Đức Phật là bậc Giác Ngộ

Đức Phật là Bậc Giác ngộ, đã đạt được Niết bàn. Ngài đã giúp chúng ta có được ánh sáng giác ngộ, hiểu được ý nghĩa Niết bàn là tối hậu của người tu, mà Đại thừa gọi là Chơn-tâm, Phật tánh, Bản-lai-diện-mục.

Ngược dòng thời gian cách đây trên 2500 năm, vào một ngày trăng tròn, có một bậc vĩ nhân xuất hiện ở đời. Ngài sinh vào cung vua Tịnh Phạn năm 563 trước Tây Lịch. Đó là thái tử Sĩ Đạt Ta, sau thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ngài là một con người sống trong nhung lụa cao sang, hạnh phúc gia đình đầm ấm và có quyền uy tột đỉnh nhưng tự tại với mọi cám dỗ của ngũ dục lục trần. Ngài đã tự nguyện từ bỏ tất cả, vượt thành xuất gia sống cuộc đời Sa môn khổ hạnh nơi núi rừng, trải qua biết bao gian khổ, dãi nắng dầm sương, vượt núi băng rừng, hết học với các bậc ẩn tu thì nỗ lực thực hành công phu tu tập. Ngài đã tuyên thệ một lời sắt đá:Ta ngồi nơi đây, nhất tâm thiền định, dù thịt nát xương tan, nếu chưa chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ta quyết không rời chỗ này.” Ngài trải qua 49 ngày đêm hành trì dưới cội cây Tất Bát La bên bờ sông Ni Liên Thuyền, cuối cùng thành tựu Đạo quả Vô thượng.

Ngày đản sinh và Đêm thành đạo là hai dấu ấn quan trọng bậc nhất của cuộc đời Đức Phật và là hai ngày trọng đại nhất đối với những người con Phật chúng ta. Sau đó, trong suốt 49 năm hoằng dương chánh pháp, Ngài đã triển khai vi diệu pháp để cứu độ chúng sinh, rồi mới đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời là thể nhập Niết bàn tự tại.

Đức Phật chính là người tự chủ trong thị hiện Đản sinh và thị hiện Niết bàn. Ngài nhập diệt ở rừng Ta la Song thọ. Năm ấy Ngài 80 tuổi. Trước khi ra đi, Ngài đã để lại lời dạy tối hậu, sau này kết tập thành Kinh Di Giáo, đó là lời dạy vô cùng quý báu cho tất cả hàng đệ tử xuất gia. Sau khi Đức Phật Niết bàn thì hỏa thiêu, toàn thân xá lợi  chia thành tám phần cho tám nơi theo sự sắp đặt của Ngài. Ngài là bậc đản sinh vi diệu, hoằng pháp vi diệu và nhập Niết bàn vi diệu.   Ngài không phải là bề trên, không phải là đấng thần linh có quyền ban phước giáng họa cho ai, mà Ngài là Vô thượng Y vương trị tâm bệnh cho chúng sinh. Ngài là bậc Đạo sư, vị Thầy dẫn đường chỉ dạy cho chúng sinh phương pháp thoát ly sinh tử và đưa chúng sinh qua khỏi biển khổ trầm luân .

Đức Phật giác ngộ tức đ đạt Niết bàn. Niết bàn được xem là mục tiêu cứu cánh của đạo Phật, chỉ trạng thái tâm thức đã gột sạch hết mọi vô minh phiền não, sự giải thoát khỏi các kiết sử tùy miên, sự đoạn diệt hoàn toàn mọi tham ái, sự dập tắt tham sân si, trạng thái an tịnh tuyệt đối không còn bị bốn tướng Sinh-lão-bệnh-tử chi phối nữa. Niết bàn là cứu cánh của người tu Phật.

Nhà Phật định nghĩa: là chúng sanh, giác ngộ là Phật.Có thể ví như lưng bàn tay và lòng bàn tay . Mê và giác không phải là hai thể, không phải hai đường, hai lối mà là cùng một thể, một lối. Chẳng hạn, người khi nằm ngủ thấy cảnh mộng và người khi hết mộng vẫn là một người , người khi mê là đang ở trong trường đại mộng và  khi hết mộng tức là giác, là tỉnh.

Hòa thượng Trúc Lâm đã nói trong bài thơ Mộng:

“Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng.
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng.”

Chính vì vậy, mê lầm và giác ngộ không phải là hai lối, nhưng với thức tâm phân biệt của chúng sanh cần rạch ròi mới dễ hiểu. Hiểu được rồi, chúng ta sẽ thấy khi trở về con người chân thật của mình không phải hai thể, hầu như không có khoảng cách. Không có khoảng cách ở đây cũng như sóng và nước. Sóng đi tìm nước là một điều bi đát, sai lầm. Giống như nhà Thiền nói: “Một người ở dưới sông,nước sông trong vắt nhưng người ấy lại thấy khát nước”. Vì thế nhà Phật mới nói: “Người vác Phật đi cầu Phật.” 

