Đạo Làm Người

Thời gian cứ âm thầm trôi qua lặng lẽ, đến khi có được miếng ăn thức uống đầy đủ, nhà cửa đàng hoàng thì con người cũng bắt đầu tuổi già sức yếu. Đến lúc này chúng ta lại hay nhớ nghĩ về quá khứ mà tiếc nuối quãng đời, sự nghiệp đã qua. Khi còn trẻ ta không biết gìn giữ thân-miệng-ý cho trong sạch nên tới tuổi già ta lo lắng, sợ hãi, phiền muộn, khổ đau đủ mọi chuyện.

Mọi việc nên hư, thành bại, tốt hay xấu trong hiện đời là do mình tạo lấy bằng thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng hoạ cho ta cả.

Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là năng lực, là hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần do thân-miệng-ý của mỗi người, lâu ngày trở thành thói quen có sức mạnh lôi cuốn, chi phối và sai sử chúng ta. Những em nào siêng năng, chăm chỉ học hành rồi sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thì ta gọi là nghiệp bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo v.v…

Thân nghiệp lành có 3 yêu tố: Không sát sinh hại vật, không gian tham trộm cướp lường gạt và không tà dâm. Thân nghiệp dữ gồm 3 điều: Sát sinh hại vật, trộm cướp lường gạt và tà dâm dan díu với vợ chồng người khác.

Nghiệp thiện của miệng có 4 yếu tố: Không nói dối hại người, không nói lời thêu dệt, không nói lời đòn xóc hai đầu, không nói lời hung ác. Nghiệp ác của miệng gồm 4 điều: Nói dối, nói thêu dệt, nói gây chia rẽ, nói mắng chửi ác độc.

Ý nghiệp lành có 3 yếu tố: Không tham lam ích kỷ, không oán giận thù hằn và không si mê mờ tối. Ý nghiệp ác gồm 3 điều: Tham lam, sân giận và si mê.

Sống làm việc, biết hy sinh,
Sống giữa đời, biết phụng sự,
Sống yêu thương trong hiểu biết,
Sống hết mình vì người khác.

Khi còn trẻ ta phải biết dấn thân đóng góp vì lợi ích gia đình và xã hội, biết hy sinh tận tụy với nghề nghiệp mình đang làm, lãnh trách nhiệm nào ta phải hoàn thành trách nhiệm đó. Ta sống hết mình vì mọi người bằng sự thương yêu có hiểu biết, không câu nệ bất cứ công việc nào, miễn là có lợi ích vì cái chung.

Trước học lễ, sau học chữ,
Siêng học hỏi những điều hay.
Biết kính thầy, quý trọng bạn,
Biết kính trên, nhường người dưới.

“Tiên học lễ, hậu học văn” là phương châm giáo dục của người xưa. Tuy vậy, đến ngày nay nó vẫn giữ nguyên được giá trị thiết thực giúp các em học sinh biết cách sống làm người. “Lễ” có nghĩa là cách ứng xử trong mối quan hệ giao tiếp có văn hóa giữa người với người theo chuẩn mực đạo đức được mọi người trong xã hội chấp nhận. Chúng ta phải biết kính trên nhường dưới và biết đặt lợi ích chung lên trên hết.

“Văn” có nghĩa là chữ, là kiến thức của loài người được học hỏi, tích lũy qua nhiều thế hệ. Muốn trở thành người biết lễ nghĩa nhân cách sống thì phải học, mà học thì phải học chữ, tức là học kiến thức qua lời thầy cô giáo dạy, qua bè bạn và tự học trong sách vở. Tuy nhiên, học nhiều là để trau dồi kiến thức hiểu biết chớ không phải học nhiều là có đạo đức. Nếu một người có học mà không có phép tắc lễ nghĩa, không biết kính trên nhường dưới thì cũng được xem là hạng không có hiểu biết. Như vậy, học chữ và học lễ phải luôn song hành với nhau. Chúng tôi có hai câu đối nói về việc tu học để tự răn nhắc chính mình như sau:

Học mở rộng tầm nhìn kiến thức
Tu sửa tâm ngày một sáng trong.

