Hồi còn nhỏ tôi không biết mình sinh ra là để làm thầy giáo hay làm ông thầy tu, tôi chỉ biết học rồi làm việc. Tôi sống với bà nội, người chị và đứa em trai. Đời sống cơ cực nên phải đi làm thêm ở độ tuổi đáng lẽ tôi phải rong chơi. Buổi sáng đi học, buổi chiều đi làm. Tôi làm đủ thứ việc, nào là đi lặt diêm, làm giày, đan mây tre và kể cả việc nướng bánh tráng.
Công việc cực nhọc so với tuổi nhưng làm riết rồi cũng quen, không thấy mệt mỏi hay cực nhọc gì nữa. Nhưng tôi có cái vui là sống chung với chị và em. Lớn lên, cả ba chị em đều chia lìa, mỗi người một ngả, chị thì theo chồng, em thì ở với mẹ, còn tôi thì ở riêng. Nhớ cái hồi đó, ba chị em ngồi quây quần bên cái đèn dầu học bài. Nhà nghèo nên không có tiền để câu điện, người ta cũng không muốn cho mình câu điện nên cũng sống nhờ ánh sáng của đèn dầu. Đôi khi nhà hết dầu, không có đèn, ba chị em nằm nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà mà cười khúc khích. Nhìn lại mấy tấm hình ngày xưa, ba chị em ốm nhom, có miếng bánh hay miếng trái cây nào là chia nhau ăn, vậy mà vui.
Khi tôi học cấp ba, nhìn cách tôi đứng bảng và chép bài lên bảng, cô giáo nói, Số em sau này chắc là làm thầy giáo. Tốt nghiệp phổ thông, tôi học ngành xuất nhập khẩu cùng với chị. Hai chị em học chung trường. Đáng lẽ tôi học ngành kiến trúc, nhưng do nhà không đủ tiền để mua dụng cụ nên hai chị em học chung trường, để san sẻ bài vở và san sẻ thời gian đi làm sau giờ học. Mới năm hai, tôi đã có việc làm, ban đầu thì làm một tay thu ngân ở siêu thị Superbowl. Đây có thể xem là siêu thị đầu tiên ở Sài Gòn kể từ khi mở cửa.
Bây giờ không biết còn siêu thị này không, nhưng khu giải trí của nó vẫn còn ở đó, nằm gần sân bay. Làm việc một tuần thì được chuyển sang phòng xuất nhập khẩu. Sếp biết tôi học ngành này nên chuyển sang cho làm luôn. Tôi bắt đầu học cách xem hợp đồng, soạn thảo tín dụng thư, giao dịch thanh toán với ngân hàng, và cũng biết những chiêu trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Ra trường tôi nghỉ làm và được một trường tiếng Anh mời đi dạy học. Tôi dạy tiếng Anh.
Sực nhớ đến lời cô giáo năm xưa. Bây giờ làm thầy giáo mới thấy cô nói đúng. Tôi thích nghề này lắm, nó hay hơn nghề xuất nhập khẩu nhiều. Mặc dù thu nhập không cao bằng, nhưng tôi không bị căng thẳng, không phải lo lắng, không phải dùng chiêu. Học trò của tôi rất đông. Nhỏ tuổi có, lớn tuổi có, rất lớn tuổi cũng có. Niềm vui của tôi là học trò. Tiếp xúc với nhiều học trò mới thấy mỗi trò có một hoàn cảnh. Tôi biết lắng nghe nên học trò hay tìm tôi để tâm sự. Nhiều khi tôi muốn giúp học trò mà không được vì nằm ngoài khả năng. Tôi nghĩ chắc mình theo cái nghề này suốt đời, nghề đem kiến thức cho người khác. Dạy học nói nhiều nên sức khỏe yếu đi, giọng của tôi không còn khỏe và mạnh như hồi còn trẻ. Mái tóc xanh đã điểm bạc. Đôi kiếng cận nằm trên gương mặt cũng ngã màu. Tôi quyết định học cao hơn.
Chương trình cao học là một bước ngoặc lớn. Tôi không học kinh doanh mà học ngành quản trị nhân sự. Chương trình này cũng hay lắm, rất hợp với tôi. Một lần, có người hỏi tôi, Sao anh chọn ngành nhân sự. Tôi trả lời, Mỗi con người là một vũ trụ, vũ trụ rất mênh mông, con người cũng mênh mông như vậy. Ra trường tôi đi làm và cũng lại đi dạy, lần này dạy quản trị nhân sự. Ngôi trường nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, không nhỏ cũng không lớn nhưng làm việc ở đó có nhiều niềm vui. Học trò ngoan, đồng nghiệp dễ thương, môi trường cũng thoải mái. Tôi dành toàn bộ sức lực của mình để làm việc và dạy học. Tôi thương học trò, học trò cũng quý tôi. Và cuộc đời tôi thay đổi khi đọc sách Đường Xưa Mây Trắng.
