Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương II

Có tài sự nghiệp

Gia tài, sự nghiệp, tên tuổi, tài sản, tiền bạc nói chung là những  thứ vật chất chúng ta có được từ mồ hôi, nước mắt, công sức hợp pháp,  hợp đạo đức, và hợp với tôn chỉ Phật dạy. Những sự thu hoạch đưa chúng  ta đến với cuộc sống tương đối đầy đủ, nhưng thực tế không phải ai cũng  biết sử dụng cái sở hữu đó. Rất nhiều người càng có nhiều sở hữu càng  bán đứng hạnh phúc của mình bởi nỗi lo, những thói quen xấu, những  khuynh hướng hưởng thụ và bởi tâm lý sợ mất nó, tất cả đều dẫn đến hệ lụy nhất định. Đạo Phật dạy chúng ta gieo trồng phước báu, nhờ đó có được sở hữu hợp pháp, tuổi thọ. Sự bền lâu của nó đối với chúng ta mới được đảm bảo. Nếu việc sở hữu hóa không hợp pháp dẫn đến thường trực  những nỗi lo. Trong kinh, đức Phật đề cập đến bốn tình huống về vấn đề tài sản và sự xử lý nó:

1. Người giúp đỡ có nghiệp đen, người tiếp nhận có nghiệp trắng.

2. Người giúp đỡ có nghiệp trắng, người tiếp nhận có nghiệp đen.

3. Người giúp đỡ và người tiếp nhận có nghiệp đen.

4. Người giúp đỡ và người tiếp nhận có nghiệp trắng.

Sử dụng các sở hữu vật chất dẫn đến bốn tình huống nếu chúng ta xem đối tượng tặng biếu và đối tượng tiếp nhận là một mối tương quan xã hội. Tình huống một, người tặng biếu các sở hữu vật chất có nguồn gốc từ những nghề nghiệp và hành động phi pháp, thì việc hiến cúng hay giúp đỡ này được xem là không hợp luật pháp nhà Phật. Dĩ nhiên nó vẫn tương đối  tốt hơn so với tình trạng kẻ có tài sản sở hữu phi pháp mà chỉ biết ăn  chơi, không biết làm phước cho cộng đồng nói chung.

Tình huống thứ hai là tài sản sở hữu hợp pháp và người hiến cúng nó  phát tâm nhưng không may do vì thiếu tư vấn cho nên hiến cúng, biếu tặng cho những đối tượng, những nơi mà người tiếp nhận hầu như không có đời  sống đạo đức, không sử dụng những phương tiện này vào mục đích chân  chính thì quả phúc báo của nó cũng không đảm bảo.

Tình huống thứ ba, những tài sản phi pháp làm một cách lừa dối, lách  luật và người hiến cúng không có đời sống phẩm hạnh đạo đức, người tiếp  nhận cũng như thế thì việc hiến cúng này hoàn toàn không có kết quả. Mặc dù nhân quả của nó vẫn trổ bình thường, nhưng kết quả về phương diện xã hội được xem là không có.

Tình huống thứ tư là tình huống lý tưởng. Sử dụng tài sản hợp pháp  cho mục đích hợp pháp với đối tượng được giúp đỡ cũng hợp pháp thì số tài sản sở hữu đó sẽ biến thành nguồn phước báu cho bản thân. Đây là quy chuẩn rất tốt cho tất cả chúng ta cùng noi theo. Nói cách khác, thông  qua lời dạy này, chúng ta có thể thấy đức Phật luôn khích lệ những người tại gia cần có nhiều phước báu sở hữu, nhưng đừng nên chấp sở hữu. Do đó, có mọi phương tiện đủ đầy đồng nghĩa có phước báu, vấn đề ở chỗ chúng ta sử dụng phước báu này như thế nào để ngày càng lớn mạnh, chứ không nên để nó ngày càng bị hủy diệt. Tài sản tạo ra khó, nhưng mất thì rất dễ. Cũng trong kinh Tăng Chi, đức Phật nêu ra bốn cửa ngõ làm cho tài sản bị sụp đổ một cách nhanh chóng:

1. Sắc dục vô độ, đa thê, đa phu, không thỏa mãn hài lòng với khế ước hôn nhân hợp pháp, có những mối quan hệ ngoài hôn thú. Tài sản chu cấp  cho người thứ ba luôn cao, do đó xác suất phá sản cũng tỷ lệ thuận.

2. Rượu chè, ma túy, hay nhiều hình thức biến dạng của chúng. Tiền  chi tiêu vào nỗi đam mê này khá cao, ngay cả khi nhận thức, hồi đầu cũng rất tốn kém cho quá trình cai nghiện nhưng không phải ai cũng dễ dàng  thành công.

3. Cờ bạc, trong kinh không dùng từ “Bác thằng bần” nhưng  lại dùng hình ảnh hết sức ấn tượng, đó là hố sâu của sự sụp đổ. Trong cờ bạc, tất cả đều thua, có điều là thua trước hay thua sau, nhanh hay  chậm. Vốn nhiều thua sau, vốn ít thua trước. Vực thẳm này không có điểm  tựa để vươn lên trong cuộc đời. Tình trạng thua lỗ nhiều dẫn đến trộm  cắp, và các hành động phạm pháp, thậm chí quyên sinh vì chán nản thất  vọng.

4. Tiêu xài một cách hoang phí

Tóm lại, có sở hữu tài sản, có con cái, gia đình sự nghiệp mà không  biết giữ, đồng nghĩa làm cho đời sống hạnh phúc này mất đi những giá trị về chất lượng. Cho nên tu theo Phật thì cố gắng làm sao duy trì hạnh  phúc và niềm an vui. Muốn như thế, chúng ta phải hiểu rõ nguyên lý về vô ngã và vô thường.

Vô thường vô ngã

Vô thường là sự thay đổi thông qua tiến trình của thời gian. Mọi thứ không còn ở ngay điểm mà chúng ta mong ước. Tùy vào tính điều kiện, nó  có thể thay đổi tốt hơn hay tiêu cực hơn. Thấy rõ được như thế thì khi  những biến thiên xảy ra trong cuộc đời ảnh hưởng đến tài sản và bản thân mình, chúng ta không khổ đau và biết tìm cách khống chế, cụ thể hơn là  làm chủ được cảm xúc, không để lại bất kỳ phản ứng tiêu cực nào do sự đè nén hay do gắng gượng mà vốn nó không phải là giải pháp.

Vô ngã là mọi thứ diễn ra trong cuộc đời như một dòng chảy, như phản ứng của nghiệp, và như một quy luật tất yếu trong tự thân. Chúng ta  không cần bận tâm nó đến với mình, mặc dù dĩ nhiên về phương diện luật  pháp, hiện thực, nó đang đến với chúng ta, người thân, gia tài, sự nghiệp, sở hữu nhưng chúng ta vẫn nghĩ rằng, quy luật đó là của chính  nó. Không nên để mình vướng kẹt vào tiến trình này, mặc dù chúng ta vẫn  là người rất có trách nhiệm. Nhà cháy, tài sản lụt trôi, hoa màu bị thời tiết phá hoại v.v… tất cả những thiên tai hay tai nạn do chính con  người tạo ra ảnh hưởng đến bản thân và sở hữu không làm cho chúng ta khổ đau, bởi vì sự khổ đau trong tình huống này đồng nghĩa với nhân bế tắc, bất hạnh gấp nhiều lần.

Cho nên vô thường, về phương diện thời gian, đối với vật sở hữu nên được khép kín lại tại đó, đừng để nó ảnh hưởng đến dòng cảm xúc và bản  chất hạnh phúc của chúng ta. Đức Phật nói làm được như thế là chúng ta đang sống với hạnh an vui trong sở hữu. Sở hữu nhiều hay ít không quan  trọng, nó tồn tại hay không tồn tại cũng không phải là vấn đề quá bận  tâm đến độ như là nỗi ám ảnh. Phước nhiều chừng nào chúng ta sử dụng cho việc thiện, việc tích cực nhiều chừng đó. Nếu nó không còn thì cũng  không vì thế mà thất điên bát đảo.

Nếu biết áp dụng phương pháp trị liệu này trong khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ tháng 07/2007 đến tháng 01/2009, thì có lẽ rất nhiều người đã không chết oan, chết tuyệt vọng, hay trở thành người điên dại lao đầu vào những cuộc ăn chơi, vì nghĩ rằng cuộc đời của mình kết thúc.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.