Vui hạnh xuất gia khó
Tại gia sinh hoạt khó
Sống bạn không đồng khổ
Trôi lăn luân hồi khổ
Vậy chớ sống luân hồi
Chớ chạy theo đau khổ.(1)
Sáu câu thi kệ này trích từ bản kinh Pháp cú, phẩm Tạp. Sáu câu bao hàm sáu ý khác nhau nhưng ý chính chỉ là một lời khuyên tha thiết của Đức Phật Thích Ca: Hãy thoát khổ!
Và thoát khổ ở đây đồng nghĩa với sự việc: Hãy thoát luân hồi.
Hai câu thi kệ đầu nói đến hai cái khó của hai con đường, hai nếp sống, xuất gia và tại gia. Đức Phật nêu ra hai cái khó của hai con đường khác nhau và ý nghĩa của hai cái khó này cũng hoàn toàn khác nhau.
Câu thi kệ thứ ba nhắc lại một trong Tám khổ, đó là Oán tắng hội khổ. Tại sao lại là Oán tắng hội khổ và Đức Phật chỉ nhắc đến nỗi khổ này mà không nói hết tất cả Tám nỗi khổ của trần gian? Chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu sáu câu thi kệ này với lời khuyên tha thiết ở hai câu cuối, không sống theo luân hồi, không chạy theo đau khổ. Một sự khẳng định được thấy ngay ở đây: Luân hồi là khổ. Thoát luân hồi là thoát khổ.
Bước đầu tiên hãy phân tích câu thi kệ thứ nhất: Vui hạnh xuất gia khó.
Con đường xuất gia thường được ví như con đường đi ngược dòng. Người xuất gia là người lội ngược dòng sông hay đi ngược với dòng đời, dòng sinh hoạt bình thường của thế gian. Sông xuôi dòng thì chảy ra biển, lội ngược là tìm lại nguồn gốc của con sông, nơi nó xuất phát. Người xuất gia là người đi tìm cho ra cái nguồn gốc này, con người xuất phát từ đâu? Đi về đâu? Tại sao có sanh có tử? Đâu là nguồn gốc của sanh của tử? Làm thế nào để thoát khỏi sanh tử?
Dưới mắt thế gian thì đây là chuyện làm viển vông không thực tế. Không thực tế thì không dễ dàng như những chuyện thường tình của người đời. Cày ruộng, cuốc đất, bán buôn… hay bất cứ việc gì khác ở đời thật ra không khó làm, chỉ cần được chỉ dạy và chịu khó học hỏi và làm theo là được. Nhưng suy nghĩ và tìm cho ra nguồn gốc, ý nghĩa của cuộc sống, của đời người, của con người, của sự sống chết thì không phải chuyện dễ làm. Suy nghĩ đã là một chuyện khó. Lại còn phải sống thiếu thốn, đạm bạc, từ bỏ mọi thụ hưởng dục lạc nữa. Như vậy ở đây, xuất gia đúng là một điều khó làm.
Bàn đến con đường thì con đường thuận chiều, thuận theo dòng đời sẽ đưa đến một nơi nào đó, cuối con đường sẽ là một nơi để trú thân, một nơi để yên nghỉ, một ngôi chùa, một ngôi nhà, một tổ ấm, một mái gia đình, một xóm làng, một phố thị hay chỉ là một khu rừng, một ngọn đồi…
Mà con đường cũng có thể mang ý nghĩa hoàn toàn trừu tượng như một ước muốn, một mong cầu, một hy vọng, một tham vọng, một khát khao, một lý tưởng nào đó.
Có một con đường là phải có một cái đích đến, một điểm đến, phải dừng lại ở một nơi nào đó. Dừng lại tất nhiên là đã tới nơi, đã đạt được, đã thành công, đã thỏa mãn, đã toại nguyện.
Nhưng người xuất gia thì đi ngược với con đường thuận chiều này. Nghĩa là người xuất gia không đi trên con đường để dừng lại, cho dù là dừng lại nơi một ngôi chùa, nói chi đến một ngôi nhà, một tổ ấm, một mái gia đình…Cũng không dừng lại nơi một ước muốn nào, một mong cầu nào, một hy vọng nào, nói chi đến một tham vọng nào, một khát khao nào, cho đến cả một lý tưởng nào! Và như thế là đi trên một con đường mà chẳng đưa tới một nơi nào hết, chẳng có gì để đạt, chẳng thành công cũng chẳng thỏa mãn, toại nguyện gì hết! Cho dù là biết mình đi tìm nguồn cội, tìm chân lý, đi trên con đường Đạo nhưng người xuất gia cũng phải buông bỏ tất cả, không trụ vào đâu, không chấp vào đâu được cả! Đi trên con đường để giải thoát khỏi con đường. Để phóng mình ra khỏi con đường. Đây mới là điều khó, quá khó!
