2. Thông minh
Ai cũng thấy người đẹp phải là mặt mày sáng sủa, nghĩa là thông minh. Sống với người ít thôn minh, ít khôn ngoan, ít biết điều, thì thật là khổ. Có những nhà khoa học, những nhà kinh tế chính trị, những nhà nghệ thuật có bề ngoài “xấu”, nhưng nơi họ toát ra một cái gì sáng sủa, thông minh, và do đó đẹp. Sống ở cấp độ tư duy thì “khi”người ta phải thanh ra, phải được nâng cấp lên. Đây là điều Mật tông Phật giáo nói rõ khi chủ trương muốn chuyển hóa con người phải chuyển hóa khí (wind, TT:rlung). Lão giáo cũng nói: “Tinh hóa khí, khí hóa thần”. Người xưa nói ba ngày không đọc sách (nghĩa là hoạt động tư duy) thì soi gương thấy mặt mình xấu đi là như vậy.
Muốn gọi là trí thông minh, tư duy, trí năng, trí quyển…hay là gì nữa cũng được, vấn đề là chúng ta phải làm sâu sắc nó, mở rộng nó, đưa nó đến ánh sáng thay vì chốn tối tăm. Chính điều này làm nên cái đẹp của hiểu biết.
Trí thông minh không chỉ là những kỹ năng để sống ở đời. Nó còn phải hiểu thấu những lãnh vực tâm lý con người, xã hội, bản chất của thế giới hiện tượng. Thông minh không chỉ ở thế giới thường nghiệm (nói theo Phậtgiáo là thế giới Sự) mà còn thông minh đối với cái phổ quát, cái toàn thể, cái siêu việt hình tướng (Lý). Với Phật giáo, thông minh phải được đẩy lên đến mức độ trí huệ. Đây cũng là sự phát triển tất yếu của con người.
Cái biết theo truyền thống Đông phương thiên về thực hành chứ không chỉ lý thuyết. Do đó ta có từ “học hành, học tập”. Đạo đức mà chỉ kêu gọi, không có cách thức thực hành, cách thức để đem vào đời sống thì chỉ là “đạo đức giả”. Chẳng hạn lòng Nhân được Khổng Tử chú ý nhiều nhất. Ông cũng dạy cho mỗi học trò tùy theo hoàn cảnh sống và trình độ, tâm tính mà mỗi người mỗi khác. Với Phật giáo, cái biết khởi sự từ nghe dạy hoặc đọc (Văn) rồi suy nghĩ, tư duy (Tư) sau đó là thực hành , làm theo (Tu) để cho điều ấy hiển lộ, hiện hữu trong cuộc sống. Thế nên với Đông phương, lý tưởng không phải là trở thành nhà bác học, mà là con người minh triết (chữ dùng của nhà triết học Pháp F.Jullien).
Ba lãnh vực trên làm cho con người trở nên đẹp, và đây là điều phải đào luyện, phải học hành suốt cả đời. Cái đẹp đó xứng đáng là ý nghĩa cho cuộc đời. Chúng ta thử phân tích cái đẹp của A. Einstein.
Con người , theo Phật giáo, có ba thành phần chính: thân, khẩu, ý hay thân, ngữ, tâm. Ngữlà năng lực thể hiện, chẳng hạn người ta kết thúc cuộc thi hoa hậu bằng những câu hỏi để họ thể hiện con người bên trong của mình. Tâm là cái khó thấy, nhưng nó biểu lộ nơi cử chỉ, hành động (Thân) và nơi năng lực thể hiện bản thân (Ngữ). Cái đẹp theo Phật giáo bao gồm cả ba phương diện này. Về thân, Einstein không đẹp trai như tài tử, chỉ có vẻ thông minh nơi đôi mắt và một vẻ dí dỏm khôi hài. Khi về già, về bề ngoài, nếu nói ông giống một ông bồi bàn hay một tiều phu cũng không quá đáng. Nhưng ông còn vẻ đẹp của khẩu hay ngữ, là những công trình ông nói hay viết. Về phần tâm, tâm ông hẳn phải tập trung và sáng tỏ để tìm hiểu cái gì, nguyên lý nào đằng sau thế giới vật lý (lãnh vực Chân). Niềm đam mê khám phá ấy cộng với một tấm lòng hiền hòa,tin yêu con người, trung thực, trách nhiệm vui vẻ, ngây thơ và dí dỏm (lãnh vực Thiện), hai cái đó đã tạo thành cái đẹp (Mỹ) của ông.
