Quán Chiếu Ngũ Uẩn

Con người là một hợp thể gồm năm thành phần là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tự bản thân sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn là duyên sinh, nó không là một thực thể nhất định, nó không tồn tại độc lập, mà nó nương nhau để tồn tại, mỗi uẩn nương vào bốn uẩn kia mà có mặt.

Vì vô minh, con người chấp thân ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) làm ngã nên sinh tâm tham ái và chấp thủ. Nhưng bản chất của ngũ uẩn là duyên sinh nên vô ngã, vô thường, con người chấp ngũ uẩn là của mình, là mình, là tự ngã của mình nên khi chúng thay đổi, biến dị (từ hình thái này chuyển sang hình thái khác, từ dạng này chuyển sang dạng khác) theo định luật vô thường thì cảm thấy thất vọng, khổ não… Đức Phật dạy: “Không liễu tri ngũ uẩn thì không thể đọan tận khổ đau, do vậy cần phải liễu tri ngũ uẩn. Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri” (Tương Ưng Bộ kinh III). Về ngũ uẩn có:

Sắc uẩn, bao gồm bốn yếu tố: đất (địa), nước (thủy), gió (phong), lửa (hỏa), gọi chung là tứ đại, và các hình thức do bốn yếu tố đó tạo nên. Địa đại là chất rắn, thủy đại là chất lỏng, hỏa đại là nhiệt độ và phong đại là chất khí, tứ đại hình thành nên cơ thể sinh lý, vật lý của con người và thế giới vật chất bên ngòai con người trong đó có các đối tượng tiếp xúc của các giác quan. Trong kinh Phân Biệt Sáu Gíơi (Trung Bộ kinh III, số 140) và kinh Lục Gíơi Phân Biệt (Trung A hàm, số 42) cho rằng địa đại trong tứ đại gồm có nội địa đại (cơ thể của mình) và ngọai địa đại (người khác và thế giới vật lý). Tương tự cũng có nội thủy, hỏa, phong đại và ngọai thủy, hỏa, phong, đại. Như thế thì sắc uẩn gồm có nội sắc là bản thân ta và ngọai sắc là người khác và thế giới vật lý bên ngòai. Trong Tạp A hàm, kinh 51 nói tứ đại gồm có tứ đại năng tạo và tứ đại sở tạo. Tứ đại năng tạo là đất, nước, gió, lửa; tứ đại sở tạo là năm căn (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn: Phù trần căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và Thắng nghĩa căn hay Tịnh sắc căn (thần kinh thị giác, thần kinh thính giác, thần kinh khứu giác, thần kinh vị giác, thần kinh xúc giác), năm trần (sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần-màu sắc, hình ảnh, tướng trạng; tiếng động, âm thanh; các lọai mùi thơm, thối, hôi, tanh, mùi gây dễ chịu, mùi gây khó chịu; các lọai vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng, chát; những cảm giác khi xúc chạm, chẳng hạn như mềm, cứng, khô, ướt, nóng, lạnh v.v..) và vô biểu sắc (một lọai sắc pháp không có biểu hiện cụ thể).

Thọ uẩn, là những cảm giác, cảm nhận phát sinh do sự tiếp xúc giữa các giác quan và các đối tượng tiếp xúc, gồm có: thọ sinh ra do mắt tiếp xúc với hình sắc, tai tiếp xúc với âm thanh, mũi tiếp xúc với các lọai mùi, lưỡi tiếp xúc với các lọai vị, thân tiếp xúc với vật và ý tiếp xúc với pháp trần, các đối tượng của tâm ý. Nhưng xét sâu hơn thì thọ uẩn gồm có nội thọ là các cảm thọ có được trong quá trình tu tập thiền định (ví dụ các trạng thái hỷ lạc, an tịnh trong tứ thiền) và ngọai thọ là các cảm thọ khi tiếp xúc với lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Những cảm nhận về hỷ, lạc, ưu, khổ, xả đều thuộc thọ uẩn, có thể tập hợp lại thành ba lọai là khổ thọ (cảm giác khó chịu, buồn đau, khổ não), lạc thọ (cảm giác vui, hạnh phúc) và bất khổ bất lạc thọ (cảm giác bình thường, không khổ cũng không vui, cảm giác trung tính).