Nhưng đó là chưa bàn đến cái khó trước khi đi vào con đường xuất gia.
Không phải dễ đâu. Chẳng phải ai muốn xuất gia là làm được. Chẳng phải vì sợ chết, sợ khổ mà xuất gia được, chẳng phải vì thất bại trên đường đời, nơi công ăn việc làm, nơi đường công danh mà xuất gia được, chẳng phải vì tình duyên trắc trở, ngang trái, éo le, mà xuất gia được, chẳng phải vì chán chường khổ sở vì cái thân tật nguyền, bệnh hoạn mà xuất gia được, chẳng phải vì trăm ngàn muôn lý do nào đó đã không tìm thấy hạnh phúc nơi cuộc sống tại gia mà xuất gia được.
Như vậy, sự việc từ bỏ cuộc sống tại gia để xuất gia là một quyết định khởi điểm từ sự hiểu biết, từ trí tuệ và hẳn phải có đầy đủ căn duyên, túc duyên, cơ duyên, không những thế, lại còn phải dựa vào nguyện lực nữa. Có đủ phước đức và nhân duyên rồi cũng không có gì chắc chắn nếu không cố gắng, nhẫn nại, kiên trì để vượt qua bao thử thách gian nan, chí xuất trần phải vô cùng mạnh mẽ, vững chắc như bàn thạch, dụng công tu tập không ngừng nghỉ, tinh tấn từng phút từng giây, bởi giới luật không phải là điều dễ tuân thủ và nghiệp lực thì không thể lường, thêm vào đó, luôn giữ cho tâm không lay chuyển trước Tám ngọn gió của thế gian cũng không phải là chuyện dễ. Cho dù mình có quay lưng với thế gian, vẫn bị Tám ngọn gió đời ảnh hưởng và chi phối. Vì vậy mà Đức Phật dạy “Vui hạnh xuất gia khó ”.
Tám ngọn gió của thế gian, được mất, thương ghét, khen chê, sướng khổ, thì thổi ào ào nơi dòng đời, nơi cuộc sống của một con người bình thường. Không ai mà không bị Tám ngọn gió đời này làm lay động. Ngay đến cả người xuất gia, không phải là Tám ngọn gió này không thổi tới. Vẫn còn bị xao động bởi chuyện được và mất nơi vật chất, lợi dưỡng, sự cúng dường, thọ hưởng, sự ăn, sự ở, sự mặc, thuốc men… Vẫn còn bị xao động bởi những tình cảm thương người này, ghét người kia, thích chỗ này, điều này, không thích chỗ kia, điều kia hay ngược lại; được người này thương thì người kia ghét, được chỗ này quý trọng thì chỗ kia khinh nhờn… Vẫn còn bị xao động bởi những lời khen, chê dành cho mình cũng như rơi vào sự khen chê, đánh giá người kia, việc nọ… Vẫn còn bị xao động trước những tình huống làm cho vui sướng, thoải mái hay đớn đau, khổ sở. Tóm lại, không phải khi bước vào con đường xuất gia, khi khoác chiếc áo tu lên thân mình là tham, sân, si, phiền não chướng tự nhiên rơi rụng, biến mất trong hư không!
Có những người thường hiểu lầm như thế cho nên một khi họ thấy một người xuất gia có những phản ứng hay hành động còn nhuốm chút tham, sân, si như người đời thì họ thất lễ, không còn kính trọng và tin tưởng vào vị xuất gia này nữa. Đôi khi còn tai hại hơn, họ đánh mất luôn cả lòng tin vào Tăng đoàn và giáo pháp Phật, không thiết tha lui tới chùa chiền, lễ Phật, thăm viếng hay học hỏi nữa. Đây là một điều lầm lẫn lớn và đánh mất lợi lạc rất đáng tiếc. Họ không biết rằng đời sống của vị xuất gia là khó gấp bội phần người tại gia. Nhất cử nhất động của vị xuất gia đều bị dòm ngó, soi mói, đánh giá rất nhanh, rất vội vàng, rất nặng nề dưới con mắt của người thế tục! Họ quên rằng người xuất gia cũng chỉ là người đang đi trên con đường tu tập, chưa phải là thánh nhân!