Chúng ta phải nhìn sâu rộng như thế để nhìn chính chúng ta. Chớ tưởng rằng chúng ta “văn minh” hơn người xưa. Bây giờ chúng ta có nhiều phương tiện gấp trăm, gấp ngàn lần những người đã sống cách đây hơn trăm năm. Nhưng chưa chắc chúng ta đã văn minh bằng họ, chưa chắc chúng ta có được một nhân cách đẹp như họ. Chưa chắc chúng ta đã có những tình bạn đẹp như họ, tình nghĩa vợ chồng keo sơn như họ, nghĩa khí và trung thực như họ, chí lớn và một sự thông minh bao quát như họ, sống có mụcđích và lý tưởng như họ, lòng thương dân như họ…Chưa chắc chúng ta cầm được một tách trà để uống với một cung cách văn minh như họ. Tóm lại, văn minh không phải là xài đồ đắt tiền. Văn minh là một trạng thái tinh thần, một nhân cách, một sự phát triển cao của toàn bộ con người mình.
4. Cái đẹp
Phim truyền hình Hàn Quốc và Việt Nam:
Xin nói trước rằng tôi coi chưa tới ba bộ phim Hàn Quốc trên truyền hình, mà bộ nào cũng xem từ nửa chừng hay gần cuối. Nhưng cũng xin có vài nhận xét sơ bộ:
1. Màu sắc. Trang trí nội thất của họ, phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nơi làm việc: một nền trắng pha xám hay vàng (có lẻ màu chủ đạo của người Hàn Quốc là màu trắng, như quốc kỳ của họ chẳng hạn), đồ vật và các thứ trang trí có màu khác nhưng không nhiều màu, hòa hợp và tôn vinh nền trắng lên. Đâylà cái gout của châu Âu, Pháp, Ý mà người ta hay gọi là “ton sur ton”. Y phục cũng thế, chưa chắc là đắt tiền hơn ta, nhưng giản dị mà lịch sự, sang trọng hơn ta. Phái nữ mặc trang nhã, lịch sự, không hở hang như ta. Cũng phải nói rằngcả hai phái chưa chắc đã đẹp bằng ta, mặc dầu có cao to hơn Trong khi đó cách trang trí và cách ăn mặc (cả trong phim và ngoài đời) của ta rườm rà, nhiều màu sắc, như muốn khoe của. Người ta thường nhận thấy nhưng người sơ khai thường mặc màu chói, nguyên chất, hoa hòe, như các thổ dân xưa kia.
2. Cử chỉ và tình cảm được tiết chế. Họ không nói nhiều như trong phim của ta, không hoa chân múa tay nhiều như ta, những cảnh rất bi thương họ không khóc lóc, quá bi lụy như ta, những lúc giận dữ họ không quăng ném la hét như ta. Nói theo gout phim Pháp, họ sống nội tâm nhiều hơn ta.
Tiết chế cử chỉ và tình cảm nói lên tính chất cao cấp của một người Phật giáo có “oai nghi”, tức là những điều luật áp dụng cho thân khẩu ý để cho con người “đàng hoàng”hơn, đẹp hơn, cao cấp hơn.
