Cái Đẹp Của Con Người

1. Tác phong

Đi chơi với bạn, có thể một người hay nhiều người, nhưng thấy người nào thản nhiên vứt giấy, bao bừa bãi, chúng ta thấy là không đẹp. Dĩ nhiên, kiếm thùng rác vứt vào thì mất công và mệt nhọc hơn. Ngồi vào bàn ăn ta thấy anh nào,cô nào húp xì xụp, bỏ thêm gia vị loạn cả lên, giấy chùi miệng vất lung tung, gọi bồi bàn với giọng kẻ cả hách dịch, chẳng đế ý gì đến ai, ta sẽ thấy là không đẹp. Cái đẹp (mỹ) gắn liền với cái tốt (thiện), và cái tốt ở đây là không làm bẩn. Ngược lại, anh nào, cô nào giả bộ làm vẻ kiêu kỳ, chê bai cái này cái nọ, giả bộ sang trọng để dư cả đống đồ ăn,ta cũng thấy là không đẹp. Sự không đẹp này cũng là một cách hoang phí, và do đó, phá hoại tài sản trái đất. Cái không đẹp cũng lại là cái không tốt, không thiện. Ăn uống là một bản năng, mà nếu thiếu nó chắc chúng ta đã chết khi sinh ra mới chỉ vài ngày. Nhưng càng lớn lên, càng “văn minh” hơn, ăn uống không còn là bản năng nguyên sơ, thô sống. Ăn uống để có dịp hòa mình với gia đình, để chuyện trò,để thưởng thức ngoại cảnh và âm nhạc, văn hóa.

Bất kỳ con người nào cũng phát xuất từ một cơ sở sinh vật, động vật và giáo dục  là làm cho con người biết chế ngự bản năng động vật của mình, thăng hoa lên thành văn hóa, văn minh. “Phát ra đều trúng tiết thì gọi là hòa. Hòa là đạo thông suốt của thiên hạ” (Trung Dung). Phát ra mà đều trúng tiết, đầy là cái gốc của văn minh theo quan niệm của người xưa. Và nay chắc cũng chẳng ai thấy điều đó sai.

Vượt thắng được con người bản năng hoang dã của mình, “điều ngự” (chữ của Phật giáo) được nó, làm chủ nó như một phượng tiện, đó là tự chủ, là tự do. Vượt thắng bản năng, thăng hoa nó, lấy nó làm nhiên liệu cho sự nở hoa của nhân cách con người, đó là cái đẹp của văn minh. Chẳng hạn, những mẫu thời trang đều cố tình tôn tạo vẻ đẹp, và cố tình che giấu những bộ phận mang tính bản năng nhất thay vì phơi bày những bộ phận đó như một động vật không áo quần. Một mặt khác, người ta tự nhiên sợ người xì ke hay say rượu vì lúc đó bản năng hoàn toàn chiếm ngự người kia.

Trong đời sống vợ chồng, hạnh phúc gia đình tùy thuộc phần lớn vào sự tiết chế bản năng của cả hai người, nếu để cho thú tính thắng văn minh thì sự rạn nứt là tất yếu. Hiện nay, có những bạn trẻ “sống thử”, “sống chung”. Những kẻ ăn ở trước như vậy thường không lâu bền, không tiến đến được hôn nhân, vì cả hai đều không có sự tôn trọng người kia và gia đình cha mẹ người kia, vì cả hai đã phơi bày cho nhau thấy nhu cầu bản năng chiến thắng nhu cầu con người, nhu cầu tình dục chiến thắng nhu cầu tình yêu. Đó là chưa kể đến phá thai , nạo hút (VN hiện nằm trong những quốc gia giữ kỷ lục về chuyện này) dẫn đến khó có con sau này. Y học hiện đại quan niệm thân thể và tâm hồn là một (psychosomatique). Đây cũng là một cái nhìn Phật giáo: Thân và tâm là một thể. Thân đã có sự mất mát thì tâm hồn cũng mang một vết sẹo cả đời. Ai dám nói thân tôi thì tan nát nhưng tâm hồn tôi vẫn nguyên vẹn!

Cái đẹp là sự tiết chế, sự điều độ, điều hòa. Một trong năm đức tính được Socrate xem là cần thiết cho con người là sự tiết chế, điều độ (moderation, Hy Lạp: sophrosune). Với Khổng giáo là trung dung, trung hòa. Với Lão Trang là chí hòa, thiên quân. Với Phật giáo là trung đạo. Trong khi trung dung của Khổng giáo là “ở giữa để dung hòa hai bên đối cực”thì Phật giáo là “ở giữa và vượt lên để dung hòa hai bên đối cực”. Khổng giáo kém hơn Phật giáo ở chỗ vượt lên này.

Chỉ nói sơ qua một đức tính con người là tiết chế, điều độ, còn rất nhiều những tính cách khác tạo thành cái đẹp trong phong cách con người. Chỉ xin kết luận đoạn này bằng câu nói của Ban Tổ chức cuộc thi “Thiếu nữ Ả-rập điển hình” năm 2007: “Đức hạnh chở che và tôn vinh sắc đẹp”(Tuổi trẻ 30-7-07).

