưởng phần tiêu dao khoái lạc nữa.
Tuân lời Phật dạy vua làm lễ ra về.
TÂM MINH
Đại Bi trì nghiệm
Xưa ở nước Ma Dà Đà xứ Tây Thiên Trúc có một người Phật tử tại gia, tánh ưa sắc đẹp.
Một hôm nhân xem kinh thấy nói làng A Tu La người nam tuy xấu, song người nữ lại xinh đẹp tuyệt trần, trong lòng sanh niệm mến thích, ước làm sao được cùng kết mối lương duyên.
Không bao lâu, lại nghe nhiều vị bảo trong núi nọ có cung điện A tu La rất nguy nga tráng lệ, báu lạ như Thiên cung, liền quyết tâm trì chú Đại Bi ba năm, cầu mong được viếng cảnh mầu để thỏa lòng ước nguyện khi trước.
Ba năm đã mãn, người ấy đến từ tạ thân hữu và gọi một tên đệ tử cùng đi theo. Khi thầy trò đi đến trước núi, chí tâm tụng chú cầu nguyện bỗng cửa đá vụt mở, trong ấy lộ ra cung điện có quỷ thần canh giữ cực nghiêm, vị Phật tử liền bước tới nói rõ bổn nguyện mình trì chú muốn kết duyên cùng thần nữ A Tu La xin nhờ thông báo và thỉnh ý dùm. Kẻ giữ cửa vào thưa lại. A Tu La nữ nghe nói tỏ dáng vui đẹp, hỏi: “Đi đến có mấy người?”. Đáp: “Thưa hai người”. Thần nữ bảo: “Ngươi ra thuật lại ý ta đã hứa thuận, thỉnh người trì chú mau vào, còn đồng bạn hãy tạm đứng ngoài cửa”. Kẻ giữ cửa ra thưa lại, vị Phật tử liền đi vào trong.
Nhìn theo thầy mình đi rồi, người đệ tử còn bàng hoàng, bất giác bỗng tự thấy đã trở về đứng ở phía Nam của nhà mình hồi nào không hay.
Từ ấy về sau, ông nầy đã mấy lần đến chỗ cũ, song chỉ thấy vách đá đứng sững, mây khói mịt mù, không còn được nghe biết tin tức gì bên trong nữa. Nhân đó, người đệ tử phát tâm lìa nhà tu hành, nguyện trọn đời ở nơi Già Lam cúng dường ngôi Tam Bảo.
Khi ngài Huyền Trang sang Ấn Độ tu học, trụ ở chùa Na Lan nghe chính người đệ tử nầy thuật chuyện lại…
LIÊN DU
Ở đâu có nhiều dục vọng, ở đấy có nhiều khổ đau.
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120350552/tap-ii-13.html