Đức Phật là bậc Giác Ngộ

Như vậy sáu căn, sáu trần và sáu thức gộp lại gọi là Mười tám giới phân biệt, nên mới có thân, tâm và cảnh giới này. Sáu thức tâm phân biệt và sáu căn bên trong là nhân sinh quan. Còn sáu trần bên ngoài là vũ trụ quan. Vũ trụ quan là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn, sáu trần tác động giao thoa rồi mới sinh ra sáu thức, nhưng nếu tách rời sáu thức ra khỏi sáu căn và sáu trần thì sáu thức cũng không hiện hữu được. Căn, trần và thức đều là duyên khởi nên là tánh không. Tánh không bao trùm tất cả vũ trụ vạn loại, nên nhà Phật mới suy tiến lý như huyễn như mộng của các pháp.

Hòa thượng Trúc Lâm đã từng nói đến tri vọng: “ Sáu căn là vọng, sáu trần là vọng, sáu thức phân biệt là vọng. Nếu con người buông xả các chấp hư vọng thì mới sống được với lẽ chân thường, nên nói cuộc sống này là huyễn mộng và hư vọng như giấc chiêm bao.” Kinh Kim Cang nói: “Nhược kiến chư tướng phitướng tức kiếnNhư Lai ” nghĩa là nếu thấy được tất cả tướng trạng đều phi tướng thì sẽ thấy được Như Lai. Do chúng ta chấp thật nên mới kết tập thành chủng nghiệp, đam mê rồi tạo nghiệp triền miên khổ ải. Các Ngài sống bằng tâm thinh lặng, chân chất tự cõi lòng nên nhìn sâu và thấy rõ bằng trí tuệ Bát nhã. Còn chúng ta sống bằng tâm phân biệt nên tùy theo cách nhìn mà mỗi người trở thành phàm phu hay thánh nhân.

Thân con người có sinh, già, bệnh và chết. Các pháp giữa thế gian có sinh, trụ, dị, diệt. Một chu kỳ của vũ trụ có thành, trụ, hoại, không. Nếu con người giữ được tâm bình tĩnh thì cận tử nghiệp sẽ nhẹ nhàng và có sức tự tại. Thiền sư Duy Tín đời Tống nói rằng: “Sãi tôi khi mới tu thì thấy núi là núi, sông là sông; nhưng khi sãi tôi tu một thời gian, có được công phu thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông; sau ba mươi năm tu hành sãi tôi giác ngộ, hoàn toàn tự tại thì lại thấy  núi vẫn là núi và sông vẫn là sông, y nhiên như thị.” Pháp không thật có nên gọi là diệu hữu, Pháp không thật không nên gọi là chơn không. Không mà chơn, hữu mà diệu . Có nhưng rất vi diệu vì  không phải ở trạng thái phàm phu để nhìn nữa nên liền chuyển Ta bà thành Tịnh độ. Khi ánh giác bùng lên thì khắp cả thế gian ngập tràn ánh giác; rồi lúc ánh giác tắt lịm, vô minh nghiệp chướng ùa đến thì cõi ấy là Ta bà khổ đau. Tịnh độ hay Ta bà nằm trong tâm của chúng ta.

Rõ ràng tất cả các pháp đang hiện hữu nhưng hiện hữu một cách ước lệ, tồn tại trong sự chuyển động vô thường, tồn tại trong sự tương thuộc liên hệ chằng chịt những yếu tố nhân duyên . Các pháp đang tồn tại trong chuyển động và giả hợp nên các pháp không đứng yên một cách cố định và không tự độc lập hình thành mà phải vay mượn. Chính vì thế mà nói các pháp vì vô thường giả hợp mà có mặt một cách ước lệ chứ không phải thực có. Nếu hiểu được như thế thì chúng ta sẽ thấy các pháp đều phi và không nên chấp.

