Thuở xưa, tại thành Ba La Nại dưới quyền thống trị của Đức Vua Ki Ta Va Sa, Ngài là một minh quân, thương yêu dân chúng như con ruột của mình.
Hiền nội của Ngài là một trang tuyệt sắc giai nhân, đủ tài cầm kỳ thi họa. Trong chuỗi ngày hạnh phúc trọn vẹn ấy, Hoàng Hậu thọ thai, thật là một tin lành khiến cho Hoàng gia và dân chúng vui mừng không sao tả xiết. Đức Vua Ki Ta Va Sa vốn đã thương yêu Hoàng Hậu, bây giờ lại quý mến hơn, và hằng gia tăng lễ bái cầu nguyện thường xuyên hơn, tự thân Ngài chăm sóc từng miếng ăn thức uống của nàng, cho đến màn nệm gối loan thật êm ấm, thật tinh khiết. Một đoàn ngự y được lệnh túc trực bên Hoàng hậu để theo dõi sức khỏe, từng biến chuyển của Hoàng Hậu và thai nhi.
Thời gian thấm thoát trôi qua, ngày khai hoa nở nhụy đã đến, Đức Vua Ki Ta Sa Va cùng Hoàng tộc hết sức đợi chờ, dân chúng Ba La Nại đều kéo về Hoàng Cung, hàng vạn dân chúng tụ tập quanh Hoàng thành để chờ đợi tin mừng, thời gian hình như lắng đọng. Khi tiếng loa tin Hoàng Hậu trổ sanh Hoàng Tử thì tiếng reo mừng của dân chúng vang trời dậy đất. Mọi người ôm nhau nhảy nhót hò hét như điên để biểu lộ niềm vui tột cùng ấy. Nhưng người sung sướng nhất hôm nay phải kể là Đức Vua Ki Ta Sa Va. Ngài truyền lệnh dân chúng kết hoa ăn mừng, một đại tiệc được tổ chức sau đó, Hoàng Tử mới ra đời được chọn một tên thật đẹp là Đút Tha Ku Ma Ra.
Một vị tiên tri đại tài được mời đến, sau khi quan sát Thái Tử nhiều lượt, nét mặt nhà tiên tri bỗng thoáng vẻ âu sầu. Đức Vua liền phán hỏi:
– Khanh xem tướng Thái Tử như thế nào mà lộ vẻ lo âu như vậy?
– Vị tiên tri ngập ngừng:
– Tâu Hoàng Thượng… Tâu Hoàng Thượng…
Đức Vua nóng lòng hỏi:
– Hoàng Tử thế nào? Khanh cứ trình bày, ta sốt ruột lắm!
Vị tiên tri đáp:
– Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần không muốn vì một lời nói của mình làm suy giảm cuộc vui hôm nay.
Đức Vua vội nói:
– Kể từ các vị Tiền Đế dựng nước đến nay, dòng dõi của ta là một chủng tộc anh hùng, chỉ biết chiến thắng không hề biết chiến bại, ta và chủng tộc bao giờ củng nhìn thẳng vào sự thật, Khanh cứ tâu trình đi, đừng ngại chi cả.
– Muôn tâu Hoàng Thượng, sau nầy Hoàng Tử sẽ lìa đời một cách khổ sở lắm.
– Khổ sở đến mức nào?
– Kính tâu, Hoàng Tử sẽ lìa trần bởi khát nước.
Đáp xong vị Tiên tri xin phép cáo từ, Đức Vua cho tùy tùng đưa vị Tiên Tri đến nơi cư ngụ.
Vốn biết tài tiên đoán của vị Tiên Tri không bao giờ sai. Đức Vua cho triệu tập bá quan một phiên họp khẩn cấp, tại Kim Loan điện. Hôm ấy, bầu không khí thật u buồn và nghiêm trọng. Ai ai cũng hiểu rằng, Hoàng Tử bây giờ không phải riêng của Đức Vua và Hoàng tộc mà sinh mạng của Hoàng Tử bây giờ gắn liền với niềm hy vọng của toàn thể dân tộc này. Bá quan ai cũng thi nhau đưa những ý kiến hay nhất của mình. Cuối cùng một kế hoạch tỉ mỉ được thảo ra với niềm hy vọng lớn sẽ ngăn ngừa những điều tai hại xảy đến cho Hoàng Tử.