Vui hạnh xuất gia khó! Quả đúng như thế lời Phật dạy.
Con người bình thường không xuất gia, con người thế tục, có đời sống gia đình hay có thể sống đơn độc, đều được xem là tại gia. Tại gia gồm nhiều hạng. Sĩ nông công thương. Tạm thời phân chia như thế nhưng thật ra có bao nhiêu ngành, nghề là có bao nhiêu hạng tại gia, kể cả người không có ngành nghề gì cả, thí dụ những bà mẹ chỉ ở nhà chăm sóc con cái, quán xuyến việc gia đình.
Lại có thể phân chia tại gia theo phương diện tu tập. Hạng không biết gì Phật pháp, thì tất yếu là không hành cũng không tu. Hạng có biết Phật pháp nhưng không hành, cũng không tu. Hạng biết Phật pháp và có tu, có hành. Cuộc sống của ba hạng người tại gia này chắc chắn là cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, hai hạng đầu, không biết Phật pháp và biết Phật pháp nhưng chẳng tu, chẳng hành thì được liệt vào cùng một hạng, hạng không tu hành. Cho dù được biết, được nghe Phật pháp nhưng không áp dụng thì cũng như không.
Như vậy thì chỉ còn lại hai hạng người tại gia, hạng người có tu có hành và hạng người chẳng tu chẳng hành. Có thể gọi hạng tại gia có tu có hành là cư sĩ.
Tại gia sinh hoạt khó
Câu thi kệ này chẳng phân biệt các hàng tại gia, chỉ đề cập đến cuộc sống của tại gia là khó. Vậy chúng ta thử tìm hiểu cái khó là cái khó nào? Khó nơi phương diện nào?
Ai cũng biết, một điều thật hiển nhiên, con người sinh ra đời thì có cái thân phải lo. Lo nuôi dưỡng thì sự sống mới tồn tại. Lo cơm ăn, lo áo mặc, lo chỗ ở, lo thuốc men… Lo những chuyện này thì tất nhiên là dính líu đến chuyện phải phấn đấu để có công ăn việc làm, có công ăn việc làm thì mới có phương tiện nuôi dưỡng cái thân. Có công ăn việc làm là do chịu khó, chịu nhọc, cố gắng học hành, học nghề, buôn bán, lao động, vất vả, bươn chải, đổ mồ hôi đổi bát cơm, không phải tự dưng mà có. Lo được miếng cơm, manh áo, chỗ ở rồi thì còn lo cái thân tránh bệnh tránh tật, nhưng tai nạn nơi thân thì không thể nào lường và tránh cho hết được. Nhưng con người không phải chỉ có cái thân vật chất mà còn có cái phần tinh thần. Là một thực thể tâm sinh lý rất phức tạp, con người không chỉ bịnh hoạn nơi cái thân vật chất mà còn bịnh hoạn cả nơi cái phần tâm lý khá rối ren này nữa! Nên lo cho cái thân cũng là lo cả hai mặt tinh thần và vật chất. Những cái khó khăn đến từ mối lo vật chất thì nhiều kể không hết mà đối lại, các mối lo cho cái phần tinh thần được an ổn, quân bình, vững vàng để điều khiển cái thân thì cũng không thể kể xiết.
