Vi ước bơi được qua dòng sông trước nhà như những đứa con trai, những đứa con gái khoẻ khoắn trong làng. Nhưng nhìn lại mình, trong giấc mơ cũng như mỗi chiều ngồi buồn hiu hắt trước hiên nhà, lúc nào Vy cũng thấy hai cái chân cà quặt cà quẹo. Có đến một ngàn lần, Vy đã gào lên: “Má ơi, tìm mua cho con hai cái chân!”. Là lúc má tất bật chạy đến: “Sao vậy con, giận má rồi phải không? Thôi giỏi, leo lên lưng má cõng vô nhà nằm má kể chuyện cổ tích cho nghe”. Ấy là lúc Vy lên chín, lên mười, còn bây giờ, bước vào tuổi mười sáu mười bảy, Vy không gào lên đòi má tìm mua chân cho mình nữa mà ngày nào cũng ngồi đăm đăm trước hiên nhà. Vy thèm biết bao chuyện được tung tăng tới trường như các bạn, được một lần nghịch ngợm leo lên chiếc xuồng tròng trành của má, được té nước làm ướt người thầy Bản hay neo xuống trước bến sông nhà. Cho thầy hết nói những lời rối rắm. Tự hành hạ mình chi cho khổ vậy, khối người tật nguyền như em nhưng họ đâu có hay gắt gỏng với má, đâu có hay cọc cằn với đám học trò của má, má muốn sinh ra em lành lặn chứ đâu phải như vầy…
Chuông đồng hồ gõ mười một tiếng, đám học trò của má lục tục ra về. Nói “đám” cho đông vui chứ chúng chỉ còn năm đứa. Các em đang học lớp ba trường làng. Chúng đến trường buổi chiều, buổi sáng đến nhà Vy học thêm môn toán. Thằng Bình chạy vụt ra khỏi nhà như một cánh chim, không kịp chào Vy một tiếng. Con Bê lấm la lấm lét nhìn Vy:
– Thưa chị Vy em về!
– Không đoái hoài đến chuyện lễ nghĩa của con nhỏ, Vy gằn giọng:
– Ngày mai nói thằng Bình đừng đến đây học nữa nghe chưa, khi nó bước ra khỏi cửa nhà này, ít nhất là thấy tao đang ngồi đây chứ, phải chào chứ, đừng thấy tao tật nguyền rồi làm tới!
Mặt con Bê tái xanh, nó dạ lí nhí trong miệng rồi chạy biến. Mấy đứa còn lại riu ríu cúi đầu bước qua. Má đứng sau lưng Vy tự bao giờ:
– Sao vậy con, việc gì mà phải khó khăn với bọn trẻ như vậy. Con làm riết rồi má con mình lấy gì mà sống, tiền đưa đò ngang của má không đủ đâu vào đâu…
– Chứ má thấy không, đến thằng con nít hỉ mũi chưa sạch mà còn xem thường con như vậy…
– Ấy là tại con tự kỷ quá đấy thôi! Con làm quá, bọn trẻ sợ con như sợ một bà chằn chứ đâu có nể trọng gì!
Vy bỗng thấy mình chơi vơi:
– Phải mà, tại con tật nguyền, suốt ngày ngồi một chỗ, không làm được gì cho má nên má cũng coi con không ra gì!
Má vuốt bờ vai con gái tròn trịa, mềm mại của Vy:
– Thôi được rồi, nếu có lỡ lời, cho má xin lỗi.
Bây giờ má đẩy con vô nhà ăn cơm nghe?
Vy lớn tiếng:
– Con không ăn! Má có đói thì ăn một mình đi! Con là một bà chằn đó! Con ghét má! Con hận má!
Nghe có phái đoàn khám bệnh nhân đạo nước ngoài đến khám ngoài bệnh viện huyện, má cho bọn trẻ nghỉ học một buổi rồi bươn bả ra đi từ sáng sớm. Má mong gặp một thầy thuốc nào đó biết cách chữa bệnh bại liệt bẩm sinh cho Vy. Cũng nóng lòng như má, Vy ở nhà lăn xe đi ra đi vào chờ tin má. Cứ vậy bao nhiêu năm qua, từ ngày Vy lọt lòng đến giờ, má cứ dong ruổi đi tìm thầy thuốc cho Vy. Còn Vy thì cứ ước ao, một phép mầu nhỏ nhoi giữa bao nhiêu phép mầu trong những câu chuyện cổ tích má kể… Nhưng ai cũng nói bệnh của Vy là vô phương cứu chữa. Nghe nói vô phương, ba Vy sợ quá, khăn gói bỏ lên Sài Gòn lấy vợ khác. Má Vy buồn tủi nuôi con một mình bằng nghề dạy học. Hoạ vô đơn chí, có một ngày không mấy đẹp trời, ông hiệu trưởng trường làng gọi má Vy đến. Thế là cô giáo Thoa mất việc. Thời gian cô chăm sóc đứa con tật nguyền đã lấn át thời gian dành cho học trò ở trường – điều mà ông hiệu trưởng không bao giờ chấp nhận. Má buồn, khóc suốt một tuần. Mới đầu đưa đò ngang sống tạm, sau đó, má mở lớp dạy thêm ở nhà. Bà con xóm làng thương hoàn cảnh hai mẹ con cho con em mình đến học. Ban đầu lớp được trên dưới ba mươi em, sau rơi rụng dần còn năm đứa con nhà nghèo nhất xóm. Số nghỉ học do không có tiền đóng thì ít mà do sợ chị Vy khó khăn, dữ dằn thì nhiều. Má buồn buồn nói với Vy: “Vậy là chốt lại rồi, năm đứa nhỏ này không bao giờ bỏ má con mình đâu”. Vy thắc mắc: “Nhà tụi nó nghèo như vậy, má thu tiền mỗi đứa bao nhiêu một tháng?”. Má cười cười: “Miễn sao mình sống được thôi, con!”. Cũng có lúc Vy thấy mình không phải với má, với mấy đứa nhỏ nhưng chỉ hối hận được một chút rồi mọi thứ lại sôi trào lên. Đã có lần Vy ném vỡ chiếc tủ kính, vật dụng đắt giá nhất trong nhà. Vy soi mình trong đó, một cô bé xinh xinh dần hiện ra với gương mặt buồn buồn. Mắt nó to và đen, môi nó hồng và thắm, tóc nó dài suôn mượt với đủ kiểu má tết cho hàng ngày nhưng nó không đi được. Nhìn chúng bạn tíu tít qua sông lên chợ huyện học hành, mua sắm… nó bực bội, sẵn ly nước đang uống trong tay, nó ném mạnh vào chiếc tủ kính. Con bé xinh đẹp trong gương vỡ tan tành…
… Nắng trưa tròn bóng, má trở về trên chiếc xuồng của thầy Bản. Lại thầy Bản, Vy ghét người đồng nghiệp trường làng này của má. Thầy tuổi bốn mươi, độc thân, vui tính, cười đẹp mà sao Vy vẫn ghét. Thầy vừa kéo dây neo xuống vừa cười thật tươi với Vy:
– Chào cô công chúa ngủ trong rừng! Chờ má có lâu không?
Vy nhăn mày, nghếch mặt lên trời:
– Thầy đưa má em đi lâu quá mà còn hỏi…
Rồi Vy săm soi nhìn má từ xuồng bước lên:
– Xuồng nhà mình đâu mà má phải quá giang xuồng thầy Bản?
– À, nó bị bong lớp dầu chai, má để nó lại chỗ ông Sáu Xị, nhờ ổng làm dùm. Con ăn cơm chưa?
Vy không trả lời. Cô giáo Thoa ái ngại nhìn thầy Bản:
– Sẵn bữa, mời thầy ăn cơm với má con tui cho vui?
– Thôi được rồi, tui phải về nhà chuẩn bị cho tiết hội giảng chiều nay, ông hiệu trưởng trường mình ngày càng khó tính, cô không nhớ sao. Chào Vy, thầy về nghe!
– Ăn hết chén cơm thứ nhất, má không nói gì. Với vẻ mặt tươi tắn, má nhìn Vy cười cười, vậy là có điều sắp nói. Vy sẽ sàng chưa dám hỏi má. Xới chén cơm thứ hai, má hắng giọng:
– Có quyền hy vọng rồi con ạ!
Vy nghe trống ngực đập thình thình:
– Gặp thầy rồi phải không má?
– Má chưa được trực tiếp gặp thầy nhưng người ta giới thiệu thầy cho má. Má đã nói chuyện với thầy qua điện thoại. Thầy nói bệnh con phải ăn uống, tẩm bổ một thời gian cho đủ sức rồi thầy về nước mổ cho…
– Sao lại mổ, má?
– Mổ để xắp xếp xương thịt lại đó mà, thầy nói con bị teo cơ dạng gì gì đó mà má quên mất. Dạng này, ở bên Mỹ, thầy chữa được cho mấy người.
– Rồi người ta đi lại bình thường được hết hả má?
– Chứ sao, nếu không thì chữa làm gì!
– Thầy là bác sĩ Việt kiều hả má?
– Không phải bác sĩ, mà là giáo sư – bác sĩ, có vậy thầy mới chữa được bệnh khó như bệnh của con chứ! Thầy cũng là một thành viên trong đoàn khám bệnh nhân đạo, lần này thầy bận mổ cho một bệnh nhân ở Mỹ nên không về nước được.