Một mặt Đức Vua truyền lệnh cho đào giếng trong và ngoài thành, trữ nước bằng lu để trong các chòi lá rải rác theo dọc đường. Một mặt Vua ra lệnh cho các nơi gia tăng nguyện cầu mong được nhiều sự an lành đến cho Thái Tử. Nhưng than ôi! Nghiệp chướng của Hoàng Tử Đút Tha Ku Ma Ra quá sâu dầy, cho nên bây giờ dù muốn chuyển nghiệp cũng rất khó, những nghiệp ác đó đã tạo phải trả không sai vậy.
Thời gian thấm thoát trôi qua, Hoàng Tử Đút Tha Ku Ma Ra lớn dần trong sự vui mừng của Đức Vua, Hoàng Hậu cùng Hoàng tộc, nhưng ai cũng lo lắng không hiểu đại họa chừng nào sẽ đến cho Hoàng Tử.
Càng lớn lên Đút Tha Ku Ma Ra cũng tỏ ra thông minh đĩnh ngộ, văn võ song toàn, nhưng trước sự nuông chiều của Đức Vua cùng Hoàng Hậu và sự kính trọng của mọi người, lòng kiêu hãnh cũng lớn dần theo thời gian. Bao giờ Đút Tha Ku Ma Ra cũng nghĩ rằng ngoại trừ phụ vương và mẫu hậu, ai ai cũng phải cúi đầu trước mặt chàng.
Cách kinh thành Ba La Nại không xa, một khu lâm viên tươi tốt, thú rừng rất nhiều. Dân chúng không được phép bén mảng đến đấy, khu lâm viên này chỉ dành cho Hoàng tộc, Hoàng Tử Đút Tha Ku Ma Ra rất thường đến đây tha hồ bắn giết không một chút nương tay. Trong xứ ấy dân chúng rất tôn trọng những nơi tu hành này. Các vị tu sĩ kể từ các triều đại trước, những ngôi tu viện luôn luôn được nhà Vua xây dựng và bảo hộ, những vị tu sĩ luôn luôn được tôn trọng, vì họ hiểu rằng có như thế các vị Thánh nhân mới đủ cơ duyên ra đời, bởi một nước nào nơi tôn thờ được giữ gìn có các vị Thánh nhân xuất hiện, xứ ấy sẽ hưởng thanh bình an lạc, mưa gió thuận hòa, thiên tai sẽ không đến, và triều đại sẽ rất bền vững.
Một hôm Hoàng Tử Đút Tha Ku Ma Ra cùng đoàn tùy tùng đến khu lâm viên săn bắn, Đút Tha Ku Ma Ra rất thích khu rừng này vì nơi đây có đủ muông thú để thỏa mãn lòng hiếu sát của chàng.
Ngược chiều với đoàn xa giá, một vị Phật Độc Giác lặng lẽ ôm bát vào thành khất thực, trước vẻ trang nghiêm và oai nghe tế hạnh của vị Bích Chi Phật, những tư tưởng an lành của ngài luôn luôn phát tiết, khiến mọi người khi nhìn Ngài cảm thấy hoan hỷ lạ thường. Không ai bảo ai, đoàn tùy tùng đồng loạt chắp tay cung kính hướng về Đức Phật Độc Giác đảnh lễ.
Hoàng Tử Đút Tha Ku Ma Ra thấy thế, lòng sân hận nổi lên như thác lũ, nghĩ rằng bọn tùy tùng ấy chỉ được phép cúi đầu trước mặt mình mà thôi, bây giờ trong khi đi vời mình mà ngang nhiên cúi đầu trước lão tu sĩ này.
Nhanh nhẹn rời lưng voi, tiến đến trước mặt Đức Phật Độc Giác giựt lấy bình bát trên tay Ngài quăng xuống đất rồi dẫm lên cho bể. Đoàn tùy tùng kinh ngạc lẫn hãi hùng trước hành động quá ngông cuồng của Thái Tử nên không ai kịp can gián điều gì.
Với lòng bi mẫn, nghĩ rằng hành động tội lỗi vĩ đại như thế sẽ gây nhiều thảm họa cho kiếp hiện tại và kiếp vị lai, nên Đức Phật Độc Giác nhìn Hoàng Tử với đôi mắt từ bi vô lượng.
Không một chút hối hận ăn năn, Thái Tử cất lên một chuỗi cười ngạo nghễ và khiêu khích:
– Nầy lão Sa môn kia, ông biết tôi là ai không?
