Đạo Làm Người

Ở đời ai cũng thích được tâng bốc, nịnh hót nên một số người có quyền cao chức trọng bị chết chìm trong lời nói ngọt ngào nhưng chứa đầy gươm đao; chính vì vậy sống trên thế gian mấy ai vượt qua chỗ này, ngoại trừ các vị Bồ tát phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh. Thèm khát, tham ái, ganh tị, tật đố, thù hận, giết hại lẫn nhau cũng vì lời ngon tiếng ngọt mà quên đi ân nghĩa thuở nào.

Vào thời xa xưa tại một đất nước nọ, con người và các loài vật thường sống gần gũi với nhau. Có một gia đình sư tử sống bên nhau rất hạnh phúc với hai đứa con một trai, một gái. Cậu sư tử sau nhiều năm sống bên cha mẹ nay đã khôn lớn nên kết hôn cùng cô vợ xinh đẹp, kiều diễm. Gia đình sư tử có thêm miệng ăn nên mỗi ngày chú phải ra khỏi hang để kiếm thức ăn về nuôi cha mẹ, vợ và em gái.

Một hôm trên đường đi kiếm thức ăn, chú nhìn thấy một con chồn nằm sát dưới cỏ, đầu cúi chào rất lễ phép. Sư tử ta làm bộ ra oai rống lên như sấm nổ rồi hậm hực hỏi rằng: “Con chồn bé kia, ngươi đang làm gì vậy?” Chồn con ra vẻ khép nép, cung kính: “Dạ bẩm chúa công, hôm nay con biết ngài đi ngang đây nên con quỳ kính cẩn từ sớm đến giờ để chúc mừng ngài sống lâu trăm tuổi”.

Vốn sẵn tánh kiêu căng tự phụ, sư tử nghe mấy lời tâng bốc bợ đỡ của chồn rất lấy làm kiêu hãnh và hài lòng, đắc ý. Chú ta lần đầu tiên bước chân ra đường được chồn tôn vinh, ca ngợi nên tưởng mình như vua của muôn loài thú. “Thôi được, ta miễn lễ cho chồn đấy, hãy đứng dậy đi về cùng ta!” Chồn ta liền “dạ, dạ” liên hồi rồi khép mình đi theo sau sư tử.

Sư tử cha thấy con mình dẫn loài chồn theo sau liền bỉu môi tỏ vẻ không hài lòng. “Hỡi con yêu quý của ta, chồn là giống loài quỷ quyệt, xảo trá vô cùng, chúng thường bất nhân, bất nghĩa, con hãy nên cẩn thận đề phòng. Con mà chứa chấp loài đó thì coi chừng mang họa vào thân.” Sư tử con chẳng nghe lời cha khuyên bảo, chỉ dạy, một mực giữ chồn ở lại làm bạn đồng hành.

Một hôm, chồn ta nói với sư tử rằng bấy lâu nay quá thèm thịt ngựa nhưng không biết phải làm sao để có ăn. Sư tử mới hỏi: “Loài ngựa chúng đang ở đâu?” “Dạ, chúng ở đồng cỏ gần đây ạ.” “Vậy ngươi hãy dẫn đường, việc ấy đối với ta đâu có khó khăn gì.” Chồn ta mừng quá liền hối hả dẫn đường, chẳng bao lâu cả hai đã đến chỗ loài ngựa đang ở.

Bầy ngựa lớn có, nhỏ có đang cùng nhau vui đùa gặm cỏ non rất thú vị, chẳng hề hay biết tai họa sắp đến nên vẫn vô tư đùa giỡn. Nhanh như chớp nhoáng, sư tử ta phóng mình vồ chú ngựa con đang mải mê gặm cỏ rồi nhanh chân chạy về hang động. Chồn ta chạy theo sau vừa mừng vừa vui, trong lòng cảm thấy hạnh phúc tràn trề.

Sư tử cha thấy con bắt ngựa về trong lòng rất lo sợ vì đây là ngựa của nhà vua nuôi. “Con đã vô tình gây ân oán, hận thù với ông vua loài người, coi chừng mất mạng như chơi con ạ. Từ xưa đến nay chưa có ai ăn thịt ngựa mà bảo tồn được mạng sống vì đụng đến chỗ ham thích của nhà vua.”