2. Tình cảm

Tình cảm cao đẹp tạo ra vóc dáng, khuôn mặt tươi đẹp và ngược lại, tình cảm thấp xấu tạo ra vóc dáng khuôn mặt xấu. Đây cũng là nguyên lý thân tâm tương ứng (psychosomatique). Chẳng hạn tình cảm “làm mẹ”tạo ra sự dịu dàng, trìu mến, thậm chí thanh khiết trên khuôn mặt người mẹ. Như nữ tài tử Angellina Jolie khi qua Việt Nam xin con nuôi: nhìn cô bồng đứa con, ai cũng thấy là đẹp, cái đẹp của bà mẹ hiền. Tình cảm tích cực tạo ra cái đẹp, tình cảm tiêu cực tạo ra cái xấu. Ai giận lâu thì khuôn mặt trông xấu đi.

Với Tagore, cái đẹp của em bé là cái đẹp của thân tâm người mẹ thời thiếu nữ:

Sự tươi mát dịu dàng, mềm mại nở trên chân tay em bé

Có ai biết từ lâu nó được giấu kín ở đâu

Vâng khi người mẹ còn là một cô gái trẻ nó đã nằm trong trái tim như một bí ẩn của tình thương dịu dàng và lặng lẽ.

Sự tươi mát dịu dàng, mềm mại nở trên chân tay em bé.

(Cội nguồn_Trăng non)

Ở đàn ông, những tình cảm như anh hùng (chữ của người Tây phương thường để dịch chữ Bồ tát), nghĩa hiệp (tính cách hiệp sĩ của người Tây phương hoặc “vì nghĩa”của người Đông Á), can đảm, mạnh mẽ, nghiêm nghị, cương trực…tạo thành cái đẹp đàn ông. Ở đàn bà thì kiên nhẫn, dịu dàng, khoan dung, mẫn cảm…tạo thành cái đẹp phái nữ. Y học hiện đại nói rằng, trong người nam vẫn có những yếu tố nữ, trong người nữ có những yếu tố nam. “Các con đực vàcác con cái có những hoóc-môn của cả hai giới tính, tuy với những tỷ lệ ngược nhau và chính các hoóc-môn đực có tác động kích thich hoạt động tính dục ở phái nữ” “Nam tính không chỉ do nhiễm sắc thế Y (tạo thành nam) quyết định, mà cả X (tạo thành nữ) nữa”. Cho nên lý tưởng là cả hai loại tình cảm đặc trưng của cả hai phái đều có và được thăng hoa phát triển đến cao độ. Kinh Dịch nói: “Một âm một dương gọi là Đạo”. Một người đàn ông anh hùng mà không khoan dung thì dễ trở thành tàn bạo, vũ phu. Một người đàn bà rộng lượng mà không nghiêm khắc sẽ trở thành dễ dãi, ba phải.

Giáo dục, và rộng hơn, văn hóa, là để cho con người phát triển những tình cảm cao đẹp mà nếu thiếu chúng, con người không thể trở nên “người” hơn, cao cả hơn, văn minh hơn đã đành mà còn có nguy cơ rơi xuống những loài động vật. Những nhà khoa học lớn đều có những tình cảm rất cao đẹp, và cụ thể họ yêu nghệ thuật như Einstein, Heisenberg, Bohr…Trong sự phát triển của con người, trong cái đẹp của con người, chỉ số xúc cảm (EQ) là một yếu tố không thể thiếu.

Với Phật giáo, có rất nhiều cách để huấn luyện và thăng hoa tình cảm. Chỉ lấy một ví dụ: quán tưởng hay chiêm ngưỡng một hình ảnh Phật hay một vị Bồ tát (hẳn là phải đẹp). Nhờ lòng ủng hộ, trong khi nhìn, dù chỉ là một bức tường, những tình cảm tốt vốn có hạt giống trong chúng ta sẽ nảy nở và phát triển cho đến lúc chúng ta trở thành như vị đó. Đây là nguyên lý: chúng ta nghĩ đến cái gì nhiều thì chúng ta trở thành cái đó.

Vũ trụ theo quan niệm Đông Á gồm có ba lãnh vực. Lãnh vực vật lý tự nhiên là thiên nhiên, đây là lãnh vực Địa. Lãnh vực con người, đây là lãnh vực Nhân. Thứ ba là lãnh vực của cái gì siêu nghiệm, siêu việt, cái vô hình vô tướng, đây là lãnh vực Thiên. Mỗi người đều có đủ ba lãnh vực đó. Ví dụ Thiên là chiều kích tâm linh ở trong mỗi người. Thế nên tình cảm xét trong toàn diện là tình cảm đối với thiên nhiên, tình cảm đối với con người, tình cảm đối với cái siêu việt, cái thể tánh vô hình vô tướng của tất cả mọi sự vật. Người nào có đầy đủ tình cảm với cả ba lãnh vực ấy là một người toàn diện. Giá trị hay cái đẹp của con người được đánh giá bằng mứcđộ tình cảm đối với ba lãnh vực vốn tương thông ấy.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.