Bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron từng đoạt mười một giải Oscar năm 1997, có đưa hình ảnh một vị linh mục cầm quyển thánh kinh, đứng trên tàu và cầu nguyện trước khi ông và tất cả mọi người trên tàu chìm dần xuống biển. Vị linh mục cố niệm, đọc thật to để những người xung quanh hưởng niềm an vui trước cái chết. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trên chính gương mặt của vị linh mục này lại nhăn nhó khổ sở. Như vậy, hình ảnh vị linh mục đã tạo ra chất an lạc hạnh phúc cho người khác, mặc dù tâm ông đang đau khổ. Nhăn mặt là phản ứng rất tự nhiên, nó gần như là ngôn ngữ biểu đạt đời sống nội tại mà không cần thông qua giải thích hay biện hộ.
Cũng một phản ứng hay sự phóng thích trường tâm linh của mình, mà xuất hiện hai khuynh hướng tùy theo đời sống nội tâm của từng người. Nếu là người an lạc thật sự, trường sinh học của người đó tỏa ra bên ngoài tạo thành chất liệu ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của những người đang “lâm trận”, hay những người đang dựa vào chiều thức tâm linh để có được cuộc sống an vui và hạnh phúc. Cho nên sự phóng thích đời sống nội tâm là một nhu cầu lớn, dù muốn hay không. Bởi vì điều đó mới tạo ra trường sinh học thật sự hơn là cách thức gượng gạo, giả vờ an vui hạnh phúc. Phóng thích cảm giác không thoải mái ra ngoài là một trong những cách thức để mang lại hạnh phúc về nội tại.
Như vậy, hạnh phúc theo cách nào đó là phải vượt lên trên những điều kiện hóa của sự phóng thích, vì khi phóng thích, chúng ta phải dựa vào những yếu tố. Nếu các yếu tố đó thiếu vắng thì hạnh phúc sẽ không lâu dài. Cho nên tìm kiếm hạnh phúc và sống với hạnh phúc là điều rất khó.
Theo đuổi ước mơ
Dựa trên nhãn quan, chúng ta thử khảo sát một vài tình huống thực tế để tìm kiếm nhu cầu hạnh phúc cho bản thân. Trước nhất là câu chuyện cổ dân gian Phật giáo tại Ấn Độ. Một người nông phu nghèo khó phải vận chuyển hàng hóa từ địa điểm A sang địa điểm B. Dĩ nhiên, khoảng cách giữa A và B rất xa. Anh ta chỉ có một phương tiện duy nhất để chuyên chở, đó là con lừa. Lừa là loài động vật dễ dàng vui với những cảnh bên đường. Nếu để con lừa vui theo cách mà nó muốn thì hàng hóa từ điểm A sang điểm B có thể được chuyên chở rất lâu, mất nhiều thời gian. Cho nên anh nông phu phải nghĩ ra cách thức nào đó để kiểm soát con lừa này, tức là làm cho nó đi theo hướng mà anh ta muốn. Bấy giờ anh mới đặt một bó lúa, “basmati rice”, loại lúa thơm nổi tiếng Ấn Độ, ở khoảng cách cố định hai tấc trước mõm con lừa. Mùi hương của lúa sẽ phảng phất ngay mũi nó, nó cảm thấy hân hoan với niềm ao ước ăn được bó lúa. Mục đích ăn bó lúa thúc đẩy bốn chân nó tiến lên phía trước, từng bước từng bước, ngày càng nhanh, càng nhiều, càng thôi thúc hơn.
Khi quan sát, nếu là người bàng quan hay là ông chủ trong trường hợp này, chúng ta sẽ thấy rằng con lừa đang đi vào khuynh hướng lao theo một lý tưởng, mà lý tưởng này có khoảng cách rất xa hiện thực. Khoảng cách đó là khoảng cách cố định mà nó không thể nào đạt đến được. Nhưng vì hướng tới một đối tượng, cho nên trong nó có sự thôi thúc đi đến. Cuối cùng, mục đích của ông chủ được thành tựu, có nghĩa là địa điểm A đến địa điểm B được hoàn tất. Nhưng khoảng cách lý tưởng để con lừa có thể ăn được bó lúa vẫn vĩnh viễn như vậy.
Người Ấn Độ rất thương yêu các loài động vật. Ở Ấn Độ, động vật luôn sống gần gũi với con người, hoàn toàn không có khoảng cách. Vì vậy, nhu cầu phóng sinh hầu như không có. Dĩ nhiên, người sống bằng nghề chuyên chở phải biết quí trọng con lừa. Nếu con lừa mất sức hoặc gầy yếu thì khả năng chuyên chở của nó cũng giảm thiểu và tổn thất thuộc về ông chủ. Cho nên, dù con lừa không ăn được bó lúa trong khi vận chuyển, nhưng sau khi nó vận chuyển đến đích, ông chủ vẫn phải chăm sóc bằng cách cho nó ăn những loại mã mạch có năng lượng cao hơn lúa. Thực tế, mã mạch không thơm, không ngon, nhưng có tác dụng duy trì sức lực cho con lừa về phương diện chuyên chở trong một ngày, mặc dù nó chỉ ăn một nắm.
Để có hạnh phúc thực sự, câu chuyện dân gian Phật giáo gợi cho chúng ta một điều là đôi lúc chúng ta phải sống với lý tưởng, và lý tưởng đó có khoảng cách rất lớn, một khoảng cách cố định giữa hiện thực và những điều mong đợi. Khi đạt được cái mà chúng ta cho là lý tưởng, đôi lúc chỉ là một nắm mã mạch cũng làm cho chúng ta hạnh phúc sau chặng đường phấn đấu khá dài. Phải hiểu rằng ước mơ hay việc theo đuổi ước mơ là cách thức trước tiên tạo cho chính mình một cảm giác dễ chịu. Ước mơ đó nếu chúng ta biết cách nhân rộng trở thành một đời sống lý tưởng. Lý tưởng có thể là một cái gì đó bất hiện thực, nhưng nếu bỏ đi lý tưởng này, mục đích ăn được bó lúa sẽ không hiện hữu, và dĩ nhiên, ăn được nắm mã mạch lại càng không. Cho nên chúng ta phải chấp nhận một thực tế đó là lao đến một nhu cầu lý tưởng, mặc dù nhu cầu này có thể không thật, nhưng nó là một nhu cầu cần thiết.
Đến với đạo Phật hãy nghĩ rằng những lời Phật dạy là một lý tưởng, dĩ nhiên thực hiện lý tưởng đó không phải chuyện dễ. Bởi vì, hàng ngày chúng ta làm ăn, luôn phấn đấu để ông chủ hài lòng với công việc và hiệu năng lao động của mình. Có như vậy, đời sống gia đình mới được ổn định. Chúng ta lao theo một lý tưởng và lý tưởng đó đôi lúc trở thành cái gì đó rất phấn chấn. Nhờ phấn chấn mà chúng ta quên đi mọi lao khổ hàng ngày. Cho nên, quan niệm của câu chuyện vừa nêu, theo đuổi một ước mơ đẹp là cách thức để có hạnh phúc, mặc dù hạnh phúc này và hạnh phúc chúng ta mong muốn thực sự khác xa nhau, nhưng nếu thiếu nó, đời sống của chúng ta trở nên vô vị.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm “hóa thành dụ”, đức Phật sử dụng hình ảnh cung điện tượng trưng cho những mục đích, thành quả tu tập. Bởi vì con đường từ khổ đau đến hạnh phúc có khoảng cách cố định. Việc đi trên con đường dài này dễ làm người ta nản chí, mỏi mệt và bỏ cuộc nửa chừng. Đức Phật dùng phương pháp “hóa thành dụ” dẫn dắt chúng sinh nghĩ rằng trình độ tâm linh nhất định nào đó mình đã đạt được. Sau thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái, đức Phật mới nói đây chỉ là một cảnh giới, là một phần ba con đường hạnh phúc thật sự. Vì sức khỏe đã được phục hồi nên người ta dễ chấp nhận tiếp tục đi đến chặng thứ hai, thứ ba và cuối cùng đạt đến đích điểm thật sự lý tưởng.
Lý tưởng tu tập là phương tiện cần thiết mà nếu thiếu nó, khó có thể đạt hạnh phúc lâu dài. Cần phải đặt ra những tiêu chí lý tưởng, chẳng hạn người tại gia phải đặt tiêu chí cho người bạn đời, cho con cái. Nhờ đặt tiêu chí, chúng ta mới có cách đi từng bước vững chắc, đạt được đến mức độ nào thì hạnh phúc sẽ có mặt ở mức độ đó.
Biết thỏa mãn ước mơ
Đức Phật thường nói “một trong những nỗi khổ đau lớn nhất của con người là ‘cầu bất đắc’”. Dù là ước mơ thanh tao, trang nhã và lương thiện, nhưng đôi lúc không thành tựu, sự thất bại của ước mơ sẽ làm cho con người chán nản. Nếu sự thất bại cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, bấy giờ con người có phản ứng trốn chạy. Cho nên, thỏa mãn ước mơ có thể đem lại hạnh phúc, mặc dù ước mơ đó thấp hay phương tiện, nó cũng biểu hiện bên ngoài, giống như chặng đường thứ nhất, thứ hai cần vượt qua.
Thực tế vốn phức tạp và nhiều mâu thuẫn, có những ước mơ khi đạt được lại không làm cho con người hạnh phúc, mà ngược lại khổ đau sẽ dồn dập nhiều hơn.
Thi hào Goethe là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng châu Âu. Ông đem lòng thương yêu cô bạn cùng lớp, dù biết rằng cô đã có chồng. Tình thương yêu một cách chung thủy, đơn phương, khiến anh ta gần như đặt hết cuộc đời mình vào cô nàng nhưng không được cô đáp lại. Nhiều lúc anh muốn bộc lộ, thể hiện, truyền đạt thông tin tình yêu của mình nhưng có khoảng cách gì đó khiến anh chựng lại. Đôi lúc anh mạnh dạn thể hiện tình cảm, nhưng bị phản ứng. Cô nàng, khi thấy anh bạn vượt mức giới hạn tình bạn, trở thành tình yêu, cô hoảng hốt về kể với chồng cũng là bạn thân của Goethe.
Anh chồng là người tế nhị, sâu sắc, đời sống nội tâm phong phú nên đã đến rủ Goethe đi chơi. Trong lúc cùng ngồi uống cà phê, anh chồng mới nói: “Có một anh Goethe nào đó đã đem lòng thương vợ tôi. Tôi nghĩ, nếu là Goethe thật sự thì anh ta sẽ không yêu vợ tôi. Còn nếu yêu vợ tôi, anh ta sẽ không còn là Goethe nữa”. Khi đó Goethe trả lời: “Anh Goethe đó quá dở! Nếu tôi là anh Goethe đó, tôi chẳng những sẽ yêu công khai mà còn tìm cách chinh phục biến cô ấy trở thành vợ mình cho anh chồng biết tay”. Cuộc đối thoại chỉ là cuộc nói chuyện qua loa để hai bên đỡ ngỡ ngàng với nhau khi cả hai phía đều bật đèn đỏ thầm yêu cầu đối phương hãy dừng lại. Tuy nhiên, khi trở về, tâm trạng Goethe trở nên buồn rầu đau khổ. Anh nghĩ rằng anh không còn cơ hội truyền đạt thông tin tình yêu. Anh bèn viết một tác phẩm mang tên “Nỗi đau của chàng Werthers”. Werthers, tên nhân vật chính trong truyện, đem lòng thương yêu một cô gái đã có chồng tên là Lohtéa. Chìm đắm trong những đam mê tình ái của bản thân, chàng đã sớm tự kết thúc đời mình bằng cái chết bi thảm và tuyệt vọng.
Câu chuyện vẽ lên một khung cảnh ảm đạm, một bức tranh lý tưởng, lãng mạn và kết thúc bằng cái chết. Chết vì tình yêu, chết vì lý tưởng, thể hiện trọn vẹn cho người mình yêu. Thanh niên châu Âu, sau khi đọc tác phẩm, có khuynh hướng chọn con đường tự tử khi tình yêu của mình không trọn vẹn. Làn sóng tự tử gây ngạc nhiên với những nhà phê bình văn học. Họ nói: “Chưa có một cô gái nào đẹp như Lohtéa trong truyện của Goethe khiến nhiều thanh niên say mê đến độ kết thúc đời mình. Tuy nhiên, có một điều chúng ta cảm thấy ngạc nhiên, đó là bản thân cô Lohtéa lại sống đến cả trăm năm”. Goethe muốn chết một cách chung thủy với người tình đơn phương của mình, và ông đã thể hiện nó qua tiểu thuyết. Thực tế, ông đã thành công trong việc làm cho hàng loạt thanh niên mới lớn với mối tình đầu nháng lửa phải chọn lý tưởng thỏa mãn điều ông đưa ra, nhưng bản thân ông thì không dám thực hiện.
Trong tình yêu, nếu nói theo góc độ Bồ Tát Đạo, yêu một chiều, yêu trọn vẹn, thủy chung một ai đó là điều tốt, yêu mà chẳng được yêu, cho thì nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Đó là lý tưởng mà rất nhiều người cho là hạnh phúc. Nhưng nếu phân tích từ chiều sâu của tâm lý, họ là những người rất khổ đau. Vì tình yêu đó không được nói bằng ngôn ngữ, không được biểu đạt bằng hành động mà nó bị giam nhốt trong sự khép kín, bị ràng buộc bởi phong tuc, tập quán, văn hóa, truyền thống và phong cách cá nhân. Thỏa mãn điều này thì vi phạm luân thường đạo đức, nhưng không thỏa mãn thì đời sống khổ đau chất chứa.
Bản chất hạnh phúc không lệ thuộc vào ước mơ, nó lệ thuộc vào bản chất của ước mơ hay nội dung của ước mơ. Nếu nội dung của ước mơ đẹp cho bản thân và cho người khác, đẹp ở hiện tại và đẹp ở tương lai, thì nó được đạo Phật quan niệm là hành động thiện. Như vậy, theo đuổi ước mơ, hoàn thiện ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực chính là hạnh phúc. Ngược lại nó sẽ trở thành khối của phiền não. Thử đặt giả thuyết, nếu Goethe hay Werthers trong truyện, đạt được ước mơ chinh phục thành công trái tim của người anh ta yêu thì đồng nghĩa trái tim đó sẽ quay lưng lại với trái tim của người chồng. Như vậy, hạnh phúc của người A trong trường hợp này sẽ biến thành nỗi khổ đau của người B, và sự thỏa mãn ước mơ của người A sẽ trở thành nỗi khát vọng hay một điều gì đó đi ngược lại với thực tế của người B.
Hạnh phúc theo đuổi ước mơ phần lớn mang những chất liệu của mâu thuẫn, va chạm, xung đột và dẫn đến đổ vỡ trong cuộc đời. Quan niệm của nhà Phật khác với quan niệm của thế nhân ở chỗ một ước mơ đẹp được hoàn thiện chưa chắc mang lại hạnh phúc, nếu nội dung của ước mơ đó đi ngược đạo lý nhân quả mà đức Phật đã đưa ra. Dĩ nhiên, đạo lý nhân quả mà đức Phật đưa ra với chiều thức rất khách quan, ai cũng có thể chấp nhận được trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống và mọi thời đại. Nó không bị ảnh hưởng bởi không gian vật lý và chiều kích của thời gian tâm lý.