Mặc dù được cha khuyên nhủ, chỉ dạy kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống nhưng sư tử con chẳng hề quan tâm đến, chỉ một bề nghe theo lời nịnh hót và tâng bốc của chồn. Cứ thế hễ vài ba hôm sư tử lại cùng chồn mang một chú ngựa con về đánh chén rất no say và tỏ ra thích thú lắm vì khỏi cần phải đi kiếm mồi đâu xa.

Sự việc đến tai nhà vua. Tức quá, vua liền cho người bố trí, sắp đặt giăng bẫy để chờ con mồi đến. Quá kiêu căng và tự phụ, sư tử con nghĩ mình là chúa tể loài thú nên chẳng mảy may đề phòng và còn hiên ngang tung hoành ngang dọc. Đã quen ăn nhậu, vui chơi trác táng nên đêm hôm đó sư tử và chồn cùng đi nhưng chồn khôn ngoan, xảo quyệt chỉ ở đầu bìa rừng chờ đợi. Lần này sư tử ăn quen chẳng lường trước sự việc xảy ra, một mặt cứ nghĩ mình tài ba lỗi lạc, không ai có đủ khả năng làm gì được mình nên sư tử đã bị bắn trọng thương.

Tuy vậy, chú ta vẫn cố gắng nhanh chân thoát khỏi vòng vây bao hãm của con người. Chồn thấy sư tử trở ra toàn thân máu me bê bết, biết chuyện không may đã đến nên chỉ còn cách duy nhất là nhanh chân chạy về hang động của mình, mặc tình để cho sư tử ra sao thì ra. Máu ra quá nhiều nhưng sư tử con vẫn cố gắng về tới nhà để nhìn thấy được cha mẹ, vợ và em gái rồi ngã lăn ra chết.

Sư tử mẹ thấy con mình vì quá mê muội nên nghe những lời xúi quẩy, nịnh hót của chồn mà ra nông nổi như thế. “Con ơi là con, mẹ đã nói trước rồi mà con không nghe, hễ giao du với kẻ ác là trước sau gì cũng gây nên tội lỗi tày trời để bây giờ phải chịu chết chóc, đau thương một mình.”

Lúc này, sư tử cha mới lên tiếng: “Cha đã nói rồi mà con chẳng chịu nghe, kết bạn với kẻ xấu thì có ngày sẽ mang họa vào thân. Con nghe chi loại chồn gian dối hay dua nịnh đó mà bây giờ chết chẳng toàn thây. Con thấy không, gieo gió thì gặt bão, người xưa nói chẳng sai chút nào.”

Sư tử vợ nghe cha nói vậy cũng không cầm được nước mắt, vừa khóc vừa phân trần: “Anh thấy chưa, chỉ vì anh chẳng nghe lời cha mẹ dạy nên giờ đây anh em phải chịu xa cách, chia lìa, kẻ ở người đi biết bao giờ gặp lại.” Vợ sư tử nghe thế càng khóc lớn hơn: “Bấy lâu nay em sống được và hạnh phúc biết bao là nhờ chàng mà giờ đây chàng vĩnh viễn ra đi vì nghe lời bạn xấu ác, để lại mình em côi cút, bơ vơ, lạc loài. Em bây giờ cô đơn buồn tủi, biết nương tựa vào ai đây? Chàng chết đi để lại tiếng đời bêu rếu, chỉ vì giao du và kết thân với bạn bè xấu ác mà ra cớ sự thế này. Hu hu!”

Câu chuyện ngụ ngôn trên là một bài pháp sống đã được Phật dạy trong các bản Kinh để răn nhắc tất cả mọi người không nên thân cận và gần gũi bạn bè không tốt. Các em cần phải biết tránh duyên thì mới có thể vượt qua cạm bẫy cuộc đời, không thì uổng công học hỏi của mình. Nhất là trong thời hiện đại khi sự tiến bộ về văn minh vật chất dễ làm con người sa ngã và bị dòng đời cuốn trôi.