Đức Phật Độc Giác vẫn yên lặng.
Hoàng Tử nói tiếp:
– Ta là Hoàng Tử Đút Tha Ku Ma Ra con của Ki Ta Va Sa đây.
Vị Độc Giác Phật vẫn lặng yên không nói gì, Đút Tha Ku Ma Ra thao thao bất tuyệt:
– Lão có giận ta không? Lão hãy mở mắt nhìn ta cho kỹ. Xem bộ dạng ông như thế mà dám làm gì ai.
Đức Phật Độc Giác vẫn thản nhiên yên lặng, Ngài đành chịu đói và vận thần thông bay về núi Nam Dra Mu Ha Ka.
Không còn hứng thú trong việc đi săn đó nữa, Hoàng Tử truyền lệnh cho đoàn tùy tùng trở lại hoàng cung. Đoàn tùy tùng nặng nề lui bước, ai ai cũng lo sợ vì nghiệp dữ quá nặng nề mà Hoàng Tử mới tạo.
Trên đường về, Hoàng Tử bỗng cảm thấy chói nắng lạ thường, sức nóng ngày càng tăng, cảm thấy khát nước. Hoàng Tử truyền lệnh cho đoàn tùy tùng tìm nước uống, nhưng do nghiệp lực quá nặng nề khiến hồ ao giếng đều khô cạn, đoàn tùy tùng tìm mãi không được một giọt nước nào, trong khi ấy Hoàng Tử đang lăn lộn la hét:
– Nước! Nước! Hãy cho ta uống nước. Ôi! Khát nước quá! Có lẽ ta chết mất!
Dù tận tâm tận lực, đoàn tùy tùng vẫn không tìm ra chút nước nào, thậm chí đến một giọt cũng không có.
Chịu khát không nổi, Đút Tha Ku Ma Ra quằn quại khổ sở, cuối cùng trút linh hồn.
Sau khi lìa trần, linh hồn Hoàng Tử bị đọa vào địa ngục A Tỳ chịu khổ không sao tả xiết.
GIỚI ĐỨC
Giận lên là phát cơn điên
Người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu.
Tai hại của lòng tham
Thời Đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng A Nan đi du hóa tại một vùng quê, Đức Phật đang đi trên đường bỗng Ngài bước đi bên bờ cỏ. A Nan ngạc nhiên, tự nghĩ: “Đức Thế Tôn không bao giờ đi dậm trên cỏ non, vì lý do nào hôm nay Ngài không đi trên đường mà lại đi trên cỏ”. Nghĩ thế A Nan bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không đi trên đường mà lại tránh đi trên cỏ?
– Này A Nan, phía trước có kẻ giặc, sau ta có ba Phạm Chí đang đi, họ sẽ gặp giặc đó.
Ba người Phạm Chí đang đi bỗng thấy bên đường có một gói vàng bèn dừng lại lấy bỏ túi.
Khi được của, ba anh mới bàn tính, rồi bảo một người đến chợ mua đồ về ăn uống no say, khao nhau một bữa.
Anh đi chợ vừa đi vừa nghĩ: “Gói vàng ấy nếu chia cho hai anh kia thì ta sẽ ít đi, chi bằng nhân lúc này ta cho thuốc độc vào đồ ăn để giết cả hai người kia thì số vàng đó do ta hưởng trọn”. Nghĩ thế, anh liền thực hành ngay ý định.
Trong khi đó, hai người ở lại cũng cùng nhau bàn tính:
“Nếu chúng ta chia cho người kia thì số vàng sẽ bị ít đi, chi bằng đợi nó về rồi cả hai cùng ra giết quách là xong”. Nghĩ vậy hai người cùng núp vào chỗ kín, chờ người kia đi chợ mua đồ ăn về, liền nhảy ra giết chết. Giết xong, hai người đem đồ ăn ra, ăn uống, no say thỏa mãn, nhưng khi ăn xong thuốc độc thấm vào người, liền lăn đùng ra đất chết hết.
Đức Phật bảo A Nan:
– Cả ba người vì lòng tham nên sanh ác tâm để rồi cùng giết hại lẫn nhau. Kẻ ngu si thật đáng thương.
GIỚI ĐỨC
Khi lòng tham đã xâm nhập con người thì họ quên mất đạo đức ở đời này và quả báo ở đời sau.
Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120343037/tap-ii-10.html