Cuộc sống con người bị bủa vây toàn những mối lo. Từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối, và cả ngay trong giấc ngủ cũng vẫn còn lo. Ở nhà thì có chuyện lo của người ở nhà, chăm sóc, dạy dỗ con cái, hoặc giúp đỡ ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, người đau ốm, quán xuyến việc bếp núc, giữ gìn vệ sinh nhà cửa… Đi làm thì có mối lo của người đi làm, công việc phải hoàn tất chu đáo, sợ chủ phạt, sợ thất bại, sợ mất việc, không tiền, không gánh vác được gia đình… Ai cũng có bổn phận và trách nhiệm trên vai. Gánh thì chỉ có nặng thêm chớ không nhẹ bớt. Con cái thì khó dạy, người lớn tuổi thì khó tính. Bên ngoài thì người này hà hiếp người kia. Chưa kể những tai họa, hoạn nạn bất ngờ xảy đến. Bệnh tật làm thân thể yếu đuối, hao mòn, lại càng không gánh vác thêm được việc gì. Lo âu vì thiếu thốn vật chất gây nợ nần, nợ nần lại gây lo âu. Lo âu lại gây bất hòa. Cha mẹ, con cái, vợ chồng cãi vã, trách móc nhau, có khi trở thành hận thù. Đó là người thân, huống hồ người dưng thì từ bạn trở thành thù địch còn dễ hơn, nhanh hơn nữa. Trải qua năm tháng, không ai không có những hành động sai trái đối với người chung quanh, có thể là lỗi nhỏ, đi đến những lỗi lầm nặng nề khác mà con người vô tình hay cố ý gây cho nhau, có thể được cảm thông, được tha thứ mà cũng có thể không được cảm thông tha thứ và rồi gieo hận cả một đời.
Cuộc sống của con người quay cuồng, xoay mòng như một con quay, tất bật, chạy ngược chạy xuôi, hối hả, mệt nhọc, bơ phờ đến tắt thở! Hạnh phúc thì ít mà đau khổ thì chồng chất. Trong cái vòng quay của bánh xe cuộc đời đầy bất trắc, bất như ý này, tuy nhiên vẫn còn có người đứng vững, cố gắng lèo lái và vượt lên khó khăn, ráng giữ mình không rời xa con đường thiện, luôn hoàn thiện mình, luôn giữ hòa khí, nhẫn nhục và nhường nhịn, có thể nói những người này thuộc hạng tại gia được biết Phật pháp, có tu có hành, nhưng một số không phải là ít thì mù quáng, hành động sai lầm, sa lầy vào con đường ác, luôn gây hấn, luôn kiếm chuyện hơn thua, tranh chấp, đả phá và điều này không giải quyết một vấn đề nào được cả, chỉ làm cho cuộc sống càng thêm khó khăn và đau khổ. Có thể xem những người này là hạng tại gia không tu cũng không hành, cho dù biết hay không biết Phật pháp.
Đúng thay “Tại gia sinh hoạt khó”!
Câu thi kệ thứ ba “Sống bạn không đồng khổ” là câu kệ mà chúng ta xếp ngang hàng với một trong Tám khổ mà Phật dạy, đó là Oán tắng hội khổ.(2) Vì sao? Vì sống với bạn không đồng, phải được hiểu là không đồng chí hướng, không đồng lý tưởng hướng thiện, không đồng đi trên con đường đạo hạnh, không đồng thông hiểu Phật pháp, không đồng tu, không đồng hành, không ngang hàng với mình, không cùng trình độ, cùng căn cơ, làm bạn với người này quả thật là vô cùng khổ tâm và sẽ gây cho ta phiền não vô tận. Cái khổ phải sống với người bạn không đồng này cũng chẳng khác nào cái khổ phải sống, phải gặp, phải chịu đựng, phải chung đụng, liên kết với người mà ta oán ghét, không ưa thích vậy. Ta nói trắng thì họ phải nói đen cho bằng được. Ta có đúng họ cũng tìm cách nói ta sai. Ta chay tịnh, họ chỉ thích rượu thịt. Ta giản dị, đơn sơ, họ thích khoe khoang, diêm dúa. Ta tìm về tĩnh lặng, họ thích nhóm họp, ồn ào. Ta thích bố thí cúng dường thì họ keo kiệt bủn xỉn… Sống với hạng người không đồng tính khí, không đồng quan điểm, không đồng tư tưởng, không đồng sở thích này chẳng giúp ích, đem lợi lạc gì cho ta.
Ngạn ngữ Pháp có câu “Thà sống đơn độc một mình còn hơn sống cùng kẻ không xứng”.(3) Và dân gian ta cũng có câu “Chọn bạn mà chơi” để tránh cái khổ gây ra cho sự không tương xứng trong mọi giao hảo. Tục lệ xưa như “Môn đăng hộ đối” cũng nói lên được sự tương xứng cần thiết trong hôn nhân, giữa hai vợ chồng, không phải là chuyện đáng coi thường, chê bai.