Tưởng uẩn, là tri giác, những kinh nghiệm, ấn tượng về sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và những khả năng hồi tưởng, liên tưởng, tưởng tượng. Khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ cho ta những kinh nghiệm để từ đó sinh ra sự phân biệt, so sánh, đối chiếu, chia chẻ hay sắp xếp, hệ thống nó lại. Ví dụ khi mục kích một cảnh tượng nào đó thật ấn tượng, một thời gian sau ta vẫn có thể hình dung ra cảnh tượng đó trong đầu, khả năng đó chính là tưởng. Kinh giải thích tưởng là “Thủ tượng vi nghĩa”, tưởng có nghĩa là nhận lấy, giữ lấy (ở trong tâm) cái tướng, cái hình tượng nào đó. Một ví dụ khác, khi gặp lại một người quen sau nhiều năm xa cách, ta vẫn nhận ra người ấy, vì hình ảnh ngày xưa của người ấy vẫn còn lưu lại trong ký ức của ta. Tuy nhiên bây giờ ta thấy người đó đã khác đi nhiều, già hơn, gầy hơn, xấu hơn. Đó là sự phân biệt, so sánh của tưởng, đem cái hình ảnh của hiện tại so sánh với hình ảnh của quá khứ. Tóm lại vì có tuởng mà chúng ta thấy có sự sai biệt của thế giới sự vật hiện tượng, vì có tưởng mà tâm chúng ta thay đổi luôn luôn, vì có tưởng mà con người hơn kém nhau về trình độ nhận thức, hiểu biết…

Hành uẩn, là động lực quyết định, là ý chí, ý muốn. Đây là những hiện tuợng tâm lý mang tính tạo tác, có năng lực thôi thúc, dẫn dắt tâm ý theo xu hướng thiện hoặc ác. Ví dụ chúng ta quyết định thực hiện việc gì đó, họat động quyết định ấy chính là hành. Nếu nói rộng ra thì hành có nghĩa là “thiên lưu” và “tạo tác”. Mọi sự vật hiện tượng vật lý cũng như tâm lý (gọi chung là các pháp) có tính sinh diệt tương tục (vì vô tự tính), luôn luôn biến đổi nên gọi là “thiên lưu”, Đức Phật nói: “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã” là nói hành theo nghĩa này. Với ý nghĩa “tạo tác” thì hành chính là tác ý (nghiệp) hay tư tâm sở (Thật ra nghĩa này cũng không nằm ngòai nghĩa “thiên lưu” nói trên). Tư tâm sở gồm có thẩm lự tư (xét đóan, so sánh, đắn đo suy nghĩ, cân nhắc), quyết định tư (quyết định), phát động tư (thực hiện quyết định).

Thức uẩn (nhận thức, liễu biệt), là khả năng phân biệt, nhận biết cảnh, phản ảnh thế giới thực tại, ghi nhận sự có mặt của các pháp qua sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ sinh ra sáu thức là nhãn thức (cái biết của mắt), nhĩ thức (cái biết của tai), tỉ thức (cái biết của mũi), thiệt thức (cái biết của lưỡi), thân thức (cái biết của thân) và ý thức (cái biết của ý). Thức là sự nhận biết, nhận thức, sự phản ảnh đối tượng tiếp xúc của sáu căn. Tâm lý học Phật giáo (Duy thức học) đã khai thác mọi khía cạnh về thức, cho rằng ngòai sáu thức vừa nói trên còn có hai thức nữa là Mạt na thức và A lại da thức. Mạt na thức là căn cứ, cơ sở của ý thức, đồng thời còn có tác dụng chấp ngã, nhận thức sự tồn tại của bản ngã là có thật (con người và thế giới sự vật hiện tượng, nhân và pháp có ngã tính). A lại da thức là khả năng duy trì, lưu giữ tất cả nhận thức, hiểu biết, những kinh nghiệm, những chủng tử (hạt giống) có năng lực làm sinh khởi thế giới sự vật hiện tượng trong đó có con người. A lại da thức cũng như bộ nhớ của một máy vi tính, là kho chứa mọi dữ liệu, sự kiện, vì thế mà Duy thức học gọi A lại da là Tàng thức.