Trong đời sống hằng ngày các em phải biết khép mình nương vào thầy lành bạn tốt. Thầy ở đời giúp các em có được kiến thức hiểu biết, thầy tâm linh sẽ hướng dẫn các em có được tuệ giác từ bi để sống mà biết cách vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Đặc biệt là các bạn đồng tu hay bạn ngoài đời, vì sống chung với nhau nên dễ tác động mạnh mẽ đến nhân cách đạo đức và tiêm nhiễm những điều xấu ác.

Người bạn tốt là người luôn khuyên nhủ, động viên và nhắc nhở chúng ta học hỏi và trau dồi đạo đức, rèn luyện nhân cách sống mà dấn thân đóng góp và phục vụ tốt cho gia đình và xã hội. Nếu các em không ý thức rõ điều này mà thường xuyên giao kết với bạn bè vì lợi dưỡng, danh tiếng thì e có ngày vướng vào vòng tù tội như chơi.

Người xưa thường nói chỉ nhìn người đó chơi với ai và làm cái gì thì biết người đó là hạng người nào. Tục ngữ Việt Nam có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nhưng vẫn có người gần mực mà không đen. Họ là người đã có con đường sáng rõ ràng, dù có bị bụi trần che phủ nhưng khi phủi sạch là xong. Tuy nhiên, vẫn có những người gần đèn mà không sáng vì tâm tư của họ chỉ mang một cặp mắt kính màu đen. Dù được gần thầy lành bạn tốt nhưng họ chỉ mong cầu hưởng thụ, lợi dưỡng và cung kính; cuối cùng phước hết, họa đến thì đành vẫy tay xin chào thua mà sống cuộc đời tha hoá trở lại.

Người bạn tốt là người biết chia sẻ, biết nhường nhịn, biết lắng nghe, biết nhẫn nhịn, luôn sẵn sàng giúp đỡ, không bỏ rơi khi bạn gặp nạn. Có nhiều người rơi vào hoàn cảnh bi đát, nợ nần chồng chất dẫn đến tù tội, chỉ vì thương bạn mà gia đình tan nát, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ. Cho nên, bạn bè có nhiều hạng, khi chưa hiểu nhau hãy nên dè dặt, thận trọng, chớ nên hết mình vì bạn mà mang họa vào thân.

Chúng tôi có biết một người Phật tử vì thương bạn nên mượn nợ dùm với lãi suất 10% một tháng. Do chơi với bạn mà không tìm hiểu kỹ càng nên anh không biết bạn mình bị nghiện ma túy, đam mê cờ bạc, chẳng chịu làm ăn nhưng luôn điệu bộ ra vẻ con người làm ăn chân chính. Hắn đã gạt anh mượn tiền dùm mà không hẹn ngày trả lại.

Anh đã có vợ cùng một đứa con gái xinh đẹp, hai vợ chồng anh cùng mua bán một cửa hàng nên đời sống cũng có dư chút đỉnh. Anh đã phải trả tiền lời mỗi tháng lấy từ tiền mua bán chung, nhưng sau này cô vợ biết được nên quản lý tiền chặt chẽ không cho anh lấy nữa. Túng thế không có tiền trả lãi và bị chủ nợ hăm he, chửi mắng, làm khó dễ; anh cuối cùng đành chọn giải pháp cờ bạc để có tiền trả nợ nhưng càng ngày càng lún vì tiền mẹ đẻ tiền con; anh phải vay mượn để đủ số tiền trả lãi.

Chủ nợ ban đầu cho vay lãi 10%, nhưng từ năm 2005 tên cáo già xảo quyệt, tráo trở viện lý do giấy nợ cũ bị rách nên phải làm giấy mới. Hắn ghi giấy mượn nợ mới bắt đầu từ cuối năm 2009, sau đó hắn làm đơn thưa với lý do từ lúc mượn nợ đến nay không trả cả vốn lẫn lời. Hiện giờ, anh bạn nhờ mượn nợ dùm đang bị ở tù, còn anh bạn tốt từ khi gánh nợ trên vai đã khiến tình cảm vợ chồng sức mẻ nên hai người đã ra tòa ly dị. Anh bạn tốt bây giờ đang chờ ngày xét xử, thử hỏi pháp luật phải xử lý ra sao? Vì thương bạn mà anh phải gánh nợ dùm, người bạn kia giờ đang ở tù liệu có phần nào lương tâm cắn rức?

Có bốn cái ngu mà dân gian Việt Nam thường nói là làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Tuy vậy, có rất nhiều người đã vấp ngã, thất bại trong cuộc đời nhưng nhờ bạn bè giúp đỡ mà vươn lên làm mới lại chính mình và thành công trở lại.

Gặp được người bạn tốt là một phúc duyên quý báu hiếm có, khó được nên ta cần phải trân quý và gìn giữ tình bạn cao cả ấy. Chơi thân với bạn bè ảnh hưởng rất lớn và tác động mạnh mẽ đến đời sống của chúng ta, cũng như người đi trong sương sớm lâu ngày thì áo sẽ bị ướt. Do đó, ta nên chọn bạn mà chơi, nên tìm bạn tốt để cùng nhau học hỏi, rèn luyện nhân cách đạo đức, tu dưỡng thân tâm để trở thành người tốt có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Người bạn tốt luôn biết sống điều hòa, không vui chơi hoang phí quá đáng nên nhiều người làm nên cơ nghiệp cũng nhờ từ bạn tốt. Họ luôn chân thật khuyên nhủ, ngăn cản chúng ta không làm các việc xấu ác để làm tổn hại người vật. Tuy vậy, tìm được bạn tốt để cùng nhau thân cận, học hỏi, sẻ chia, cùng nhau hướng thượng không phải là chuyện dễ. Người bạn tốt thường chân thật khuyên nhủ, ngăn cản chúng ta không nên làm các việc xấu ác để hại người tổn vật.

Cuộc sống vốn biến đổi với vô vàn ngang trái, éo le cùng những chướng duyên trong cuộc đời nên dễ làm con người rơi vào hố sâu tội lỗi bởi si ái, tham lam, thù hận. Người có phúc duyên gặp được bạn tốt hãy cố gắng trân quý, gìn giữ những tình cảm bạn bè ấy để cùng nhau tu học, tiến bước trên con đường an vui và hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát. Những người bạn tốt luôn là một phần quan trọng của cuộc sống, họ sẽ là nguồn động viên, an ủi lớn lao ngay tại đây, bây giờ và trong suốt cuộc đời các em.

Luôn gần gũi bậc hiền Thánh,
Để học hỏi những điều hay.

Thân cận người hiền tài hay các bậc Thánh nhân giúp ta học hỏi những điều hay lẽ phải mà cố gắng bắt chước thực hành theo, cũng giống người đi trong sương đêm thấy có vẻ áo không bị ướt nhưng lâu dần ta sẽ thấm nhuần nước mát từ bi của các ngài. Bậc hiền tài xưa nay hay siêng năng học hỏi và thường xuyên thân cận bậc mô phạm vĩ đại nên phần lớn đều làm nên sự nghiệp, công thành danh toại.

Thầy cô giáo ngoài đời giúp các em học hỏi, trau dồi kiến thức. Bậc hiền Thánh sẽ giúp các em rèn luyện nhân cách đạo đức để làm người tốt trong xã hội. Thường xuyên thân cận học hỏi để biết cách tu tập chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc là chất liệu tình thương giúp các em vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà sống bằng trái tim hiểu biết.

Chi tiêu đúng việc cần xài,
Không xa hoa, hay lãng phí.

Cuộc sống ai cũng phải ăn, phải mặc nền cần phải tiêu xài, sắm sửa nhưng ta phải biết tiết kiệm. Việc gì cần xài mới xài, việc gì chưa cần thì thôi. Tiết kiệm khác với hà tiện, hà tiện là bỏn sẻn, keo kiết, việc cần xài không dám xài. Ta cũng không nên xa hoa lãng phí, không tôn trọng gìn giữ của chung, của mình thì quý tiếc từng chút, của chung thì vô trách nhiệm, tuỳ tiện xài hoặc để hư hao, thất thoát. Nhiều người chứng tỏ đẳng cấp giàu sang bằng cách sắm xài hàng hiệu, sắm sửa vô bổ, trưng bày xa xỉ làm hao tiền tốn của một cách phi lý.

Việc không tốt chớ xúi người,
Việc thiện lành nên khuyến khích.

Những việc không tốt như giết hại, trộm cướp, lường gạt, nói dối các em không nên xúi bảo người khác làm. Kẻ chủ mưu làm sai và người xúi bảo cũng đồng tội như nhau. Việc thiện lành, tốt đẹp thì nên động viên, khuyến khích nhiều người cùng làm như cúng dường Tam bảo, bố thí giúp đỡ người nghèo khổ, giúp người hoạn nạn, ấn tống Kinh sách, mở bếp cơm từ thiện giúp bệnh nhân nghèo, mở lớp học tình thương giúp học sinh nghèo v.v…

Biết khen ngợi người làm tốt,
Biết khuyên nhủ người làm xấu.

Khi ai làm việc có lợi ích các em hãy nên khen ngợi, tán thán công đức, hoặc khi thấy người làm việc nghĩa cũng đồng hoan hỷ vui theo. Như có cô bé ăn mày kia một hôm thấy nhiều người khiêng gánh thức ăn, vật thực đến chùa để cúng dường Tam bảo thì sinh tín tâm hoan hỷ, tán thán việc làm có ích này. Sau đó, cô bé phát nguyện ngày nào xin được vật thực đều sẽ hoan hỷ cúng dường hết. Nhờ khởi tâm thiện lành đó mà về sau có được phước báu trở thành hoàng hậu. Ngược lại, khi gặp người làm việc xấu ác các em hãy tìm cách khuyên nhủ để người đó thức tỉnh hồi đầu, quay về với đời sống đạo đức để làm mới lại chính mình.

Không chê bai người phạm lỗi,
Nên động viên người làm thiện.

Khi ai lỡ lầm làm điều gì gây tổn thương cho người khác các em cũng không nên chê bai, dèm pha, chỉ trích, phán xét làm cho người đó dễ tự ái, có khi còn thù ghét lại mình. Trong cuộc sống cũng có nhiều Bồ tát phát tâm đi vào đời để làm những việc thiện lành, tốt đẹp nên các em hãy khích lệ, động viên mà cùng nhau làm việc nghĩa với tấm lòng của ít lòng nhiều.

Ai giúp đỡ phải nhớ ơn,
Ai gieo oán cũng chớ buồn,
Không thấy ai là kẻ thù,
Chỉ có người chưa thông cảm.

Sống ở đời khi ta khốn khó mà gặp được người ân cần giúp đỡ thì dù việc lớn hay nhỏ ta cũng phải khắc ghi, đến khi có dịp phải đền ơn đáp nghĩa. Trong cuộc sống thường người thương thì ít mà kẻ oán lại nhiều. Tuy nhiên, khi gặp việc xấu các em cũng không nên oán giận vì đó là nhân của thù hằn vay trả không có ngày thôi dứt.

Hay trách móc, giận hờn là hạnh của tất cả phàm phu. Chúng ta là người có ý thức, có hiểu biết nhờ giàu lòng từ bi nên không bao giờ có những tâm niệm nóng giận, oán hờn, thù ghét. Đức Phật ngày xưa do không giận, không hờn, không oán, không ghét dù đã bị người hãm hại nên không thấy ai là kẻ thù mà chỉ có người chưa thông cảm với nhau. Chẳng những chúng ta không thù hằn, oán giận mà còn vui vẻ thương yêu mọi người trong sự bình đẳng.

Cho và nhận phải biết rõ,
San sẻ người không mong trả.

Cái gì ta ăn cũng hết nhưng nếu cho lại còn, cũng giống như người có tiền gửi vào ngân hàng đến khi cần xài thì lại rút ra. Chúng ta san sẻ hay giúp đỡ người khi cần thiết nhưng không mong họ đền trả, bởi mong mỏi mà không được như ý thì ta sẽ càng thêm khổ đau hơn.

Không trách móc, không giận hờn,
Nhẫn nhịn nhường trong vui vẻ.
Biết cảm thông và tha thứ,
Bằng tình người trong cuộc sống.

Trong cuộc sống ai cũng có thể phạm sai lầm, chỉ nhiều hay ít mà thôi. Người có hiểu biết chân chính lúc nào cũng biết cảm thông và tha thứ. Cha mẹ mà không biết tha thứ cho con thì làm sao con cái sống được? Vợ chồng không biết tha thứ cho nhau thì làm sao sống trọn vẹn và lâu dài? Người biết cảm thông và tha thứ là người có lòng bao dung và độ lượng, luôn đem niềm vui đến cho tất cả mọi người.

Không cậy quyền, ỷ thế lực,
Tin nhân quả, biết làm lành.

Tất cả mọi mọi hiện tượng, sự vật trong bầu vũ trụ bao la này đều chịu sự chi phối của nhân quả, nói cho đủ là nhân-duyên-quả. Vậy nhân quả là gì? “Nhân” là nguyên nhân, “quả” là kết quả. “Nhân” là mầm sống, “quả” là hạt hay trái do mầm ấy phát sinh. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau, tương quan mật thiết với nhau và nương vào nhau mà có. Cho nên, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.

Một nhân không thể sinh ra quả nên tất cả mọi sự vật trong vũ trụ đều do nhiều nhân duyên hợp lại mà hình thành. Do đó, không có một nhân nào mà tác thành ra kết quả khi không có sự trợ duyên của nhiều nhân khác. Chúng ta có thể nói hạt lúa sinh ra cây lúa, nhưng trên thực tế hạt lúa chẳng sinh ra được gì nếu để nó nơi thiếu không khí, thiếu ánh sáng, thiếu đất-nước và nhân công.

Đạo lý nhân quả mang tính cách của 3 thời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi ta gieo nhân thì phải trải qua một thời gian nhất định nào đó mới trổ ra kết quả, nhanh hay chậm là tuỳ theo duyên phụ thuộc. Nhân nào quả nấy, hay còn gọi là hiện báo, tức gieo nhân liền gặt quả, như người đói bụng ăn cơm liền no. Đó là nhân quả hiện tiền, ta vừa gieo nhân là có kết quả. Loại hình nhân quả thứ hai là khi gieo nhân phải chờ một thời gian ngắn mới cho ra kết quả. Loại hình nhân quả thứ ba là khi gieo nhân phải chờ một thời gian dài kết quả mới trổ ra.

Ta lấy thí dụ như cùng gieo giống trong một ngày với 3 loại khác nhau là lúa, mía và xoài. Lúa thì trong vòng 3 tháng đến 6 tháng đã có thể thu hoạch được. Mía thì phải từ 6 tháng đến một năm. Xoài thì phải từ 2 năm đến 4 năm mới cho ra trái. Do đó, nhân quả không cố định mà có thể thay đổi được, tuỳ theo sự làm thiện và tu tập của mỗi người mà có thể thay đổi chuyển quả xấu.

Thế gian này có rất nhiều người trẻ được sinh ra trong gia đình có địa vị cao quý nhưng không biết trân trọng mà hay vênh váo tự đắc, coi ông trời bằng hạt tiêu. Chúng tiêu xài hoang phí, coi thường luật pháp, ngang nhiên bẻ cong chân lý, sống ỷ lại vào cha mẹ có chức quyền. Khi chúng phạm luật hoặc gây tạo lỗi lầm thì cha mẹ lại ngang nhiên bênh vực, xử lý ép kẻ dưới để tiếp tay giúp chúng trở thành ung nhọt của xã hội. Các em còn trẻ đã biết tin nhân quả và biết làm lành lánh dữ, không ỷ lại vào thế lực của người thân thì sẽ ngày càng hoàn thiện được nhân cách của chính mình.

Luôn kính Phật, quý trọng Tăng,
Siêng học hỏi, năng thực hành.

Chúng ta kính Phật để được học Phật, học Phật để được thành Phật mà cứu độ tất cả chúng sinh. Song, muốn thành Phật ta phải học thành người. Đó là ta biết sống có ý thức trách nhiệm cao đối bản thân, gia đình và xã hội. Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời mà còn khuyến khích chúng ta can đảm, dũng mãnh đối diện với thực tế cuộc sống; dùng trí tuệ và từ bi để chuyễn hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.