“Nhược kiến chư tướng phi tướng  tức kiến Như Lai.” Như là nơi không bị phân tâm, Lai là nhìn, thấy và nghe nhưng không mất đi trạng thái bất biến đó. Đức Phật từ Như mà đến cõi này. Ngài đạt đến bất biến mà tùy duyên cứu độ chúng sanh trong 49 năm, và 80 năm hiện hữu trên cuộc đời này là một điều vi diệu. Ngài như một đóa hoa sen vươn lên khỏi bùn nhơ nước đục, tỏa hương sắc dâng hiến cho đời. Hoa sen tượng trưng cho tánh vô nhiễm, ở trong trần mà Ngài không nhiễm trần, ở thế gian mà Ngài xuất thế gian.

Đức Phật sống tự tại và vô nhiễm giữa cuộc đời. Phật là Bậc Giác ngộ, Pháp là đuốc soi đường, Tăng là người đưa đường chỉ lối . Phật đã nhập Niết bàn, Pháp còn đó và nhờ Tăng hoằng dương. Phật tử đến chùa,“Tiên bái trụ trì, hậu bái ThíchCa” vì chính nhờ quý Thầy mà Phật tử mới biết đến giá trị của Phật và Pháp  .

Đức Phật đ đạt được Niết bàn tự tại, thế nào là Niết bàn?

Niết bàn là đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Niết bàn là dập tắt tham, dập tắt sân, dập tắt si. Dịch ra là vô vi, tịch diệt, diệt độ. Nếu nói theo nhà Thiền thì Niết bàn là tâm của chúng ta . Niết bàn là giác, là bản tâm thanh tịnh xưa nay, là chơn tâm, Phật tánh của chúng ta.Hay nói cách khác, Niết bàn là đương thể của tâm vô nhiễm.Trong Phật giáo, Niết bàn bao gồm : Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Nhà Phật phân lọai Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn như sau:

Cách phân loại thứ nhất :

Hữu dư Niết bàn là gì? Người tu hành đạt được trạng thái không sinh tử, vượt qua sinh tử đến bến bờ an vui giải thoát hoàn toàn, nhưng nhục thân này còn ở lại trên thế gian. Đó là Hữu dư Niết bàn. Các vị A la hán sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn sinh tử nữa, nhưng phần nhục thể còn tồn tại thì đó là dư tàn của nghiệp.

Vô dư Niết bàn là gì? Người tu hành đạt được trạng thái vô nhiễm rồi xả bỏ báo thân lại cuộc đời và phần nhục thể không còn nữa, hoàn toàn không còn dư báo ở thân này thì gọi là Vô dư Niết bàn.

Cách phân loại thứ hai:

Quả đầu tiên gọi là Tu đà hoàn. Quả thứ hai là Tư đà hàm. Quả thứ ba là A na hàm. Quả thứ tư là A la hán. Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm là ba quả chưa đoạn sạch phiền não, dư tàn tập khí còn lấp loáng, vì còn dư tàn đó nên gọi là Hữu dư Niết bàn.

Người còn thân này trên cuộc đời, nhưng đạt được quả A la hán, đạt được vô sanh, không còn dư tàn phiền não, không còn nhiễm dục trần thì nội tâm hoàn toàn thanh tịnh, dẹp sạch tâm hành, ở trong trạng thái lặng lẽ của bổn tâm gọi là Vô dư Niết bàn.

Trong Kinh Nikaya có những pháp thoại liên tưởng đến Niết bàn, Đức Phật dạy:

Này các Tỳ kheo! Có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có hư không vô biên … không có phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau; không có cả hai mặt trăng, mặt trời. Do vậy, này các Tỳ kheo! Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên. Đây là sự đoạn tận khổ đau.”

Pháp thoại thứ hai liên tưởng đến Niết bàn, Đức Phật dạy:

Này các Tỳ kheo! Có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỳ kheo! Nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.”

Cuộc đời này có cái hữu vi, sanh diệt, giả hợp nhưng hư không thì không có sanh diệt, không có giả hợp. Pháp hữu vi có tướng trạng còn hư không thì không có tướng trạng. Cái gì có hữu vi, có tướng trạng, có sanh diệt, có giả hợp thì có thời gian tồn tại và sau đó sẽ hủy diệt. Còn cái không thuộc về hữu vi, không thuộc về tướng trạng, rỗng rang thì muôn đời bất diệt. Hư không không hạn lượng tuổi thọ, chính vì vậy hư không rất tự tại. Còn thân chúng ta gió thổi bay, nước mưa ướt, lửa đốt cháy, nước nhấn chìm, nhưng hư không thì vô nhất vật, tự tại.

Cuộc sống của chúng ta có lúc vui buồn, sướng khổ, đắc thất, thịnh suy. Có thể sánh cuộc đời chúng ta như dòng sông, dòng sông có lúc nước dâng cao, lúc hạ xuống thấp, lúc nước đục ngầu, lúc nước trong veo, lúc nước chảy xiết, chảy cuồn cuộn, lúc nước chảy hiền hòa.

Và đây là pháp thoại thứ ba liên tưởng đến Niết bàn:

“ Cái gì có nương tựa, cái ấy có giao động; cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động. Không có giao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về, không có thiên về thời không có đến và đi, không có đến và đi thời không có diệt và sanh, không có diệt và sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có đời giữa. Đây là sự đoạn tận khổ đau. ”

Niết bàn cũng rất tự tại như hư không, người đạt đến Niết bàn là người sống an ổn, vui vẻ nhất trên cuộc đời này, là người vượt khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Diễn tả chân lý Niết bàn, Đức Phật đã vận dụng một loại hình ngôn ngữ thật khó hiểu, nhưng nhờ tu tập với trình độ tương đối có thể thâm nhập được bằng công phu thì chúng ta có thể hiểu: Hư không không có nương tựa vào nơi nào cả nhưng hư không có mặt ở khắp mọi nơi một cách tự tại. Ngài Huệ Năng nói: “Bản lai vô nhấtvật, hà xứ nhạ trần ai.”Thiền sư Minh Chánh nói : “ Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,công phu luống uổng một đời ai .

Chúng ta tu để trở về trạng thái vô nhất vật, tức là bản tâm bản tánh của chúng ta, trở về Đạo-nhân vô-y (Cái gì có nương tựa , cái đó có giao động; cái gì không nương tựa, cái đó không giao động) . Những người đạt đến trạng thái bất động của tâm thì không bao giờ giao động trước tiền cảnh, đó là sự thể nhập của người tu, đó là sự thú vị, tiêu diêu chơn thế giới, khoái lạc hưởng vô biên. Trước khi bắt đầu học đạo, trước khi thấy được Phật, Ngài Xá Lợi Phất gặp Ty kheo A Thị Thuyết  trì bình khất thực với dáng vẻ tự tại, an nhiên thì trong lòng dâng niềm quý kính, liền xin hỏi đạo lý và được Tỳ kheo A Thị Thuyết trình bày về lý duyên sinh. Ngài Xá Lợi Phất đạt được sơ quả, liền nhờ Tỳ kheo A Thị Thuyết đưa đến gặp Đức Phật và sau đó đạt được A la hán quả. Ngài Mục Kiền Liên nghe Ngài Xá Lợi Phất nói bài kệ lý duyên sinh của A Thị Thuyết  cũng liền ngộ đạo.

Tóm lại, Đức Phật là Bậc Giác ngộ, đã đạt được Niết bàn. Ngài đã giúp chúng ta có được ánh sáng giác ngộ, hiểu được ý nghĩa Niết bàn là tối hậu của người tu, mà Đại thừa gọi là Chơn-tâm, Phật tánh, Bản-lai-diện-mục.Từ sự thể nhập đó, các Ngài muốn sanh về cõi nào thì bằng nguyện lực độ sinh chứ không phải bằng nghiệp dẫn nữa.

Tác giả: Thích Thông Huệ

THIỀN TỰ TRÚC LÂM VIÊN GIÁC – Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

http://www.hoalinhthoai.com

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.