3. Lể phép. Bật truyền hình lên thấy một cảnh nào đó, ở nhà hay chỗ làm, chúng ta biết ngay ai là cha, là con, là con gái, bạn gái, là mẹ, là cấp trên, cấp dưới. Khi từ giã cha mẹ dù con có làm Tổng giám đốc vẫn cúi đầu lễ phép chào, nhân viên đối với trưởng phòng cũng thế. Tóm lại, dù bất cứ cảnh nào cũng phản ánh trật tự tôn ti (rõ nhất là của Khỗng giáo). Tính nghiêm cẩn, không khinh suất (một trong những giá trị gia đình và xã hội Đông Á) là một nét chính của nhân cách Hàn Quốc.
Chỉ nhận xét sơ qua ba điều trên, phải thành thực công nhận là ta chưa bằng họ, không lịch sự, sang trọng, đứng đắn và văn minh bằng họ. Nếu cảm quan về cái đẹp là một phương diện để biết trình độ thẩm mỹ này, chúng ta hẳn nhận ra trình độ xã hội của chúng ta thua họ. Chính trình độ này giải thích cho chúng ta hiểu vì sao cũng chỉ bằng một thời gian 30 năm sau một cuộc chiến tranh tan nát như chúng ta, họ đã ở trong mười nước giàu và văn minh nhất thế giới. Để nhận xét về “trình độ” ở trên không bị rơi vào võ đoán, thiếu trách nhiệm, chúng ta có thể lấy một con số thực tế về chỉ một phương diện giáo dục đại học: “Thanh niên của ta vào đại học khoảng 10%. Ở Trung Quốc là 15%, Thái Lan 41% và Hàn Quốc tới 89%” (TTCT 19-8-07).
5. Kết
Không biết tự bao giờ, có lẽ trong quá trình tiến hóa của con người, cái đẹp trở thành một tính chất không thể thiếu của xã hội con người. Càng văn minh, người ta càng đam mê và càng đòi hỏi cái đẹp trong mọi lãnh vực của con người và xã hội. Cái đẹp gắn liền với văn minh, như khẩu hiệu “Hãy giữ cho thành phố sạch đẹp”. Cũng phải thôi, vì chữ văn minh của người Á châu có nghĩa là cái đẹp (văn) và sự sáng (minh). Nhưng một khuynh hướng mạnh mẽ nhất của con người là hướng đến những gì bền vững, trường cửu. Vì thế con người cũng muốn xây dựng cho mình một cái đẹp bền vững ,ít ra cũng kéo dài cho được đến cuối đời. Cái đẹp không chỉ ở thân thể mà còn ở tâm hồn, và cái đẹp ở tâm hồn thì bền vững hơn, sâu xa hơn, căn bản hơn, nên cái đẹp của tâm hồn là cái nền giữ gìn cho cái đẹp thân thể ở bên ngoài.
Đi xa hơn nữa, có thể có một cái đẹp vĩnh cửu không? Đạo Phật bảo rằng có, nếu chúng ta không chỉ hài lòng với những tầng lớp bên ngoài, bên trên để đi đến cái Tối Hậu. Cái tối hậu ấy ở trong tâm thức mỗi người, nó là cội nguồn của mọi đức tính và khiến cho con người đẹp đến rốt ráo và có một đời sống đẹp đẽ nhất. Cội nguồn đó Phật giáo goi là Như Lai tạng. Chính vì đạt đến cội nguồn tối hậu của tâm thức, mà lịch sử loài người đã có một con người đẹp như Đức Đạt Lai Lạt Ma ngày nay. Việt Nam ta cũng có những con người đẹp như các vua đời Lý, đời Trần, như Từ Đạo Hạnh (tương truyền là người sáng tạo ra môn rối nước), như Nguyễn Phước Chu (thế kỷ XVIII, người được xem là Trần Nhân Tông thứ hai)…Họ đã khai thác Như Lai tạng để làm nên cuộc đời “đẹp đẽ, giàu có và sang trọng”của họ
Nguyễn Thế Đăng – Những giá trị sống – Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 40
http://tapchivanhoaphatgiao.com