Ông cha ta từ ngàn xưa đến nay đã quán triệt sâu sắc tinh thần giáo dục “tiên học lễ, hậu học văn”. Thật vậy, trong giáo dục, trong ứng xử, trong mối quan hệ giao tiếp con người phải lấy nền tảng đạo đức làm trọng.

Trong thời kỳ xã hội đang trên đà văn minh tiến bộ, sự phát triển về tiện nghi vật chất lên đỉnh cao, thì con người dường như bị giảm thiểu về phẩm chất đạo đức. Bên cạnh cuộc sống tiến bộ với đầy đủ tiện nghi, vật chất thì hình thức giáo dục lại chỉ chú trọng đến truyền đạt kiến thức mà ít chú trọng đến việc giáo dục nhân cách sống đạo đức con người.

Các em muốn học chữ trước tiên phải biết học phép tắc lễ nghĩa, kế đến mới học văn hay chữ giỏi; phải siêng năng, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, biết kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo. Ngoài việc học ở thầy các em còn phải học nơi bạn bè, gia đình, và xã hội nhưng chính yếu vẫn là tham khảo tự học.

Chúng ta kính trọng thầy mới được làm thầy, quý trọng bạn mới có bạn hiền giỏi. Ta kính trọng thầy để được học hỏi những điều hay lẽ phải vì “không thầy đố mày làm nên”. Do đó, biết kính trên nhường dưới là đạo lý chân thật luôn giúp chúng ta sống có phép tắc và biết lễ nghĩa.

Yếu tố nền tảng quan trọng của giáo dục là biết kết hợp hài hoà giữa học chữ và đạo đức. “Tiên học lễ, hậu học văn” là nguyên tắc đào tạo con người ưu việt đã có từ ngàn xưa được ông cha ta đúc kết qua nhiều thế hệ. Để đào tạo ra một người vừa có tài năng và đức độ thì vai trò của thầy cô giáo phải mẫu mực trong hai mặt tri thức và đạo đức.

Với thầy cô phải lễ phép,
Với bạn bè phải hòa hợp,
Với cộng đồng phải thuận ý,
Với mọi người biết yêu thương.

Thầy cô giáo là người dạy ta học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết. Do đó, khi gặp thầy cô các em phải cung kính, lễ phép chào hỏi. Với bạn bè các em phải vui vẻ hoà đồng, cùng nhau học hỏi, không gây chia rẽ làm mất đoàn kết lẫn nhau. Đối với sinh hoạt chung của nhà trường và cộng đồng xã hội các em phải biết giữ gìn phép tắc, thuận ý với nhau để cùng học hỏi, cùng thương yêu dìu dắt nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Biết chọn bạn kết thân tình,
Cùng giúp nhau, cùng tiến bộ,
Cùng học tập, lao động tốt,
Cùng sẻ chia vì mọi người.

Các em phải biết chọn lựa bạn tốt mà chơi, biết kết tình bằng hữu và lập ra một tổ học tập để hướng dẫn, chỉ dạy nhau và giúp đỡ những bạn còn yếu kém. Ngoài việc học các em cũng nên tham gia sinh hoạt công ích của lớp và nhà trường, phải tích cực lao động tốt mỗi khi có kế hoạch đặt ra. Các em phải cùng chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần cầu tiến và cùng nâng đỡ cho nhau bằng trái tim yêu thương có hiểu biết.

Khi học bài phải tập trung,
Học và hành phải đi đôi.

Khi học bài các em phải chú ý, tập trung, phải xoáy sâu vào việc cần học, không xao lãng theo kiểu vừa học vừa chơi là không được. Chúng ta học mục đích là để hiểu biết, để nâng cao trình độ nhận thức và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, thích hợp với hoàn cảnh cuộc sống mà dấn thân đóng góp vì lợi ích chung.

“Học” là tiếp thu kiến thức, lý thuyết từ thầy cô giáo hướng dẫn, qua sách vở và những người xung quanh; học theo thứ tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó; học phải suy ngẫm, tìm hiểu để biết rõ được giá trị và mục đích. “Hành” là quá trình áp dụng kiến thức đã học vào trong cuộc sống thực tế.

Nhiều người tuy có nhiều bằng cấp nhưng chúng chỉ là lý thuyết suông nếu thiếu sự thực hành, không có thực hành thì chỉ có lý luận suông. Các kiến trúc sư sử dụng kiến thức đã học vào việc thiết kế bản vẽ để xây dựng công trình. Các nhà nông vận dụng vốn hiểu biết vào việc cày cấy, gieo trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc.

Học và hành phải luôn đi đôi với nhau như ông bà ta đã nói, học mà không hành thì không làm được gì, hành mà không học thì cũng khó hoàn thành tốt đẹp. Học và hành luôn đắp đổi và nối tiếp nhau để đi đến thành công nên không thể tách rời nhau.

Sách nhảm nhí chẳng nên đọc,
Sách Thánh hiền phải nên xem.

Sách nhảm nhí là những loại sách khi đọc vào sẽ làm tổn thương thân tâm như các loại sách đồi trụy, những tiểu thuyết tình cảm ủy mỵ, khiêu khích chiến tranh, bạo động, hận thù. Các em chỉ nên đọc các loại sách Thánh hiền, nhất là sách về lời Phật dạy các em phải nên tham khảo, học hỏi để thấm nhuần đạo lý làm người mà sống có nhân cách đạo đức tốt, phát triển tấm lòng từ bi thương yêu bình đẳng mà hay giúp người cứu vật bằng trái tim hiểu biết.

Ăn với uống chỉ để sống,
Ăn vừa đủ, không nên quá.

Mục đích của việc ăn uống là để thân này có sức khoẻ mà làm việc nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội. Các em phải quan niệm rằng mình ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Những người sống để ăn thường hay giết các loài vật còn sống, để thỏa mãn thú ăn uống của bản thân mà đánh mất lòng từ bi của chính mình, chỉ vì muốn ăn cho sướng cái miệng mà làm cho các loài vật phải chịu khổ đau khi bị giết hại.

Do đó, chúng ta ăn vừa đủ no mà không nên ăn quá nhiều. Thời nay, bệnh béo phì là do chúng ta không khéo điều hoà trong ăn uống, nhất là các chị em phụ nữ. Ăn quá no, quá nhiều là nguyên nhân sinh ra nhiều chứng bệnh. Khi mập quá thì phải uống thuốc giảm cân, tập thể dục thẩm mỹ, mất nhiều thời gian lại hao tiền tốn của.

Không cố tâm giết hại vật,
Không xúi bảo người giết hại.

Trong các tội thì tội giết người là nặng nhất và có thể bị tử hình, lãnh án tù chung thân, hoặc nhẹ lắm cũng từ 15 cho đến 20 năm tù giam. Giết người thì có luật pháp nghiêm khắc trừng trị, giết hại các loài vật thì chưa có luật pháp ban hành; nhưng chúng ta là những người có hiểu biết nhờ tin sâu nhân quả nên không thể tự tay giết hại hay xúi bảo người giết hại, hoặc vui vẻ khi thấy người giết hại.

Hỡi các em, các người trẻ! Các em là mầm sống của bao thế hệ loài người trong hiện tại và tương lai, nên các em hãy là người sống có văn hóa, có đạo đức, có nhân cách, có hiểu biết, có kết nối, có yêu thương, có đức tính từ bi, biết tôn trọng, bảo vệ sự sống chung của muôn loài.

Các em ngay tại đây và bây giờ phải ý thức được sự khổ đau do giết hại gây ra, không giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật; bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, không khai thác phá hủy bừa bãi làm ảnh hưởng chung cho thế giới loài người. Các em không trực tiếp giết hại hay phá hủy môi trường, không xúi bảo người giết hại, không vui vẻ hay tán đồng khi thấy người giết hại dù chỉ là trong tâm tưởng.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.