Nếu con người gột hết tham sân si, phiền não, tật đố, vô minh thì sẽ thành Phật. Chúng sanh và các Bậc Giác ngộ chỉ là một thể. Phật tánh vốn có sẵn nơi mỗi chúng ta, nhưng vì vô minh tạo nghiệp, thọ thân nên cứ cho thân giả tạm là mình mà quên đi cái chân thật . Người nào thường quên cái giả mới sống gần được cái thật, cho nên nhà Thiền mới hướng dẫn chúng ta tu để nhận ra cái chân thật mà không lầm lẫn với cái giả tạm kia.

Đức Phật đã giác ngộ, đã hoằng pháp 49 năm, đã trao truyền lại cái mà Ngài đã ngộ, đã thấy, đã chứng nhập để chúng sanh được nghe, được biết. Chính vì thế, Đức Phật là Bậc Giác ngộ. Ngài đã khai sinh ra đạo Phật. Đạo Phật là đạo giác ngộ. Còn tứ chúng đệ tử Phật, hay thất chúng đệ tử Phật đều là con của Phật, là con của Bậc Giác ngộ. Nếu chúng ta mê thì không xứng đáng là đệ tử Phật, vì sự nghiệp của người tu là giác ngộ, nên người đệ tử của Phật cần phải giác không được mê. Kinh điển A-hàm, Nikaya, Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa đã triển khai rất nhiều khía cạnh để mở ra cho chúng ta một chân trời thênh thang của sự giác ngộ. Chúng ta cần giác ngộ để sống đời an vui hạnh phúc, vì đã giác ngộ thì sẽ không còn sống trong bóng đêm u tối. Nếu bóng đêm ngự trị thì chúng ta không có ánh sáng, nhưng dù cho chúng ta sống trong bóng tối mà nhận được đạo lý thậm thâm thì sẽ mở mang được sự giác ngộ và mê lầm sẽ lùi dần ra khỏi tâm trí chúng ta.

Chúng ta học được đạo lý giác ngộ thì phải gia tâm chiêm nghiệm, phải khai phát ra ánh quang minh trong từng thời khắc khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn  uống, tiếp xúc để sống vui và sống khỏe. Người giác ngộ lúc nào cũng tỉnh cũng giác. Người tu không bao giờ tạo nghiệp ác, nghiệp xấu vì họ luôn sống trong nội tâm an hòa, vui cho bản thân và vui cho mọi người.

Kinh Kim Cang có nói đến “Lý một hợp tướng”. Đây là một bộ kinh rất quan trọng của Phật giáo Đại Thừa mà Đức Phật đã triển khai. Vua Trần Thái Tông đang khi đọc kinh liền đại ngộ. Đặc biệt Lục Tổ Huệ Năng khi nghe kinh đến câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”  liền hoát nhiên đại ngộ.

Thân của chúng ta được kết hợp bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc được tạo thành từ đất, nước, gió, lửa. Nếu rời yếu tố vật chất và tinh thần thì không thể có thân tâm chúng ta. Tướng trạng mà chúng ta nhìn thấy được do hòa hợp và hiện ra một pháp, một hiện tượng mà Duy thức học gọi là: “Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải.”Mỗi pháp đều có khuôn khổ, nhìn vào tướng trạng đều có thể biết được pháp đó. Nếu thông hội được pháp thì sẽ biết pháp được hòa hợp bởi nhân và duyên, bằng những yếu tố khác nhau. Mỗi pháp tồn tại trong sự tương thuộc lẫn nhau, kết hợp lẫn nhau để hình thành nên một hợp tướng. Hòa hợp thì có mặt, không còn hòa hợp thì tan rã. Đó là lý tương sinh và tương khắc. Nếu như thấy được thân này là một hợp tướng, là vô ngã, không có chủ thể thì nhìn tất cả các pháp cũng chỉ là một hợp tướng. Như vậy, khi thấy được tất cả đều do duyên hợp  thì đều không  thật có, không có chủ thể. Nếu chúng ta đem ánh bình minh giác ngộ đó mà soi rọi vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc đời thì sẽ thấy được tất cả đều là giả, mà giả thì đâu thực có. Tam đoạn luận của Bát nhã đã triển khai điều này. Ở trong thế giới sinh diệt hữu vi, lý  một hợp tướng không bao giờ sai biệt trong khoảng thời gian và không gian này. Những người có sức tu thì không rộn ràng. Họ thâm trầm, hướng nội từng thời khắc để chơn trí tỏ rõ. Chúng ta cần có tuệ giác Bát nhã để sống an vui . Đức Phật khi đã giác ngộ rồi thì Ngài đạt được hạnh phúc nhất trần gian. Vua Trần Nhân Tông bỏ ngôi lên núi Yên Tử tu hành, giác ngộ thấy được lẽ thật không mê lầm, không còn bị phiền não, tham sân si, vô minh chi phối nên cũng vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây là dừng lại, nhìn sâu thấy rõ, không còn bị mê lầm.

Lý một hợp tướng không thuộc về có vì không có thật thể, không thuộc về không vì hiện giả có . Đó là ngôn ngữ của Bát nhã. Ở châu Á có nền đạo lý gọi là đạo học, có đạo học thậm thâm thì cần học hỏi mới cứu vãn sự nguy hiểm của tình hình thế giới hiện đại đang có nguy cơ bị hủy diệt do hiệu ứng nhà kính, tan băng Bắc cực, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm mặt đất, ô nhiễm nguồn nước. Khoa học đã tạo nên một cuộc sống đầy đủ và sung túc cho nhân loại, nhưng đồng thời  con người cũng bị đe dọa bởi bạo lực và chiến tranh, vì khoa học chế tạo ra bom đạn, vũ khí hạt nhân làm ảnh hưởng đến đời sống con người. Bão lụt, động đất, sóng thần mang tính vĩ mô. Tất cả xảy ra đều là do ảnh hưởng của nền khoa học tiên tiến. Nếu chúng sanh hạn chế được tham sân si thì sẽ sống trong tinh thần tương thân, tương ái và con người ngày càng minh triết hơn. Nếu còn nuôi dưỡng tham sân si thì đó là cái họa của chiến tranh. Các nhà khoa học cần được đạo đức tâm linh soi đường. Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi . Chính vì vậy mà Liên Hiệp Quốc đã chọn đạo Phật là đạo đem đến hòa bình, an lạc cho cả thế giới .

Các pháp giả hợp có nhiều phương diện diễn đạt và triển khai gọi là duyên khởi tánh không mà trước đó là hữu vi duyên khởi. Hữu vi là có sanh, có diệt, có giả hợp. Các Ngài sống vượt ra khỏi trạng thái sinh, diệt, ly, hợp và vượt lên thói thường, sống trong thế giới siêu nhiên, gọi đó là Niết bàn. Thân này có mặt bằng những yếu tố không phải thân. Thân không có ngã, không có chủ thể, thân là vô thể. Điều này rất khoa học, vì Đức Phật chưa bao giờ ru ngủ tín đồ.

Câu chuyện Ngài Phật Ấn và Tô Đông Pha đã cho chúng ta thấy đây là đôi bạn thân nhiều đời , nhiều kiếp. Phật Ấn tu hành, làm sư sãi ở chùa sống bằng trí tuệ Bát nhã. Tô Đông Pha là nhà thơ ở đời Đường, rất thông minh, hiểu Phật pháp nhưng không có chỗ ngộ vì còn đam mê trần gian huyễn mộng, sống vương giả, năm thê bảy thiếp. Một bữa nọ, Phật Ấn theo hỗ trợ cho Tô Đông Pha tọa thiền. Sau khi xả thiền, Phật Ấn đã giúp Tô Đông Pha nhận ra chân lý sáng ngời: “Tâm tịnh thì tất cả các pháp đều thanh tịnh, tâm như các pháp như, tâm bình thế giới bình.” Tô Đông Pha sau khi được Phật Ấn nâng đỡ đạt đến trình độ hiểu Thiền thâm hậu , ông đã lưu xuất một bài thơ nổi tiếng:

“Lô-sơn yên tỏa , Chiết-giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô-sơn yên tỏa, Chiết-giang triều.”

Nghĩa:

Mù tỏa Lô-sơn, sóng Chiết-giang
Khi chưa đến được hận muôn ngàn
Đến rồi về lại không gì khác
Mù tỏa Lô-sơn, sóng Chiết-giang.

Toàn bộ nhân sinh vũ trụ đều là duyên khởi tánh không. Con người gồm có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tất cả đều là giả hợp duyên khởi , tức là duyên hợp thì có sáu đối tượng thu nạp để tiếp thu vào bên trong. Nghĩa là mắt phải tiếp xúc với trần cảnh gọi là sắc, tai phải tiếp xúc với tiếng, mũi tiếp xúc với mùi, lưỡi tiếp xúc với vị, thân tiếp xúc với xúc và ý thì duyên với pháp trần. Bên trong có sáu căn, bên ngoài có sáu trần nên gọi là thập nhị xứ. Thập nhị xứ bao gồm: bên trong có sáu nội xứ, bên ngoài có sáu ngoại xứ, nhưng đặc biệt ở chỗ là:  mắt không bao giờ nghe được tiếng, tai không bao giờ thấy được sắc … Mỗi căn đều có trần tương ứng để tiếp thu và phân biệt. Mắt thấy sắc thì sanh tâm phân biệt gọi là nhãn thức. Tai nghe được tiếng liền sanh tâm phân biệt gọi là nhĩ thức. Mũi ngửi được mùi bèn sanh tâm phân biệt gọi là tỷ thức. Lưỡi nếm được mùi vị nên sanh tâm phân biệt gọi là thiệt thức.Thân tiếp xúc với xúc trần gọi là thân thức. Ý căn tiếp xúc với pháp trần phát sinh ý thức.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.