Hình ảnh một vị Mâu Ni sống giữa đời thường mà không vướng bụi trần đẹp đẽ và cao thượng. Hình ảnh đó ăn sâu vào trái tim tôi. Tôi quyết định đi tu. Đời sống trong tu viện ban đầu không dễ dàng gì, nó không êm đềm như tôi tưởng. Do ăn chay không quen, sức khỏe sa sút, đã vậy phải chấp tác rất nhiều và sự tranh chấp trong tu viện, tôi bắt đầu mệt mỏi. Tôi dứt áo ra đi và quyết định tự chọn con đường tu cho mình. Tôi hành thiền minh sát tuệ, rồi đến thiền quán tứ niệm xứ và cả thiền quán niệm hơi thở. Tôi bắt đầu tiếp xúc với an lạc, với định và với tuệ giác của đạo Phật. Lúc này tôi mới thật sự hạnh phúc. Hạnh phúc này rất lạ và khác, nó không như ăn một món ngon, nghe bản nhạc hay hay xem một bộ phim thú vị. Hạnh phúc này không mang dáng vẻ của sự hưởng thụ từ bên ngoài mà nó được chế tác từ bên trong, một thứ hạnh phúc rất ấm áp, rất nồng nàn, rất thi vị.
Tôi hứa với lòng, cả đời này chỉ đi tu thôi vì con đường tu đẹp quá, dễ thương quá, hạnh phúc quá. Dù có nhiều khó khăn và cản trở, tôi vẫn quyết giữ trọn câu thề là đi cho hết con đường tu của mình. Tôi cũng có những thành tựu nho nhỏ nhưng lại có những hạnh phúc rất lớn. Tôi viết sách chia sẻ phương pháp thực tập và kinh nghiệm của mình. Vài đứa học trò tìm tới tôi, xin tu học, xin nghe pháp thoại, xin được ngồi thiền. Tôi chỉ dạy chúng hết lòng. Tôi lại làm thầy giáo nữa, nhưng lần này không dạy ngoại ngữ hay quản trị nhân sự, mà dạy thiền, dạy giáo lý, dạy người ta tu. Muốn dạy người ta tu thì tôi phải tu mới được nên lúc dạy học trò, tôi phải tu nhiều hơn nữa.
Thời gian thấm thoát trôi qua, đầu tôi đã hai thứ tóc, cái đầu hói hết không cần phải cạo tóc nữa. Tâm ban đầu trong tôi vẫn mãnh liệt. Tôi ngồi nhớ lại hồi đó phát nguyện đi tu, tâm ban đầu đẹp lắm, mà người tu không giữ tâm ban đầu thì định hướng mất đi, niềm tin giảm sút, phẩm chất tu học không thật rạng rỡ. Cho nên hầu như ngày nào tôi cũng ngồi lại, ngồi mà nhắc nhở mình, phải nuôi dưỡng tâm ban đầu, không được quên tâm ban đầu, vì nó là lời thề, là sự thủy chung, là con đường thênh thang.
Tôi không lập gia đình, nhưng lại có nhiều con cái. Tôi nhìn thấy hình ảnh của mình trong những đứa con của tôi, những đứa con tâm linh. Khi tôi dạy chúng xong, mỗi đứa đi mỗi ngả mà sống đời tâm linh của mình. Đứa thì ra Hà Nội, đứa thì về Bình Định, đứa thì trở lại Đồng Tháp. Đứa nào cũng đi theo lời Từ Phụ gọi, như tôi đã từng nghe. Ngồi một mình trong căn nhà vắng, tôi đã chạm vào được sự thảnh thơi và niềm vui bất tận cứ trôi đi, không dồn dập, không náo nức, nhưng niềm vui cứ tuôn ra, niềm vui vì tôi đã sống một đời không sai đường. Các học trò sẽ nối tiếp con đường tôi đã đi nên tôi nhường lại cho chúng. Đã đến lúc tôi nằm xuống, tre già thì măng mọc. Những mầm non tâm linh đang rong chơi giữa miền tịnh độ. Tôi biết chúng đang hạnh phúc như tôi. Phật để lại gia tài cho tôi và bây giờ tôi để lại gia tài cho các con tôi. Tôi ra đi trong thảnh thơi và nở nụ cười trong tỉnh thức. Lành thay.
Hạt gió bay qua những vùng trời
Nơi có người bước đi thảnh thơi
Sống một đời vui trong tỉnh thức.Người là mây là mưa là nắng
Là nụ hoa trong trắng giọt sương
Là vầng trăng dịu mát đêm trường
Bình minh lên người là ánh sáng.
Bỗng dưng trái tim tôi muốn hát
Lời từ bi lời Từ Phụ gọi tôi về
Lời yêu thương bừng tỉnh giữa cơn mê
Rằm tháng tư xin giữ trọn câu thề.