Ở đây, trong bài thi kệ, Đức Phật không nêu ra tất cả Tám khổ mà chỉ nói đến Oán tắng hội khổ bởi vì đây cũng là một chướng ngại cho việc tu hành, trên con đường Đạo, chúng ta cần có những người đồng hành nhất tâm nhất trí, có thể sách tấn, khuyến khích, chỉ bảo cũng như vạch ra lỗi lầm để chúng ta hoàn thiện hơn. Những người bạn đồng hành, đồng tu rất cần thiết trên con đường tu tập.
Câu này của dân gian ta mà ai cũng thường nghe qua và thật chính xác: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”.
Ở trong đời thường, tại gia mà gặp Oán tắng hội khổ cũng là đã quá khổ, huống hồ nơi con đường Đạo thì sẽ là một chướng ngại khá lớn, chỉ gây thêm phiền não không cần thiết.
“Sống bạn không đồng khổ” là vậy.
Tiếp đến “Trôi lăn luân hồi khổ”, câu thi kệ này tiếp tục nói đến cái khổ, sau cái khổ không gặp bạn cùng đồng chí hướng, đồng tu là cái khổ trôi lăn trong luân hồi. Luân hồi là cái bánh xe sinh tử quay vòng không hề dừng lại của kiếp nhân sinh. Con người không phải chỉ mới sinh ra nơi đời này mà đã sinh ra từ vô lượng kiếp, không thể tính đếm và nhớ cho hết. Sau khi hiện đời này chấm dứt thì con người lại tiếp tục tái sinh ở một cõi khác, một trong sáu đường, từ địa ngục lên đến cõi trời, mang một cái thân khác tùy nơi cảnh giới sinh ra và lại tiếp tục một cuộc sống khác. Cứ như thế mà luân lưu bất tận, chết đi rồi lại sinh, sinh ra rồi lại chết đi. Luân hồi là như thế. Và luân hồi chắc chắn là chỉ có khổ cho dù có được sinh lên cõi trời hưởng thụ dục lạc một thời gian khá lâu khá dài so với kiếp người nhưng rồi cũng phải chấm dứt và trôi lăn trong luân hồi. Hạnh phúc cách mấy cũng hết. Không ai có quyền năng, hay thần thông gì để làm cho mọi chuyện đừng chấm dứt, cứ kéo dài để hưởng thụ, không thời gian, không hạn định. Con người bất lực trước vô thường. Điều này đương nhiên gây đau khổ.
Chúng ta nhận ra rằng yếu tố vô thường và luân hồi thật tương đồng. Vô thường là sự chuyển dịch, đổi thay không ngừng thì luân hồi cũng thế mà thôi. Nơi vô thường không thể có ngã thì nơi luân hồi cũng vậy, không thể có một cái ngã thường hằng bất biến đi tái sinh, chết đi và cũng cái ngã đó tái sinh và chết đi. Vô thường gây đau khổ vì đưa đến sự mất mát, chia lìa, hoại diệt, lụi tàn thì luân hồi cũng vậy, phải chết ở đây để sống lại chỗ khác, tới chỗ khác thì lại phải chết đi, luôn luôn giã từ, luôn luôn vĩnh biệt và như thế là làm cho mãi mãi khổ đau. Chưa kể là nơi sự luân lưu chuyển dịch đó, con người không đủ sức để làm chủ, chính nghiệp làm chủ mình, và chỉ có tuân theo nghiệp lực đẩy đưa, có thể bị đọa lạc mà cũng có thể thăng thiên, cho dù ở bất kỳ cảnh giới nào cũng không vĩnh cửu, không thể có an lạc.
“Trôi lăn luân hồi khổ”. Đức Phật không hề nói sai.
Thấy rõ đau khổ do luân hồi đem lại ở mỗi cuộc sinh tử, tử sinh, Đức Phật mới có lời khuyên nhủ “Vậy chớ sống theo luân hồi. Chớ chạy theo đau khổ”.
Con người tạo nghiệp do mê mờ nhận một cái tôi có thật, từ đó sinh tham và ái để củng cố cái tôi này, ôm chặt lấy nó, nuôi dưỡng nó, mọi hoạt động đều quy về cái tôi này, cho tôi, của tôi, là tôi. Từ đó mà mọi khổ đau cũng bủa đến. Cũng như chúng ta xây một lâu đài trên cát, chẳng có gì vững chắc, sóng biển vô thường sẽ ồ ạt kéo đến cuốn trôi và lấp đi. Xây dựng đủ điều quanh cái tôi này cũng như lâu đài trên cát mà thôi.