Con người là một hợp thể gồm năm thành phần là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tự bản thân sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn là duyên sinh, nó không là một thực thể nhất định, nó không tồn tại độc lập, mà nó nương nhau để tồn tại, mỗi uẩn nương vào bốn uẩn kia mà có mặt. Chẳng hạn như thức uẩn, Đức Phật có dạy: “Thức tồn tại nhờ sắc làm điều kiện, làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ sắc. Thức tồn tại nhờ thọ làm điều kiện, làm đối tượng, thọ làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ thọ. Thức tồn tại nhờ tưởng làm điều kiện, làm đối tượng, tưởng làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ tưởng. Thức tồn tại nhờ hành làm điều kiện, làm đối tượng, hành làm nơi nương tựa… Thức phát triển hưng thịnh nhờ hành. Nếu có ai nói rằng, tôi sẽ chỉ ra sự đi, sự đến, sự sinh, sự diệt của thức biệt lập với sắc, thọ, tưởng, hành thì người ấy đã nói một điều không thực.”(Tương Ưng Bộ kinh III). Chính các uẩn nương vào nhau mà tồn tại, mỗi uẩn luôn ở trong trạng thái vô thường sinh diệt tùy thuộc vào các uẩn kia, vì thế hợp thể năm uẩn (thân ngũ uẩn: cơ thể sinh lý, vật lý và tâm lý, vật chất và tinh thần) càng không thể là một thực thể có tự tính và tồn tại độc lập, bất biến. Do đó chấp cái tướng năm uẩn kết hợp lại làm ngã hay chấp riêng từng uẩn làm ngã đều là vô minh.

Trong kinh Tương Ưng III, Đức Phật dạy các thầy Tỳ kheo về thân ngũ uẩn là vô thường, vô ngã như sau:

-Này chư Tỳ kheo, thân thể thường hay vô thường?

Các thầy Tỳ kheo đáp:

-Bạch Thế Tôn, vô thường.

Ngài lại hỏi:

-Vô thường thì đưa đến khổ hay vui?

-Bạch Thế Tôn, khổ.

Bấy giờ Đức Phật dạy:

-Cái gì vô thường, đưa đến khổ, thì có hợp lý không khi cho rằng cái đó là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi?

Các thầy Tỳ kheo trả lời:

-Bạch Thế Tôn, không hợp lý.

Tấm thân ngũ uẩn con người bao gồm các yếu tố vật chất và tinh thần (tức là thể xác và tư duy, tình cảm, tư tưởng, nhận thức…) đều vô thường, vô ngã, nó biến đổi luôn luôn. Do đó khi con người chấp thân ngũ uẩn làm ngã, cho nó là một thực thể nên sinh ra tham ái, chấp thủ thì sẽ rơi vào vòng phiền não khổ đau (lo lắng, thất vọng, sầu bi…khi thân ngũ uẩn thay đổi biến họai)

Con người vì chấp vào chỗ mắt thấy tai nghe, chấp vào chỗ có khả năng nhận thức, hiểu biết mà cho là có một cái ngã thật sự. Nếu không có “ta”(ngã) thì ai nghe, ai thấy, ai suy nghĩ, ai hành động, ai cảm nhận khổ vui? Cho nên con người chấp cái thân thể sinh lý, vật lý (sắc), những cảm giác khổ vui (thọ), tri giác, những kinh nghiệm, ấn tượng, hồi tưởng, liên tưởng, tưởng tượng (tưởng), ý chí, động lực tạo tác (hành) và sự nhận thức (thức) là của mình, là mình, là tự ngã của mình. Nhưng thật ra thì đó chỉ là kết quả của sự phối hợp giữa các yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức nói trên. Và chính các yếu tố này cũng tương tác, làm nhân làm duyên cho nhau, nương vào nhau mà tồn tại chứ hòan tòan không có tự tính, không có thật thể, tự thân mỗi uẩn cũng do duyên sinh nên vô ngã, nó tùy thuộc vào điều kiện mà sinh khởi, hiện hành, cái tác dụng và hình thái nó khởi lên chỉ là sự giả hiện tạm thời do quan hệ với nhau mà có.

Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã nên nó vô thường, sanh diệt, biến dị trong từng sát na và ta không thể mong muốn nó như thế này hay như thế khác. Chúng ta không thể trẻ mãi không già, sống hòai không chết, khỏe mạnh không ốm đau, vui vẻ hạnh phú mà không buồn đau khổ não v.v.. Kinh Bát Đại Nhân Gíac đã nói rõ: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm (ngũ uẩn) vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ…”

Trong kinh Tương Ưng III, Đức Phật dạy: “Do hoan hỷ, đắm trước, rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sanh khởi lên. Do duyên sanh mà già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Cũng tương tự đối với thọ, tưởng, hành, thức. Do không hoan hỷ, không đắm trước sắc, hỷ đối với sắc đọan diệt, do duyên thủ đọan diệt, nên hữu đọan diệt, do duyên hữu đọan diệt nên sanh đọan diệt, do duyên sanh đọan diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đọan diệt. Cũng tương tự đối với thọ, tưởng, hành, thức”.

Cũng trong kinh Tương Ưng III, Tôn giả Xá Lợi Phất nhắc lại lời Đức Phật về thái độ con người đối với năm uẩn như thế nào sẽ dẫn đến khổ và như thế nào sẽ dẫn đến an vui: “Đối với năm uẩn, ai chưa viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến họai, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ai đã viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến họai sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”. Những lời dạy trên cho thấy phiền não khổ đau không phải do năm uẩn mà có, cũng không phải bởi tính chất của năm uẩn là vô thường, mà là do con người tham ái, chấp thủ tạo ra. Vì vô minh, con người chấp thân sắc uẩn, chấp cảm thọ, suy nghĩ, nhận thức, hiểu biết…là mình, là của mình, là tự ngã của mình nên sinh tâm tham ái, chấp thủ, khi chúng thay đổi, biến họai thì cảm thấy thất vọng, khổ não. Do đó Đức Phật dạy: “Không liễu tri năm uẩn thì không thể đọan tận khổ đau, vì vậy cần phải liễu tri năm uẩn. Sự đọan tận tham, sự đọan tận sân, sự đọan tận si được gọi là liễu tri” (Kinh Tương Ưng III). Và Đức Phật cũng dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy tu tập thiền định. Vị Tỳ kheo tu tập thiền định thì hiểu biết một cách như thật: sắc tập khởi và sắc đọan diệt, thọ tập khởi và thọ đọan diệt, tưởng tập khởi và tưởng đọan diệt, hành tập khởi và hành đọan diệt, thức tập khởi và thức đọan diệt”. Đức Phật dạy cần phải tu thiền định để hiểu biết như thật về năm uẩn, thấy rõ sắc, thọ, tuởng, hành, thức sinh khởi và đọan diệt tương tục, chúng vô ngã, không có tự tính, trong cái thấy như thật đó không có tham ái và chấp thủ. Đây chính là sự quán chiếu về năm uẩn như Tâm kinh Bát nhã đã nói: “ Hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”(lúc dùng trí tuệ Bát nhã quán chiếu một cách tường tận, sâu sắc, thì thấy rõ như thật năm uẩn đều vô ngã, không tự tính, liền vượt qua tất cả khổ ách). Cũng không khác, trong kinh Tương Ưng II, Đức Phật dạy rằng: Ai không chấp thủ, vị ấy không có nghĩ đây là tự ngã của tôi, và khi khổ sinh thì xem là sinh, khi khổ diệt thì xem là diệt, mà không thấy có tôi khổ hay tôi hết khổ. Đây là người thóat khỏi vòng ràng buộc của thế gian.

Thiện Tài Phan Minh Đức

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/quan-tuong/11015-Quan-Chieu-Ngu-Uan.html

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.