Nhân Duyên Và Tỉnh Giác

Ta có nhân duyên về tụng kinh, lạy Phật, ngồi thiền hay niệm Phật, hoặc bố thí, cúng dường,… đó là những nhân duyên tốt, nhân duyên ấy phải được ta chăm sóc và nuôi dưỡng, nếu không, chúng sẽ bị thay đổi.

Ta có nhân duyên về đánh bạc, uống rượu, săn bắn, đua xe, viết những kịch bản phim ảnh, nghệ thuật, văn nghệ, điều khiển công sở, sử dụng hành chánh hay tin học,… nên ta đã sử dụng những thứ đó rất sành điệu và tự nhiên.

Tuy nhiên, trong đời sống của ta không có nhân duyên nào cố định cả. Nhân duyên đến với ta từ nhiều điểm của không gian và từ nhiều đơn vị cực tiểu của thời gian.

Nhân duyên có thể làm thay đổi tâm tính, tướng trạng, hoàn cảnh và quả báo xấu tốt của ta.

Nhân duyên không phải là định mệnh, nhân duyên là những gì đang có mặt trong ta và chungquanh ta, chúng hết sức sống động và có thể thay đổi từ một dạng nhân duyên tốt sang một dạng nhân duyên xấu và ngược lại.

Nên, những gì bất hạnh đến với ta cũng từ nhân duyên và những gì may mắn đến với ta cũng từ nhân duyên.

Biết những gì bất hạnh đến với ta từ nhân duyên, nên ta không tạo nhân duyên để cho bất hạnh sinh khởi.

Nhân bất hạnh là những tham dục, giận hờn, ngu muội, kiêu mạn và cố chấp trong ta và duyên bất hạnh là hàng ngày ta tiếp xúc với thầy tà, bạn ác, với hình sắc lố lăng, bạo động, với âm thanh ủy mị, dối gạt, với lời lẽ tranh chấp, thị phi,… chính những duyên ấy, làm sinh khởi những bất hạnh trong đời sống của ta.

Nhân may mắn là tính không tham đắm, tâm không giận hờn hay không đố kỵ trong ta, lòng không thiên ái, không phe nhóm và chí cương trực trong ta, và duyên may mắn là ta tiếp xúc với thầy hiền, bạn tốt, với những hình sắc đoan chánh, từ ái, với âm thanh tao nhã, lời lẽ chân thật, sống đời vô tranh, không quan tâm đến những điều thị phi,… chính những duyên ấy làm sinh khởi những may mắn trong đời sống của ta, trong hiện tại và cả tương lai.

Nhân duyên làm sinh khởi bất hạnh cho ta, không phải một lần mà nhiều lần và cũng có thể tiếp diễn liên tục, nếu ta không biết tạo ra những nghịch thượng duyên, để có tác dụng làm thay đổi nhân duyên bất hạnh ấy.

Và nhân duyên làm sinh khởi may mắn cho ta, không phải diễn ra trong đời ta một lần, mà nhiều lần, và cũng có thể tiếp diễn liên tục, nếu ta biết tạo ra những tăng thượng duyên thuận với nhân duyên may mắn ấy.

Đối với những nhân duyên bất hạnh sinh khởi liên tục trong ta, ta không khởi tâm khiếp đảm, hay tránh né chúng, mà ta phải có can đảm chấp nhận chúng với tất cả sự tỉnh giác của ta, và ta phải kiên trì tỉnh giác đối với chúng trong tất cả mọi trường hợp, gồm cả hai mặt không gian và thời gian.

Đối với không gian, ta phải biết nó đến với ta từ đâu, từ nội duyên hay ngoại cảnh và đối với thời gian, ta phải biết nó đã, đang và sẽ xảy ra cho ta vào những thời điểm nào.

Ta thực tập đời sống kiên trì trong tỉnh giác như vậy, năng lượng tỉnh giác sẽ lớn mạnh trong ta, giúp ta có khả năng thiết lập những nhân duyên đối kháng một cách tự nhiên đối với nhân duyên bất hạnh, khiến cho những bất hạnh trong đời sống của ta khựng lại, giảm dần và tự nó triệt tiêu, chúng hoàn toàn mất hết hiệu lực, không còn đủ điều kiện để sinh khởi những bất hạnh trong đời sống của ta.

Khi nhân duyên bất hạnh không có trong đời sống của ta, thì nhân duyên hạnh phúc có mặt với ta một cách tự nhiên. Ta phải biết chăm sóc, nuôi dưỡng những nhân duyên hạnh phúc ấy bằng sự tỉnh giác của ta, khiến chúng tăng trưởng liên tục trong đời sống của ta trong hiện tại, làm tiền đề cho những nhân duyên hạnh phúc của ta trong tương lai.

Tiếp xúc với nhân duyên, ta không thể tiếp xúc bằng đức tin mà phải bằng tỉnh giác.

Tỉnh giác của ta càng sâu, thì sự tiếp xúc đối với nhân duyên của ta càng tinh tế và sâu thẳm.Ta có tỉnh giác sâu về nhân duyên bao nhiêu, thì ta có khả năng đoạn tận những thiên chấp trong ta bấy nhiêu; ta có tỉnh giác sâu về nhân duyên bao nhiêu thì ta có khả năng đoạn trừ những tri kiến sai lầm ở trong ta bấy nhiêu; và ta có tỉnh giác sâu về nhân duyên bao nhiêu, thì ta có khả năng hiện chứng Niết Bàn vi diệu bấy nhiêu.

Nên, nhân duyên bất hạnh xảy ra đối với ta không làm cho ta khiếp đảm và nhân duyên hạnh phúc đến với ta không làm cho ta vui thú, mà tất cả đối với ta đều là những đối tượng hay là những điều kiện giúp ta thiền quán, nhằm thấy rõ bản chất của vấn đề khiến ta thảnh thơi, tự chủ và an nhiên, tỉnh giác trước mọi sự sinh diệt, thị phi, thăng trầm, thuận nghịch của cuộc đời.

Phật là tỉnh giác. Nên, niệm Phật chính là tỉnh giác. Ta niệm Phật càng miên mật, thì sự tỉnh giác trong ta càng thẳm sâu, và vi diệu, trí tuệ và từ bi trong ta sẽ bừng sáng, hạnh phúc trong ta vượt thoát mọi thời gian và không gian.

Do đó, pháp môn niệm Phật là một trong những nhân duyên kỳ diệu của tỉnh giác, làm thay đổi hết thảy tạp niệm, là nhân duyên làm đẹp chúng sanh và làm thành cõi Phật.

Nên, ta có nhân duyên tham thiền để thay đổi nhiễm tâm đã là kỳ diệu, nhưng không kỳ diệu bằng ta có nhân duyên niệm Phật. Vì niệm Phật là đi thẳng vào tỉnh giác và sống với tỉnh giác vậy.

Thích Thái Hoà

Theo: http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=3055&SubID=2&ID=2

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.