Hai câu cuối của bài thi kệ đưa đến kết luận phải chấm dứt luân hồi, đau khổ. Không sống theo luân hồi là không sống để tạo nghiệp và bị nghiệp dẫn dắt, mãi mãi trôi lăn trong sáu nẻo.(4)
Tạo nghiệp cũng là do cái tâm không biết buông tha, xả bỏ, bao dung, tha thứ. Bị giết, bị phản bội, bị lường gạt thì chỉ muốn trả thù. Và như thế, cái tâm này cứ nuôi lòng đeo đuổi, tìm cho được thủ phạm sát nhân, kẻ đã từng phản bội, lường gạt mình để đòi mạng, đòi nợ. Oán thù vay trả không bao giờ xong. Mang cái tâm đeo đuổi không buông tha này thì tất nhiên là phải lao vào luân hồi.
Ngược lại cũng thế, cái tâm yêu thương, trìu mến, quá quyến luyến, quá đắm đuối, quá say mê không thể rời bỏ người mình thương, mình yêu, từng say đắm, từng hạnh phúc bên nhau mà không nỡ rời, thế là luân hồi để quay tìm người cũ nhưng mà có gặp được đâu! Lại nữa, có kẻ chưa hoàn thành xong một công trình gì đó nơi hiện đời thì trong lòng còn nuối tiếc, cứ thế mà không thể buông, lại còn mong cầu… luân hồi hầu mong tiếp nối công trình dang dở! Nghĩ cho cùng, nếu luân hồi để làm điều thiện điều tốt cho người, cho nhân loại thì cũng nên nhưng điều này chỉ có hàng Bồ-tát mới thực hiện nổi vì các vị này không còn tạo nghiệp và có thể ra vào tự tại trong sinh tử, cho dù còn chịu nghiệp báo của bao đời trước, còn phàm phu chúng ta chưa thể tự tại như thế, vừa lãnh nghiệp cũ vừa tạo nghiệp mới, và chỉ bị nghiệp lực cuốn đi mà thôi. Vậy thì chúng ta cũng nên tu tập để trở thành Bồ-tát trước khi muốn ra vào sinh tử tự tại và khi chưa đủ sức để kham nổi luân hồi thì cũng nên nghe lời Phật, trước tiên là hãy dừng lại vòng quay của bánh xe sinh tử!
Không chạy theo đau khổ cũng có nghĩa là dừng lại, chận lại vòng quay bất tận của bánh xe luân hồi sinh tử. Chẳng nào chúng ta thật sự nhận ra thế nào là luân hồi, thế nào là khổ thì chúng ta mới có thể chán ngán và làm một quyết định mạnh để bứt mình ra khỏi dòng sinh tử, tử sinh. Khởi đầu phải có nhận thức rõ ràng về khổ, về dòng sinh tử, tử sinh này rồi, bấy giờ mới có thể nương theo con đường đi ngược dòng sinh tử, tử sinh này. Chính vì vậy mà Đức Phật đã thuyết về Bốn Chân lý mà chân lý đầu tiên là nhận ra khổ.
Sáu câu thi kệ mà bốn câu đầu tiên nói về cái khó của xuất gia cũng như tại gia, nói về cái khổ phải chung sống, phải chịu đựng người không ngang hàng, không cùng chí hướng với mình, nói về cái khổ của luân hồi sinh tử để rồi kết luận là lời nhắn nhủ hãy chấm dứt luân hồi, chấm dứt khổ đau. Một chân trời mới chỉ vừa hé mở cho ai nhận được thông điệp từ bi và trí huệ của Đức Phật. Con đường ngược dòng sinh tử vẫn còn chờ người lên đường, dấn thân vào một cuộc cách mạng lớn nhất của muôn kiếp nhân sinh.
Lê Khắc Thanh Hoài
http://giacngo.vn
____________________
(1) Kinh Pháp cú, HT.Thích Minh Châu (dịch).
(2) Ghét mà phải sống chung, gặp gỡ.
(3) Il vaut mieux être seul que mal accompagné. (Ngạn ngữ Pháp).
(4) Sáu nẻo luân hồi, Lục đạo, gồm 3 cõi thiện và 3 cõi ác: Thiên, Thần A-tu-la, Người, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục.